Thứ Sáu, 2024-12-27, 12:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 19 » 60 tháng không đảm nhiệm chức vụ vẫn lĩnh lương cùng các khoản phụ cấp
7:27 AM
60 tháng không đảm nhiệm chức vụ vẫn lĩnh lương cùng các khoản phụ cấp

Phải chăng đây là một tấm gương sáng học tập đạo đức Hồ Chí Minh?
MẤY AI ĐƯỢC LĨNH LƯƠNG NHƯ ÔNG ẤY NHỈ?
Trần Quang Thành

Đôi lời tâm sự : Tháng 10 năm 2002, tôi được các bạn đông nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp cho tư liệu chứng minh ông Phan Quang rời khỏi ghế Tổng Giám đốc đã 60 tháng có lẻ, thế mà ông ấy vẫn lĩnh lương Tổng Giám đốc Đài (xin nói rõ ông được cử sang làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam không phải là biệt phái hay kiêm nhiệm). Cũng vào tháng 10/2002, trong khi giới báo chí Việt Nam xôn xao vụ ông Trần Mai Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cựu Tổng biên tập tờ Nhà báo và Công luận ăn hối lộ chay án cho trùm xã hội đen Năm Cam, thì trên báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện bài trả lời phỏng vấn của ông Phan Quang xoay quanh chủ đề đạo đức nhà báo.

Ông Phan Quang nói : “Liêm khiết là chuẩn mực hàng đầu của nhà báo”. Một câu hỏi cứ đeo đuổi trong suy ngẫm của tôi : Tại sao ông nói vậy mà lại thản nhiên đút túi hơn 60 tháng lương chức vụ Tông Giám đốc khi không còn đảm đương chức vụ ấy? Và tôi đã viết bài báo mang tựa đề “Mấy ai được lĩnh lương như ông ấy nhỉ?!”. Để bài báo dễ được đăng tôi đã phải thay tên đổi họ ông từ Phan Quang là Phát Sáng. Cuối bài là dùng lời ông để răn dạy lại ông. Viết xong tôi mang đến đưa ông Phan Khắc Hải, lúc ấy đảm đương chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam xem xét và cho đăng trên tờ Nhà báo và Công luận. Lướt qua vài hàng ông Phan Khắc Hải bảo tôi đây là việc của nhà nước, ông Thành dính vào làm gì?! Thế là bài báo bị khước từ. May thay gặp một bạn đồng nghiệp là cô Khúc Nga, Tổng biên tâp báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô nhận bài viết của tôi và sau 3 ngày cho đăng trên trang nhất báo Tuổi trẻ Thủ đô số ra đầu tháng 11/2002. Niềm khích lệ đôi với tôi là sau khi bài báo ra măt bạn đọc, nhiều đông nghiệp đã phản hồi gửi tới báo Tuổi trẻ Thủ đô nhiều tư liệu vạch trần bộ mặt đạo đức giả của ông Phan Quang. Tôi gửi bài báo ấy đến Ban Tổ chức Trung ương, nơi quản lý ông và 3 tháng sau ông được thông báo về nghỉ hưu khi bước sang tuổi 75.

Hôm nay, các bạn đồng nghiệp kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2009), mời các bạn đọc lại bài báo tôi viết cách đây đã 7 năm để thấy bộ mặt đạo đức giả của ông Phan Quang. có một thời là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người được coi là cha đẻ của cái gọi là 10 điều qui ước về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam, ông dạy người một đằng, nhưng ông làm một nẻo.


60 tháng không đảm nhiệm chức vụ vẫn lĩnh lương cùng các khoản phụ cấp chức vụ Tổng Giám đốc.

Cán bộ, công  chức, viên chức hàng ngày đi làm, hàng tháng lĩnh lương đó là chuyện thường tình. Khi họ chuyển đến đơn vị khác dù cùng cơ quan hay khác cơ quan, đơn vị mới trả lương cho họ theo cương vị công tác mới cũng là chuyện thường tình. Đến tuổi về nghỉ hưu theo luật định họ hưởng lương hưu nơi cư trú cũng vẫn là chuyện thường tình. Nhưng chuyện lương lậu của ông Phát Sáng người đã tứng là Tông Giám đốc một cơ quan truyền thông rồi chuyển sang làm Chủ tịch một Hội nghề nghiệp thì lại là chuyện để nhiều người suy ngẫm  và bàn luận có điều gì đó không bình thường chút nào.

