Lần đầu tiên một tàu thăm dò của hải quân Hoa Kỳ được phép tìm kiếm nhân đạo trong hải phận Việt Nam.
Sự kiện này được giới bình luận nhìn nhận như một 'bước tiến lớn' có tính toán của Hà Nội, nhất là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông.
Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho hay tàu khảo sát đại dương USNS Bruce C. Heezen đã được triển khai vào ngày 11/06 để thực hiện các hoạt động tìm kiếm ngoài khơi Việt Nam.
Đây là một trong các nỗ lực "mở rộng quy mô của sự hợp tác lâu dài về tìm kiếm người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong Chiến tranh Việt Nam".
Thông cáo viết: "Mặc dù các tổ tìm kiếm chung Mỹ-Việt đã điều tra và thậm chí đã khai quật các địa điểm dưới nước ngoài khơi Việt Nam, sử dụng các thuyền của Việt Nam, song đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép sử dụng một tàu hải quân Hoa Kỳ cho công tác tìm kiếm dưới nước".
Bình luận về việc này, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận xét: "Trong quá khứ, việc Hà Nội tỏ ra nhạy cảm trước các nỗ lực tìm kiếm ngoài khơi đã khiến Việt Nam từ chối không cho tàu hải quân Mỹ được hoạt động trong hải phận của mình".
"Động thái mới này là một bước tiến lớn."
Thông cáo của sứ quán Mỹ viết tàu USNS Bruce C. Heezen "với thủy thủ đoàn dân sự, được thiết kế để phục vụ các công tác hải dương học ở các vùng duyên hải và biển sâu và hết sức phù hợp cho việc phát hiện các địa điểm máy bay rơi trên thềm đại dương".
"Hàng trăm máy bay và phi công Mỹ vẫn còn thuộc diện mất tích ở các vùng biển duyên hải Việt Nam, và Hoa Kỳ hy vọng việc bổ sung con tàu sẽ giúp tăng cả tốc độ lẫn hiệu quả của công tác tìm kiếm các địa điểm dưới nước."
Thông cáo không cho biết rõ địa điểm hoạt động của USNS Bruce C. Heezen.
Bước tiến mới
Tàu này được biết đã từng cập cảng Đà Nẵng lần đầu hồi tháng 10/2007 sau một thời gian làm công tác thăm dò thủy văn trên thềm lục địa Việt Nam.
Các khoa học gia Việt Nam lúc đó đã cùng các chuyên gia trên tàu đưa ra một bản đồ thủy văn chi tiết vùng cảng Đà Nẵng.
Tuy việc tìm kiếm các địa điểm máy bay Mỹ rơi là hoạt động, quyết định của Việt Nam cho phép tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong hải phận của mình, cho dù với thủy thủ đoàn dân sự, là quyết định chính trị.
GS Carlyle Thayer
USNS Bruce C. Heezen là tàu thăm dò hải dương học hạng Pathfinder, một trong 25 tàu trong Chương trình Đặc nhiệm của Hạm đội Hải vận (Military Sealift Command) của Hoa Kỳ. Hạm đội này cũng vận hành tàu thăm dò USNS Impeccable, từng đụng độ với tàu Trung Quốc trong vùng Biển Đông hồi đầu tháng Ba năm nay.
Giáo sư Carlyle Thayer nhận định: "Tuy việc tìm kiếm các địa điểm máy bay Mỹ rơi là hoạt động, quyết định của Việt Nam cho phép tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong hải phận của mình, cho dù với thủy thủ đoàn dân sự, là quyết định chính trị."
"Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực MIA/POW luôn ghi thêm điểm cho Hà Nội tại Washington, thế nhưng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong bối cảnh Trung Quốc đang gây áp lực lên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông."
Gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác hải quân.
Mới nhất là việc quan chức quân sự cao cấp của Việt Nam vừa có chuyến viếng thăm lần đầu tiên tới một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Hàng chục sĩ quan cao cấp của Việt Nam đã thăm chiến hạm USS John Stennis hôm 22/04.
Trước đó, chỉ hai ngày sau vụ tàu Impeccable, đô đốc Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ Robert F. Willard đã thăm Việt Nam để bàn về hợp tác hải quân hai bên và tình hình an ninh Biển Đông.
Trong một diễn biến khác,Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, Đại tướng Carrol H. Chandler vừa có chuyến thăm Việt Nam từ 10-13/06.