Thứ Ba, 2024-11-05, 8:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 26 » Thư ngỏ gửi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak
9:22 AM
Thư ngỏ gửi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak

Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền


Việt Nam ngày 25-06-2009
Kính thưa Ông Đại sứ

Chúng tôi ký tên dưới đây là đại diện cho Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, tức là nhóm Linh mục Việt Nam sống theo tinh thần của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, vị chủ chăn Công giáo can đảm từng cai quản Giáo phận Huế nhưng đã bị Cộng sản ám hại ngày 08-06-1988.

Theo bản tin của phóng viên Thanh Quang, đài RFA hôm 18-06-2009, thì Ông Đại sứ đã  gặp nhiều cá nhân và tổ chức Việt Nam hải ngoại ở Washington D.C. ngày 13-06-2009 tại tư gia bác sĩ Nguyễn Quốc Quân (www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Michael-michalak-met-with-various-vietnamese-american-representatives-in-washington-area-06182009164514.html).

Dựa theo những lời phát biểu của Ông hôm đó mà bản tin RFA có ghi lại và chúng tôi hy vọng là không sai lạc, chúng tôi xin trả lời Ông như sau:

1- Ông nói: “Cần phải minh định rõ rằng đạo luật tự do tôn giáo chỉ đề cập tới vấn đề tự do tôn giáo, nó không nhất thiết liên quan đến nhân quyền”.

Thế Ông nghĩ sao về điều 18 trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị được biểu quyết ngày 16-12-1966. Ðiều 18 này nói rõ: “1- Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng. 2- Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng…” Phải chăng khi nói như trên, Ông Đại sứ hàm ý rằng việc không có tự do tôn giáo chẳng phải là việc mất đi (một phần) nhân quyền hay việc bách hại thành viên tôn giáo chẳng phải là việc vi phạm nhân quyền?

2- Ông nói: “Hiện giờ Giáo hội Công giáo không dính líu đến chính trị” và “Giáo hội tại VN phải ở ngoài phạm vi chính trị”.

Thưa Ông, là một nhà ngoại giao lâu năm và học lắm hiểu nhiều, Ông hẳn biết rằng có hai thứ chính trị: chính trị đảng pháichính trị công dân. Các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo, cụ thể là các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các lãnh đạo Công giáo, không được dính líu đến chính trị đảng phái, nghĩa là không được thành lập hoặc gia nhập một quân đội để đấu tranh vũ trang cũng như không được thành lập hoặc gia nhập một đảng phái để đấu tranh nghị trường với một nhà nước hay với các đảng phái khác (các giáo dân Công giáo thì có thể làm việc này nhưng không được nhân danh Giáo hội). Tuy nhiên, các tôn giáo, các giáo hội đều có quyền và có nghĩa vụ làm chính trị công dân xét theo tư cách cá nhân các lãnh đạo tôn giáo hoặc theo tư cách tập thể các Giáo hội.

Quyền và nghĩa vụ này còn mang tính đòi hỏi hơn đối với tôn giáo, bởi lẽ tôn giáo -ngoài chức năng giới thiệu, dẫn đường đến Đấng Chân Thiện Mỹ Tuyệt Đối- còn có chức năng giới thiệu, dẫn đường đến tính chân thiện mỹ trong mọi hành vi của con người, từ cá nhân đến tập thể, nhất là các hành vi thuộc hoạt động chính trị. Nói cách khác, các tôn giáo có quyền và nghĩa vụ làm lương tâm luân lý, làm thầy dạy đạo đức, làm ngôn sứ sự thật, làm chiến sĩ lẽ phải cho toàn xã hội. Cụ thể ra, các tôn giáo có quyền và nghĩa vụ phát ngôn (tuyên bố, kiến nghị, kháng thư) lẫn hành động (tụ tập cầu nguyện, biểu tình phản đối) khi có bất công trong xã hội, có áp bức từ phía chính quyền, có sai lầm từ các chính sách, có triệt tiêu hay giới tự do từ chế độ cai trị, có nguy cơ do nội xâm và ngoại xâm…

“Giáo hội tại Việt Nam phải ở ngoài phạm vi chính trị”, câu nói này của Ông Đại sứ thật là đúng ý Cộng sản. Bởi lẽ Cộng sản trước kia gọi tôn giáo là thuốc phiện mê dân, nhưng nay muốn tôn giáo thật là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, muốn các tôn giáo, cụ thể là các lãnh đạo tôn giáo, im lặng trước những sai lầm và tội ác của chính đảng và chính phủ CS, trước chủ trương phá thai để điều hòa dân số, chủ trương bán rẻ sức lao động của công nhân, chủ trương xuất khẩu lao nô và tình nô ra nước ngoài, chủ trương cướp đất nông dân, cướp nhà thị dân, cướp tài sản giáo dân dưới chiêu bài quy hoạch phát triển, chủ trương đàn áp những ai lên tiếng đòi hỏi các nhân quyền dưới chiêu bài “ổn định chính trị”, chủ trương giáo dục kiểu ngu dân, nhồi sọ, diệt ý chí, chủ trương nhượng biên giới, hải đảo, đất liền (Tây Nguyên chẳng hạn) cho ngoại bang để bảo vệ ngai vàng quyền lực.

