Khối 8406
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006
Web: http://khoi8406vn.blogspot.com/
Email: vanphong8406@gmail.com
Kháng thư số 25:
Đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam
bảo vệ ngư trường, ngư dân,
ngư nghiệp Việt Nam
(và trả tự do cho nhóm Luật sư Lê Công Định)
Việt Nam, ngày 21-06-2009 Kính thưa toàn thể Đồng bào quốc nội và hải ngoại, Kính thưa Cộng đồng Dân chủ trên toàn thế giới.
Kể từ đầu năm nay, đặc biệt từ trung tuần tháng 5-2009, nhiều biến cố
dồn dập trên Biển Đông đã gây kinh hoàng cho ngư dân Việt Nam, gây lo
ngại cho nhà cầm quyền CSVN và gây phẫn nộ cho tất cả đồng bào Việt Nam
từ trong ra tới ngoài nước lẫn Cộng đồng Dân chủ năm châu.
I- Những sự kiện
1- Phía ngư dân:
Mở đầu là vụ việc ngày 15-01-2009, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Phú Yên
thông báo: một tàu đánh cá của ngư dân địa phương đã bị một tàu lạ đâm
chìm ở vùng biển cách mũi Đại Lãnh về phía Đông Nam khỏang 80 hải lý.
Toàn bộ 9 ngư dân trên tàu bị mất tích. Đến ngày 14-03, tàu đánh cá
mang số hiệu BL-03942-TS ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cũng bị một
tàu lạ đâm chìm. Lúc đó, Ban phòng chống lụt bão tỉnh Bạc Liêu xác
nhận: vụ tai nạn này đã làm hai ngư dân là Cô Văn Đủ và Nguyễn Văn
Khương tử nạn. Hai người khác là Nguyễn Văn Đấu và Huỳnh Văn Nhất mất
tích. (x. RFA 24-05-2009).
Ngày 26-04, chiếc tàu cá
QNg-94734-TS thuộc thôn Phần Thất, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh
Quảng Ngãi, khi đang trên đường tìm kiếm ngư trường thì bị 2 tàu Trung
Quốc (số hiệu 44061, 44831) đến gần nổ súng, buộc phải dừng lại. Liền
sau đó, 2 chiếc ca nô xuất phát từ các tàu trên chở theo khoảng 10
người mang súng ‘đổ bộ’ lên tàu cá Việt. Họ lục lọi khắp tàu, giở hầm
thấy cá liền bắt các thuyền viên chuyển qua ca nô để chở về tàu ‘trắng’
trên 3 tấn cá mà tàu VN đã đánh bắt được sau 6 ngày cật lực. Trước khi
bỏ đi, những người Trung Quốc còn ‘đe dọa’ bằng cách lấy lưỡi lê súng
AK đâm lủng 1 thúng chai... (x. Thanh Niên, 06-06-2009)
Đầu
tháng 5, một tàu ngư dân thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang
vây bắt một đàn cá ở vị trí 109 độ kinh đông và 17 độ vĩ bắc, cách bờ
chừng 65 hải lý thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài đến yêu cầu dỡ lưới
đi nơi khác, nếu không sẽ gặp rắc rối (x. http://www.tuoitre.com.vn
ngày 02-06-2009). Rạng sáng ngày 19-05, một tàu câu mực của ngư dân xã
Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang khi hành nghề ở 10'54
độ vĩ bắc, 111 độ kinh đông, trong khu vực không xa quần đảo Hoàng
Sa, thì đã bị một tàu lạ tông cho chìm, khiến 26 thuyền viên rơi xuống
biển (x. http://www.blogosin.org/?p=925 ngày 08-06-2009). Cũng cùng
ngày 19-5 tàu cá QNg-94734-TS thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị
một tàu nước ngoài tấn công ngay trên ngư trường, lấy đi hơn một nửa số
cá vừa đánh bắt được. Đã vậy, trước khi bỏ đi, các thuyền viên tàu nước
ngoài còn dùng lưỡi lê đâm thủng một chiếc thuyền thúng dùng làm thuyền
cứu nạn. (x. http://www. vietnamnet.vn/kinhte/2009/06/850893/)
Sáng ngày 24-05, tàu QNg-8793-TS thuộc thôn Hải Tân, xã Phổ Quang,
huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đang khi ngủ nghỉ sau cả đêm đánh cá
bỗng giật mình hoảng hốt khi nghe tiếng hụ còi của tàu “trắng” mang số
hiệu 44183 (Loại tàu tuần tra của Trung Quốc ngụy trang thành tàu kiểm
soát đánh cá). Tất cả thuyền viên vùng dậy nổ máy chạy liền, nhưng chỉ
được vài trăm mét thì tàu “trắng” đã tiếp cận. Lập tức, 4 người Trung
Quốc cầm súng trèo qua tàu, ra hiệu các thuyền viên đứng dồn lại, lục
lọi khắp người, khắp tàu và cuối cùng buộc các ngư dân chuyển khoảng 5
tấn cá - thành quả lao động nhiều ngày của họ - qua tàu “trắng” (x.
