Phan Nhiên Hạo
Xem web site báo Công An Nhân Dân Online loạt
ảnh cảnh bắt luật sư Lê Công Định, thấy có bức hình này, với chú thích
“Tài liệu thể hiện sự chống phá chính quyền thu được trong máy tính của
Lê Công Định”.
Hình báo CAND Online: "Tài liệu thể hiện sự chông phá
chính quyền thu
được trong máy tính của Lê Công Định".
Nhìn tựa đề Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng,
dễ lầm tưởng đây là thứ gì bí mật, âm mưu ghê gớm. Nhưng nếu chịu khó
đưa mắt xuống dưới, sẽ thấy tác giả của tài liệu là “Gene Sharp, Học
Viện Albert Einstein”.
Thì ra đây không phải “tác phẩm” do Lê Công Định hay bất cứ người
Việt “phản động” nào viết. Đây là bản dịch một cuốn sách mỏng của Gene
Sharp, học giả nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng thế giới về lý thuyết đấu
tranh bất bạo động, người sáng lập ra Viện Albert Einstein (Albert
Einstein Institution) có trụ sở tại Boston, Hoa Kỳ. Viện Albert
Einstein, theo tuyên bố trên web site của họ,
theo đuổi mục đích: “tìm hiểu hiệu lực của đấu tranh bất bạo động trong
xung đột, khám phá tiềm năng chiến lược của nó, và thông tin về vấn đề
này qua in ấn và các phương tiện truyền thông khác, dịch thuật, hội
nghị, cố vấn, các lớp học.”
Gene Sharp, sinh năm 1928,
là học giả nghiên cứu của Đại học Harvard trong gần ba mươi năm, cựu
giáo sư chính trị Đại học University of Massachusetts Dartmouth. Sharp
thường được gọi là “Clausewitz của tranh đấu bất bạo động” vì những
cuốn sách có ảnh hưởng rộng rãi trong lãnh vực này, tiêu biểu như: The
Politics of Nonviolent Action (1973), Gandhi as a Political Strategist,
with Essays on Ethics and Politics (1979), Making Europe Unconquerable
(1985)…
Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng là bản dịch cuốn sách mỏng From Dictatorship to Democracy
của Gene Sharp, có thể tìm được dễ dàng trong các thư viện ở Mỹ, thậm
chí hiện có bán trên Amazon.com. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách được
đăng trên trang web Viện Albert Einstein, cho sử dụng miễn phí. Tiếng
Việt chỉ là một trong khoảng bốn mươi thứ tiếng mà các tác phẩm của
Gene Sharp đã được dịch và đăng trên trang web của viện.
Cái gọi là “tài liệu thể hiện sự chống phá chính quyền thu được
trong máy tính của Lê Công Định” như vậy thật ra là một cuốn sách có
tính học thuật được phổ biến công khai và rộng rãi trên internet. Lê
Công Định chỉ tải xuống hoặc ghi nhớ trong máy để xem.
Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng,
tuy vậy, được dịch ra tiếng Việt bởi Đảng Việt Tân. Đây có thể là lý do
khiến công an Việt Nam và những người thiếu hiểu biết mới nhìn qua liền
cho nó là tài liệu của một “tổ chức phản động” . Vấn đề lẽ ra nên
được hỏi một cách thông minh hơn:
Một. Phải chăng vì Lê Công Định đọc và lưu giữ một cuốn sách ngoại
quốc dịch bởi Việt Tân nên Lê Công Định là thành viên của Việt Tân,
hay cấu kết với Việt Tân? Nếu lý luận kiểu đó, hàng triệu người đọc Mein Kampf của Hitler cũng sẽ là phát-xít. Mein Kampf có trong hàng ngàn thư viện đại học ở Mỹ và trên thế giới, hiện bán trên Amazon.com
Hai. Nếu Việt Tân đã bỏ công dịch cuốn sách về đấu tranh bất bạo
động (mà có lẽ trước tiên để đảng viên của họ đọc), thì phải chăng họ
là một “tổ chức khủng bố” như nhà nước Việt Nam thường kết án?
Sau cùng, thiết nghĩ chúng ta nên bỏ thời giờ đọc Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng
và những cuốn sách khác của Gene Sharp, như một cách chia sẻ và ủng hộ
luật sư Lê Công Định, người có nhiều thứ để mất hơn phần lớn chúng ta
nhưng đã không sống chỉ vì bản thân mình.
Toàn văn cuốn sách ở đây:
http://www.aeinstein.org/organizations/org/FDTD-Vietnamese.pdf
17.6.2009
Nguồn: talawas blog
|