Thứ Bảy, 2024-04-27, 8:44 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 22 » Từ dối trá đến “kinh doanh giáo dục
5:05 PM
Từ dối trá đến “kinh doanh giáo dục
(TuanVietNam) - "Văn hóa học đường" phải coi là chuyện "sống còn" của ngành giáo dục, vì nếu học đường mà thiếu văn hóa thì không thể làm được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức, nhân văn và nhân cách cho các thế hệ sau- TS. Nguyễn Hữu Nguyên.

Nền giáo dục nước ta đang có rất nhiều vấn đề bất cập, kéo dài cả ở tầng vĩ mô và vi mô, trong đó "văn hoá học đường" cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Xây dựng và củng cố "văn hóa học đường" phải coi là chuyện "sống còn" của ngành giáo dục.
Ảnh: webtretho

Từ điển Việt Nam định nghĩa "học đường" là "nhà trường", nhưng khái niệm "nhà trường" lại bao gồm cả cơ sở vật chất (phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học...) và con người (ban giám hiệu, các thầy, cô và học sinh). Như vậy, khái niệm "văn hoá học đường" cũng bao gồm hai mặt: Văn hoá vật chất và mối quan hệ giữa những con người trong nhà trường.

"Văn hoá học đường" hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do nhà trường tạo ra. "Văn hoá học đường" hiểu theo nghĩa hẹp hơn (khi "văn hoá" là tính từ) là môi trường vật chất và tinh thần tốt cho giảng dạy và học tập.

Như vậy, "văn hoá học đường" không đồng nghĩa với "văn hoá giáo dục". Nó hẹp hơn và chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường. Ở góc độ bài viết này, tôi muốn bàn về "văn hoá học đường" đang phải chịu sự tác động trực tiếp của những tiêu cực trong môi trường giáo dục và xã hội.

Dối trá- "vấn nạn" của ngành giáo dục

"Bệnh thành tích" thực chất là sự dối trá trong học đường. Tình trạng này đã tồn tại quá lâu và trở thành "vấn nạn" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải công khai tuyên chiến với nó. Bệnh này đã tạo ra những học sinh lớp 5 mà chưa đọc thông viết thạo, tạo ra rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ kém chất lượng.

Nguyên nhân của bệnh thành tích bắt đầu từ sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT. Tiêu chuẩn thi đua và đánh giá chất lượng giảng dạy của các trường căn cứ theo tỷ lệ điểm khá, giỏi và tỷ lệ lên lớp của học sinh, thành tích các trường lại liên quan tới sự đánh giá về thi đua của địa phương. Bên cạnh đó công tác thanh tra giáo dục của Bộ và địa phương cũng nằm trong tình trạng bệnh thành tích, cũng là tự lừa dối mình. Có thể thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT 2009 đang gây bất ngờ cho dư luận xã hội...

Như vậy, bệnh thành tích hoàn toàn phụ thuộc về phía ngành giáo dục và nhà trường chứ không phải từ phía các bậc cha mẹ, vì không ai muốn con em mình được điểm cao nhưng lại học kém. Bệnh thành tích còn làm mất lòng tin của học sinh vì các em thấy sự dối trá trong môi trường giáo dục, của thầy, cô, của người lớn, các em sẽ khó mà tin vào cuộc sống còn có những điều tốt đẹp hơn.

Nhưng khắc phục bệnh thành tích rất khó, vì nó không là bệnh riêng của ngành giáo dục mà còn bị ràng buộc bởi nhiều lĩnh vực- mang tính "hệ thống". Trên thực tế, hầu như tất cả các ngành, các cấp đều chịu áp lực của "chỉ tiêu thi đua", các chỉ tiêu ấy lại ảnh hưởng trực tiếp tới sự "thăng tiến" của các quan chức.

Một địa phương muốn được đánh giá là "toàn diện" thì phải tạo ra "thành tích cao" cho tất cả các ngành, trong đó có ngành giáo dục. Do đó chỉ khi nào quan điểm về công tác thi đua trở lại theo đúng nghĩa tốt đẹp như các phong trào "thi đua yêu nước" mà Bác Hồ đã phát động trong kháng chiến trước đây, người ta mới không còn tranh giành thành tích, không còn tạo "thành tích ảo" để được lên cấp, lên chức.

