Phạm Viết Đào
Bài viết nhân ngày 21/6 - Ngày Báo chí Việt Nam
Theo dõi những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của
chúng ta những ngày tháng gần đây, chúng tôi thấy có một vài thông tin
vào loại nhạy cảm, nhưng lại được đưa tin có vẻ trái chiều nhau hoặc
đang có một sự thật xảy ra trong tác nghiệp của các cơ quan báo chí: cơ
quan này đưa tin này nhằm mục đích ngấm ngầm cải chính thông tin mà cơ
quan báo chí kia đưa nhằm cầu lợi cho khuynh hướng chính trị nào đó của
mình. Đó là một sự thật, mặt trái, mặt sau đời sống của xã hội-thông
tin- báo chí.
Khách hàng tiếp nhận thông tin luôn đòi hỏi được cung cấp sản phẩm
nguyên chất, nguyên gốc, nguyên bản, tức là chính xác, khách quan...
Cũng giống như đời sống xã hội, xã hội thông tin cũng đòi hỏi sự
phong phú đa chiều để khách hàng có quyền được chọn lựa và định đoạt
việc mình sẽ chấp nhận thứ, loại hàng hoá thông tin nào?
Là một cư dân bươn chải và bám sát đời sống thông tin, bằng kinh
nghiệm bản thân nên trước một thông tin mới, nhạy cảm tôi thường kiểm
chứng qua nhiều nguồn tin rồi mới cho vào định vị trong "bộ nhớ" của
mình. Tôi rất để ý đến thông tin về việc những tháng gần đây ngư dân
miền trung không dám ra khơi đánh cá do có lệnh cấm đánh bắt cá trên
biển đông tại những vùng biển quốc tế và cả những vũng biển xưa nay bà
con vẫn cho là lãnh hải của Việt Nam. Lệnh cấm này theo nhiều nguồn tin
cho rằng: do phía Trung Quốc đưa ra, họ không chỉ loan tin mà thậm chí
cho tàu hải quân có vũ trang của Trung Quốc tuần tiễu, sẵn sàng húc
chìm những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Chúng tôi đã thấy xuất hiện trên các báo điện tử và báo giấy có số
đông bạn đọc cho đăng những bài với cái tít rất ấn tượng như: Ngư dân
bị chặn đường ra khơi: Đói trong mùa cá ( Thanh Niên); Ngư dân "sợ" ra
khơi ( CAND); "Ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Việt Nam là
xâm phạm chủ quyền…” (Sài gòn Tiếp thị...)
Cách đây vài hôm, báo Tuổi trẻ còn đăng ý kiến của Đại tá Ildarh
Akhmerov, chỉ huy trưởng đội tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương
Nga tỏ rõ quan điểm trước lệnh cấm ngư dân Việt Nam bắt cá của phía
Trung Quốc: “Không được cấm ngư dân hành nghề trên biển, họ là những
người dân hiền hòa. Bản thân tôi không hiểu vì sao lại cấm đánh bắt cá?
Qua nhiều nguồn tin và được thông tin từ nhiều góc độ, cá nhân tôi
đã tự định vị cho mình và tin vào một sự thật đó là: Có việc ngư dân
đánh bắt cá tại một số tỉnh miền trung không dám ra khơi vì sợ tàu hải
quân Trung Quốc gây hấn; như vậy lệnh đơn phương này của phía Trung
Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, luật pháp và thông lệ
quốc tế mà còn đe doạ trực tiếp tới "nồi cơm" của ngư dân biển miền
trung của chúng ta...
Cách đây vài hôm, theo dõi chương trình thời sự của Đài truyền hình
Việt Nam, chúng tôi thấy đài này phát đi một tin ngắn, có hình ảnh minh
hoạ thông tin cho biết: Nhiều tàu đánh cá tại miền trung không ra khơi
vì do giá dầu cao, giá cá hạ, không được đảm bảo ra khơi đánh bắt cõ
lãi nên nhiều chủ tàu chọn phương án nằm bờ?
