Thứ Sáu, 2024-04-26, 8:51 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 19 » 3 xã ở Huyện Văn Giang, Hưng Yên kêu oan trong máu và nước mắt
8:04 AM
3 xã ở Huyện Văn Giang, Hưng Yên kêu oan trong máu và nước mắt

Hành Trình Kêu Oan trong Máu và Nước Mắt của người dân 3 xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công thuộc Huyện Văn Giang Tỉnh Hưng Yên.

Như thường lệ cứ 8h kém 20 sáng, tôi lại bắt tuyến xe Bus số 02 từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Hai Bà Trưng để lên văn phòng làm việc. Nhưng sáng nay, ngày 10/06/2009 vừa bước xuống xe Bus điểm đỗ Tràng Tiền, một cảnh tượng bất thường đập vào mắt tôi, đó là một đoàn rất đông những người ở quê đang bị gần 50 cảnh sát ( mà trong số đó chỉ có gần 20 cảnh sát mặc sắc phục) lùa đi ngay trước mắt tôi hướng từ vườn hoa trước Nhà Hát lớn xuôi về đường Hai Bà Trưng.

Rồi tôi lại thấy có vài tên cảnh sát vừa đi, vừa rút điện thoại gọi: “ Bảo mấy đứa đánh xe đến đây để hót hết chúng nó đi …” ( chỉ tiếc là trong tay tôi lúc đó không có máy ghi hình, chứ không sẽ có một số tấm hình và một vài đoạn video chia sẻ cùng mọi người). Lúc ấy có một chị bị lùa trong đoàn đó định quay lại, thì liền bị mấy cảnh sát áp sát bắt phải đi theo ý của họ.

Tôi đứng đó nhìn mà thấy lòng quặn đau. Họ đối xử với con người sao giống thú vật vậy? Sau một lúc đứng nhìn tôi định quay lại để đến văn phòng làm việc, thì thấy trước mắt tôi một nhóm những nông dân đang đứng giãi bày những bức xúc của mình với mấy bác xe ôm tại ngã tư Ngô Quyền- Hai Bà Trưng. Tôi nhanh chân chạy lên chỗ đó để hỏi vể cảnh tượng mà tôi vừa chứng kiến.

Trong lúc nói chuyện, tôi thấy bà con nông dân có vẻ rất bức xúc và căm phẫn, họ vừa nói vừa dơm dớm nước mắt. Họ nói: “ Chúng tôi là những người dân thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc Huyện Văn Giang – Tỉnh Hưng Yên. Sáng nay chúng tôi đã phải đi bộ từ 3h sáng (vì các xe ô tô đều bị cấm không được chở chúng tôi). Đoàn chúng tôi khoảng hơn 1000 người muốn kéo lên Văn phòng Quốc hội ( số 35 Ngô Quyền ) để yêu cầu Quốc Hội can thiệp giải quyết, trả lại đất nông nghiệp cho chúng tôi sản xuất.”

Thế nhưng, vừa lò mò đến đầu Ngã Tư Ngô Quyền – Hai Bà Trưng đã có rất đông cảnh sát chờ sẵn ở đó. Cảnh sát đã ép gần hết số người trong đoàn chúng tôi lên các xe ô tô đưa đi đâu không biết. Theo quan sát của tôi giờ chỉ còn một nhóm nhỏ khoảng gần 20 người chủ yếu là các bà già ngoài 70 tuổi. Họ đã kể cho tôi rất nhiều chuyện mà tôi thấy đau lòng. Xin được kể ra đây đôi điều tôi đã nghe được từ người dân.

Chuyện xảy ra vào năm 2003, có một công ty xin thực hiện dự án “Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang” nằm trên ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan của huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Đến năm 2004, tỉnh Hưng Yên xin Thủ tướng ra quyết định thu hồi 5.540.712 mét vuông đất tại các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, thị huyện Văn Giang và một số xã thuộc các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu để giao cho Công ty Việt Hưng, trong đó có 4.990.706 mét vuông đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho khu phố mới và sân golf, 541.133 mét vuông thì xây dựng tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên- Hà Nội, tức đã lấy mất 95% đất nông nghiệp của các xã nói trên. Dự án phát triển đô thị Văn Giang trị giá tới 4.000 tỷ đồng.

Ngay khi chưa được nhà nước phê duyệt, dự án này đã gây xôn xao, bất bình trong dư luận, vì công ty Việt Hưng chỉ là một công ty nhỏ, ít vốn và quá trình chỉ định chủ đầu tư được âm thầm tiến hành một cách mờ ám. Người dân ở các xã nói trên đã kịch liệt phản đối vì nếu thu hồi đất và đền bù với giá 36 triệu/ 1 sào thì sau đó họ lấy gì để sinh sống? Một bà nói: “ Đất là máu thịt của người dân. Bây giờ bán đi, người ta sống bằng gì? Họ ăn cướp trắng trợn quá .”