3- Ông nói: “Liên hệ chính trị thường phải đương đầu với hàng loạt thứ luật lệ không liên quan luật về tự do tôn giáo, khiến đương sự gặp nhiều rắc rối. Như trường hợp Lm Nguyễn Văn Lý, vì vượt qua ranh giới này nên tiếp tục bị cầm tù”.

Thưa Ông, đây là luận điệu mà nhiều chính khách Hoa Kỳ thuộc hành pháp vẫn dùng để kết án không những Linh mục Nguyễn Văn Lý mà cả Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng các lãnh đạo tinh thần đã và đang đứng lên đương đầu với chế độ CSVN. Tự do tôn giáo và tự do dân sự là hai mặt của cùng một thực thể: nhân quyền. Các chức sắc tôn giáo vừa là thành viên của Giáo hội, vừa là công dân của Đất nước, vừa là anh em của mọi người. Các tôn giáo, theo bản chất, vừa phải bảo vệ những giá trị siêu linh vừa phải bảo vệ những giá trị nhân bản, vì hiện diện giữa cộng đồng con người và cộng đồng dân tộc. Linh mục Nguyễn Văn Lý (và nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền chúng tôi) khi lên tiếng chống độc tài đảng trị, chống đảng cử dân bầu… Hòa thượng Thích Quảng Độ (và Lưỡng viện Tăng thống, Hóa đạo của ngài) khi lên tiếng chống các hiệp định lãnh thổ và lãnh hải bất công, chống việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên… tất cả đều chỉ hành động theo lương tâm và bổn phận của một tín đồ, một nhà tu hành, một chức sắc tôn giáo, đều chỉ bày tỏ thái độ chính trị (mà chúng tôi được quyền có) và thực thi chính trị công dân (mà chúng tôi được quyền làm). Hòa thượng Quảng Độ và Linh mục Lý chỉ gọi là “vượt qua ranh giới” khi các ngài có mưu tính nhảy vào chính trường (như nhiều vị tu hành đang là đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp) hay nhắm một chức vụ nào đó trong chính quyền tương lai (một điều mà các ngài và chúng tôi chẳng bao giờ màng đến). Nhà cầm quyền CS đàn áp Linh mục Lý (cầm tù) và Hòa thượng Quảng Độ (quản chế) chính là đàn áp tôn giáo thực sự. Cho nên câu Ông nói: “Có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người (theo tôn giáo) bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị và những người đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật (mà bị đàn áp)”, câu nói ấy, theo chúng tôi, bao hàm một sự phân biệt giả tạo.

4- Ông nhận xét: “Nói chung người dân VN hiện có cơ hội bày tỏ Đức tin của mình nhiều hơn trước đây” và nhận định: “Ngay trong lúc nầy, tôi không tin là có đủ bằng chứng để đưa VN trở lại danh sách CPC, tức những nước cần quan tâm đặc biệt về đàn áp tôn giáo”.

Những nhận xét và nhận định này của Ông đã gặp phải phản ứng thế nào của cộng đồng người Việt tại quận Cam, Nam California ngày 05 và 06-06-2009 (x. RFA 08-06-2009) và của mục sư Thân Văn Trường từ Việt Nam ngày 12-06-2009 thì Ông đã rõ. Nay chúng tôi chỉ xin thêm vài ý kiến.

Hẳn Ông Đại sứ muốn nói người dân Việt Nam nay có cơ hội bày tỏ Đức tin mình hơn trước qua việc các tín đồ đến những nơi thờ tự đông đảo, các chức sắc ra ngoại quốc nườm nượp, các lễ hội tôn giáo được tổ chức linh đình, các Giáo hội được xây chùa chiền, thánh thất, nhà thờ nguy nga !?! Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, một trí thức uyên thâm, hẳn Ông biết rằng đó chỉ là những thứ tự do tôn giáo rất ngoại diện, rất phụ tùy. Ngoài ra, không phải mọi tín đồ, mọi chức sắc, mọi tôn giáo đều được hưởng những thứ tự do ngoại diện đó (bị tước những thứ này là các Giáo hội truyền thống, thuần túy, phi quốc doanh, các chức sắc và tín đồ đấu tranh, đối kháng, “phản động”).