Thanh Niên, ngày 6-06-2009).
Sáng ngày 03-06, 9 ngư dân xã
Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang đánh bắt cá trên chiếc tàu
có số hiệu NA-4425-TS thì bất ngờ bị hai chiếc tàu lạ tấn công và truy
đuổi, công kích bằng đá, chai bia, lọ nước… Bỏ lại lưới, họ chạy thoát
thân được hơn 2 hải lý thì một chiếc đuổi kịp, đâm thẳng vào mạn tàu
khiến con tàu bị nghiêng, hư hỏng nặng… (x. http://dantri.com.vn
/c20/s20-329421/hai-tau-ca-la-tan-cong-9-ngu-dan.htm).
Ngoài ra, ngày 5-6-09, Vietnamnet, dựa theo báo cáo từ Sở Ngoại vụ tỉnh
Quảng Ngãi, cho hay rằng chỉ riêng tỉnh này “tính từ 2005 đến quý
I-2009, tổng số tàu thuyền và ngư dân bị nước ngoài bắt là 74 chiếc,
714 người, trong đó 33 chiếc với 373 người bị Trung Quốc bắt.” Nguồn
tin này cho biết thêm: “Khi bị Trung Quốc bắt, thân nhân ngư dân phải
nộp tiền chuộc từ 5-7 vạn nhân dân tệ (150-180 triệu đồng) mới đưa được
ngư dân về nhà. Ngoài bị bắt ra, Quảng Ngãi cũng có 6 ngư dân bị nước
ngoài bắn chết và bị thương năm 2007” (x.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm /anmviewer.asp?a=96218&z=1
ngày 09-06-2009)
Chẳng những bị Trung Quốc ăn hiếp, ngư dân
VN còn bị Malaysia bắt nạt. Trong 6 tháng đầu năm 2009, Malaysia đã bắt
giữ 40 tàu cá và 464 ngư dân của Việt Nam, trong đó mỗi ngư dân bị bắt
sẽ bị phạt tới 100.000 ringgit, thuyền trưởng bị phạt tới 1 triệu
ringgit (1 USD tương đương 3.5 ringgit). (x.
http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quocte/LA61256/default.htm)
Về
ngư nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) miền Trung cho hay họ đang nhìn về
vùng nguyên liệu miền Nam để mong tồn tại. Tuy nhiên, các DN ở đây cũng
đang "đói" nguyên liệu chế biến. Điển hình như Cty Thủy sản Nam Việt
(Navico, An Giang), một "đại gia" trong ngành, nhiều năm liền dẫn đầu
cả nước về kim ngạch xuất khẩu, nhưng hiện 3 nhà máy thủy sản được đầu
tư công nghệ hiện đại của họ chỉ hoạt động 30%-40% công suất bởi không
đủ nguyên liệu. Hoặc ở tỉnh Bà RịaVũng Tàu (vựa thủy hải sản lớn nhất
Đông Nam bộ), hàng loạt DN lớn như Cty East Wind Vietnam (huyện Tân
Thành, chế biến bột cá), từ đầu năm đến nay, chỉ thu mua được khoảng
1/3 nguyên liệu so với cùng kỳ năm ngoái, nên 3 dây chuyền chế biến có
tổng công suất lên 350 tấn/ngày chỉ hoạt động được 20%... Thiếu nguyên
liệu lại kèm theo suy thoái kinh tế là nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy
sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009 chỉ đạt chỉ đạt xấp xỉ 30% so với kế
hoạch 4 tỷ USD xuất khẩu năm nay. (x. Việt Báo 12-06-2009)
2- Phía Trung Quốc
Kể từ năm 2001, sau hiệp định lãnh hải Việt Trung ký ngày 25-12-2000,
và đặc biệt từ đầu năm nay, Trung Quốc đã cử nhiều tàu hải quân
đến vùng Biển Đông để “tuần tra”. Họ đã ngăn chận, đánh đuổi, cướp
cá, bắt người, tịch thu thuyền, thậm chí giết chết ngư dân Việt Nam như
đã thấy trên kia. Cách đây hơn một tháng, họ lại ngang nhiên ra lệnh
cấm các bên không được đánh cá trong một giai đoạn do họ áp đặt
từ ngày 16/05 tới ngày 01/08 (mùa đánh cá của ngư dân Việt Nam) tại
vùng biển ''kéo dài từ 12 độ vĩ bắc lên trên 20 độ vĩ bắc, tức từ vùng
biển Trường Sa, Hoàng sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc'',
một vùng rộng đến 128.000 km2, nghĩa là toàn thể vịnh Bắc Bộ. (x. Lao
Ðộng, thứ ba 02-06-2009).
