Thứ Hai, 2025-01-20, 8:46 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 15 » Nếu anh không đốt lửa
12:56 PM
Nếu anh không đốt lửa

Lê Minh

Trưa hôm qua 13/06/2009, lúc 11g sáng giờ Việt Nam, lực lượng công an của Cục Bảo vệ An ninh văn hóa-tư tưởng (A25) thuộc Tổng cục I (tức là Tổng cục An ninh Nhân dân, trước đây gọi là Tổng cục Phản gián) đã khám xét văn phòng và bắt Luật sư Lê Công Định ngay tại văn phòng của ông là Văn phòng Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định tại số 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, Sài Gòn.

Báo Công An Nhân Dân Online đã đưa tin đầu tiên, cho biết LS.Lê Công Định bị bắt theo Điều 88 – Bộ Luật hình sự vì “đã có những hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam”. Trong khi đó, tờ SGGP Online thì dùng ngôn từ “mạnh tay” hơn là “đã có hành vi câu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngoài ra hàng loạt các tờ báo lớn nhỏ khác cũng được chỉ thị đưa tin này. Riêng VietNamNet có đăng tải nhiều thông tin hơn, đã dẫn lời của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục I Trung tướng Vũ Hải Triều cáo buộc LS. Lê Công Định là “thành viên chủ chốt” của hai đảng đối lập “Đảng Lao Động” và “Đảng Xã Hội” có mục tiêu hoạt động lật đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam.

Điều 88 - Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm:

a). Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b). Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c). Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Nói chung lại, các tội danh mà Luật sư Lê Công Định bị cáo buộc được gom vào 3 nhóm: Cổ súy dân chủ nhân quyền, đa nguyên đa đảng; Lên tiếng vụ Bauxite ở Tây Nguyên; và tham gia vào các tổ chức chính trị đấu tranh bất bạo động.

Cổ suý cho một nhà nước pháp quyền

Được biết, LS.Lê Công Định từng gởi đăng nhiều bài trên trang website BBC, cổ súy cho một nhà nước pháp quyền, đa nguyên đa đảng. Trong bài viết “Nhà nước pháp quyền hay Nhà nước pháp trị?“, anh nhấn mạnh rằng để có một nhà nước pháp trị thì phải có Tam quyền phân lập, và Thượng tôn luật pháp.

Trong bài “Tại sao không nên sợ ‘đa nguyên’”, anh dẫn chứng những thành công về đa nguyên trong kinh tế và kết luận rằng đa nguyên này không những không làm mất đi “độc lập chủ quyền” về kinh tế của đất nước, mà còn làm giảm đi sự lệ thuộc kinh tế vào khối XHCN. Từ đó anh đã cổ súy cho việc đa nguyên trong chính trị và gợi ý những mô hình thích hợp.

Vào những thời điểm này, anh đang là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Sài Gòn.

Lên tiếng vụ Bauxite ở Tây Nguyên

Ngay khi vụ “dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam” bùng nổ, LS.Lê Công Định đã tích cực ghi tên vào bản “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam“. Gần đây nhất anh cũng lên tiếng mạnh mẽ đối với vấn đề này qua bài “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay“. Trong bài này anh đã sử dụng nhiều tài liệu lịch sử hiện đại, và đặc biệt là tập hồi ký “Bên dòng Lịch Sử, 1940-1965” của Linh mục Cao Văn Luận, để “giúp” các nhà nhà lãnh đạo CSVN có cái nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của Tây Nguyên. Đặc biệt là anh đã kính trọng gọi cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm là “nhà cách mạng khả kính tại Việt Nam” bởi vì “cụ Ngô Đình Diệm xem chừng rất quan tâm đến lợi ích, chủ quyền và thể diện của quốc gia”.

Sở dĩ LS.Lê Công Định đã có cách đánh giá như vậy là vì TT.Ngô Đình Diệm đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại vấn đề “Hoàng Triều Cương Thổ” với nhiều ưu tư và lo lắng, vì nhận ra âm mưu của thực dân Pháp trong việc chia cắt và cai trị Việt Nam lâu dài qua việc sử dụng vùng Tây Nguyên để kiểm soát và khống chế Việt Nam, và từ đó kiểm soát 3 nước Đông Dương. “Hoàng Triều Cương Thổ” chỉ là cái tên trá hình để gọi một cách tách biệt vùng Tây Nguyên, trong một âm mưu chia cắt và chiếm giữ lâu dài của thực dân Pháp.

Với suy nghĩ của một nhà trí thức yêu nước, trằn trọc với những lo toan cho tương lai của Tây Nguyên, sau khi đọc đi đọc lại việc nghiền ngẫm hồi ký “Bên dòng Lịch Sử, 1940-1965”, đã khiến LS.Định có một “tâm trạng bàng hoàng” bởi vì anh cho rằng “chuyện của hơn 60 năm trước đây thật chẳng khác lắm so với vấn nạn của ngày hôm nay”.