Việc bày tỏ Đức tin cách đích thực, tự do tôn giáo đúng nghĩa nằm ở chỗ các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo (1) phải được nhà nước thừa nhận quy chế (sau khi đăng ký, theo nghĩa trình báo), công nhận như những pháp nhân thực thụ; (2) phải được độc lập trong việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc của mình, phải được tham gia vào các cơ quan xã hội, bộ máy nhà nước qua những tín đồ, giáo dân của mình; (3) phải được tự do trong các hoạt động, từ hoạt động thờ phượng đến hoạt động truyền giáo, hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục; phải được sở hữu các phương tiện truyền thông, các cơ sở giáo dục mọi cấp; (4) phải được trả lại mọi cơ sở, đất đai đã bị nhà cầm quyền tịch thu từ 1954 hay từ 1975, phải được quyền sở hữu đất đai và mọi thứ tài sản khác (do thủ đắc, do dâng tặng); (5) phải được tự do liên lạc với các tổ chức, cơ quan đồng đạo ở nước ngoài mà không bị nhà cầm quyền can thiệp, lũng đoạn. Tất cả 5 quyền tự do tôn giáo cơ bản này chưa hề có tại Việt Nam.

Thành ra, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế, nhiều chính khách thuộc Lập pháp của Hoa Kỳ (và cả những lãnh đạo tinh thần đấu tranh tại Việt Nam) đã rất đúng đắn khi yêu cầu chính phủ Mỹ đặt Việt Nam vào lại CPC với những chế tài đích đáng.

5- Ngoài ra, trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại quận Cam, Nam California ngày 05 và 06-06-2009, Ông Đại sứ đã hân hoan cho biết dù chỉ mới phục vụ được một nửa nhiệm kỳ tại Việt Nam, nhưng ông đã đạt được chỉ tiêu về việc nâng cao con số du học sinh từ Việt Nam vào nước Mỹ lên đến hơn 12 ngàn sinh viên. Rồi trả lời câu hỏi là việc gia tăng số du học sinh sẽ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam như thế nào, Ông phát biểu: “Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”

Ở đây, chúng tôi không cần nhắc lại phản ứng của Dân biểu Dana Rohrabacher vốn đã bác bỏ lý luận lạ lùng của Ông. Chúng tôi chỉ xin nhận xét rằng vấn đề hỗ trợ giáo dục tại Việt Nam có hai khía cạnh:
a - Nếu là việc tăng số du học sinh sang Hoa Kỳ (như ông đang làm), thì chúng tôi xin thưa rằng việc này không tất nhiên giúp cải thiện nhân quyền dân chủ. Vì như Ông Đại sứ biết, số sinh viên du học từ Việt Nam thường phân thành ba loại: loại con cái đảng viên cán bộ CS, loại con cái những nhà giàu mới nổi và loại học sinh nghèo nhưng xuất sắc. Loại con cái đảng viên cán bộ học hành về để thay thế cha ông tiếp tục thống trị dân Việt. Loại con cái nhà giàu hoặc ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp, hoặc trở về thì e rằng cũng chỉ lo kiếm tiền, tiến thân hơn là cải thiện nhân quyền, phục vụ xã hội. Loại con cái nhà nghèo thành tài trở về cũng sẽ chỉ giữ được những chức vụ nhỏ trong guồng máy xã hội (trừ khi gia nhập đảng CS), thành ra chí hướng cải thiện nhân quyền chẳng có cơ thành tựu. Xin Ông Đại sứ cứ nhìn xem ông Nguyễn Thiện Nhân, một người từng tốt nghiệp tiến sĩ tại Hoa Kỳ và đang giữ chức bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo CSVN. Thế mà ông ta đã đạt thành quả gì ngoài việc “thúc đẩy nhanh chóng sự xuống dốc đến mức đáng xấu hổ của nền giáo dục Việt Nam, trong năm 2007” với danh hiệu “Nhân vật tệ hại nhất năm 2007” do các trang blog quốc nội bình bầu và gần đây nhất lại bị một số trí thức trong nước gọi là “kẻ dở khôn dở dại”!!!

b- Nếu là việc giúp thay đổi tận căn nền giáo dục ngày càng sa sút của Việt Nam thì đó là điều Ông Đại sứ xem ra chưa quan tâm, nhưng đây mới là chuyện cốt yếu. Với kinh nghiệm và kiến thức, Ông hẳn biết rằng nền giáo dục tại các quốc gia CS, cụ thể là Việt Nam, từ trước tới nay chú trọng “hồng hơn chuyên”, dạy dỗ tính gian dối và dung túng thói bạo hành, đào tạo ra những tôi trung phục vụ cho đảng hơn là những công dân tự do cho đất nước, nhồi sọ cho học sinh ngay từ thơ bé lòng kính yêu Hồ Chí Minh, tay gian hùng, kẻ đã đem đến bao tai họa cho đất nước Việt Nam (Nền giáo dục Hoa Kỳ có dạy học sinh kính yêu đặc biệt một vị tổng thống nào chăng, ngay cả tổng thống George Washington, cha già dân tộc của Hoa Kỳ?). Nền giáo dục đó cho tới nay vẫn lâm cơn khủng hoảng triền miên với một chương trình nặng nề, từ chương, thay đổi xoành xoạch, một bộ sách giáo khoa độc quyền nhưng biên soạn cẩu thả, đầy xuyên tạc và bán giá đắt, một hàng ngũ giáo viên mà vô số thiếu khả năng và thiếu tư cách, một hệ thống trường ốc mà đa phần xập xệ, ít tiện nghi, ít phương tiện, một chính sách quản lý điều hành loại trừ sự tham gia của các tôn giáo đầy khả năng và thiện chí. Nền giáo dục đó đang khiến cho hàng triệu học sinh bỏ học vì thâu học phí và tăng học phí thường xuyên, đang trói buộc sinh viên trong vòng kiềm tỏa của chế độ qua việc tăng học phí ngất trời để rồi cho mượn tiền trang trải. Nền giáo dục đó đã từng hăm dọa các học sinh sinh viên yêu nước chống Trung Quốc xâm lược, đang loại trừ những thầy giáo như Vũ Hùng vì đấu tranh cho dân chủ, như Đỗ Việt Khoa vì phanh phui các tiêu cực học đường, những cô giáo như Nguyễn Thị Bích Hạnh vì dám dạy cho học sinh tinh thần độc lập.  