Từ dạy thêm đến "kinh doanh giáo dục"

Ảnh: tin247.com
Dạy thêm- học thêm làm tổn thương mối quan hệ thầy, trò và tác hại đến sức khoẻ tinh thần và thể chất các em. Ở đây, người viết bài này không phủ nhận hai loại dạy thêm- học thêm rất cần thiết: Học sinh học kém, mất căn bản kiến thức; và học sinh có năng khiếu đặc biệt, cần được bồi dưỡng để tạo nguồn đào tạo nhân tài.

Đã có rất nhiều bài báo nói về chương trình, SGK nặng nề, quá tải, khiến học sinh phải học thêm để bù đắp kiến thức, nhưng theo báo Tuổi Trẻ (ngày 23-11-2008), một cuộc điều tra của phóng viên cho thấy, có 48,6% học sinh được hỏi đang học thêm tại nhà thầy, cô (trong đó 39,6% học thêm do chính thầy, cô đang dạy mình), 23,9% học thêm ở các trung tâm giáo dục; 22,9% học thêm tại trường.
 
Kết qủa điều tra còn cho thấy "học sinh các gia đình càng khó khăn càng có xu hướng chọn học với thầy, cô đang dạy mình tại trường". Những số liệu trên nói lên khá rõ thực chất việc dạy thêm của một số giáo viên là nhằm nâng cao thu nhập.

Việc dạy thêm - học thêm không hoàn toàn tiêu cực đối với tất cả học sinh, nó giúp một số em củng cố kiến thức, nhưng việc này vẫn có thể làm được ngay trong giờ học chính khoá nếu giáo viên có trách nhiệm, có lương tâm tận tình giảng dạy hơn.

Không ít các học sinh, vì lo lắng đến thi cử, tốt nghiệp...chấp nhận tốn kém để học thêm với thầy, cô, nhưng cũng vì thế, các bậc cha mẹ, và ngay cả học sinh cũng không còn tâm lý kính trọng thầy, cô nữa. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho mối quan hệ thầy- trò ngày nay không còn thiêng liêng như trước.

Tình trạng "kinh doanh giáo dục", hạ thấp văn hóa học đường còn xảy ra ở một số trường có vốn đầu tư nước ngoài. Họ được phép hoạt động theo giấy phép của Bộ Kế hoạch- Đầu tư chứ không phải của Bộ GD và ĐT. Điều ấy cho thấy mục đích kinh doanh là chính. Họ tạo ra một loại học đường giá cao chỉ dành cho tầng lớp khá giả và hầu như không chịu sự kiểm soát của ngành giáo dục.

Cách đây không lâu, trên báo chí, dư luận xã hội lại tranh cãi quyết liệt về vấn đề “cổ phần hoá” trường học dựa trên một văn bản dự thảo của Bộ Tài chính “cổ phần hoá những đơn vị công lập có thu”- một khái niệm khá mù mờ… Đáng tiếc, có những ý kiến của cá nhân các nhà quản lý các trường đại học lại cho rằng “giáo dục nói chung, trong đó đại học nói riêng là một ngành kinh tế(!)”, và nếu không cổ phần hoá thì giáo dục đại học sẽ chẳng tạo ra cái gì mới cả (!)...

Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ trương, quan niệm "xã hội hóa" và hội nhập giáo dục không đúng, không rõ ràng. Giáo dục đang bị lợi dụng để kinh doanh, hoặc theo hướng hai bên cùng có lợi, rút cục, chỉ có học sinh, cha mẹ học sinh là thiệt hại. Hệ quả của hiện tượng này là tạo ra sự phân hóa và phân biệt "đẳng cấp", mất niềm tin ngay ở tuổi học trò, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý xã hội.

Khắc phục hiện tượng này tùy thuộc hoàn toàn vào nhận thức, tầm quản lý của Bộ GD và ĐT và những chủ trương chính sách mang tính vĩ mô của Chính phủ.

Nếu như trong lĩnh vực hoạt động kinh tế ngày nay người ta còn phải quan tâm đến "văn hóa doanh nghiệp", coi đó là yếu tố cơ bản cho sự phát triển bền vững thì xây dựng và củng cố "văn hóa học đường" phải coi là chuyện "sống còn" của ngành giáo dục, vì nếu học đường mà thiếu văn hóa thì không thể làm được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức, nhân văn và nhân cách cho các thế hệ sau.

  • Ts Nguyễn Hữu Nguyên
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 718 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0