Anh cho rằng lịch sử đã lập lại khi đem so sánh câu chuyện “Hoàng Triều Cương Thổ” của thực dân Pháp đặt ra vào 60 năm trước với câu chuyện để Trung Cộng khai thác Bauxite ở Tây Nguyên ngày hôm nay do tâp đoàn lãnh đạo CSVN gây ra.

Điều này khiến anh liên tưởng đến các tấm gương xấu trong lịch sử như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, nhưng anh lại “cầu mong rằng điều đó sẽ không xảy ra” và sẽ không có “những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc”.

Với lối so sánh nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, không quy chụp khi anh để cho tập đoàn CSVN một cơ hội để thức tỉnh, vì anh “cầu mong rằng điều đó sẽ không xảy ra”. Nhưng rất tiếc, điều đó đã và đang xảy ra vì tập đoàn lãnh đạo CSVN đã đi từ dâng đất, nhượng biển Đông, nay lại tiếp tục để cho Trung Cộng vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên và những nơi khác, bất chấp những lời can ngăn về những hậu quả tai hại và lâu dài cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Tham gia vào các tổ chức chính trị đấu tranh bất bạo động

Theo cáo giác của Trung tướng công an Vũ Hải Triều, ngoài việc tham gia vào các tổ chức “phản động”, LS.Định còn tham gia vào việc soạn thảo “Tân Hiến Pháp” cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Được biết Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh nhân thành công, trạc tuổi với LS.Định, là Tổng giám đốc công ty OCI chuyên kinh doanh dịch vụ viễn thông qua internet, từng được Tạp chí Công nghệ Thông tin Truyền Thông-Viễn Thông viết bài ca ngợi. Ông Trần Huỳnh Duy Thức tốt nghiệp khoa Công Nghệ Thông Tin tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn năm 1990, và sau đó cùng với Lê Thăng Long lần lượt lập ra các công ty EIS, và One - Connection Internet (OCI). Để bắt người doanh nhân có tiếng tăm này, hôm 23/5 vừa qua, công an đã đưa ra cái lý do rất mơ hồ để buộc tội ông Thức là đã “kinh doanh trái phép loại hình điện thoại gọi từ các nước Mỹ, Australia, Canada... gọi về Việt Nam”, trong khi lý do được chính công ty OCI giải thích rất rõ ràng trên trang web của công ty OCI thì có nhiều khác biệt.

Được biết LS.Lê Công Định là một luật sư có tiếng tăm trong nước. Anh từng đại diện phía Việt Nam tham gia vào vụ kiện Cá Basa tại Mỹ, đại diện luật pháp cho hãng Hàng Không Vietnam Airlines trong các phi vụ mua bán máy bay Boeing và Airbus, cũng như nhiều vụ kiện thương mại khác.

Với con đường công danh rộng mở, và một gia đình hạnh phúc “vợ đẹp con khôn” (vợ là Nguyễn Thị Ngọc Khánh, là Hoa Hậu Việt Nam năm 1998) anh có đầy đủ lý do để thụ hưởng những thành quả lao động trí óc của mình, thế nhưng anh lại chọn con đường dấn thân vì lý tưởng tự do dân chủ. Đã từ lâu anh có nhiều bài viết được đăng trên BBC, báo Pháp Luật trong nước, với những tình tự và trăn trở vì đất nước. Sau khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 12/2007 bị đàn áp, anh đã ngợi ca các bạn thanh niên học sinh Việt Nam tham gia hai cuộc biểu tình bằng bài viết “Một thế hệ dấn thân“. Khi văn phòng của luật sư Lê Trần Luật bị công an tự tiện lục xét, tịch thu dụng cụ văn phòng, LS.Định ngay tức khắc đã lên tiếng bằng bài viết “Chuẩn mực văn minh cần tôn trọng“.

Anh cũng đã từng đứng ra nhận bào chữa cho hai luật sư đồng nghiệp là Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài trong phiên tòa hai năm trước nhưng không được phía Tòa Án nhà nước chấp thuận.

Trong những năm gần đây, giới luật sư trong nước đã làm cho nhà nước CSVN nhức đầu không ít. Đó là nhờ tấm gương sáng của các luật sư có thể được liệt kê ra đây như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bắc Truyễn, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đăng Trừng,,… Và danh sách sẽ còn tiếp tục nối dài thêm.

Giờ đây LS.Lê Công Định tiếp nối bước chân của các Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyễn bước vào nhà tù nhỏ. Anh và các vị luật sư này đã đốt lên những đốm lửa, mà như lời của một bài thơ:

Nếu Anh không đốt lửa
Nếu Chúng ta không đốt lửa
Thì làm sao Bóng tối có thể trở thành Ánh sáng?

Xin nghiêng mình ngả nón chào kính phục sự can đảm của những người dám đốt lên những đốm lửa với hy vong sẽ xua tan Bóng Đêm dài tăm tối trên đất nước Việt Nam.

Lê Minh
Sydney ngày 14/06/2009




Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 966 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 22
Khách: 22
Thành Viên: 0