Chủ Nhật, 2024-11-24, 12:26 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 17 » Chất lượng chất vấn và trả lời tại diễn đàn Quốc hội
9:02 PM
Chất lượng chất vấn và trả lời tại diễn đàn Quốc hội

Phạm Viết Đào


Nhìn cái cung cách ứng xử với công việc đất nước của các ông trong Chính phủ qua vụ bauxite
Tây Nguyên làm sao nhân dân không khỏi lo lắng, mất ăn, mất ngủ ? ! Bởi họ như đang phải
ngồi trên một chiếc xe chạy trên những con đường đèo dốc cua tay áo của Lâm Đồng, lái xe lại
là những anh có máu lạng lách và lúc nào cũng như sau rượu, giang hồ, bạt tử...

Là một cử tri và là người bấy lâu nay theo dõi vụ bauxite Tây Nguyên, chúng tôi đã giành thời gian hai ngày rưỡi để xem phiên họp của Quốc hội chứng kiến các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ ứng xử với các vấn đề hệ trọng của đất nước như thế nào?

Sau 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, mặc dù nghe Chủ tịch Quốc hội, Chủ toạ Nguyễn Phú Trọng đánh giá là phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đạt chất lượng cao, nhưng là một cử tri tôi nhận thấy: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp kỳ này diễn ra từ ngày 11 tới ngày 13/6/2009 kết quả mang lại chưa ngang tầm với một diễn đàn bàn và giải quyết vấn đề bức xúc của đất nước; nhiều vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ còn bị "treo", bỏ ngỏ trách nhiệm, nằm chờ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm.

Có 3 vấn đề quốc gia đại sự được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội nhưng chưa có câu trả lời về lộ trình giải quyết dứt điểm:

1/ Vấn đề người lao động nước ngoài nhập cảnh tràn vào thị trường lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp đã lên tới hơn ½ số đã vào đó là: trên 7 vạn; số lao động này đe doạ đến công ăn việc làm của người lao động trong nước vốn đang đói việc; đứng trước mối đe doạ sát sườn này, Chính phủ Việt Nam mà Bộ quản lý nhà nước là Bộ Thương binh và xã hội chưa có biện pháp gì đối phó, quản lý và trục xuất lao động bất hợp pháp, bảo vệ người lao động Việt Nam.

2/ Vấn đề lợi dụng danh nghĩa dựng dự án xây dựng sân gôl, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã xí một lượng đất công lớn, đầu cơ sai mục đích để trục lợi: xin đất làm sân gôl nhưng lại đem xây nhà, biệt thự để bán. Việc làm trí trá này gây lãng phí đất, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân, đe dọa an ninh lương thực ?Hiện cũng đang nhì nhằng chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm?Quốc hội chất vấn Chính phủ, Chính phủ lại đẩy sang địa phương.

3/ Vấn đề dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã được triển khai không theo đúng trình tự, quy chuẩn được pháp luật Việt Nam hiện hành quy định đối với các loại Dự án khai thác khoáng sản; việc lách luật để làm lấy được này có vì lợi ích quốc gia, có mang lại hiệu quả kinh tế, có đe doạ ninh quốc phòng, an ninh môi trường và các tiêu chí luật định khác không? Vấn đề này chưa được thảo luận thấu đáo tại kỹ họp này.

Theo dõi phiên họp, nói theo ngôn ngữ thể thao thì toàn bộ diễn biến vẫn còn nhiều pha bóng chết và nhiều tuyển thủ chơi chưa đúng phong độ, (phong độ ở đây tức là phạm vi trách nhiệm quyền hạn phải đảm trách), chưa fair play cả từ hai phía: phía chất vấn và phía trả lời chất vấn...

 
Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
là một sự nhập nhèm, tháu cáy và thiếu minh bạch
Bản chất hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, hoàn toàn không giống với những trận đấu thể thao như bóng đá mang tính chất đối kháng, ăn thua: bên này thắng thì bên kia phải thua và ngược lại. Hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội là hoạt động giám sát công khai và có tổ chức; hoạt động này nhằm tạo áp lực nhà nước nhằm điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước của Chính phủ; buộc Chính phủ hoàn thành được nhiệm vụ: quản lý nhà nước có hiệu quả, đúng pháp luật...