Ngày 06-06, hai hôm sau phản ứng
của Việt Nam, Bắc Kinh loan báo chiếc Ngư Chính 44183, tàu kiểm soát
đánh cá lớn nhất của họ và 7 chiếc Ngư Chính khác nhỏ hơn, đến tuần
tiễu, thi hành lệnh cấm. Tới ngày 09-06, Tần Cương, phát ngôn nhân bộ
Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể
tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa và những vùng biển lân cận. Lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của
Trung Quốc là một biện pháp hành chính thông thường và hợp lý của Trung
Quốc nhằm bảo tồn nguồn lợi hải dương ở khu vực này của Trung Quốc”.
2- Phía nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam
Đang khi ngư trường dậy sóng, ngư dân điêu đứng kinh hoàng và ngư
nghiệp thất bát lụn bại vì bị Trung Quốc đánh phá, đặc biệt từ đầu năm
nay, thì theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25-05, bên lề Hội nghị Bộ
trưởng Ngoại giao ÁÂu lần thứ 9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại
giao CSVN Phạm Gia Khiêm vẫn có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung
Quốc Dương Khiết Trì. Hai bên cho rằng “quan hệ hai nước thời gian vừa
qua tiếp tục có những tiến triển quan trọng nhằm triển khai có hiệu quả
quan hệ 'đối tác hợp tác chiến lược toàn diện'. Hai bên nhất trí sẽ
phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn tất những công việc còn lại trong
công tác phân giới cắm mốc biên giới lãnh thổ, đồng thời tích cực đàm
phán về các vấn đề trên biển. Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chuẩn bị
tốt các hoạt động trong “năm Hữu nghị ViệtTrung 2010”, góp phần tăng
cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước; đồng thời tin
tưởng rằng với cố gắng chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện ViệtTrung nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh
mẽ hơn nữa”. (x. TTXVN 25-05-2009).
Qua hôm sau, ngày
26-05, Tổng Bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh lại tiếp viên Bộ trưởng
Ngoại giao Trung Cộng này tại trụ sở trung ương đảng. Nông Đức Mạnh đã
“đánh giá cao những đóng góp tích cực của Bộ Ngoại giao hai nước trong
thời gian qua; mong rằng Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục tăng cường hợp
tác, cùng nhau phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa cho quan hệ hai nước
Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí
tốt, đối tác tốt”. Ông ta còn khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân
Việt Nam trước sau như một luôn coi trọng việc phát triển quan hệ hữu
nghị và hợp tác toàn diện với TQ, vun đắp cho quan hệ đó ngày càng đơm
hoa kết trái, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình và phát
triển ở khu vực và trên thế giới” (x.
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30012&cn_id=342366).
Sau khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh cá nói trên, nhà
cầm quyền CSVN đã phản ứng hết sức kỳ lạ. Thông tấn xã VN ngày 06-06
viết : “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: hôm 04-06, Thứ
trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn
Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh
cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của
Việt Nam trên Biển Đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá
tại những vùng biển này. Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh
hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường
truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho
quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản
trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc đã hứa sẽ báo cáo về
nước đề nghị của phía Việt Nam”. Và Trung Quốc đã đáp ứng đề nghị của
Việt Nam cách nào thì như đã thấy trên kia.
Vậy mà đến ngày
12-6, Nông Đức Mạnh lại tiếp Đoàn đại biểu Trung cộng do ông Lý Nguyên
Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu.