Phóng viên không chỉ thông tin bằng việc đọc tin mà còn trực tiếp
phỏng vấn một số chủ tàu đang cho tàu nằm bờ? Quả thật thông tin này
làm cho tôi hoang mang và tự hỏi đâu là sự thật?
Về cơ cấu tổ chức, Đài truyền hình Việt Nam là một cơ quan thông
tin trực thuộc Chính phủ, trong mắt của dân hành nghề báo chí thì Đài
truyền hình VN là một tờ báo hình của Chính phủ, có nghĩa thông tin của
Đài là thông tin từ phía Chính phủ.
Sự thật theo quan niệm thông thường là chỉ có một: việc ngư dân
không đi biển là do sợ tàu hải quân Trung Quốc hay ngư dân sở dĩ không
đi biển là do giá dầu tăng, giá cá hạ, đi biển lỗ nên chọn cách cho
thuyển nằm bờ ?
Tin của các báo kia là đúng, là khách quan, là sự thật hay như tin
đã đưa và cách lý giải của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam mới là
đúng bản chất của sự việc?
Đối với người như tôi, do tiếp cận nhiều nguồn tin thì thường nghe
hai tai về các thông tin đến từ nhiều nguồn nên bộ phận kiểm chứng
trong não tôi tự động kích hoạt, xem xét và tự mình gạn đục khơi trong
và hiểu được: đằng sau cái luồng thông tin kia đưa ra nhằm dụng ý gì?
Vấn đề tôi muốn đặt ra là đối với một bộ phận người tiêu thụ thông
tin, khách hàng của loại hàng hoá thông tin, do thời gian và do nhiều
lý do nên họ có thể chỉ có quyền và điều kiện tiếp nhận thông tin từ
một chiều nào đó? Trong ví dụ kể trên, có thể có những người dân chỉ có
điều kiện xem truyền hình thôi thì nguồn tin do Đài truyền hình trở
thành sự thật muôn thuở trong nhận thức của họ? Như vậy luồng thông tin
của các đơn vị thông tin khác sẽ không đến với khách hàng này. Điều này
cũng sẽ tương tự xảy ra đới với tầng lớp khách hàng quen tiếp nhận các
nguồn tin không do Đài truyền hinh Việt Nam cung cấp...
Việc thông tin mà Đài truyền hình Việt Nam về bản chất nó khác, nếu
không muốn nói là nó ngược với thông tin mà các cơ quan báo chỉ khác đã
đưa về lý do vì sao ngư dân miền trung không ta biển? Sự thật chỉ có
một? Chã nhẽ mỗi cơ quan thông tin đúng một nửa sự thật? Sự thật không
thể chia đôi để giữ hoà khí theo tinh thần mặt trận. Cơ quan này thông
tin đúng bản chất sự vật, sự việc thì cơ quan kia đưa tin sai; vậy sai
này do tác nghiêp hay do động cơ muốn nhào nặn thông tin để phục vụ có
mục đích chính trị nào đó?
Đây là một câu chuyện chúng tôi muôn đưa ra trong Ngày báo chí Việt Nam, ngày 21/6.
Đây cũng là điều mà không chỉ dân hành nghề báo chí mà cả khách
hàng của báo chí luôn đặt ra và đòi hỏi: thông tin phải cận chân lý mới
là thông tin hữu ích, lương thiện...Còn như thông tin được đưa ra và
nhào nặn cho một khuynh hướng chính trị áp đặt thì phải cảnh giác. Đó
là điều không dễ nhận ra đối với loại khách hàng chỉ quen tiếp nhận
thông tin một chiều.
Trong đời sống xã hội thông tin ngày càng trở nên dữ dội, do sự
bùng nổ quyết liệt của của nhiều phương tiện tác nghiệp, do khoa học và
kỹ thuật giúp sức và cả sự bùng nổ của các khuynh hướng chính trị; vì
vậy thông tin rất dễ "có màu" và "bốc mùi"...
Đó là điều chúng tôi xin kính tặng bạn đọc nhân ngày 21/6 ngày nhà báo Việt Nam!
Nguồn: Phạm Viết Đào
|