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là một bộ phận cấu thành của thao tác quản lý nhà nước của một xã hội lấy dân chủ và văn minh là tiêu chí. Hoạt động này có trách nhiệm giúp cho các hoạt động quản lý chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Chính phủ vừa đúng luật pháp, công khai, minh bạch trước dân nhằm đạt mục đích: mang lại hiệu quả cao, tức bảo vệ, tôn trọng các lợi ích hợp pháp tối cao của nhân dân; phân phối công bằng những thành quả chung của xã hội đến với các thành viên trong cộng đồng...

Việc đối chất này được đưa lên bàn nghị sự của một cuộc họp do hai cơ quan quản lý cao nhất: Quốc hội và Chính phủ tham gia bàn thảo, đối chất tìm ra nguyên nhân và các giải pháp cũng như lộ trình để cùng nhau giải quyết dứt điểm vụ việc ách tắc này; nếu chưa giải được thì phải "garo" ( thắt buộc) vấn đề lại như trong y tế và phải có lộ trình giải quyêt để cho vấn đề đó không di căn, hoặc gây viêm nhiễm sang bộ phận khác của cơ thể-guồng máy, làm hỏng bộ máy quản lý, đe doa an ninh và lợi ích nhà nước, quốc gia và của nhân dân.

Do đó việc chất vấn đối chất này không dừng lại phân định kẻ đúng, người sai mà phải là dịp để căn ke xem vì sao đất nước, xã hội lại đang tồn đọng cần phải giải quyết các vụ việc A,B,C,Đ.., ai chịu trách nhiệm giải quyết và khi nào thì giải quyết xong?

Để hoạt động chất vấn đạt tới hiệu quả trong một thời gian mặc định: phía chất vấn phải thu thập đầy đủ thông tin, phải lường hết các mặt trái mặt phải của vấn đề đưa ra; về phía phía Chính phủ: không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy loanh quanh, dấu lỗi, đối phó lẫn nhau... Có thế thì mới đúng là diễn đàn để bàn và giải quyết việc nước ở tầm quốc gia, tháo gỡ những ách tắc ở tầm quốc gia...

Để rút ra kết luận trên, chúng tôi xin nêu lên một số diễn biến quan trọng xảy ra trong hai ngày rưỡi và một số sự việc mắt thấy, tai nghe tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp... Trước hết đứng về phía chất vấn, tức các đại biểu Quốc hội.

Cử tri rất buồn phiền vì không ít các những câu hỏi những vấn đề có thể nói là vụn vặt được đưa ra để đôi co mất rất nhiều thời gian. Tỷ như chuyện về mấy chục hộ dân phải chịu hậu quả của việc ngành điện cho chạy đường giây cao thế qua nhà; tổn hại đến sức khoẻ. Việc này mà cũng phải đưa ra cò cử với nhau trước hội trường và không có cách gì giải quyết mau lẹ, gọn gàng hơn sao?

Cứ cái cung cách chất vấn và trả lời chất vấn như vừa qua thì diễn đàn Quốc hội thành nơi các vị sử dụng để đi đòi nợ hộ nhau. Đất nước này có hàng tỷ việc sự vụ như vậy. Hay Chính phủ này lần khân tới mức mà những chuyện "đòi nợ" kiểu đó có đưa ra giữa nghị trường, dùng áp lực của 80 triệu dân và cả quốc tế mới giải quyết được; giống như dân buôn bù lu bù loa giữa làng, giữa chợ mới đòi được chăng.

Theo dõi lối chất vấn theo kiểu đòi nợ hộ như vậy, tôi thấy sau ông Thái Nguyên lại đến ông đại biểu Tuyên Quang rồi đến ông nghị Quảng Bình. Thật là nực cười và xấu hổ cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn bởi trông không khác gì việc đói nợi tại các phiên chợ quê...

Dân người ta bị thiệt hại, người ta tìm đến Quốc hội để gửi gắm, để kêu và thắc mắc là đúng; nhưng như cái kiểu muốn giải quyết được phải đem ra bù lu bù loa ở hội trường được truyền hình trực tiếp cho cả thế giới xem thì thật là nhục quốc thể về phương diện hành xử hành chính của bộ máy công quyền Việt Nam...

Chất vấn theo kiểu bà Nguyệt Hường: Con bướm
đẻ con tằm, con tằm ăn dâu đẻ ra tơ, tơ được
đem dệt ra lụa, phú ông mua lụa về may áo ...