Nông Đức Mạnh lại tiếp tục nhấn mạnh “chuyến thăm Việt Nam lần này của
Đoàn thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc
đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, là biểu hiện
sinh động của việc xây dựng quan hệ đối tác tác chiến lược toàn diện
ViệtTrung; đánh giá cao việc hai nước hợp tác có hiệu quả ở tất cả các
cấp, các ngành, các tổ chức nhân dân, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến
lược toàn diện ViệtTrung Quốc lên một tầm cao mới”. Ông ta còn “cảm ơn
sự giúp đỡ to lớn mà Đảng, nhân dân Trung Quốc đã, đang dành cho Việt
Nam… khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một,
luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ và phát triển quan hệ
hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai
nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và
được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp” (Theo
TTXVN 13-06-2009)
Về phần Quốc hội CSVN khóa 12 kỳ 5 (từ
20-5 đến 19-06), thì chuyện Biển Đông dù gây xôn xao cho lắng cho cả
nước, vẫn không được đưa vào nghị trình chính thức. Chỉ có một thành
viên là đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng
cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN, ra hành lang trả lời một phóng viên
báo Vietnamnet ngày 11-06 xung quanh việc làm thế nào để ngư dân có thể
đánh bắt cá an toàn trên vùng biển chủ quyền của VN. Được hỏi “Ngư dân
hiện nay có thể yên tâm đánh bắt ở những vùng được xác định là chủ
quyền của VN không? Lực lượng bảo vệ ở đó thế nào?" ông Dũng trả lời
kiểu lấp lửng: «Lực lượng bảo vệ đầy đủ, tình hình vẫn tốt. Các tàu mà
bị bắt hầu hết do không nhận biết được giữa vùng biển mênh mông là tàu
có trên đúng vùng biển của mình hay không. Còn những nơi ổn định quanh
Trường Sa hay vùng biển quanh khu vực dầu khí thì bà con vẫn rất an
toàn. Vùng biển có các giàn khoan khai thác dầu khí hiện nay vẫn thuộc
chủ quyền của mình» (x. Vietnamnet 12-06-2009).
II. Trước những sự kiện và thái độ như trên, Khối 8406 tuyên bố:
1- Kịch liệt lên án đảng và nhà cầm quyền CSVN
-
vẫn tiếp tục ve vãn Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc, lân
bang chuyên nuôi mộng thôn tính Tổ quốc, vẫn mù quáng tin tưởng khẩu
hiệu «16 chữ vàng», mối quan hệ «4 tốt» đầy lường gạt, vẫn tiếp tục
tiếp đón đại diện của cái quốc gia đang cùng lúc cấm cản giết hại đồng
bào mình ngoài biển khơi, đang ngang nhiên cho thấy vô vàn dấu hiệu bộc
lộ ý đồ đen tối của họ đối với nước Việt. - vẫn tỏ ra khiếp sợ
Trung Quốc trước những gì họ đã và đang làm cho ngư dân VN, kể từ vụ
ngư dân Thanh Hóa, đang khi đánh cá trên biển VN, đã bị Trung Quốc bắn
chết 9 người và làm bị thương 8 người ngày 8-1-2005 rồi hàng trăm vụ
việc tương tự sau đó. Nay thì chỉ phản đối một cách đê hèn khiếp nhược
bằng cách cho bộ ngoại giao đến giao thiệp (thực chất là xin gặp) đại
sứ Trung Quốc (thay vì triệu ông ta đến bộ này), đề nghị Trung Quốc
đừng ngăn cản hoạt động của ngư dân VN (thay vì gởi công hàm phản đối),
rồi chỉ khuyến khích ngư dân lo tự bảo vệ là chính.
2- Kịch liệt lên án Quốc hội bù nhìn khóa XII của VN
-
vẫn bình chân như vại suốt kỳ họp thứ 5 giữa lúc bao đau thương nguy
hiểm đang xảy đến cho đồng bào ngoài biển cả, trên đất liền, cho những
ngư dân bị cấm cản đánh cá, phải bán tháo bán đổ ngư cụ, cho những công
ty xí nghiệp thủy sản gặp đình đốn trong chế biến, bị thua lỗ trong
xuất khẩu.
- vẫn câm miệng không dám gọi thẳng tên «tàu Trung
Quốc» mà chỉ dùng từ «tàu lạ» khi đề cập đến những sự cố đau thương cho
ngư dân VN trên biển, rồi chỉ để cho một thành viên thủ thỉ chuyện biển
Đông với một phóng viên duy nhất ngoài hành lang Quốc hội.
