Bùi Tín
Thế là kỳ họp thứ 5 quốc hội khoá XII đã kết thúc.
Vấn đề nóng bỏng nhất của kỳ họp này là vấn đề khai thác bôxít được
nhóm lãnh đạo đảng coi như ổn, không gây nên sóng gió gì lớn, không gây
nên đảo lộn. Họ có thể hài lòng, cứ thế mà làm, coi như việc đã rồi, để
ăn mừng với nhau là tai qua nạn khỏi.
Nhưng xin chớ vội hý hửng! Thái độ gò ép, áp đặt, độc đoán của kỳ họp 5
đang khiêu khích công luận, đẻ thêm nhiều vấn đề gay go mới.
Hai ngày rưỡi chất vấn của các đại biểu và trả lời của các thành viên
chính phủ là thời điểm được quan tâm theo dõi nhiều nhất. Nhưng chỉ có
6 đại biểu nêu lên vấn đề khai thác bôxít, còn hơn 20 đại biểu nêu lên
những chuyện khác, về tiền học phí, về vệ sinh thực phẩm, về sân golf
tràn lan, về chống tham nhũng, về nông dân nghèo ... Việc trả lời chất
vấn về khai thác bôxít không hề giải đáp những vướng mắc, còn đẻ thêm
ra nhiều vướng mắc, bất ổn mới.
Giới trí thức tiêu biểu ký Kiến nghị 12 tháng 4 có lý do để buồn và
bực; buồn cho nhân tình thế thái; buồn cho đất nước và nhân dân số phận
vẫn còn điêu đứng hẩm hiu; buồn cho cái quốc hội vẫn trong cảnh "cá
chậu chim lồng". Bực mình khi thấy đất nước bị cai trị bởi những con
người "chẳng ra làm sao", những thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng,
những chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội, những chủ nhiệm và phó chủ nhiệm
các uỷ ban của quốc hội... cũng "chẳng ra làm sao", phơi bày cả "tâm"
và "tầm" quá ư thấp kém ra trước cử tri và dân chúng. Vẫn là cảnh "ngao
ngán thường ngày" khi phải ngắm nhìn các nhà lãnh đạo nước nhà mà nhà
văn Phạm Đình Trọng đã có lần mô tả sinh động.
Hãy nghe nhà văn - nhà thơ Phạm Viết Đào ở trong nước, được bạn trẻ mến
mộ, nhận xét về các buổi điều trần tại quốc hội mấy hôm trước : " ...
chính phủ gồm những ông dở khôn dở dại, như ông Nguyễn Thiện Nhân, lại
thêm những ông cù lần, lỳ lợm như Vũ Huy Hoàng, lèo lá lươn lẹo như Võ
Hồng Phúc, như Nguyễn Sinh Hùng. Và Phạm Khôi Nguyên lúc nào cũng thấy
nói năng linh tinh như anh say rượu ".
Ông chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cứ như mê ngủ để nhắc đi nhắc
lại rằng : quốc hội và nhân dân đều đồng thuận lớn(!) trong chủ trương
và thực hiện khai thác bôxít.
Ông Trọng không cần biết có hơn 2000 trí thức tiêu biểu, phần lớn là
tinh hoa khoa học ở trong nước, yêu cầu ngừng ngay việc khai thác bôxít
chứa đầy hiểm nguy kinh khủng này. Ông Trọng không cần biết là đại
tướng Giáp cùng một loạt tướng, tá và sỹ quan tại ngũ cùng cựu chiến
binh yêu cầu ngừng ngay các dự án, kể cả các dự án làm thử.
Ông Trọng lờ tịt yêu cầu của nhiều cử tri, của cả một số ĐB QH, kể cả
một số chủ nhiệm các ban của Quốc hội yêu cầu tổ chức một cuộc thảo
luận công khai, thấu đáo ngay tại kỳ họp về vấn đề cực kỳ hệ trọng này.