Một kiểu chất vấn gây sốt ruột và đáng sợ vì nó mất quá nhiều thì giờ đó là cách phô diễn kiến thức, bài vở của đại biểu Nguyệt Hường; có đến dăm bảy vị chất vấn theo kiểu bà Nguyệt Hường: Con bướm đẻ con tằm, con tằm ăn dâu đẻ ra tơ, tơ được đem dệt ra lụa, phú ông mua lụa về may áo, ai đó hút thuốc rơi tàn cháy áo mất một đống tiền của phú ông...chuyện đến đây rồi câu hỏi mới thò ra: Ai chịu trách nhiệm về chiếc áo lụa đắt tiền của phú ông bị cháy?

Trong lúc hai ngày rưỡi diễn đàn Quốc hội mất nhiều thì giờ vào những cuộc cãi vã đôi co vớ vẩn thì 3 vấn đề hệ trọng của đất nước lại đang treo đó và chưa biết tới bao giờ thì giải quyết.

Vấn đề bỏ ngỏ thứ nhất:

Đó là vấn đề người lao động nước ngoài hiện đã trên 7 vạn, trong số đó hơn nửa là  vào bằng con đường bất hợp pháp, đang tranh việc của lao động Việt Nam.

Trả lời phóng viên trước phiên họp chất vấn, bà Bộ trưởng Kim Ngân trả lời rằng: Việc lao động nước ngoài vào thị trường Việt Nam không do Bộ Lao động –Thương binh xã hội cấp phép, do đó không thể quy trách nhiệm cho riêng bà. Cách đùn đẩy trách nhiệm như vậy nhận thấy không xong, bà tìm cách đẩy sang hướng khác! Muốn xua lao động nước ngoài bất hợp pháp thì Quốc hội phải soạn cho bà một bộ luật giành cho việc điều chỉnh loại hình lao động của người nước ngoài!

Cách giải cù nhầy, né tránh trách nhiệm và khả năng thực tế theo kiểu đá bóng ra biên để câu giờ của bà Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội giống như một đứa trẻ hư: Muốn học giỏi thì bố mẹ phải mua thêm cái ôtô, bố mẹ chưa sắm ôtô thì không được đòi hỏi con phải thi đạt điểm cao, được điểm như thế nào là tuỳ con? Cách trả lời chất vấn theo kiểu bà Kim Ngân không ít các Bộ trưởng đã làm theo.

Vậy thì ai, cơ quan nào của chính phủ chịu trách nhiệu bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam đang thất nghiệp không bị người nước ngoài tranh mất? Với cái đà quản lý kiểu này, đùn đẩy và viện dẫn đủ thứ khách quan, số người lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường không "chính ngạch" sẽ còn tăng giống như trường hợp sân gôl: đảm bảo đến kỳ họp sau con số sẽ tăng hơn 7 vạn?

Vấn đề bỏ ngỏ nghiêm trọng thứ 2:

Đó là việc cấp phép tràn lan xây dựng sân gôl; hệ luỵ là bà con nông dân mất đất còn nhiều dự án chỉ cốt xin được đất, xí phần để đó để tìm đối tác khác danh nghĩa là để hợp tác đầu tư thực chất là sang nhượng biến tướng thành đất xây nhà, biệt thự sân vườn... Sở dĩ có chuyện này là do đất cấp cho dự án sân gôl thuộc loại hình vui chơi giải trí nên nhà đầu tư phải trả giá thấp, nhưng có đất rồi thì xoay chuyển sang đất biệt thự có giá cao hơn.

Ông Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng có sự lộn xộn này là do chính quyền các tỉnh, còn trước đây do Chính phủ quản lý nên đã tránh được sự lộn xộn trong lĩnh vực này!

Ông Võ Hồng Phúc giải trình như vậy tức là đẩy quả bóng trách nhiệm ra khỏi sân Chính phủ là không được! Tỉnh làm sai, gây lộn xộn, Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm vì việc quản lý sân gôl do Chính phủ phân cấp cho tỉnh: khi phân cấp thì anh phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và uốn nắn. Để dẫn đến mỗi tỉnh là một sứ quân trong lĩnh vực này, muốn cấp bao nhiêu đất, muốn cắm ở đâu thì cắm không nhẽ Chính phủ không chịu trách nhiệm gì? Nếu cứ kéo dài tình trạng: Tỉnh làm Chính phủ chịu bó tay, tức là trên bảo dưới không nghe và Chính phủ trở thành một đám bù nhìn trông dưa thì đất nước quả là thê thảm, tình hình này thì sự rối ren trong lĩnh vực đất đai còn lâu mới giải quyết được...