3- Quyết liệt đòi hỏi đảng và nhà cầm quyền CSVN
-
phải bắt chước lân bang Philippin vốn từng mạnh mẽ phản đối -bằng lời
nói và hành động- một lệnh cấm tương tự của Trung Quốc cách đây 10 năm
(từ 1-6 đến 31-7-1999) : "Chúng tôi đang đánh bắt cá trong vùng lãnh
hải của chúng tôi... Họ mới chính là người xâm phạm lãnh thổ của chúng
tôi" (Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando Mercado, theo Thông tấn
xã Kyodo News của Nhật ngày 3-6-1999).
- phải noi gương các
nước có chung vùng biển đánh cá với Trung Quốc như Nhật Bản, Đài Loan,
Nam Hàn, vốn không bao giờ để cho ngư dân của mình bị Trung Quốc hăm
dọa, trấn lột, sát hại. Phải phát triển và sử dụng lực lượng hải quân
hùng mạnh để bảo vệ ngư dân và ngư trường, đồng thời để tìm cách chiếm
lại hai quần đảo của Tổ quốc là Hoàng Sa và Trường Sa nếu cần thiết.
-
phải nhanh chóng lên tiếng bênh vực và giải thoát hàng ngàn ngư dân VN
đang bị Trung Quốc, Malaysia và nhiều nước khác trong vùng giam giữ từ
bao năm qua, lấy lại tàu thuyền ngư cụ cho họ và nâng đỡ gia đình khốn
khổ của họ.
- phải can đảm xé bỏ Công hàm bán nước năm 1958,
Hiệp định lãnh hải (phân định vịnh Bắc Bộ) năm 2000 và Nghị định thư về
hợp tác đánh cá trong Vịnh Bắc bộ năm 2004. - phải cấp tốc đưa vấn
đề «Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và cấm cản ngư dân Việt đánh cá trên
biển Việt» ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
4- Tha
thiết kêu gọi toàn thể Đồng bào Việt Nam mọi giới trong và ngoài nước,
các lực lượng Quân đội hãy chung tay bảo vệ và cứu nguy Tổ quốc bằng
cách chống lại những kẻ nội thù bán nước trước khi chống lại kẻ ngoại
thù cướp nước.
5- Nhân dịp này, Khối 8406 chúng tôi cũng tuyên bố :
-
Những gì luật sư Lê Công Định và các bạn (Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng
Long, Lê Thị Thu Thu, Trần Thị Thu) đã nói, đã viết, đã làm vì nhân
quyền và dân chủ trong thời gian qua, kể cả việc tham gia các đảng phái
nhằm chuẩn bị đấu tranh bất bạo động với đảng CS, đều là những việc làm
chính đáng, cần thiết, đáng trân trọng. - Việc bắt giam nhóm luật
sư Lê Công Định dựa «theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, vì đã có những hành
vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước CHXHCN Việt Nam»
(một điều luật quái đản không hề có trong thế giới văn minh dân chủ) là
sự vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập
hội theo Công ước quốc tế năm 1966 mà VN đã ký vào. - Việc luật sư
Lê Công Định tuyên bố nhận tội đã «vi phạm pháp luật theo điều 88 BLHS
của nước CHXHCN Việt Nam» giữa lúc ông hoàn toàn hiểu biết rằng đó là
một điều luật bất công phi lý, giữa lúc ông đang trọn vẹn nằm trong bàn
tay sắt của công an vốn có những thủ thuật ép cung tinh vi, thâm độc và
tàn bạo, giữa lúc chưa có một phiên tòa công khai minh bạch, việc «nhận
tội» đó là hoàn toàn phi pháp, vô giá trị, không thể tin được và không
thể chấp nhận được. - Nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho luật sư
Định cùng các bạn của ông (như kể trên) ngay lập tức và vô điều kiện,
đồng thời phải phục hồi danh dự cho tất cả họ.
Làm tại Việt Nam ngày 21 tháng 06 năm 2009.
Ban điều hành lâm thời Khối 8406. 1- Kỹ sư Đỗ Nam Hải, Sài Gòn, Việt Nam. 2- Trung tá Trần Anh Kim, Thái Bình, Việt Nam. 3- Linh mục Phan Văn Lợi, Huế, Việt Nam. 4- Giáo sư Nguyễn Chính Kết (đang vận động dân chủ tại hải ngoại) (trong
sự hiệp thông của linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và
nhiều chiến sĩ dân chủ khác, hiện còn đang bị giam cầm trong lao tù
cộng sản.)
|