Một cựu Tướng Việt Nam Cộng hòa vừa có bài viết về các cố gắng của cộng đồng Việt Nam hải ngoại nhằm đòi chủ quyền hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa 'của Việt Nam'.
Trong bài viết 'Người Việt hải ngoại thách thức đòi hỏi chủ quyền đảo của Trung Quốc' hôm 11/6 trên trang web New America Media, tướng Lâm Quang Thi cũng cáo buộc chính quyền Hà Nội để mất lãnh thổ.
Tướng Thi nói hôm 11 tháng Năm vừa qua, chưa đầy 10 ngày trước khi qua đời ở California, thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Bá Cẩn đã nhân danh cộng đồng người Việt hải ngoại trình lên Liên Hiệp Quốc bộ hồ sơ trong đó có ranh giới thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Biển của tổ chức này.
Bộ hồ sơ mà vị cố thủ tướng trình lên được chuẩn bị với sự giúp đỡ của các chuyên gia về luật quốc tế và có những bằng chứng lịch sử và địa lý đi kèm để thiết lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa, theo lời Tướng Thi.
Hồ sơ khẳng định việc Bắc Việt Nam chiếm miền Nam không có nghĩa là các hiệp ước quốc tế mà Nam Việt Nam ký trước đó không còn hiệu lực.
Tướng Thi cũng nhắc tới chuyện Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến đẫm máu với lực lượng Nam Việt Nam hôm 19 tháng Một năm 1974, hơn một năm trước khi Sài Gòn sụp đổ.
'Thuộc về Việt Nam'
Vị cựu tướng Việt Nam Cộng hòa nói năm nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Trung Quốc hiện đang đều đòi chủ quyền đảo Trường Sa nhưng cho tới nay Trung Quốc là nước duy nhất từng dùng vũ lực để chiếm đảo.
Họ đang chiếm giữ năm đảo sau trận hải chiến với Việt Nam hôm 14 tháng Ba năm 1988.
Tướng Thi cáo buộc Hà Nội để mất đất, mất đảo và nói rằng thay vì "triều cống bằng đá quý, vàng và ngà voi'' như xưa nay chính quyền trong nước "dùng nhân nhượng lãnh thổ cùng với quyền đánh cá và dự trữ dầu tiềm năng.''
Các cáo buộc dạng này đều đã bị chính phủ trong nước nhiều lần bác bỏ. Hà Nội luôn khẳng định không có chuyện "nhượng bộ" chủ quyền.
Tướng Thi nói Hoàng Sa cách Việt Nam 135 hải lý và cách Trung Quốc 235 hải lý trong khi Trường Sa cách cảng Cam Ranh 250 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 310 hải lý và dựa vào điều này cả hai đảo phải thuộc về Việt Nam.
Ông cũng nói bản đồ Hồng Đức vẽ giữa những năm 1460 và 1497 dưới thời vua Lê Thánh Tôn và đặc biệt là hiệp ước Pháp - Thanh 1885 đều cho thấy hai hòn đảo thuộc về Việt Nam.