Nếu cứ giải trình theo cách tỉnh làm sai Chính phủ không chịu trách nhiệm, thế tại sao Chính phủ không phân cấp luôn cho huyện và đẩy trách nhiệm quản lý cho tỉnh; Chính phủ trung ương chỉ đóng vai Thái thượng hoàng, không phải chịu trách nhiệm gì nốt cho nhẹ mình?

Để tình hình lộn xộn trong lĩnh vực sử dụng và giao đất làm sân gôl gây nên bao hệ luỵ nhưng qua cách giải trình của hai ông Võ Hồng Phúc và Phạm Khôi Nguyên thì Chính phủ chẳng có lỗi gì! Kiểu giải trình đánh bùn sang ao,Chính phủ cứ né trách nhiệm như vậy thì sự lộn xộn này còn lâu mới chấm dứt được!

Nếu cứ theo cái đã quản lý và cấp đất như vừa qua, rồi đây không chừng người ta sẽ còn cho người nước ngoài thuê đất xây dựng các căn cứ quân sự hay điều gì đó nhưng Chính phủ lại không biết, lại cho rằng do tỉnh và huyện tự ý làm không báo cáo Chính phủ nên Chính phủ không chịu trách nhiệm, kệ?

Khi xưa chỉ có mỗi chàng Trọng Thuỷ mà Thục An Dương Vương đã phải mất nước, kết cục đã phải đâm đầu xuống biển; ngày nay đã có hàng vạn Trọng Thuỷ vào cái đất nước này rồi; có chàng Trọng Thuỷ đã được cắm hàng trăm ha đất tại những nơi bờ xôi, ruộng mật hoặc thiết yếu về an ninh quốc phòng? Các nàng Mỵ Châu đời mới đâu có còn cần đến áo lông ngỗng mà đã được trang bị điện thoại vệ tinh đời mới nhất. Có động biến gì thì Thục An Dương Vương ngày nay có mà chạy đằng trời, chỉ có chạy sang Trung Quốc là may ra thoát thân?!

Vấn đề tồn đọng nghiêm trọng thứ 3 đó là Dự án bauxite Tây Nguyên...

 
 
Cách giải cù nhầy, né tránh trách nhiệm và khả
năng thực tế theo kiểu đá bóng ra biên để câu giờ
của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân giống như
một đứa trẻ hư
Theo quan sát của chúng tôi, vụ bauxite đưa ra một cách lấp ló tại diễn đàn chất vấn Quốc hội kỳ này, chưa được đưa ra bàn thảo một cách thấu đáo, nghiêm cẩn là do: sự mặc định của thời gian và do sự ôm đồm của các đại biểu Quốc hội, quá tham khi đưa ra quá nhiều vấn đề, không biết phân bố lực lượng, ưu tiên cho vấn đề bauxite. Do đó, vấn đề bauxite trở nên bị bó cứng lại trong 6 câu hỏi của 6 đại biểu nhưng lại chưa được tranh biện nghiêm cẩn...

Kết thúc phiên họp chất vấn, về Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng: "Vấn đề này rất lớn, nhạy cảm và được nhiều cử tri đại biểu quan tâm và tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương chứng tỏ có sự đồng thuận lớn..."

Theo chúng tôi, kết luận của Chủ tịch Quốc hội như vậy là một sự nhập nhèm, tháu cáy và thiếu minh bạch giữa hai khái niệm, hai phạm trù: chủ trương của Đảng và sự triển khai thực hiện của Chính phủ; hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau đứng về phương diện pháp lý và quản lý.

Do sử dụng sự sự nhập nhèm thiếu minh bạch về các khái niệm, phạm trù này nên kết luận của Chủ tịch Quốc hội chưa phản ánh đúng tình hình, thực trạng của phiên chất vấn và các hệ luỵ sẽ xảy ra đối với dự án này khi các vấn đề không được đưa ra nghị trường bàn thảo thấu đáo ..

Đứng về mặt chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên thì không ai phản đối. Vấn đề không được đồng thuận nổi lên không phải ở chủ trương mà ở cách thức triển khai tiến hành các thủ tục pháp lý theo luật định của Tập đoàn Than khoáng sản, Bộ Công thương và Chính phủ; các bước tiến hành, các thủ tục pháp lý theo luật định đối với dự án này đã không được tuân thủ.

