Phạm Trần
Hoa Thịnh Đốn.-
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 84 năm được gọi là Ngày Báo Chí
Cách Mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2009), nhưng người làm báo sống
trong chế độ độc tôn của đảng CSVN từ năm 1930 đến bây giờ (2009) có được quyền
tự do viết những điều mình nghe và mắt mình thấy hay phải làm theo ý muốn và
lệnh của người cầm quyền để sống với miếng cơm, manh áo?
Có lẽ không cần
phải thảo luận nhiều, hay phải trưng dẫn tài liệu để thấy đã
có những người làm báo biết họ phải hòan thành nhiệm vụ chỉ vì họ
cần có việc làm để sống và nuôi gia đình. Họ cũng biết không thể làm làm
khác hơn vì Luật Báo chí đã bắt người làm báo ở Việt Nam phải phục vụ và
tuyên truyền cho chính sách, chủ trương của đảng và nhà nước.
Bằng chứng như Dự Luật Báo chí sửa
đổi dự trù được đem ra thảo luận tại Quốc hội trong năm 2009, nhưng
đã hõan lại để bổ túc thêm, viết rằng :“ Báo chí ở nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với
đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà
nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân.” (Điều 3).
Nhưng điều được gọi là “thông tin đại
chúng” và “diễn đàn của nhân dân” chẳng qua cũng chỉ để phục vụ quyền lợi
của đảng và nhà nước, vì trên mặt báo, không ai có thể tìm thấy những bài viết
đối lập với đảng được phép cho đăng báo. Người làm báo và người
đọc chỉ được phép “kiến nghị”, không ai có quyền được “yêu cầu” hay “đòi
hỏi” quyền lợi của mình phải được bảo vệ để không cho bất cứ ai, kể cả
nhà nước, xâm phạm hay cướp đi.
Bằng chứng các cuộc biểu tình
đông người hay các vụ khiếu kiện kéo dài ngày một nhiều của người dân đòi
công bằng, đòi nhà nước trừng phạt cán bộ, đảng viên hà hiếp, ăn chận, tham
nhũng, hay cướp đất của dân khắp miền đất nước còn sờ sờ ra đấy.
Đôi khi cũng có
những nhà báo can đảm muốn nói lên sự thật nên đã không ngại xông pha vào các
“chốn thâm cung, bí sử” của đảng và nhà nước để tìm tòi những tin hữu ích cho
xã hội và bạn đọc, hay vạch mặt chỉ tên những kẻ có chức, có quyền xâm phạm tài
sản, tính mạng và quyền lợi của người dân. Tiêu biểu trong số hiếm hoi
này như một số ít Nhà báo của 2 tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên đã mất việc hay bị kỷ
luật trong năm 2008 chỉ vì yêu nghề mà qúa tay chạm đến những kẻ tham
nhũng và có quyền trong vụ tham nhũng ở Bộ Giáo thông-Vận tải, tên quen thuộc
là vụ PMU 18.
Trong Dự luật Báo
chí sửa đổi của Bộ Thông tin và Truyền Thông còn nằm tại Quốc hội, Nhà
nước đã tự nói dối mà không biết ngượng khi cam kết rằng mọi người dân
Việt Nam có “quyền tự do báo chí”, trong khi thực tế, đảng CSVN đã
cấm không cho phép tư nhân ra báo.
Sự dối trá này được phơi bầy trong
Điều 4 của Dự
luật : “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do
báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Báo chí, nhà báo hoạt động
trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
Không một tổ chức, cá nhân nào được
hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
Không ai được lạm dụng quyền tự do
báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.”
Câu sau cùng được trích dẫn trong Điều
4 này đã có trong Luật Báo chí đang thi hành ở Việt Nam
được đảng
và nhà nước CSVN sử dụng như một vũ khí sắc bén nhất để bắt giữ những ai lên tiếng hay viết ra những điều không được lòng cấp lãnh
đạo .
