Thứ Hai, 2025-01-20, 8:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 19 » Luật Sư Lê Công Ðịnh xác nhận đã hoạt động chống chính quyền cộng sản
9:00 PM
Luật Sư Lê Công Ðịnh xác nhận đã hoạt động chống chính quyền cộng sản

HÀ NỘI (TH)- Trong cuộc họp báo tổ chức ở Hà Nội ngày 18 Tháng Sáu 2009, hai tướng chánh phó Tổng Cục An Ninh CSVN, Vũ Hải Triều và Hoàng Kông Tư, “công bố lời khai ban đầu” của L.S Lê Công Ðịnh, theo bản tin vắn tắt của tờ Tiền Phong và theo báo Dân Trí thì “Luật Sư Lê Công Ðịnh thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, ân hận về việc làm của mình và xin được hưởng khoan hồng. Ông Ðịnh cũng nói tới việc mở ra hai blog để tuyên truyền việc chống nhà nước XHCN Việt Nam.”


L.S Lê Công Ðịnh đọc bản tường trình, theo ghi chú tấm hình của
báo Dân Trí ngày 18 Tháng Sáu 2009.

Những tờ báo tường thuật cuộc họp báo nói trên mô tả ông Ðịnh như thành phần có liên quan đến các hoạt động của Việt Tân cũng như tham gia vào một số tổ chức chính trị và soạn thảo các tài liệu cho một số đảng phái chính trị từ “điều lệ đảng” đến “tân hiến pháp”.

Nội dung các bản tin tường thuật phần chính giống nhau theo sự mớm lời của công an mà xưa nay thường thấy những bài như thế trong mục đích đấu tố trên mặt báo những người sắp sửa đưa ra tòa hay cần chửi bới tuyên truyền, bôi xấu.

Báo VietnamNet hôm 18 Tháng Sáu cho công bố một đoạn video clip có tên là "Luật Sư Lê Công Ðịnh nhận tội", trong đó quay cảnh Luật Sư Lê Công Ðịnh đọc bản tường trình nhưng nửa chừng thì bị cắt ngang và người ta không biết đoạn còn lại Luật Sư Ðịnh nói điều gì.

Theo bản tin Người Lao Ðộng thì ông Lê Công Ðịnh xác nhận đã đi Thái Lan dự các buổi “huấn luyện đấu tranh bất bạo động” do Ðảng Việt Tân tổ chức. Tờ báo của đảng Cộng Sản viết “Việt Tân là một tổ chức khủng bố” nhưng lại nói họ “đã huấn luyện cho một số người Việt về tranh đấu bất bạo động ở Việt Nam.” Hai hình ảnh “khủng bố” và “bất bạo động” hoàn toàn trái ngược.


Thủ bút của L.S Lê Công Ðịnh, phổ biến trên web Dân Trí,
liệu đây có thể là hậu quả của một vụ ép cung?

Cũng theo tờ báo trên, ông Lê Công Ðịnh xác nhận ông có gặp các ông Nguyễn Sỹ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức thảo luận các vấn đề kinh tế Việt Nam. Sau đó ông cùng họ chủ trương lập hai đảng lao Ðộng và Xã Hội để tạo lực lượng chống chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

VNExpress viết, “Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long để điều tra về tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam (điều 88 Bộ Luật Hình Sự). Liên quan vụ việc, 3 người khác đã bị tạm giữ hình sự là Lê Công Ðịnh và 2 phụ nữ.”

VNExpress không nói 2 phụ nữ đó là ai nhưng tờ Dân Trí nêu tên là Trần Thị Thu ở Hà Nội và Lê Thị Thu Thu ở tỉnh Tiền Giang.

Ông Ðịnh là người bị bắt sau cùng và người bị bắt đầu tiên là Trần Huỳnh Duy Thức vào ngày 24 Tháng Năm 2009.

Báo điện tử VietnamNet viết, “5 ngày sau khi bị bắt khẩn cấp theo điều 88 BLHS (từ 13 Tháng Sáu đến 17 Tháng Sáu 2009), Luật Sư Lê Công Ðịnh (mật danh chị Tư) đã viết tường trình xin hưởng khoan hồng. Tại trại tạm giam của cơ quan An Ninh Ðiều Tra - Bộ Công An, trong 2 bản tường trình của ông Ðịnh có viết, “mong được nhà nước xem xét cho tôi hưởng lượng khoan hồng”.