Vốn đã hưởng một nền giáo dục rất tiến bộ trong một quốc gia rất dân chủ, Ông Đại sứ hẳn hiểu rằng nếu không có một nền chính trị dân chủ thì nền giáo dục chẳng đem lại kết quả gì. Có kiến thức rộng, có bằng cấp cao, người ta cũng bị biến thành nô lệ hay tự biến thành nô lệ, bị biến thành kẻ hèn hay tự biến thành kẻ hèn trong chế độ độc tài ấy mà thôi. Thành ra, điều quan trọng nhất mà Ông, đại diện cho một chính phủ dân chủ hàng đầu, cần làm là giúp dân chủ hóa nền giáo dục tại Việt Nam, hay nói đúng hơn, rộng hơn, sâu hơn, là giúp dân chủ hóa nền chính trị tại Việt Nam trước đã.

Xin Thượng Đế ban phúc lành cho Ông Đại sứ và cho Hoa Kỳ.
Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
- Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế
- Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế (đang ở tù)
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh (đang bị quản thúc)

--------------------Phụ lục--------------------

Người Việt Cali thất vọng với Đại sứ Michael Michalak
Hà Giang, thông tín viên RFA

08-06-2009
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, nhân dịp về thăm Hoa Kỳ, đã có các cuộc gặp gỡ với Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, để cập nhật tin tức về mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Chuyến viếng thăm Nam California lần thứ ba của ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cuối tuần qua đã được đánh dấu bằng hai buổi họp mặt với cộng đồng người Việt tại quận Cam vào tối thứ Sáu và thứ Bẩy ngày 5 và 6 tháng Sáu.

Nhận định của ngài Đại Sứ về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam đã tạo nên những tranh luận rất sôi nổi ngay trong buổi họp và nhiều phản ứng rõ nét của nhiều giới trong cộng đồng sau đó. Hà Giang, thông tín viên đài Á Châu Tự Do tại California đã tham dự cả hai buổi họp này và gửi về bài tường trình như sau:

Nhân quyền tại Việt Nam
Buổi thảo luận với chủ đề “Nhân Quyền VN Ngày Nay” giữa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak và cộng đồng người Việt tại quận Cam, Nam California vào tối thứ Sáu vừa qua đã được đài SBTN trực tiếp truyền hình.

Sự tham dự đông đảo của đại diện các tôn giáo, hội đoàn, giới truyền thông và nhiều nhân sĩ trong vùng, đã nói lên sự quan tâm sâu xa của người Việt hải ngoại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Hai dân biểu liên bang là bà Lorretta Sanchez và ông Dana Rohrabacher đã mở đầu cuộc thảo luận bằng lời chia xẻ quan ngại của họ về sự thiếu tự do thông tin, và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Lời chào mừng bằng tiếng Việt của Đại Sứ Michael Michalak đã tạo cho người tham dự những nụười thoải mái hiếm hoi trong buổi thảo luận đã nhanh chóng trở thành rất sôi nổi: “Xin chào các bạn, tôi rất vui tham gia sự kiện này, nhưng tôi học tiếng Việt, nhưng tôi chưa có thể nói chuyện tiếng Việt, vì thế tôi phát biểu tiếng Anh.”

Đại Sứ Michael Michalak tóm lược về tình trạng nhân quyền, kết quả của việc hợp tác kinh tế, và ông hân hoan cho biết dù chỉ mới phục vụ được một nửa nhiệm kỳ tại Việt Nam, nhưng ông đã đạt được chỉ tiêu về việc nâng cao con số du học sinh từ Việt Nam vào nước Mỹ lên đến hơn 12 ngàn sinh viên.