Những người như Nhà báo Nguyễn Khắc
Tòan, Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, Linh mục Nguyễn Văn Lý
và gần nhất là Luật sư Lê Công Định bị bắt ngày 13/6 (2009) v.v... là
những nạn nhân thuộc về mặt trái của Luật Báo chí đang được
thi hành ở Việt nam.
Những người muốn thực hiện quyền
tự do tư tưởng, đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam thường bị
đảng CSVN lên án và vu khống đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để
hành động chống lại nhà nước.
TÔ HUY RỨA - NGUYỄN TẤN DŨNG
Vậy mà vào ngày
16-6-2009, tại buổi gặp gỡ báo chí nhân kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí Cách mạng
Việt Nam, Tô Huy Rứa- Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương vẫn có thể huyênh hoang nói với Báo chí : “Nhiệm vụ của báo chí cách mạng:
đi tiên phong trong tuyên truyền đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn
xã hội; đấu tranh chống các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc thực
tế tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận ở nước ta;
khẳng định một cách thuyết phục chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam đối
với những vấn đề trên.”
Thật ra điều gọi là báo chí đã tích
cực “đấu tranh chống các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc thực
tế tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn luận ở nước ta”
cũng chẳng có là bao, ngoại trừ những báo thuộc “luống chính thống” như Nhân
Dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Cộng sản và Báo Điện tử
đảng CSVN.
Các báo khác, nếu có đăng, cũng
chỉ lấy lại các bài từ các báo “luồng chính”, khi có lệnh
phải làm như vậy. Ai theo dõi sinh hoạt của làng báo trong nước cũng đều
nhận ra điều này.
Bắng chứng gần nhất là khi Bộ
Công an đưa ra tin bắt giữ Luật sư Lê Công Định ngày 13-6-2009 thì tất cả
các báo đều phải đăng lại nguyên văn và không được bàn luận hay tự ý đi điều
tra xem thật hư ra sao.
Tuy nhiên, trong sinh hoạt báo chí ở
Việt Nam cũng vẫn có những người làm báo muốn “lách” vòng cương tỏa
để nói lên sự thật không thể chối cãi được.
Vì vậy mà mọi người không ngạc nhiên
khi thấy Tô Huy Rứa phê bình làng báo trong nước trong Bài nói chuyện hôm
16-6-2009: “ Bên cạnh những ưu điểm, thành tích cơ bản trên, thời gian qua,
công tác tuyên truyền trên báo chí cũng còn một số hạn chế, thiếu sót: một số
cơ quan báo không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng,
nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; thông tin thiếu
toàn diện dẫn đến phản ánh không trung thực ý kiến của các đại biểu trong một
số hội nghị, kỳ họp Quốc hội ; một số cơ quan báo chí, do không nắm vững quan điểm
chỉ đạo và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đã đưa một số bài viết
không có lợi cho quan hệ đối ngoai.”
Hứa là người có trách nhiệm điều hành
bộ máy tuyên truyền của đảng, nhưng cũng là người chịu trách nhiệm tòan bộ
ngành xuất bản và báo chí trong nước để nắm vững chỉ tiêu báo chí và sách báo
in ra phải đi đúng đường lối của đảng và phải bảo vệ quyền lợi của nhà nước Xã
hội Chủ nghĩa.
Vì vậy, Rứa đã lên tiếng phê
bình : “ Khuynh hướng “thương mại hoá” vẫn chưa được khắc phục rõ nét; còn
nhiều tin, bài thông tin thiếu chuẩn xác; một số trường hợp đấu tranh chống
tiêu cực chưa đạt hiệu quả do thông tin không chuẩn xác, động cơ không trong
sáng, thái độ thiếu tinh thần xây dựng, ngôn từ không đảm bảo tính văn hoá; số
cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm kỷ luật, sai sót trong tác nghiệp còn nhiều;
chưa quan tâm đúng mức đến cơ cấu nội dung, đưa quá liều lượng các thông tin
liên quan mặt trái khiến các thế lực thù địch lợi dụng vu cáo chế độ ta.”
