Phạm Viết Đào.
Đây không phải là một chuyện đùa theo kiểu Azit Nexin mà là một chuyện có thật xảy ra tại tỉnh Hà Giang!
Chuyện về Chủ tịch tỉnh Hà Giang, với cách ứng xử theo kiểu tân quan tân chính sách, tiền hậu bất nhất đã biến Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Lô, một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, nhiều năm đầu tư kinh doanh và có nhiều đóng góp cho tỉnh Hà Giang trong phút chốc trở thành: một kẻ trắng tay chỉ bởi một quyết định hành chính trái pháp luật và bất chấp...
Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 2309/QĐ-UB phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển, luyện quặng sắt ở Hà Giang của Công ty TNHH Sông Lô. Công ty này đã đầu tư vốn, nhân lực, máy móc để thực hiện dự án này.
Trong khi Công ty Sông Lô đang bỏ nhiều vốn ra để đầu tư, thực hiện dự án này thì ngày 27.4.2006 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 1058/QĐ-UB huỷ bỏ Quyết định 2309 nêu trên với những lý do không đâu vào đâu?
Công ty Sông Lô lập tức đã khiếu kiện ra Tòa vì cho rằng Quyết định 1058 của UBND tỉnh Hà Giang là một văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Trong quá trình giải quyết, hai bên đã có thỏa thuận nên Công ty Sông Lô đã rút đơn khởi kiện...
Ngày 5.3.2007 UBND tỉnh Hà Giang lại ra Quyết định 585/QĐ-UB với nội dung huỷ bỏ Quyết định 2309. Sau khi khiếu nại nhiều lần không được giải quyết thoả đáng, Công ty Sông Lô khởi kiện ra Toà án tỉnh Hà Giang.
Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang đã phán quyết bằng Bản án số 01/2007/HCST huỷ toàn bộ Quyết định 585/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Giang: “Về việc huỷ bỏ Quyết định số 2309/QĐ-UB ngày 29.8.2002 v/v phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển, luyện quặng sắt ở Hà Giang của Công ty TNHH Sông Lô”.
Căn cứ vào phán quyết của Toà án ngày 23 tháng 12 năm 2008; Căn cứ vào Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2612/BC-TTCP ngày 25 tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 8786/VPCP-KNTC gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang với nội dung: "Giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2612/BC-TTCP ngày 25 tháng 11 năm 2008: Thanh toán dứt điểm đối với các dự án đầu tư từ ngân sách do Công ty TNHH Sông Lô thực hiện theo đúng qui định pháp luật; Chỉ đạo các đơn vị hưởng lợi tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn vào mỏ phải thanh toán dứt điểm kinh phí đầu tư cho Công ty TNHH Sông Lô; Báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong quí I năm 2009."
Cho đến nay Văn phòng Chính phủ đã 7 lần có công văn gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Mới nhất là Công văn số 4025/VPCP-KNTC ngày 16/6/2009 với nội dung sau đây:" Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về việc giao Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và mời Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng tham gia Tổ công tác làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang bàn biện pháp giải quyết khiếu nại của Công ty Sông Lô, trong đó có việc thanh toán các khoản đầu tư vào các công trình đã thực hiện..."
Hiện nay theo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Lô Lê Duy Hảo cho biết: Tổng số tiền mà Công ty Sông Lô đã đầu tư vào các công trình xây dựng tại tỉnh Hà Giang mà Chủ Đầu tư ( chủ nợ) là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hiện chưa được thanh toán; Cộng số vốn mà Công ty Sông Lô đã bỏ vào Dự án đầu tư khai thác, tuyển, luyện quặng sắt ở Hà Giang; dự án này đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang ký quyết định cấp phép tổng số tiền vốn thiệt hại do bị chiếm dụng trên 50 tỷ đồng ? Dự án khai thác mỏ mà Công ty Sông Lô thực hiện theo Quyết định số 2309/2002/QĐ-UB do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khoá trước cấp hiện đã bị Chủ tịch nhiệm kỳ mới của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang huỷ bằng Quyết định 585/2007/QĐ-UB; Cùng với quyết định huỷ, "đuổi" Công ty Sông Lô là việc giao toàn bộ khu mỏ cùng với số vốn đầu tư mà Công ty Sông Lô đã bỏ ra cho một doanh nghiệp khác vào tiếp quản, khai thác trên cái nền đầu tư bằng vồn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Lô...