Cái lõi của vấn đề không phải là ở cái thủ tục hành chính-pháp lý bị vi phạm mà ở cái sự cố tình làm lấy  được này che dấu một mục đích gì phía sau đầy nguy cơ. Có nguy hại cho đất nước cho nhân dân không? Việc triển khai dự án đã thật sự gây nghi ngại, thậm chí lo sợ và làm bất an cho nhiều người về các hậu quả của việc làm không tuân thủ luật pháp, lách và bỏ qua, đi tắt nhiều thủ tục pháp lý này nhằm động cơ và mục đích gì của ai và vì ai?

Ở đây cả Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng đều cố tình biển lận 2 khái niệm có tính nguyên tắc quan trọng: Chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên của Đảng và Dự án khai dự án khai thác bauxite do Chính phủ tiến hành theo các trình tự pháp lý, luật định.

Lịch sử phát triển đất nước trong hơn năm mươi năm qua không ít lần cho thấy: chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện chủ trương đó lại không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả âm.

Qua cách giải trình tại diễn đàn Quốc hội của Bộ Công thương và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cộng với kết luận của Chủ tịch Quốc hội đều đã có dấu hiệu cho thấy: Có sự cố ý đánh tráo khái niệm. Sự lãnh đạo của Đảng bằng chủ trương, đường lối với các thao tác quản lý của Nhà nước bằng pháp luật của Chính phủ. Lấy chủ trương đúng của Đảng đem bù, đánh tráo cho việc làm hụt hẫng về trình tự, thủ tục pháp lý luật định của Bộ Công thương, của Chính phủ?!

Không ai bàn cãi về sự không đồng thuận với chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên mà các kỳ Đại hội Đảng đã đưa vào nghị quyết, Bộ Chính trị đã có chỉ thị riêng.

Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"...

Điều lệ Đảng quy định: Đảng lãnh đạo nhà nước bằng chủ trương, đường lối, bằng sự kiểm tra giám sát chứ Đảng không làm thay nhà nước.

Do vậy, bất kỳ một tổ chức hay bất kỳ một chủ trương nào do Đảng đưa ra, khi triển khai thực hiện phải căn cứ vào luật pháp hiện hành để thể chế nó. Các bước triển khai của chủ trương đường lối của Đảng không được vênh với các quy định của luật pháp nhà nước hiện hành. Tương tự, bất cứ một cá nhân nào kể cả Tổng Bí thư khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó theo chủ trương của Đảng đều không được trái với pháp luật hiện hành!

Mục 6 của Điều 9 Điều lệ Đảng quy định:"Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên"...

Nếu một sự việc nào đó được triển khai theo các chủ trương của Đảng nhưng vênh với pháp luận của Nhà nước, thì sự triển khai ấy là trái với chủ trương của Đảng chứ không thể cho rằng: Khi đã triển khai theo chủ trương của Đảng, nếu bị vênh với luật pháp của Nhà nước, thì phải sửa luật pháp nhà nước cho khớp với chủ trương của Đảng; hoặc không cần đối chiếu với pháp luật của nhà nước khi đã có chủ trương của Đảng?!

Một số việc làm sai, vênh của Bộ Công thương, của Chính phủ khi triển khai Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên là thuộc phạm vi trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ chứ không thể  dựa vào chủ trương đúng của Đảng để biện minh, che chở cho các việc làm sai của các cơ quan của Chính phủ khi triển khai dự án này.

Cách giải thích của Bộ Công thương và của Chính phủ tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, theo ngôn ngữ của Luật Hình sự là một hình thức: Lạm dụng tín nhiệm để vi phạm pháp luật!

Hiện nay cử tri, nhiều cán bộ Đảng viên, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều nhà khoa học không đồng thuận với các biện pháp, giải pháp khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng của các cơ quan của Chính phủ khi thực thi một chủ trương lớn và quan trọng khai thác bauxite của Đảng, chứ không phải là không đồng thuận với chủ trương của Đảng.

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu một câu mà theo chúng tôi, về phương diện ngôn ngữ nó đã đạt tới mức "tuyệt cú mèo" về sự lắt léo của ý nghĩa, hàm ý bên trong mà giới văn chương không thể không ngả mũ kính chào: tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương chứng tỏ có sự đồng thuận lớn.

Nếu không tinh ý nghe qua dễ bị mắc lừa cái câu tưởng rất nhẹ nhàng này: rằng việc triển khai Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã đạt được sự đồng thuận tại diễn đàn Quốc hội sau mấy ngày chất vấn.