Cũng chính vì sợ bị người khác thấy
cái xấu và chứng tật của mình nên năm 2008 Nhà nước đã chỉ thị buộc
người làm báo có bổn phận phải cho cơ quan điều tra biết về xuất xứ nguồn tin
của mình, một việc đi ngược lại quyền được giữ kín nguồn tin của
người làm báo.
Lệnh này cũng cấm báo chí
đưa tin, đặc biệt về các vụ Tham Nhũng, nếu chưa được phép hay chưa có công
bố của cơ quan điều tra.
Cũng lên tiếng trong dịp kỷ niệm này,
Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã tái xác nhận vai trò “phải tuân theo lệnh đảng”
của báo chí khi yêu cầu Báo chí phải : “ Ra sức khắc phục những hạn chế, yếu
kém của mình, phấn đấu để báo chí thực sự trở thành lực lượng xung kích tin cậy
trên mặt trận chính trị - tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là động
lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và
phát triển đất nước.”
Dũng nói : “Mọi thông tin trên báo
chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo Việt Nam vì lợi ích của
quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự
đồng thuận cao trong xã hội, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân
dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ vững chắc thành tựu
cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.”
Trong khi đó, theo Trúc Thanh, một
trong những cán bộ viết trụ cột của Báo Điện tử Trung ương đảng thì
ở Việt Nam cho đếng tháng 6/2009 “có 15.000 người làm báo (được cấp
thẻ nhà báo) và hơn 1000 người làm báo chưa được cấp thẻ đang làm việc tại 700
cơ quan báo chí với gần 850 ấn phẩm, 68 Đài Phát Thanh – Truyền Hình địa
phương và khu vực và hàng chục báo điện tử. Hàng ngày báo chí mang đến cho nhân
dân một lượng thông tin khổng lồ….”
Thanh
lý giải về trách nhiệm của người làm báo trong nước : “Trách nhiệm xã
hội trước hết là phát hiện, thu thập, xử lý và đưa thông tin ra xã hội phải đảm
bảo tính khách quan, chân thật, tính tư tưởng, tính nhân dân của báo chí vô
sản.
Muốn
có được những thông tin đa dạng, phong phú, đúng định hướng người làm báo phải
biết phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh hoặc những vấn đề mang tính thời sự
nóng hổi trong đời sống xã hội. Muốn phát hiện ra những vấn đề mới, người làm
báo nhất thiết phải có những yếu tố cơ bản của nghề nghiệp. Trước hết là nhận
thức sâu sắc những quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của
Nhà nước - nhận thức chung về đường lối chính sách, nhận thức sâu về lĩnh vực
mà người làm báo theo dõi. Không nắm được hoặc nắm không sâu, không chắc chủ
trương, nghị quyết, chính sách thì khó có thể phát hiện được những vấn đề mới
trong đời sống xã hội.” (Trích Báo Điện tử
CSVN, 15-6-2009)
Xem
như thế thì rõ ràng người làm báo trong chế độ CSVN chỉ còn là những cán bộ thợ
viết do đảng đào tạo để viết những điều đảng cần và đảng muốn. Quyền được thông
tin trung thực và đầy đủ của người dân ghi trong Hiến pháp và Luật Báo chí đã
không được nhà nước tuân theo.
Như
vậy thì dù có kỷ niệm bao nhiêu lần nữa, ngày được gọi là “Báo chí Cách Mạng
Việt Nam” cũng không có gía trị gì trong thực tế, lại càng không nên được ghi
vào kho tàng qúy báu của Lịch sử Báo chí Việt Nam.
Vết
nhơ của Báo chí trong chế độ Cộng sản ở Việt Nam không nên được nhắc tới vì mỗi
lần nhắc lại là thêm một lần xúc phạm đến vong linh những người Việt Nam đã
chết chỉ vì đã dại dột nghe theo những bài viết và tuyên truyền
phỉnh gạt của đảng CSVN trong suốt 84 năm qua. -/-
Phạm
Trần
(06/09)
|