Trả lời câu hỏi là việc gia tăng số du học sinh sẽ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam như thế nào, ông đại sứ phát biểu: “Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”

Dân biểu Dana Rohrabacher hoàn toàn phản bác quan điểm này: “Tôi không cho là việc đè nén nhân quyền tại Việt Nam xẩy ra là vì người dân thiếu hiểu biết. Nguyên nhân của sự chà đạp nhân quyền là vì có một nhóm người nhất quyết giữ lấy quyền cai trị. Kể cả người cùng đinh nhất trong xã hội cũng hiểu rất rõ rằng họ bị đàn áp, rằng họ không có quyền tự do ngôn luận. Các ông giáo sư đại học hiểu rằng nếu họ không được tự do chỉ trích nhà cầm quyền thì sẽ bị mất việc. Việc có hay không có nhân quyền không dựa vào dân trí, mà là do chính sách của nhà cầm quyền”.

Tự do Tôn giáo?
Nhiều câu hỏi của đồng bào nêu lên về những gì mà họ cho là vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã nhanh chóng đưa buổi thảo luận trở về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức danh sách những quốc gia cần phải được quan tâm đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo.

Về điểm này, Đại Sứ cho biết: “Quan điểm của tôi về tự do tôn giáo hơi khác với những quan điểm đã được quý vị phát biểu ở đây ngày hôm nay. Quý vị đã biết là Bộ Ngoại Giao cho rằng hiện giờ không có đủ bằng chứng để chúng tôi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.” Lời tuyên bố này đã khiến nhiều người trong cử tọa ồ lên vì không giấu được sự thất vọng và không đồng ý.

Trong buổi thảo luận chiều hôm sau, dân biểu liên bang Ed Royce đã đơn cử trường hợp của Mục Sư Nguyễn Công Chính, một bằng chứng cụ thể về việc chà đạp tự do tôn giáo tại Việt Nam đã xẩy ra từ nhiều năm nay.

Ông nói: “Nhiều người trong chúng ta rất quen thuộc với tình trạng của Mục Sư Nguyễn Công Chính, người đã bị công an địa phương đánh đập rất tàn nhẫn chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo và nhân quyền của ông. Tấm hình của ông mặt bê bết máu đã nói với chúng ta rất nhiều. Tôi đã đưa tấm hình này cho về các đồng nghiệp của tôi xem. Đó là tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam hôm nay.”

Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn được dùng để đưa một quốc gia vào danh sách CPC, và làm thế nào để đo lường sự cải thiện tự do tôn giáo? Đại Sứ Michael Michalak trả lời: “Muốn đặt một quốc gia vào danh sách CPC đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi không thấy chúng ta có ích lợi gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này.”

Thất vọng...
Sau buổi thảo luận, ký giả Kiều Mỹ Duyên, phát biểu: “Chúng tôi trả lời với tính cách là một người trong cộng đồng Việt Nam quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi là công dân của Hoa Kỳ, chúng tôi đều bỏ phiếu, chúng tôi cũng có thể đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ là đưa ông Đại Sứ này trở về Hoa Kỳ”.

Những câu hỏi của những ký giả như là Đinh Quang Anh Thái, Hà Giang, Phong Lê Vũ, có những câu ông tránh né không có trả lời. Những câu tránh né trả lời của ông Đại Sứ Hoa Kỳ, cũng như những lời mà ông có vẻ bênh vực cho Việt Nam làm chúng tôi phẫn nộ. Và câu mà ông nói như thế này, “Các anh có thể viết thơ cho ông Tổng Thống Obama để “take me out”, đem tôi ra khỏi Việt Nam”.

Nói chung, dư luận cảm thấy thất vọng với thông điệp của Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong chuyến viếng thăm Nam California của ông lần này.
(Hà Giang, thông tín viên RFA)



Thư gửi Ngài Đại Sứ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ Tại Hà Nội
Ms Thân Văn Trường 12-06-2009

Kính gửi:
Ngài Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội Michael Michalak
Về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thưa ngài Đại sứ, tôi hân hạnh viết thư cho cho ngài Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, một quốc gia có 44 đời Tổng Thống đặt tay trên Kinh Thánh để tuyên thệ nhậm chức; một quốc gia có phương châm, nhưng trước hết, IN GOD WE TRUST.
Vậy nên, Hoa kỳ trở nên một quốc gia văn minh hàng đầu thế giới, nhờ tự do tôn giáo.

Tôi hân hạnh được tới thăm tư gia của ngài ở số 18 Tôn Đản, Hà Nội, để có dịp tiện biếu ngài cuốn Kinh Thánh quí báu vô ngần, bản tiếng Việt. Tôi cho rằng Quyển Sách ấy đem hai dân tộc Việt, Mỹ xích lại gần nhau hơn, bằng chứng là hai bản Tuyên ngôn 1776 và 1945 bất hủ.

Thưa ngài đại sứ!  Tôi thật sự thất vọng khi theo dõi phát biểu của ngài tại Cali hôm 6/6, về tự do tôn giáo tại Việt Nam, qua đài RFA. Dường như ngài thấy buồn nản vì nhiệm kỳ công tác quá dài ở Việt Nam, một quốc gia bạo ngược và ô nhiễm môi trường? Tôi thật sự kinh ngạc khi ngài đại sứ thách thức thính giả, rằng họ có thể đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ cho ngài “take me out” Việt Nam.