Trong câu văn được cài cắm nhiều ý tứ này, Chủ tịch Quốc hội, vốn là dân ngữ văn đã chớp "cái râu quang minh chính đại" của "ông chủ trương" (tức Đảng) để mang sang cho "bà" chính phủ mượn để cải trang cho "cái cằm" đang có nhiều điểm không phù hợp với "pháp luật hiện hành với các quy chuẩn về hình dáng của một cái cằm đàn ông? (Sự đánh tráo này thực chất là để cải trang cái sự không đồng thuận thành sự đồng thuận, cái sai pháp luật bằng cái đúng do bám nhờ mượn "cái râu" chủ trương của Đảng) ...

Nhưng nếu ai tinh ý cự nự lại thì ông Chủ tịch vẫn còn chỗ để giải thích: Tôi nói mọi người đồng thuận về chủ trương của Đảng chứ tôi có nói tới việc đồng thuận với cái việc lập dự án sai pháp luật của Chính phủ đâu. Tức là ông vẫn có cơ để chớp, giật cái râu mà ông cho "bà" Chính phủ mượn kia về nếu bị lộ. Thật tài, thật tuyệt cú. Câu văn này nên đưa vào sách giáo khoa để giảng giải cho các em hiểu được độ hàm súc giàu chất tinh quái ẩn bên trong những ngôn từ mềm mại của tiếng Việt chúng ta?! Là một nhà văn tôi xin học tập ông Chủ tịch!

Bới vì căn cứ vào các buổi truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội  chẳng tìm đâu ra bằng chứng pháp lý để chứng minh: vấn đề bauxite đã đạt được sự đồng thuận tại diễn đàn Quốc hội. Chỉ có 6 vị được sắp xếp chất vấn về vấn đề bauxite thì không một vị nào trả lời: tôi nhất trí và đồng thuận với sự giải trình của Chính phủ. Và nếu như 6 vị này có đồng thuận thì thì họ cũng chỉ là 6 phiếu, trong khi Quốc hội có trên 400 đại biểu!

Lại thêm những ông cù lần, lì lợm như Vũ Huy Hoàng, lèo lá, lươn lẹo như Võ Hồng Phúc,
Nguyễn Sinh Hùng thì dân còn mất ăn mất ngủ, nơm nớp đủ đường...

Điều 4 của Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 quy định:" Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số"; như vậy vấn đề bauxite nếu muốn kết luận là đã được sự đồng thuận của Quốc hội phải được đưa ra bỏ phiếu bằng tay hoặc bằng phiếu. Khi chưa có thao tác pháp lý này thì kết luận trên của Chủ tịch Quốc hội không thể coi là kết luận của Quốc hội!

Chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương của Đảng, không ai tranh luận về chủ trương này. Điều làm cho dư luận lo lắng đó là việc triển khai chủ trương này từ phía một số cơ quan chức năng trực thuộc Chính phủ đã không làm đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành được quy định tại các bộ luật: Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Luật Khoáng sản 2005; Luật Lao động, Luật Di sản... khi tiến hành triển khai lập dự án khai thác và đã tiến hành đầu tư xây dựng một số hạng mục lớn mà nếu tình tổng thế chắc chắn phải vượt số tiền theo quy định phải đưa ra Quốc hội thông qua...

Để làm trót lọt việc này, những người làm dự án đã cho xé lẻ, cho làm trước các hạng mục quan trọng để đặt Quốc hội trước việc đã rồi!

Phải chăng những cơ quan lập dự án khai thác Tây Nguyên của Chính phủ qua cách giải trình họ đã ngộ nhận và cho rằng: Khi họ được giao thực thi chủ trương lớn của Đảng thì họ được quyền không chấp hành đầy đủ các quy định của luật pháp hiện hành của Nhà nước chăng? Nếu quan niệm như vậy là một sự lạm quyền và trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng!

Theo dõi phiên chất vấn chúng tôi hoàn toàn hiểu và nhất trí: Việc ký Quyết định 167, phê duyệt Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và không phải trình Quốc hội như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải trình là đúng. Nhưng việc phê duyệt này phải hội đủ các điều kiện pháp lý được các bộ luật như: Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Di sản .v.v. quy định thì sự phê duyệt này mới hợp pháp, mặc dù thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Điều 14 Luật BVMT quy định 6 nhóm đối tượng phải lập đánh giá môi trường chiến lược được cụ thể trong Mục 4 quy định: " Quy hoạch sử dụng đất; bảo vệ và phát triển rừng; khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng"; Căn cứ vào quy định của điều luật này, Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên phải lập ĐCM.