Ông họ Phát tên Sáng, được cử làm Tổng Giám đốc một cơ quan truyền thông vào cỡ nhất nhì cả nước. Khi ấy ông đã qua tuổi lục tuần (ông sinh năm Thìn đứng ở chữ Mậu – 1928, nhưng có người lại bảo ông sinh năm Sửu đứng ở chữ Ất – 1925). Ở thời điểm ấy chưa có Bộ luật Lao động và Pháp lệnh cán bộ, công chức. Cuối năm Bính Tý – 1996, khi ông gần bước sang tuổi thuộc lớp người xưa nay hiếm, chức Tông Giám đôc được chuyển cho người khác, ông về Hội đảm đương chức Chủ tịch những tháng, ngày còn lại của một nhiệm kỳ sắp mãn hạn và tháng 3 năm 2000 ông đã hoàn thành  nhiệm vụ của vị Chủ tịch Hội. Từ đó người ta thấy ông chỉ có mặt ở cơ quan Hội khi có các cuộc hội hè, họp hành…. Ông Phát Sáng rời cơ quan ông làm Tổng Giám đốc đến tháng 9 năm 2002 là 60 tháng. Ông thôi chức Chủ tịch Hội tính đến thời điểm ấy là 25 tháng có lẻ. Nếu tính năm sinh của ông là tuổi Mậu Thìn – 1928 thì đến năm Nhâm Ngọ - 2002 ông đã bước sang tuổi 74. Nói như các cụ ông có tuổi mụ là 75. Theo Bộ Luật Lao động năm 1994, Pháp lệnh  cán bộ, công chức năm 1998 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động, của cán bộ, công chức, viên chức là 60 tuổi đối với nam thì ông đã quá 14 năm rồi. Nhưng thật ngạc nhiên, một số anh em trong cơ quan nơi ông có thời gian làm Tổng Giám đốc thấy sổ lương tháng 9 năm 2002 ông vẫn lĩnh lương tại cơ quan cũ đều đều với chức danh Tổng Giám đốc : Hệ số lương 7.1 ; Hệ số phụ cấp chức vụ 1,1 ; Phụ cấp người phục vụ 150.000 đồng. Chỉ có khác ông xuống đứng ở vị trí số 2 (vị trí số 1 là đương kim Tổng Giám đốc). Có người lại nói hàng tháng ông vẫn được nhận 100.000 đồng tiền ăn trưa. Việc ông rời khỏi cơ quan đã hơn 60 tháng nhưng vẫn hưởng lương Tổng Giám đốc có thể là ngỡ ngàng đối với nhiều người, nhưng chắc chắn ban lãnh đạo cơ quan và những người làm nhiệm vụ trả lương là người hiểu thấu việc này hơn ai hết.

Vào một dịp đôi ba người bạn chuyện trò với nhau nhân buổi họp mặt truyền thống của cơ quan, ông Ba Xây nêu câu hỏi :

- Tại sao ông Phát Sáng đã sang cơ quan khác rồi mà vẫn lĩnh lương ở cơ quan ta nhỉ?

Ông Triện, một người đã về hưu nhưng từng am hiểu về chế độ tài chính của cơ quan nhanh nhẩu đáp :

- Ông ấy chưa có giấy thôi trả lương thì cứ phải trả lương cho ông ấy chứ sao!!!

 Ông Ba Xây chưa tâm phục, khẩu phục lại hỏi dồn :

- Ông ấy đã 74 tuổi rồi còn gì nữa. Tại sao cơ quan không giải quyết chế độ nghỉ hưu cho ông ấy?!

Ông Triện lại giải đáp :

- Thưa các vị, ông ấy thuộc diện cấp trên quản lý ạ! Cấp trên chưa có thông báo để cơ quan ra quyết định nghỉ hưu  thì ông ấy cứ lĩnh lương Tổng Giám đốc dài…dài…?!

Mọi người nhìn nhau. Cụ Lục bây giờ mới lên tiếng. Cụ nói thật có tình, có lý :

- Ông ấy 74 tuổi rồi, bị các cơ quan quản lý bỏ quên chưa thực hiện chế độ nghỉ hưu. Các cơ quan ấy rhật đáng trách. Nhưng theo tôi, ông ấy cũng là người đáng trách bởi lẽ ông ấy là một đảng viên có nhiều tuổi đảng, lại là một cán bộ cao cấp, nắm vững mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nếu như ông ấy nêu cao phẩm chất tư cách của người đảng viên thì chắc rằng chẳng đến nỗi có cái chuyện đáng trách này.

