Châu Diên
Đây là lời khuyên liên quan đến việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định.
Không rõ bạn Lê Công Định có nằm trong danh sách những người ký tên vào Kiến nghị yêu cầu dừng khai thác bauxite hoặc nếu khai thác thì phải tiến hành hợp pháp (thông qua Quốc hội), việc này trang mạng Bauxite Việt Nam kiểm tra danh sách ký kiến nghị chẳng mấy khó khăn, làm được ngay thôi, nhưng điều quan trọng không nằm ở chỗ đó.
Điều quan trọng ở ba điểm sau. Một, qua báo Tuổi Trẻ từ cách đây 2 năm,
và qua những bài viết chững chạc của anh, mọi người được biết Lê Công
Định là một người trẻ tuổi hiếu học và học giỏi (hoàn toàn khác với
hình ảnh những kẻ mang tiền đi du học song lại tạo ra những hình ảnh
làm xấu mặt cả trong đời thường lẫn trên mạng). Hai, cũng qua báo Tuổi
Trẻ, ta được thấy lúc Lê Công Định bị bắt đi, đó là hình ảnh một người
đàng hoàng, điềm đạm, dễ mến (hoàn toàn khác với bọn tham nhũng dù tội
phạm đã từ con số triệu đô được hạ xuống còn vài ba chục nghìn, song
vẫn lộ vẻ mặt đê tiện trơ trẽn của bọn người không được một ai rủ lòng
mến thương). Ba, lý do bắt giữ khá co giãn, chỉ thấy nói liên quan đến
hoạt động “chống phá Nhà nước xã hội chủ nghĩa” Việt Nam, chẳng biết có nặng bằng tội trốn thuế của ai khác không.
Nói tới ba điều như vừa rồi cũng đã đủ để bạn đọc xa gần hiểu quan điểm
của bài viết này. Nhưng từ ba điều đó, ta nên chưng cất ra một lý lẽ,
tưởng cũng cần thiết.
Một người trẻ tuổi như Lê Công Định có bao nhiêu sức vóc để “chống phá” nhỉ ? Mà lại chống phá cái Nhà nước tuyệt đối mạnh – mạnh cả về phương diện “trí tuệ của thời đại”, mạnh cả về phương diện vẫn nói đi nói lại hằng ngày như là “sức mạnh toàn diện”, và lại mạnh vì được “toàn dân nhất trí ủng hộ”.
Thế thì một cá nhân mũm mĩm như Lê Công Định có âm mưu gì đáng sợ nhỉ?
Nhưng nghĩ kỹ, hóa ra Lê Công Định có chỗ đáng sợ thật. Và là đáng gờm
nhất nên mới phải chủ trương bắt bớ chàng trí thức trẻ trung đó. Chắc
là Lê Công Định đủ sức thách thức cái trí tuệ kia, cái sức mạnh toàn
diện kia và cái khối ủng hộ to lớn kia. Nhưng thách thức về phương diện
gì?
Thách thức như một sự so sánh – nó là cái cân tiểu ly của tinh thần
luật pháp để dư luận đối chiếu với những nhà lập pháp và hành pháp đi
tù vì tham nhũng, với những đương kim nghị sĩ đăng đàn mà quanh co dối
trá và sở dĩ thoát thân là vì được những ai cùng hội cùng thuyền chống
đỡ đằng sau, vậy thôi.
Thách thức như một biểu đồ về thời gian – sự trẻ trung của Lê Công
Định là một tuyên bố khiêm nhường : chúng tôi không già cỗi đi trong “
cơ cấu ”, chúng tôi có tuổi trẻ, và chúng tôi có tất cả trước mặt. Cả
chục năm tù đày đi nữa thì khi ra tù vẫn cứ trẻ như một Võ Thị Sáu, một
Lý Tự Trọng, và chắc chắn còn trẻ hơn một Andrei Sakharov hoặc một
Vaclav Havel cùng biết bao nhiêu nhân vật từng có một thời trẻ trung.
Một sự so sánh như thế hẳn sẽ có sức vẫy gọi rất lớn đối với bạn trẻ,
kể cả những bạn trẻ còn nhút nhát.
Và cuối cùng, thách thức như một sự giễu cợt – biết bao nhiêu là
trí tuệ mà việc gì đến nỗi phải cư xử theo lối một mất một còn như thế
với một người dưới tuổi mình và trong các bài viết anh ta vẫn tỏ ra tôn
trọng mình? Dĩ nhiên, việc bắt giữ người thì chắc chắn là phải có cái
lý của bên hành pháp. Nhưng vẫn cứ là một sự buồn cười khi vô số tội
phạm lại nhơn nhơn mãi rồi mới tìm được cái cớ cỏn con để truy tố.
Nhưng rồi coi, bắt thì dễ, thả lại khó. Vì sao ? Cứ ngẫm nghĩ một chút
khắc biết. Ừ thì giữa thời buổi tư pháp, lập pháp, hành pháp nhập
nhằng, người ta muốn làm gì không được, tuy thế, bắt một người khác
chính kiến song chưa có hành vi nào chứng tỏ nguy hại đến mất còn của
đất nước, trong khi an ninh quốc gia đang thường xuyên bị đe dọa thì
lại không có kế sách gì đối phó ngoài việc khuyên nhủ người dân đừng ra
khơi xa, “đành lòng vậy cầm lòng vậy”,
và hùng hồn trong độc nhất mấy lời phát ngôn dẻo như bún. Bắt một người
lại đổ cho tội anh ta lợi dụng việc phê phán dự án bauxite, một mục
tiêu quang minh chính đại đang được cả ngàn vạn con người ngày đêm quan
tâm với nỗi lo lắng không hề nguôi – gần hai tháng sau khi ra đời,
trang mạng này đã có trên một triệu rưởi lượt bạn đọc – phải chăng ở
đây có ý đồ gì nữa? Và bắt một người có học trong khi bọn vô học đang
thả sức xâm chiếm từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài.
Bạn đọc đừng chê câu cuối cùng vừa rồi tối nghĩa. Một bài tiểu luận
dù nghiêm trang đến đâu thì vẫn đòi cho mình cái quyền được giận dữ
bằng những lời lẽ để độc giả còn bàn đi bàn lại nhiều lần. Bàn cho tới
khi Lê Công Định được tự do. Bàn cho tới khi Lý trí thắng, để ở trong
nước thì hòa hợp hòa giải, và ra ngoài nước thì ngẩng được cao đầu, chứ
chẳng lẽ lại chỉ quen “giao thiệp” khúm núm với những kẻ hống hách ngoại bang?
Xin nhắn gửi lời chào bạn Lê Công Định, người tôi chưa hề gặp.
Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2009
Châu Diên
Bài của báo Tuổi Trẻ, mục
Phóng sự - Ký sự
số ra ngày Thứ Bảy, 25/02/2006, "ca ngợi" Ls. Lê Công Ðịnh đã bị gỡ xuống khi anh Ðịnh bị "bắt khẩn cấp".
|
| |
Điểm trung bình: 5 Số phiếu: 2
|
|