Mục 2 của Điều 15 quy định: "Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của dự án và phải được lập đồng thời với quá trình lập dự án"!

Mục 2 Điều 19 Luật BVMT quy định: "Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án".

Trong Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ban hành theo Nghị định 21/NĐ-CP quy định tất cả các: Dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có chứa các chất độc hại hoặc có sử dụng hoá chất đều phải lập ĐCM.

Mục 6 Điều 17 của Luật BVMT quy định:" Kết quả thẩm định báo cáo môi trường chiến lược (ĐCM)  là một trong những căn cứ để phê duyệt dự án".

 Chính phủ gồm những ông dở khôn dở dại như
ông Nguyễn Thiện Nhân
Như vậy, do sự tham mưu của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch- Đầu tư, dẫn tới việc Thủ tướng ký Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 là thiếu cơ sở và căn cứ pháp lý theo quy định hiện hành của Luật BVMT vì: Chưa lập Báo cáo, thẩm định đánh giá môi trường chiến lược?!

Về vấn đề này tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết khi trả lời chất vấn của Luật sư Nguyễn Đăng Trừng :"Chúng tôi không có thẩm quyền mà đây là quy hoạch phát triển bô-xít đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước"?! (Nguồn Vietnamnet).

Theo giải trình này của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì việc Thủ tưởng Chính phủ ký Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 là do "Thủ tướng phê duyệt từ trước" chứ không do Bộ Công thương tham mưu trình lên. Như vậy thì giá trị pháp lý, giá trị chuyên môn của quyết định 167/QĐ-TTg lại càng không cao và sai quy phạm về ban hành văn bản pháp luật vì: Bộ Công thương mới là cơ quan tham mưu số 1 trong lĩnh vực khai khoáng theo sự phân công của Chính phủ, nhưng lại không đứng ra tham mưu việc này theo giải trình của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đúng, phê duyệt Quy hoạch  dự án thì không cần phải thông qua Quốc hội thế nhưng, việc các vị bí mật cho phép trên 600 công nhân Trung Quốc vào một địa bàn trọng yếu như Tây Nguyên để xây dựng nhà máy luyện alumin, các vị có cần phải báo cáo với Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm như: Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và quyền địa phương không?

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội trả lời không biết việc này. Một quan chức của tỉnh Lâm Đồng trả lời báo chí về công nhân Trung Quốc: Nhà thầu đưa vào chính quyền địa phương không bứng đi được! Bộ quản lý chuyên ngành không biết, địa phương không hay, vậy thì việc đưa người Trung Quốc này là căn cứ vào sự cho phép của luật pháp nào?

Trong khi đó thì Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời trước Quốc hội là quản lý số lao động này theo pháp luật! Theo pháp luật nào và ai chịu trách nhiệm quản lý ông Phó Thủ tướng không nói rõ? Hay phân cấp cho sự quản lý theo "pháp luật" của Tập đoàn Than và Khoáng sản? Tập đoàn này chỉ có luật tiền làm gì có pháp luật nhà nước nào?

Còn về an ninh môi trường, mặc dù Đề án bảo vệ môi trường chiến lược chưa được Tập đoàn than khoáng sản lập và Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức thẩm định nhưng Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tự mang cái chức danh Bộ trưởng chuyên ngành của ông ra để bảo lãnh cho dự án này!?Ông là Bộ trưởng, là nhà quản lý, chuyên môn của ông là chuyên môn quản lý chứ không phải là chuyên gia môi trưởng. Do vậy ông có nói một ngàn lần rằng: dự án khai thác không tác hại tới môi trường thì cũng chẳng ai tin vì không có giá trị khoa học và giá trị pháp lý. Chưa kể lúc thì ông nói thế này lúc thì ông nói thế kia, nói trước quên sau?

Ngay Bộ luật Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường do Bộ ông chủ trì soạn trình Quốc hội được chính thức thông qua ngày 29/11/2005, nhưng tại phiên chất vấn 3 lần chính tai tôi nghe ông trả lời là luật này ban hành năm 2004; nếu một lần thì người ta nghĩ ông nhầm, nhưng ông nhắc đến tới 3 lần tại buổi chất vấn hôm 13/6 thì cử tri không thể không nghi ngờ đầu óc của ông có vấn đề!