Tôi thành thật lấy làm tiếc về những lời phát biểu tiêu cực của ngài. Nếu thực sự sống ở Việt Nam quá khó khăn cho ngài, tôi nghĩ ngài có thể dùng cách khác để ra khỏi Việt Nam thì hơn.

Ngài cho rằng “Bộ ngoại giao Mỹ không đủ bằng chứng để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC” là thiếu thực tế. Tôi tin rằng là một người Mỹ chân chính, ngài thừa hiểu rằng Việt Nam chúng tôi chỉ có tự do tôn giáo, một khi điều 4 Hiến pháp hiện hành được phế bỏ. Mọi cuộc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam chúng tôi, đều bắt nguồn từ đều 4 hiến pháp cộng sản.

Tôi tin rằng là người Mỹ, ngài biết điều đó.
Tôi cho rằng không phải thiếu bằng chứng để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, nhưng chính là ngài đại sứ đã thiếu trách nhiệm hoặc một điều gì đó tệ hơn thế. Nhân dịp này, xin cho tôi nhắc lại một số trường hợp đàn áp tôn giáo cụ thể mà chính tôi đã bày tỏ cho các viên chức của ngài, cũng như chính mình ngài.

1/ Trường hợp chấp sự Hội thánh Đấng Christ của người Khờ me tại Trà Vinh, Thạch Thanh Nô bị công an đánh chết sau buổi nhóm cầu nguyện Chúa nhật ngày 5/4/2009. Dưới áp bức của công an, gia đình và Hội Thánh đã buộc phải hỏa táng chấp sự Thạch Thanh Nô sau ba giờ bị đánh chết. Bộ công an phủ nhận Thạch Thanh Nô là Cơ đốc nhân va cho rằng Nô tự ngã xe máy và chết. Nhưng Hội Thánh có đầy đủ hình ảnh lễ báp tem và chứng cớ công an khủng bố chấp sự Thạch Thanh Nô vì niềm tin tôn giáo, 69 người khác gồm mục sư, truyền đạo và tín hữu Hội thánh Đấng Christ của người Khờ me bị hành hung, chỉ vì thờ phượng Chúa.

2/ Mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình ông bị đánh đập thường xuyên suốt nhiều năm qua, chỉ vì ông cứ hầu việc Chúa giữa vòng các dân tộc Việt Nam. Bản thân mục sư Chính bị đánh dập mắt, vợ bị đánh chảy máu, con bị tông xe nứt sọ… rồi không cấp chứng minh thư, hộ khẩu, không khai sinh cho con để được đi học. Hiện bay giờ công an bao vây nhà mục sư Chính, đi ra chợ cũng không cho đi, cũng không cho tín đồ tới nhà, nghĩa là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vừa qua, Bộ công an bắt Ms Chính 12 ngày (từ 14/5 đến 26/5) không có lệnh bắt, cũng không có lệnh tha.

3/ Mục sư nhiệm chức Hmrek (còn gọi là Y Brek, Siu Ybrek), quản nhiệm Hội thánh Đấng Christ tại xã Ia khươl, huyện Chư pẳl, tỉnh Gia Lai. Ông bị liệt và câm, trở về từ xà lim Ba Sao, Nam Hà sau nhiều năm tù, nhưng không có giấy ra trại. Xe cứu thương của trại tù đưa về trong tình trạng gần chết, hiện chúng tôi đưa đến điều trị tại Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Thiên An, 70/5, kp 9, P.Tân Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

4/ Giáo sĩ Lê Duy Bắc bị công an đánh gẫy tay giữa thủ đô Hà Nội, bây giờ khối kim loại bó tạm cánh tay của công an còn nằm trong tay giáo sĩ. Thầy Bắc từng bị công an đánh trước nhà khách chính phủ Việt Nam, bên hồ Gươm cách nhà riêng của ngài, chắc không quá 1 km. Giáo sĩ Lê Duy Bắc bị công an Hà Nội đánh nhiều lần, chính tay tôi đã viết thư cho ngài, cả thế giới này biết, tôi không nghĩ là ngài quên.

5/ Trường hợp cá nhân tôi (mục sư Thân Văn Trường) bị ngược đãi rất nhiều. Tôi đã bày tỏ trực tiếp với ngài. Tôi vẫn còn nhớ lời ngài hứa với tôi hôm 23/10/2007, rằng ngài quan tâm và can thiệp giùm tôi. Từ đó cho đến bây giờ tôi không được cấp hộ chiếu, dù đã thu tiền, đã xét duyệt bởi công an. Tôi bị chính quyền cướp đất nhà, dù đã trả tiền đầy đủ, chỉ vì niềm tin tôn giáo mà không được cấp giấy chủ quyền đất như những công dân khác. Công an vẫn thường xuyên bắt bớ tôi mà không có lệnh bắt. Nhà nước vẫn không bồi thường cho tôi theo luật, do đi tù hai lần oan sai v. v…

Đối với Công giáo, Phật giáo… cũng bị đàn áp nặng nề. Nếu cứ từng việc đàn áp tôn giáo mà liệt kê ra, tôi tưởng không có đủ giấy mực để viết.