Nông dân đã liên tục gửi các đơn từ tới các cấp chính quyền từ Xã, Huyện đến Tỉnh xin ngừng dự án, vì nếu tiếp tục sẽ đẩy họ vào chỗ cùng đường, một bà nói : “Chắc chắn, dân chúng tôi sẽ bị đói. Nhiều người sẽ khổ, sẽ phải đi làm thuê làm mướn. Nhưng biết làm ở đâu? Lấy gì mà ăn? Mà đâu phải ai cũng đi làm được đâu? Chúng tôi già thế này thì ai thuê? Như gia đình nhà tôi từ trước đến nay không bao giờ phải đong gạo, cứ gạo làm ra đó mà ăn. Nhiều người xây được nhà cao lắm. Nay bán ruộng thì lấy gì mà ăn?”

Chờ mãi mà các cấp chính quyền trên vẫn câm lặng. Cực chẳng đã, ngày 29/8/2006 hàng ngàn nông dân Hưng Yên đã tụ họp trước cửa văn phòng Quốc Hội ( số 35 Ngô Quyền ), ăn trực nằm chờ 6 ngày và 5 đêm để xin Quốc hội can thiệp. Họ đã bị các lực lương công an dùng dùi cui điện đánh đập rất dã man, đã có rất nhiều người phải nhập viện. Sau đó ông Nguyễn Phú Trọng Chủ Tịch Quốc Hội đã về Văn Giang để xem xét tình hình và giải quyết. Thế nhưng đó cũng chỉ là cái trò hề để yên lòng dân chứ đâu vẫn vào đó, dự án vẫn được tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ. Đến lúc này thì dân chẳng biết kêu ai ?

Vào tháng 1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu tiếp tục dự án sau nhiều tháng tiến độ thi công bị chậm trễ, do khâu đền bù không được người dân nhất trí. Với công văn của Thủ Tướng, tỉnh Hưng Yên coi đó như lá bùa hộ mệnh để chỉ đạo ồ ạt thi công bất hợp pháp trên đất của người dân các xã nói trên.

Đầu tiên là chỉ đạo cho đội khoan trắc địa về khảo sát địa hình. Khoảng 11h ngày 25/3/2008, nhóm kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu, Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội do kỹ sư Nguyễn Năng Thành là người chỉ huy và Nguyễn Quang Long cùng bốn công nhân khác là người đã thực hiện khoan nghiên cứu tầng đất yếu tại khu vực cánh đồng Nhội, thôn Hạ, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Vì không biết nhóm người lạ mặt đến thôn làm gì? và do ai chỉ đạo? mà ngang nhiên lắp đặt các máy móc tàn phá ruộng lúa của thôn, nên ông Lê Thanh Hậu - Trưởng thôn và ông Nguyễn Văn Triệu - Phó trưởng thôn đã cùng một số bà con trong thôn ra yêu cầu nhóm người lạ mặt trên về nhà văn hóa thôn để làm việc. Sau khi làm việc mới biết đây là do sự chỉ đạo của Tỉnh. Do có sự chỉ đạo của Tỉnh, nên sau một thời gian ngắn ông Lê Thanh Hậu - Trưởng thôn bị phạt 15 tháng tù giam và ông Nguyễn Văn Triệu - Phó trưởng thôn bị phạt 12 tháng tù giam vì tội "gây rối trật tự”. Với bản án này, một lần nữa lại gây bất bình trong dư luận vì thói làm việc vô trách nhiệm của các cơ quan hành pháp. Do vậy người dân của xã Cửu Cao đã cùng với gia đình của 2 nạn nhân nói trên đã mang đơn đi khắp nơi để kêu oan trong thời gian dài mà không cóvkết quả.

Vấn đề thực chất ở đây là chính quyền muốn bắt người đi tù để dằn mặt bà con của 3 xã nói trên, không được biểu tình đòi đất nếu không cũng sẽ bỏ tù hết.

Với thái độ kiên quyết bảo vệ đất đai của mình, người dân ở cả 3 xã nói trên đã không sợ hãi, bất chấp cả khi bị chính quyền thuê đầu gấu đến nhà dọa nạt. Sự việc nổ ra mạnh mẽ và tạo thành cuộc biểu tình, khi mà chính quyền đã huy động nhiều xe cơ giới, trong đó có các xe ủi, máy xúc v.v… đến san lấp ruộng đất và phủ cát ở khu vực đất tranh chấp thuộc ba xã, vào ngày 07/01/ 2009. Hàng ngàn cảnh sát, lực lượng an ninh, đầu gấu được thuê để làm hàng rào bảo vệ cho các xe ủi và máy xúc tiến hành san lấp trên phần đất đang canh tác của các hộ dân ở ba xã với lý do làm đường phục vụ dự án.

Trước những hành động vô lại của chính quyền thì người dân cả 3 xã đã kéo ra các cánh đồng để ngăn cản máy móc, đi đầu đoàn có bà Bà Lê Thị Phụ, 75 tuổi -Mẹ Việt Nam Anh Hùng cùng một số người mang theo ảnh Ông Hồ để bảo vệ đất.