Rồi thì nhớ số liệu về số lượng sân gôl là lĩnh vực ông phải chịu một phần trách nhiệm quản lý nhưng ông đã nhớ nhầm nên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã phải cải chính. Nếu là người khác nhớ sai linh tinh như ông trước diễn đàn Quốc hội thì chắc là phải chọn con đường độn thổ; có lẽ do ông là Bộ trưởng quản lý lĩnh vực đất đai nên đất không dám dung và chứa chấp ông chăng ?!

 
 Phạm Khôi Nguyên là một ông Bộ trưởng mà
lúc nào cũng thấy nói năng linh tinh như anh
say rượu
Khi nói về các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho môi trường ông nói ra vẻ hùng hồn và sành sỏi lắm, nhưng người có ít nhiều kiến thức đều bật cười về những lần phát biểu hố và sai của ông "thổ địa" này đáng ra chuyện gì cũng phải biết. Dân gian chẳng có câu: y như thổ địa để chỉ người việc gì cũng biết; đối với ông "thổ địa" Phạm Khôi Nguyên thì cái gì cũng biết lơ tơ mơ như lại phát biểu rất chi là bố tướng.

Một ví dụ khác, có hôm trước Quốc hội ông tuyên bố: Sẽ yêu cầu Tập đoàn Thanh Khoáng sản tăng vốn đầu tư để xây hồ chứa bùn đỏ có khả năng chịu được động đất cấp 5 tới cấp 7. Chúng tôi đã đặt dấu hỏi: Thế thì phải đóng cộc bê tông, đổ móng bè của cái hồ có diện tích bằng cả một quận nội thành Hà Nội chắc? Có mà tiền tấn và lãi và đâu? Biết hố sau đó ông cải chính lại: chỉ xây cái đập đủ sức chịu được động đất thôi! Vậy đáy hồ lún nứt khi động đất thì phải làm sao thưa ông nếu như các ông chỉ bắt người ta cho gia cố đê ngăn; rồi còn nước mưa tràn nữa chứ? Gần đây một nhà khoa học cho biết sử dụng vải chống thấm chỉ số an toàn được tính theo năm chứ không thể vĩnh cửu; bởi vì axit và kiềm là thứ ăn mòn mọi thứ; đến nước mưa mà dân gian còn ví là cưa trời nữa là?

Phạm Khôi Nguyên là một ông Bộ trưởng mà lúc nào cũng thấy nói năng linh tinh như anh say rượu; ông là là người dám bán trời không văn tự nên việc ông đứng ra bảo lãnh với Quốc hội nếu được Quộc hội tin về sự an toàn của môi trường đối với dự án bauxite Tây Nguyên thì quả là chuyện lạ thế kỷ, đánh bạc với trời đất. Chính ông hồn nhiên kể về vụ Vedan, hiện Thủ tướng chưa thông qua cái bản tự kiểm điểm của ông cơ mà. Đến cái bản tự kiểm điểm cá nhân mà làm không xong: hoặc là ông dốt hai là ông dối trá nên Thủ tướng mới bắt ông kiểm điểm đi, kiểm điểm lại nhiều lần. Chính ông kể ra tại diễn đàn Quốc hội cử tri mới biết. Giao bảo vệ môi trường cho một con người như ông Phạm Khôi Nguyên thì quả là đổ thóc giống ra mà ăn.

Chính phủ gồm những ông dở khôn dở dại như ông Nguyễn Thiện Nhân, bắt học sinh đóng tăng học phí trong khi cả thế giới đang méo mặt vì khủng hoảng kinh tế ông lại nghĩ ra cái đề tài cho quân của Bộ Giáo dục Đào tạo triển khai đề tài khoa học: nghiên cứu cái sự dốt cuả dân Mỹ! Hay là ông nghĩ cách cho quân ông có điều kiện đi Mỹ? Lại thêm những ông cù lần, lì lợm như Vũ Huy Hoàng, lèo lá, lươn lẹo như Võ Hồng Phúc, Nguyễn Sinh Hùng thì dân còn mất ăn mất ngủ, nơm nớp đủ đường..

Nhìn cái cung cách ứng xử với công việc đất nước của các ông trong Chính phủ qua vụ bauxite Tây Nguyên làm sao nhân dân không khỏi lo lắng, mất ăn, mất ngủ?! Bởi họ như đang phải ngồi trên một chiếc xe chạy trên những con đường đèo dốc cua tay áo của Lâm Đồng, lái xe lại là những anh có máu lạng lách và lúc nào cũng như say rượu, giang hồ, bạt tử...

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 696 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 7
Khách: 7
Thành Viên: 0