Sau giới trí thức văn nghệ sĩ trong và ngoài nước,
sau Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đến lượt các nhà tài trợ cảnh báo chính
quyền Hà Nội về những tác hại của kế hoạch khai thác bauxite ở Tây
Nguyên.
Nhân Hội Nghị giữa kỳ mở ra trong hai ngày thứ hai và thứ ba
08-09/06/2009 tại Dak Lak, các quốc gia và định chế tài trợ cho Việt
Nam đã công khai lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội thận trọng trong
việc thực hiện kế hoạch khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên. Đối
với các nhà tài trợ, kế hoạch này có nguy cơ tác hại nặng nề đến môi
trường và đời sống cư dân trong khu vực.
Hàng ngàn cư dân Tây Nguyên sẽ bị di dời đi nơi khác
Trả lời hãng thông tấn Đức DPA vào hôm nay, ông Peter Lysholt Hansen, đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam xác định :
''Theo các thông tin chúng tôi nắm được, thì hàng ngàn người sẽ bị di
dời đi nơi khác để giải phóng diện tích dùng cho việc khai thác quặng
mỏ''. Vì lý do đó, đại sứ Đan Mạch nói tiếp : ''Chúng
tôi đã yêu cầu chính phủ Việt Nam cho biết thêm về những kế hoạch tái
định cư và bảo đảm cuộc sống cho những người bị buộc phải tản cư đi nơi
khác đó''.
Nhân cuộc phỏng vấn này, ông Peter Lysholt Hansen xác nhận là cộng
đồng các quốc gia và định chế tài trợ cho Việt Nam cũng yêu cầu chính
quyền Hà Nội bảo đảm là sẽ giảm nhẹ tác hại của kế hoạch khai thác nhôm
đối với môi trường vùng Tây Nguyên.
Trong Hội nghị giữa kỳ của các nhà tài trợ vừa diễn ra, đại sứ Na Uy
Kjell Storlokken cũng đã cảnh báo chính quyền Việt Nam là phải thận
trọng trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của
nước mình. Được các nhà tài trợ cử làm đại diện đi thị sát các khu vực
khai thác bauxite trên Tây Nguyên trong thời gian gần đây, ông Kjell
Storlokken đã nhấn mạnh đến mối quan tâm của họ về nhu cầu phát triển
bền vững của các sắc dân thiểu số trên vùng Cao Nguyên miền Trung.
Theo ông, công việc khai thác bauxite cần được ''chỉ đạo một cách cẩn thận'', sao cho người dân Tây Nguyên được hưởng lợi một cách "công bằng và đầy đủ''. Đại sứ Na Uy còn nói thêm : ''Điều
quan trọng là cần dồn mọi nỗ lực vào việc hạn chế cái giá phải trả của
việc khai thác quặng mỏ về mặt môi trường, và giảm thiểu tác hại của
công việc này đối với môi trường chung quanh, nhằm bảo vệ các di sản để
lại cho các thế hệ sau".
Việt Nam cũng công nhận các hiểm họa
Theo hãng DPA, trong Hội nghị, đại diện chính quyền Việt Nam là ông
Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tìm cách trấn an giới
tài trợ, khẳng định rằng chính quyền đã ''chuẩn bị kỹ lưỡng'' kế
hoạch này, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và hạn chế đến mức tối thiểu
tác hại đến mội trường và xã hội. Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam
cũng công nhận hiểm họa của đề án bauxite Tây Nguyên.
Các nhà tài trợ cho Việt Nam như vậy đã ghi tên mình vào danh sách
càng lúc càng dài của những cá nhân hay tập thể đã lên tiếng cảnh báo
chính quyền Việt Nam trước hiểm họa tiềm tàng của kế hoạch khai thác
bauxite trên Tây Nguyên. Trong số những người lên tiếng được công luận
hết sức chú ý là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã ba lần yêu cầu chính quyền
đình chỉ kế hoạch khai thác bauxite trên Tây Nguyên. Những lời cảnh
giác này trong những ngày qua như đã được chính Bộ Tài Nguyên và Môi
trường công nhận là hợp lý.
Trong một bản tin công bố hôm qua, tờ Thanh Niên trên mạng tiết lộ
là trong một bản báo cáo đệ trình Quốc Hội Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và
Môi trường đã cho rằng hai dự án khai thác bauxite đang tiến hành ở Tân
Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đak Nông) có thể làm đảo lộn hệ sinh thái
trong vùng, vì hủy diệt một mảng rộng lớn của hệ thực vật tại chỗ.
Mặt khác, việc xử lý kém cỏi bùn đỏ phát sinh từ việc trích nhôm từ
quặng bauxite cũng có thể làm các mạch nước ngầm bị nhiễm độc, trong
bối cảnh trữ lượng nước ngầm trên vùng Tây Nguyên rất hạn chế. Hiện
tượng khan hiếm nước còn thêm nghiêm trọng do tình trạng khô hạn dai
dẳng. Theo bản báo cáo, lượng nước có sẵn trên Tây Nguyên có thể sẽ
không đủ để cung ứng cho hai đề án khai thác quăng nhôm ở Lâm Đồng và
Dak Nông.