Ra đến ruộng, công an tuyên bố thẳng với bà và với người dân là : “ Ông Hồ chết lâu rồi, các bà còn mang ảnh ông ấy ra dọa chúng tôi à…”. Rồi họ giật lấy các bức ảnh, những ai gào thét thì công an vò ảnh Ông Hồ nhét vào miệng. Người dân cũng mang khá nhiều cờ Tổ Quốc cắm trên các mảnh ruộng để giữ đất, đều bị công an gom tất lại đem đốt với ảnh Ông Hồ. Tiếp theo là một cuộc đàn áp thẳng tay không thương tiếc của chính quyền đối với người dân. Một bà rớm nước mắt nhớ lại nói với tôi: “Trời ơi, phải làm thế nào bây giờ? Mất đất thì chết, mà không chịu mất thì chúng nó cũng đánh chết. Biết chống cách nào bây giờ? Chúng nó ác thế, đông thế, chúng nó vung dùi cui đánh giập mặt, phủ đầu, hoặc tống cổ cho vào tù... bất chấp phải trái, tốt xấu, đúng sai... Chúng nó tuyên bố: Ðây là lệnh trên, ai không thi hành lệnh cưỡng chế của đảng, nhà nước thì cứ đánh, cứ bắt, chính quyền sẵn sàng trả giá 30 triệu/ một mạng người.”. Chúng cũng dùng dùi cui điện đánh Bà Lê Thị Phụ Mẹ Việt Nam Anh Hùng đổ máu và ngất xỉu.

Sau đó, ngày 08/01/2009 những người dân của 3 xã nói trên đã khiêng bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đến trước cửa văn phòng chính phủ, nhưng vừa đến nơi họ đã bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động và nhóm xã hội đen đàn áp dã man, cứ 2-3 kẻ xốc nách một người tống lên xe cảnh sát bịt bùng kín mít rồi chở về lại Văn Giang vứt ven bờ đê Sông Hồng, mặc mọi người kêu khóc như ri, quằn quại hơn cá nằm trên thớt, dưới cả rừng dùi cui và ai đó đã phải thốt lên rằng:

Khắp làng chỉ nghe tiếng dân la
Một vùng thôn xã hóa ra tro
Bỏ làng cả nhà lo đi kiện
Xót tiền người dân khóc chết cha
Phụng Công, bạc tiền tan thành nước
Cửu Cao: Vườn ruộng nhuốm màu tang
Xuân Quang, bao người dân chết giấc
Chỉ vì đảng tham, cướp sạch làng

Khi Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Phụ bị chính quyền đưa trở về Văn Giang vứt ven bờ đê Sông Hồng thì bà đã chết. Chính quyền cho người đem 30 triệu đến bồi thường, gia đình bà không nhận, nhưng họ bảo : “Nếu không nhận thì thiệt”. Họ quẳng 30 triệu ở đó rồi về.

Tiếp theo, chính quyền liên tục cho công an và đầu gấu đến từng nhà dọa nạt. Một Bà kể : 4 thằng đầu gấu đi cùng với 2 công an chúng nó đến nhà tôi và bảo : “ Muốn ăn cơm thì câm cái miệng lại, còn nếu muốn ăn cứt thì cứ đi mà kêu oan…”.

Một bà khác thêm vào : Ngay như sáng nay khi chúng tôi đi, Chủ tịch xã đến nói với chúng tôi : “Con kiến mà kiện củ khoai, các bà có giỏi thì cứ đi mà kiện. Lên đó, tôi điện thoại là chúng nó lại hót hết về. Đi chỉ tốn công.” Chú xem thế thì chúng tôi biết làm thế nào? Và kết quả đến nay, người dân của các xã nói trên cũng chẳng biết kêu ai nữa.

Họ kể cho tôi những điều trên mà mước mắt tôi cứ trực trào ra, vì thấy thương họ. Máu và nước mắt của họ đã đổ ra theo một hành trình dài đi kêu oan. Hành trình 6 năm dòng rã đã khiến nhiều nhà chẳng còn nổi một hạt gạo. Còn chính quyền thì sao? Họ vẫn nhởn nhơ, như con bọ ký sinh hút dần hút mòn cái sự sống của người dân. Vậy, đích thị đây đâu phải “chính quyền”, mà thực chất là “tà quyền”. Một chế độ cường hào ác bá đang tồn tại trong cái đất nước này, để từng ngày bóc lột nhân dân đến tận xương tủy.

Hỡi những tấm lòng thiện chí, yêu chuộng công lý và sự thật hãy cùng lên tiếng với bà con thuộc các xã nói trên, bởi hiện họ chẳng còn biết kêu ai nữa chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng thiện chí của mọi người.

Quế Sơn

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 933 | Added by: danchu | Rating: 4.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0