Cả 2 bản tường trình được viết tay, dài 8 trang giấy A4, đều ghi ngày 17 Tháng Sáu 2009 và ký tên Lê Công Ðịnh. Theo đó, ông Ðịnh tự “trình bày hành vi vi phạm pháp luật của tôi theo điều 88 BLHS của nước CHXHCN Việt Nam”.

Các bản tin tường thuật cuộc họp báo của hai tướng công an nói trên chỉ nhắc tới cáo buộc họ vi phạm điều 88 của Luật Hình Sự. Khi họp báo bắt ông Ðịnh ngày 13 Tháng Sáu 09, ông còn bị cáo buộc tội “âm lưu lật đổ nhà nước” mà tội này có thể bị tù đến 20 năm.

Bản tin VietnamNet mô tả các hoạt động của ông chỉ từ Tháng Hai 2009 đến nay:

“Từ ngày 1 Tháng Ba 2009 - 3 Tháng Ba 2009, ông Ðịnh đã tham gia khóa huấn luyện bất bạo động do tổ chức Việt Tân tổ chức tại Pattaya (Thái Lan) do 2 người Serbia trình bày. Trong đó, một người một người có tên Blado, người còn lại ông Ðịnh không nhớ tên.

Ông Ðịnh thừa nhận có biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở VN.

Ngoài ra, theo sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, ông Ðịnh đã tham gia tổ chức Ðảng Dân Chủ Việt Nam do Nguyễn Sỹ Bình (Chủ tịch Ðảng Nhân Dân Hành Ðộng) đứng đầu với vai trò thành viên Ban Thường Vụ.

Vào ngày 26 Tháng Ba 2009, ông Ðịnh đã sang Phu-ket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức (đối tượng đã bị bắt tạm giam, khởi tố trước đó) để bàn chủ trương thành lập thêm 2 đảng là Ðảng Lao Ðộng VN (do Ðịnh đứng đầu) và Ðảng Xã Hội VN (do Thức đứng đầu). Cả 2 lập 2 trang blog cùng tên để phục vụ tuyên truyền qua Internet.

Ông Lê Công Ðịnh đã viết một bản tuyên cáo về việc thành lập Ðảng Lao Ðộng VN, tuy nhiên, “do lỗi kỹ thuật và chưa hoàn thiện và chưa công bố được thì tôi bị bắt”.

Trong quá trình tham gia Ðảng Dân Chủ VN, chính ông Ðịnh đã góp ý chỉnh sửa một số văn phong, thuật ngữ của bản Ðiều lệ Ðảng Dân Chủ VN. Ông Ðịnh cũng được Nguyễn Sỹ Bình chuyển cho một bản “Tân Hiến Pháp” nhằm mục đích soạn thảo một bản Hiến Pháp của Ðảng Dân Chủ VN.

Trở lại với chuyến sang Pattaya vào đầu Tháng Ba 2009, theo ông Ðịnh trình bày, từ đầu năm 2007, ông có quen một người tên Donna Liebeman, tự xưng là nhà nghiên cứu VN, từng nhiều lần mời luật sư này sang Hồng Kông hoặc Thái Lan để “nghiên cứu xã hội học”, nhưng ông đã từ chối.

Qua nhiều lần trao đổi qua điện thoại năm 2008, tới Tháng Hai 2009, vì tò mò “muốn biết rõ về công việc nghiên cứu của cô này”, ông Lê Công Ðịnh quyết định nhận lời sang Pattaya và tối ngày 29 Tháng Hai 2009.

Ðón ông Ðịnh tại Pattaya lại là một người quen “cũ” của Ðịnh tên Phương An. Tới lúc đó ông Ðịnh mới biết Phương An cũng chính là Donna Liebeman.

Sáng 1 Tháng Ba 2009, Phương An cùng chồng tên Châu đưa ông Ðịnh tới một phòng hội nghị tổ chức một buổi huấn luyện về phương pháp đấu tranh lật đổ bất bạo động theo kinh nghiệm của Serbia đã nói ở trên.

Có việc phải đi Bangkok, ông Ðịnh trở lại Pattaya vào ngày 3 Tháng Ba 2009, tiếp tục tham dự khóa học với chừng 10 người Việt Nam tham dự, mà ông Ðịnh cho biết “tất cả họ đều không dùng tên thật và tôi không biết họ trước đó”. Tại cuộc họp này, ông Ðịnh được biết một người tên Vinh, “do Lê Quốc Quân, người của tổ chức phản động Việt Tân giới thiệu”.