Ông cầm đầu một cơ chế dân chủ mà lại sợ dân chủ đến vậy.
Lẽ ra chủ tịch quốc hội phải là người khêu gợi ý kiến, ông lại là kẻ
chỉ lo bịt miệng các ĐB, còn đưa ra những nhận định vô căn cứ, chủ
quan, áp đặt, theo kiểu nói lấy được, nói không có bằng chứng.
Đã có thảo luận, tranh luận đâu, đã có bỏ phiếu hay dơ tay để bày tỏ
chính kiến mỗi người đâu mà ông dám bảo là quốc hội, toàn dân đồng
thuận, lại còn "đồng thuận cao"(!); Kiểu nói lấy được như thế là một
kiểu lừa dối, một kiểu ăn gian, rất thiếu nhân cách.
Nhiều câu hỏi của các ĐB QH không được chủ tịch quốc hội, thủ tướng
chính phủ hay các chuyên gia nhà nước trả lời cho rõ ràng, mạch lạc, có
dẫn chứng, có sức thuyết phục.
Ba vấn đề băn khoăn, vướng mắc lớn nhất của các nhà khoa học, của dư luận là :
- khai thác bôxít ở nước ta có lãi không? hay sẽ lỗ ? như vậy có kinh
tế không? có cấp bách không? hay cứ để đó làm tài sản cho con cháu?
- bùn đỏ độc hại và bụi đỏ ô nhiễm có cách nào khắc phục có hiệu quả không? lợi và hại cân nhắc ra sao? đã thử nghiệm chưa?
- vấn đề an ninh quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng ra sao? vấn đề lao động
nước ngoài giải quyết ra sao? Sao việc "trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã
hay", từ 2001 ông Mạnh đã ký với Giang Trạch Dân về bôxít Tây nguyên?
danh nghĩa nào phép nước nào cho ông làm?
Một số bộ trưởng trả lời theo kiểu xoa dịu, tránh né, tỏ rõ không ngang
tầm hiểu biết, không nắm chắc vấn đề, lại có khi như dụ dỗ trẻ con,
"gãi không đúng chỗ ngứa", chỉ làm đẻ thêm vấn đề.
Ba vấn đề cảnh báo và răn đe lớn nhất do các nhà khoa học có trình độ và tâm huyết nêu lên là:
- không thể khai thác bôxít với bất cứ giá nào, bắt đồng bào các dân
tộc ta và các thế hệ mai sau gánh những tai hoạ nghèo đói, bệnh tật
hiểm nghèo;
- không thể làm kinh tế theo kiểu ăn xổi, vung tay quá trán, thậm chí
theo kiểu đánh bạc, 5 ăn 5 thua, may rủi, không tính toán chu đáo, thậm
chí khi lỗ to là ăn chắc!
- tại sao Trung Quốc đóng cửa hàng trăm mỏ bôxít rồi ép ta khai thác
alumin cho họ, có lợi cho họ, có hại lớn cho nước ta; khôn ngoan của ta
ở đâu? đâu là chủ quyền của ta?
... đều không được giải quyết một cách rốt ráo, minh bạch, có sức thuyết phục.
Vì lẽ ấy, nhóm đứng đầu Kiến nghị buộc phải báo động ngay cho một số tổ
chức kinh tế-giáo dục-khoa học-văn hoá của Liên Hợp Quốc, từ
UNDP-United Nations Development Program, WHO-World Health Organisation,
đến UNIDO-United Nations Industrial Development Organisation,
UNICEF-United Nations Children Emergency Fund và UNESCO-United Nations
Education Science Culture Organisation, vì các tổ chức này đều cấp viện
trợ cho Việt Nam về kinh tế, tài chính, môi trường, y tế, giáo dục,
khoa học và văn hóa, thảm họa bôxít sẽ phá hoại nặng nề các nỗ lực đó
nếu không chung sức và kịp thời ngăn chặn một cách kiên quyết. Các bạn
trí thức đang kéo họ vào cuộc. Một lực lượng không nhỏ! Cuộc tranh đấu
đang mở rộng.