Ngài cũng phát biểu cách kỳ cục rằng “tôi không thấy chúng ta (Mỹ) được lợi gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này”. Phải chăng vì quyền lợi dơ bẩn của nước Mỹ, mà ngài quên việc đàn áp tôn giáo?

Dường như nước Mỹ ngày nay đang đi xuống, vì cớ tội lỗi của nước Mỹ, vì cớ thiếu hụt lòng tin kính thưở ban đầu lập quốc. Cách đây 10 năm, 100 USD ở Việt Nam ăn hai chỉ vàng, bây giờ không được một. Nhưng điều đáng mừng, hàng chữ IN GOD WE TRUST vẫn còn nguyên đó.

Nếu nước Mỹ biết ăn năn và lìa khỏi điều ác, tôi tin tưởng rằng Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước cho nước Mỹ thịnh vượng và văn minh, để dẫn dắt thế giới này tiến lên phía trước.

Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho ngài, như Chúa đã ban phước cho chức vụ của Thánh Paul, trong nhiệm kỳ khâm sai của Đấng Christ trên trần gian này. Xin ngài đừng buồn chán và sợ hãi, nhưng hãy can đảm bước đi cách hẳn hoi, như giữa ban ngày.

TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI, AMEN!
Kính thư
Mục sư Thân Văn Trường
Địa chỉ: Ấp Dưỡng Đường, xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai
Đt: 0907872617


Đại sứ Michael Michalak gặp các tổ chức Việt Nam hải ngoại ở Washington
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
18-06-2009
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Michael-michalak-met-with-various-vietnamese-american-representatives-in-washington-area-06182009164514.html

Thứ Bảy vừa rồi (13-06-2009), Đại sứ Mỹ tại VN, ông Michael Michalak, nhân chuyến sang thăm vùng Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, đã gặp giới lãnh đạo tôn giáo, cộng đồng VN, Liên hội Cựu Chiến sĩ VNCH cùng đại diện các tổ chức văn hóa, xã hội, chính trị và giới truyền thông.
 
Ba mục tiêu chính của ông Đại sứ Mỹ tại VN
Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại tư gia BS Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản VN, khi Đại sứ Michael Michalak được đại diện cộng đồng VN và giới truyền thông hỏi về nhiều vấn đề liên quan các lãnh vực gây chú ý hiện giờ tại VN, như nhân quyền, tôn giáo, dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa VN và TQ…

Mở đầu cuộc nói chuyện, Đại sứ Michalak cho biết: Rằng ông hiện ra sức xúc tiến trọng trách như ông đã hứa cách nay 2 năm tại tư gia BS Nguyễn Quốc Quân, đó là, thứ nhất, tiếp tục làm việc với chính phủ VN về vấn đề nhân quyền; thứ nhì, ra sức củng cố mối quan hệ hỗ tương Mỹ-Việt; thứ 3 là bắt đầu thiết lập một chương trình giáo dục tiên tiến giữa Hoa Kỳ và VN. Và ông tin rằng ông đã đạt được tiến bộ trong tất cả 3 mục tiêu đó.

Nói chung, về lãnh vực nhân quyền, tôn giáo, Đại sứ Michalak cho hay: Đại ý ông nói rằng phía Hoa Kỳ tiếp tục kế họach đối thọai về nhân quyền với VN, nêu lên tất cả những vấn đề quan trọng như tự do báo chí, lập hội… trong khi hợp tác chặt chẽ với các sứ quán khác tại VN để giúp xúc tiến vấn đề này.

Ông Michalak nói thêm rằng mới đây ông nhận được cam kết từ phía chính phủ VN là sẵn sàng hợp tác với Toà Đại sứ Mỹ về trợ giúp kỹ thuật liên quan luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng, mà ông hy vọng sẽ giúp mở rộng được tự do báo chí tại VN.

Đại sứ Mỹ nói thêm rằng một trong những chủ đề mà phía Hoa Kỳ chú trọng là không những đối thọai với VN về nhân quyền – và cả tệ nạn tham nhũng, mà còn hội họp với những nước viện trợ quan trọng cho VN về vấn đề này.

Ông Michalak nhân tiện nhắc lại thỏa thuận giữa VN và Nhật Bản, nước viện trợ vốn ODA hàng đầu cho VN, qua đó VN hứa không để tái diễn vấn đề tham nhũng như vụ ông Hùynh Ngọc Sĩ, viên chức giao thông cao cấp.

Minh bạch rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị
Theo đại sứ Mỹ, thì cần phải minh định rõ rằng đạo luật tự do tôn giáo chỉ đề cập tới vấn đề tự do tôn giáo; nó không nhất thiết liên quan đến nhân quyền. Ông Michalak lưu ý rằng có một sự khác biệt rõ rệt giữa những người bị bắt vì bày tỏ quan điểm chính trị và những người đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật.