VietnamNet còn viết thêm là “Theo tài liệu của cơ quan An Ninh Việt Nam, các lớp học này đều do các chuyên gia lật đổ bất bạo động người Serbia giảng dạy. Ðây là những “bậc thầy” của tổ chức ACNC - Trung tâm quốc tế về đấu tranh lật đổ bất bạo động, từng đạo diễn cuộc “cách mạng Màu” khiến hàng loạt nước thuộc khối XHCN Ðông Âu sụp đổ trước đây”.

Theo sự phân tích của một luật sư thì các hoạt động của Lê Công Ðịnh có thể bị kết tội là “phạm pháp” vì luật pháp của cộng sản Việt Nam cấm việc lập đảng chính trị. Do đó, ông Lê Công Ðịnh là một luật sư phải công nhận là mình đã làm sai luật pháp của chế độ độc tài này. Khi công nhận mình làm trái với luật lệ đang thi hành thì việc xin hệ thống pháp lý đó “khoan hồng” để giảm án cũng là một hậu quả tự nhiên.

Trong một bài viết mới của mình, tác giả Vũ Quí Hạo Nhiên tại Quận Cam, California nhận định về hai chữ “khoan hồng” như sau:

“Một sự việc vừa xảy ra cho một nhà tranh đấu nhân quyền trong nước đáng đặt lên câu hỏi: Chúng ta có quá bưng hiến cho cộng sản một món vũ khí để cộng sản quá dễ dàng sử dụng bắn ngược lại chúng ta?

Trong vụ Luật Sư Lê Công Ðịnh, vừa tối hôm trước có tin Luật sư Ðịnh đã ‘nhận tội’ và xin ‘khoan hồng,’ là sáng hôm sau đã có những người vin vào đó để mỉa mai rằng ông đầu hàng này nọ.

Khi Luật Sư Lê Công Ðịnh nhận rằng mình đã vi phạm Ðiều 88, ‘chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’ (ai trong chúng ta mà chẳng chống nhà nước cộng sản, chẳng vi phạm điều 88?) và xin khoan hồng, chúng ta thất vọng. Vì chúng ta mất một người anh hùng hiên ngang dũng cảm như trong truyện tranh vậy.

Thế nào là ‘khoan hồng’? Ðối với một người trong tù, ‘khoan hồng’ đơn giản là hai chữ thủ tục để được ra tù. Như những vị sĩ quan từng ở tù cải tạo, ai cũng phải làm một tờ đơn xin ra trại, trong đó cũng có hai chữ ‘khoan hồng,’ ai cũng ký, mà không ai là người đầu hàng.

Tôi nhớ có câu chuyện đọc được trên web: Tác giả bị đi tù cải tạo, tôi nhớ là bị đưa ra bắc, giam ở Hà Nam Ninh. Ðến lúc được tha, cầm tờ giấy ra trại, cũng phải nghe một bài ‘Cách Mạng khoan hồng’ xong mới được đi.

Ðến cổng trại, nhìn thấy bức hình Hồ Chí Minh, ông buột miệng nói lầm bầm, ‘Thôi ở lại, ta đi.’ Ngờ đâu gác trại trông thấy, liền gọi ông lại. Bạn tù khác được về hết, ông còn phải ở lại để bị hỏi cung - ‘Anh nói gì với Bác đấy?’

Ông khôn ngoan giữ rịt lấy đúng một câu trả lời, đại ý tôi nhớ là, ‘Tôi sung sướng hồ hởi được cách mạng khoan hồng nên một chào cám ơn Bác.’ Cuối cùng dù không tin ông nhưng quản trại cũng phải cho ông về.

Ðó nên là bài học cho chúng ta. Hai chữ ‘khoan hồng’ là của cộng sản bịa ra để dùng cho mục đích tuyên truyền, thì chúng ta cũng nên chiếm lấy hai chữ ‘khoan hồng’ đó để dán ngược lại mặt bọn chúng, phục vụ cho mục đích của chúng ta.

Không thể để cho hai chữ ‘khoan hồng’ chia năm xẻ bảy chúng ta được. Nếu cứ mỗi lần chúng tung ra hai chữ ‘khoan hồng’ là chúng ta lại mỉa mai lẫn nhau, thì một năm phía cộng sản ném chữ ‘khoan hồng’ ra khoảng chục lần thì chúng ta xâu xé nhau đến mức nào?”

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 723 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 28
Khách: 28
Thành Viên: 0