Cụ Lục đưa ra một dẫn chứng đầy thuyết phục :

- Như cụ Mộc nhà mình ấy, thâm niên mấy chục năm là người đứng đầu cơ quan các thời kỳ, đến tuổi về hưu thực hiện chế độ thật nghiêm chỉnh. Hàng tháng đều đều cụ bà thay mặt cụ ông ra phường lĩnh lương hưu thật vui vẻ, thoải mái.

Tính sơ sơ 60 tháng không đảm nhiệm chức vụ mà vẫn lĩnh lương cùng các khoàn phụ cấp  chức vụ Tổng Giám đốc. đã hơn 25 tháng có lẻ không làm Chủ tịch Hội, mà cũng không đảm đương công việc gì khác của Hội có nghĩa là ông đang là một công chức không làm việc thế mà ông vẫn hưởng lương và phụ cấp của người Tổng Giám đốc ngót nghét 2.000.000 đồng một tháng. Cơ quan cũ vẫn chi trả đều đều. Chẳng hiểu ông ấy có thấy day dứt về những đồng tiền mà mình đang thụ hưởng không nhỉ?! Chỉ tính riêng khoản phụ cấp chức vụ và phụ cấp người giúp việc mà ông lĩnh hàng tháng đã là 380.000 đồng nhân lên trong 1 năm số tiền này dã đủ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo theo mệnh giá 50.000 đồng mà Thủ trướng Chính phủ quy định thì đã có 91 người nghèo được hưởng mỗi năm.

Ông là người rất uyên bác về mặt kiến thức, chịu khó sưu tầm các lời răn dạy kim cổ từ Đông sang Tây để soạn ra những điều quy ước, những lời chỉ dẫn cán bộ, công chức trong cơ quan phải ra sức thực hiện.. Những điều ông nêu lên thật là chuẩn mực, có người tôn vinh ông là thần tượng. Thiết nghĩ rằng những điều đó đã mách bảo để ông soi rọi việc thụ hưởng lương của mình. Người viêt bài này xin gợi ý ông đọc thêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 5 tháng 9 năm 2002 mang số 18/2002/CT/TTg về việc thực nhiện nghiêm chỉnh các quyết định của Đảng về công tác cán bộ, các quyết định của pháp luật về nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để ông thêm sáng tỏ.

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 14 /10/2002 có bài của nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trả lời phỏng vấn báo này nhân sự kiện ông Trần Mai Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam bị khởi tố do có liên quan trong vụ án Năm Cam (xin lưu ý nhà báo Phan Quang cũng từng là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việ Nam - một cơ quan trruyền thông cúng ngang cấp với với cơ quan mà ông  Phát Sáng làm Tổng Giám đốc). Bài trả lời phỏng vấn có những câu hay, xin mạn phép trích ra đây để ông Phát Sáng suy ngẫm.

Nhà báo lão thành Phan Quang viết : “Liêm khiết là chuẩn mực đầu tiên của nhà báo”. Điều đó rất đúng đối với ai là nhà báo và nó cũng rất đúng đối với những ai là cán bộ, công, chức, viên chức nhà nước trong đó có người đồng cấp, đồng nhiệm với ông Phan Quang là ông Phát Sáng.

Nhà báo lão thành Phan Quang lại viết : “Nếu một cơ quan báo chí mà không nghiêm túc từ Tổng biên tập trở di thì không bao giờ giải quyết được vấn đề bời vì Tổng biên tập là người nắm sinh mệnh chính trị, lứơng bổng, quan xuyến mọi công việc. Chính vì các Ban biên tập không có thái độ rõ ràng khi một người phạm lỗi nên sự vi phạm đạo đức ngày càng nghiêm trọng…” Vâng, điều đó cũng rất đúng với những người đứng đầu cơ quan báo chí và cũng là điều rất đang cảnh báo với những ai đảm đương chức trách thủ trưởng cơ quan như ông Phát Sáng, người đồng cấp, đồng nhiệm với ông Phan Quang.

Người viết bài này muốn nhăn nhủ ông Phát Sáng hãy cầu thị tìm đến nhà báo lão thành Phan Quang tìm hiểu xem ông ấy có nói một đằng, làm một nẻo như mình không nhỉ?!

Người dân còng lưng đóng thuế, chẳng lẽ lại để cho mấy ông cán bộ cấp cao tuôn ra những lời vàng ý ngọc như ông Phát Sáng người đồng cấp, đồng nhiệm như ông Phan Quang mỗi năm cướp đi hơn 90 cái thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo?

Trước dấu chấm hết, người viết bài này có một chút băn khoăn tự hỏi : Mấy ai được lĩnh lương như ông ấy nhỉ?!

Trần Quang Thành

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 998 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0