Trúc Ngọc
Suốt
những ngày này, tôi thường theo dõi tin tức trên BBC, Vietcatholic,
dcctvn.net liên quan tới vụ bắt Ls Lê Công Định. Vụ bắt bớ này như một
giọt nước làm tràn ly nơi nỗi lòng của tôi. Cả nỗi lòng đó hướng về vụ
bauxít Tây Nguyên, về nỗi sợ hãi bất công của những ngư phủ, và về sự
“khôn nhà dại chợ” của chế độ XHCN: dùng sức mạnh đàn áp dân chúng và
luồn cúi, khiếp nhược trước Trung Quốc.
Khiếp nhược khi mất chủ
quyền biên giới phía bắc, khiếp nhược trước lãnh hải phía đông. Khiếp
nhược trước những dự án khái thác bauxít do Trung Quốc đầu tư. Khiếp
nhược trước số phận của bao con người ngư dân nghèo, bị bắt, bị cướp,
nhưng chế độ mạo danh “vì dân” lại câm như hến.
Trái lại, trước
những dân đen không tấc sắt thì thu hồi đất, bỏ tù người đứng lên bảo
vệ quyền lợi tối thiểu của dân, cướp đất của nhiều cơ sở tôn giáo. Bỏ
tù những người dám lên tiếng vì quyền lợi dân tộc, vì lo cho vận mạng
dân tộc.
Với cái nhìn như thế, tôi thấy lòng mình quặn đau. Chế
độ này còn đáng được gọi là “chính” phủ nữa không? Hay phải đổi tên là
“tà” phủ thôi. Đâu rồi cái khẩu hiệu “vì dân”? Chế độ này đang vận hành
vì dân hay vì chính quyền lợi của nhóm thiểu số lãnh đạo? Họ khiếp
nhược chỉ vì cái ghế của mình. Để bảo vệ cái ghế đó, họ dám đánh đổi
với giá của cả dân tộc, của cả mọi tầng lớp nhân dân.
Là người
dân Việt, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người ngoại quốc, tôi thấy mình
không còn dám tự hào về dân tộc mình nữa, chứ không muốn nói là tôi cảm
thấy nhục: nỗi nhục không phải về dân tộc Việt, nhưng là nỗi nhục về
tầng lớp lãnh đạo đất nước này. Nhục về chính bản thân tôi đã sợ hãi,
đã bỏ ngoài tai những tiếng nói của sự thật, đã nhắm mắt làm ngơ trước
bất công, trước đau khổ của người khác, và đã tìm cách an phận, yên
thân. Nhưng cái an phận của tôi càng ngày càng bất an, vì cái an phận
đó vô tình lại tạo điều kiện phát sinh cái ác, và để cái ác hoành hành.
Trước sự đàn áp của chế độ này, tôi càng ngày càng thấy bất an.
Sẽ
có người chỉ trích tôi không tự hào về dân tộc. Nhưng làm sao dám tự
hào? Tự hào về dân tộc mà chấp nhận sống dưới bất công của chế độ đang
cầm quyền là một thái độ ru ngủ chính mình. Tự hào về dân tộc mà để cho
dân tộc ngày càng sa sút, ngày càng bị coi thường trước “cường quốc năm
châu” là một thái độ bôi tro trát trấu vào truyền thống hào hùng. Vì
thế tôi không dám tự hào, tôi không dám sỉ nhục truyền thống của tiên
tổ khi tự hào cách mê muội. Nếu vận mệnh quốc gia ngày càng đen tối,
thì truyền thống hào hùng của quá khứ cũng bị lu mờ. Truyền thống chỉ
có thể được hào hùng khi thế hệ hiện tại này dám tự hào về chính mình.
Với
anh Lê Công Định, anh đang thổi lên ngọn lửa hào hùng của cha ông, ngọn
lửa mà chế độ tà phủ hiện này đang muốn dập tắt. Có người nói anh bị
bắt vì anh có tội. Vâng cái tội của anh là tội chống lại tà quyền,
chống lại cái ghế mà họ dám hy sinh cả dân tộc để bảo vệ. Cái tội của
anh là dám nói lên lòng tự hào về dân tộc Việt nam trước thế giới. Cái
“tội” của anh lại là một chứng tích anh hùng, sức mạnh của mọi tầng lớp
yêu nước. Tôi khâm phục thái độ của anh, khâm phục cái “tội” của anh và
vì thế mà anh bị bắt.
Lịch sử rất công bằng. Trong lịch sử của
dân tộc ta, có bao tướng sĩ đã chấp nhận mang tội phản vua, chỉ vì lợi
ích dân tộc. Chính cái “tội phản” ấy đã đưa dân tộc sang một trang lịch
sử mới, tươi sáng hơn. Hành động ấy là nỗi lòng vì dân tộc, vì những
người đau khổ. Chức vụ của tướng sĩ mang theo trách nhiệm bảo vệ quyền
lợi của dân tộc, chứ không phải bảo vệ chỗ ngồi của một thiểu số lãnh
đạo. Nếu tướng sĩ cũng muốn tìm sự an phân, yên thân thì họ chỉ còn là
dụng cụ của cường quyền, họ trở thành thế lực của sự ác. Sự dấn thân
của họ vào hàng ngũ quân đội nhân dân sẽ mất ý nghĩa nếu họ trở thành
đội quân tay sai của cường bạo.
Tôi thao thức trước vận mệnh của
dân tộc. Tôi thao thức trước nỗi bất công của những dân oan khắp nơi,
họ khản tiếng kêu cứu vì bị mất đất, mất nước.Tôi thao thức trước những
sự đàn áp những người có lương tri, chấp nhận không ngủ yên, không chịu
an phận. Tôi cũng cám ơn những người cùng mang giòng máu Việt, dù họ
đang sống tại hải ngoại, vẫn không muốn yên thân, không muốn an phận,
vì nỗi lòng vì quê hương, vì đồng bào đang chịu bất công tại cố hương.
Trước
những diễn biến đang xảy ra, với thân phận thấp cổ bé miệng như tôi,
tôi viết lên những hàng này, để chia sẻ, để thêm tình liên đới và để
bày tỏ nỗi lòng của tôi với vận mạng dân tộc. Tôi hy vọng mọi tầng lớp
nhân dân, nhất là những người lãnh đạo, những tướng sĩ trong quân đội,
dám ra khỏi cái an phận giả tạo cho yên thân, vì lợi ích dân tộc, vì
lợi ích nhân dân, để thay đổi, để đưa đất nước Việt Nam sang một trang
sử mới, hào hùng hơn, tươi sáng hơn, để đáng tự hào hơn.
Hà nội, 16.6.09
Trúc Ngọc
Nguồn: DCCT
|