Cho nên vụ đấu tranh quyết liệt về bôxít mới chỉ mở cuộc đột phá ngoạn
mục đầu tiên tại quốc hội Hà Nội. Nó còn mở rộng thêm với thời gian và
không gian.
Bởi vì là cuộc đấu tranh:
cho cuộc sống, chống cái chết bi thảm,
cho phát triển bền vững, chống phát triển kiểu chụp giựt,
dựa trên ánh sáng khoa học thực chứng, chống sự mù quáng tối tăm,
vì lợi ích của toàn dân chống đặc lợi của nhóm độc quyền tham nhũng,
và cuối cùng, nó là cuộc đấu tranh sinh tử vì chủ quyền dân tộc của mọi
người Việt Nam yêu dân mình, thương nước mình, chống nhóm lãnh đạo hiến
mình cho ngoại bang từ gần 20 năm nay.
Đây là một cuộc đấu tranh ôn hoà nhưng quyết liệt, kiên cường để thúc
đẩy sự hội nhập trọn vẹn của nước ta vào cộng đồng dân chủ, văn minh và
tiến bộ trên thế giới, thoát khỏi di hại dai dẳng của chế độ độc đảng
chà đạp lên luật pháp và nhân quyền, một chế độ lạc lõng đã thuộc hẳn
về quá khứ mà vẫn chưa chịu ra đi.
Qua cuộc đấu tranh quyết liệt bền bỉ về vấn đề khai thác bôxít, lực lượng 2 bên đang chuyển hóa nhanh.
Lương tâm Việt Nam, trí tuệ Việt Nam đang thức tỉnh và vào cuộc.
Khoa học, thời đại, thông tin đang là những thế lực hỗ trợ vô giá cho cuộc đấu tranh đang mở rộng.
Kỳ 5 quốc hội khoá XII bế mạc, để lại nhiều dư âm đầy tai tiếng rất
không ổn cho giới cầm quyền. Một thủ tướng bị chất vấn đích danh 23 câu
cụ thể lại trốn tránh, dấu mặt, giao cho một phó thủ tướng trả lời thay
! Kể ra cũng khó trả lời cho kẻ dối trá, khi bị chất vấn rằng ông có
hứa với tướng Giáp là nghe theo lời khuyên của ông ta để ngay hôm sau
lại nói ngược lại là vẫn thực hiện chủ trương lớn của đảng? vậy lúc nào
ông nói thật?
Hãy lắng nghe sự phán xét của nhân dân, hãy lắng nghe những nhận xét
xác đáng của các trí thức tiêu biểu (bauxiteVietnam.info), trong thời
"hậu kỳ 5 quốc hội" này.
Hào khí Nguyễn Trãi, hào khí Chu Văn An, hào khí Phan Chu Trinh đầu thế
kỷ 21 này lại trỗi dậy. Hào khí kẻ sỹ Bắc Hà bừng dậy đang là món quà
chào mừng Ngàn Năm Thăng Long có ý nghĩa nhất. Vận nước đang chuyển.
Đồng bào Việt Nam ta với truyền thống quật khởi bất khuất xứng đáng
được hưởng một cuộc sống sung túc, tự do, có nhân phẩm, có môi trường
trong sạch, không thể cứ lẹt đẹt mãi ở hàng cuối của các nước khác về
mọi mặt: giáo dục, y tế, tự do báo chí, dân chủ, mức sống..., hậu quả
hiển nhiên của một kiểu cai trị độc quyền đảng trị cổ hủ, gốc gác của
mọi hiểm hoạ khác.
Hiểm hoạ bôxít và hiểm hoạ mất chủ quyền gắn chặt với nhau và sẽ còn ở
trong chương trình bàn bạc và chương trình hành động của toàn dân ta
cho đến ngày giải toả được trọn vẹn những tai ương này.
Bùi Tín Paris 19-6-2009.
|