Hiện nay Giám đốc Công ty Sông Lô Lê Duy Hảo,nhà đầu tư có thời được coi như " người hùng" của tỉnh Hà Giang về làm ăn, về những đóng góng xây dựng cho tỉnh Hà Giang đang nguy cơ trở thành kẻ thất cơ lỡ vận vì: số vốn do mình bỏ ra bị người khác chụp mất do bởi một quyết định hành chính trái pháp luật của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang? Số tiền trên 50 tỷ này bên cạnh vốn liếng của Công ty Sông Lô ki cóp, còn là số tiền Công ty này vay ngân hàng và chịu lãi suất...
Với những chuyện nhập nhèm xảy ra tại Hà Giang dư luận không thể không đặt ra các dấu hỏi sau đây'
1/ Với cái cách hành xử tiền hậu bất nhất, trái pháp luật và đạo lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, liệu có đang chứng tỏ chính quyền và Chủ tịch tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ này đang hành xử như là một " sứ quân" của thời Đinh Bộ Lĩnh ?
2/ Với cách hành xử này Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang liệu có làm " bạt vía kinh hồn" các nhà đầu tư muốn mon men đến Hà Giang để làm đầu tư làm ăn, hưởng lợi hợp pháp và đóng góp xây dựng cho Hà Giang?
3/ Với cách ứng xử của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang theo kiểu chụp giật, tân quan tân chính sách có là một sự thách thức đối với kỷ cương phép nước, thách thức với sự quản lý tập trung của Chính phủ, thách thức với sự nghiệp mở cửa giao lưu trên nhiều lỉnh vực, một xu thế tất yếu của đất nước và thế giới ?
Nhân sự kiện lộn xộn xảy ra tại tỉnh Hà Giang và Công văn số 4025/VPCP-KNTC ký ngày 16/6/2009, cũng tại thời điểm này, tại Mỹ, Hãng truyền hình CNBC đã truyền hình buổi phóng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong khi trả lời phóng vấn, một con ruồi đã hỗn xược đến quấy rầy vị quan chức quyền uy số 1 của nước Mỹ. Mặc dù đang xuất hiện trước ông kính máy quay và trước hàng triệu người xem, nhưng ông Barack Obama đã dừng trả lời phỏng vấn, kiên trì mai phục để đập chết bằng được chú ruồi hỗn xược kia dám tấn công mình. Xong cái công việc "tự vệ chính đáng" này, Tổng thống Mỹ còn yêu cầu quay cảnh chú ruồi thẳng cẳng do bàn tay trừng phạt của Tổng thống Mỹ, "chiến công hiển hách" của đương kim Tổng thống Mỹ, ông còn không quên tự mình thuyết minh và bình luận cho hành vi tự vệ của ông với phóng viên truyền hình NCBC: "Thật là ấn tượng đúng không, Tổng thống Mỹ cũng đủ khả năng đập chết một chú ruồi rồi đấy"...( Xem tin này kèm theo)...
Trong khi đó thì cùng ngày 16/6, Văn phòng Chính phủ Việt Nam lại đang theo lệnh của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đôn đáo 4 cơ quan chức năng của Chính phủ, ra tay giải quyết một việc làm trái pháp luật của một ông Chủ tịch tỉnh mà không biết có giải quyết nổi không ?
Chúng ta chờ đợi hồi kết của câu chuyện vừa bi vừa hài về thực trạng rối ren có thật, một biểu hiện "lung tung xoè" của nền hành chính công của chúng ta mà Hà Giang chỉ là một trong các vụ điển hình?
P.V.Đ