Ông nhắc lại là mỗi năm Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ có cuộc duyệt xét và công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo, cứu xét các nước trên thế giới xem có đáp ứng những điều kiện quy định trong Đạo luật về Tự do Tôn giáo hay không để từ đó đưa hay không đưa những nước ấy vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Đại sứ Michalak nhận xét rằng ngay trong lúc nầy, ông không tin là có đủ bằng chứng để đưa VN trở lại danh sách CPC, tức những nước cần quan tâm đặc biệt về đàn áp tôn giáo. Nhưng, vẫn theo Đại sứ Mỹ, thì phía Hoa Kỳ tiếp tục duyệt xét hàng năm, để, nếu có đủ bằng chứng, hẳn sẽ đưa VN trở lại danh sách này.

Cũng liên quan tôn giáo, ông Michael Michalak nghĩ rằng hiện giờ Giáo hội Công giáo không dính líu đến chính trị. Ông nghĩ là Giáo hội tại VN phải ở ngoài phạm vi chính trị.

Và việc liên hệ chính trị thường phải đương đầu với hàng loạt thứ luật lệ không liên quan luật về tự do tôn giáo, khiến đương sự gặp nhiều rắc rối. Như trường hợp LM Nguyễn Văn Lý, theo ông, vì vượt qua ranh giới này khiến Cha Lý tiếp tục bị cầm tù và thế giới tiếp tục kêu gọi VN phóng thích LM Lý.

Đại sứ Mỹ, nhân trả lời một câu hỏi liên hệ cho biết thêm rằng ông không tin là có sự liên quan trực tiếp giữa Giáo hội Thiên chúa tại VN với Giáo hội Thiên chúa ở Ba Lan.

Vẫn liên quan vấn đề tôn giáo, ông Michalak cho hay rằng chính ông chưa có cơ hội gặp các chức sắc của đạo Cao Đài, nhưng nhân viên của ông đã gặp họ, đặc biệt là tại Tây Ninh. Theo ông thì phía Toà Đại sứ Mỹ không những tiếp xúc với Cao Đài, mà còn với Hoà Hảo cùng những giáo hội khác như Công giáo, Tin Lành.

Ông Michalak nhận xét rằng nói chung người dân VN hiện có cơ hội bày tỏ Đức Tin của mình nhiều hơn trước đây. Và phía Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi sát diễn tiến này.

Quan hệ giữa VN và TQ
Về mối quan hệ giữa VN và TQ, đại sứ Mỹ nhận định là ông không nghĩ rằng TQ có thể tấn công VN vào bất cứ lúc nào. Mặc dù nhìn nhận rằng hiện mối quan hệ Việt-Trung rất phức tạp, nhưng theo ông, nói chung mối quan hệ này vẫn còn tốt đẹp, dù không nồng thắm nhưng cũng không phải là lạnh nhạt nhất thế giới.

Đại sứ Michael Michalak nhận thấy VN và TQ có chung một biên địa khá dài, khiến việc phân định biên giới khó khăn. Ông lưu ý rằng đại sứ VN tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, từng thảo luận và đạt thỏa thuận với Bắc Kinh về vấn đề biên giới Việt-Trung trên bộ, nên ông Michalak đề nghị cử tọa, nếu có hỏi, hãy tìm ông Lê Công Phụng hỏi về vấn đề này thì thích hợp hơn.

Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Mỹ nhận xét: Ông nghĩ rằng Hoa Kỳ không bày tỏ lập trường nào cả về việc tranh chấp lãnh hải tại vùng này. Nhưng theo ông, phía Hoa Kỳ tin tưởng ở quyền tự do hàng hải cùng việc mở cửa thủy lộ. Và Hoa Kỳ sẽ thực thi quyền này bằng cách đưa tàu tới những thủy lộ đó. Và Hoa Kỳ sẽ có thêm biện pháp để bảo đảm và xúc tiến quyền tự do về hàng hải.

Liên quan vấn đề bauxite Tây Nguyên, Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói: Ông nghĩ đây cũng là vấn đề phức tạp. Ông hy vọng, sau khi trở lại VN, ông sẽ sớm tìm cách tới Tây Nguyên để chính mình chứng kiến tình hình ở đó. Đại sứ Michalak hiểu rằng người dân VN – trong và ngoài nước – đều âu lo về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, nhất là chuyện TQ có dính líu trong kế họach này.

Đại sứ Michalak nghĩ điều hay nhất là chính phủ VN phải rất minh bạch về toàn bộ vấn đề, cho người dân biết có bao nhiêu công nhân TQ ở đó, những người TQ này làm việc có giấy tờ hợp lệ không, họ phải bảo đảm là sẽ trở về nước khi hoàn tất công việc. Tóm lại, theo Đại sứ Mỹ thì nhà cầm quyền VN phải minh bạch, chân thật về những gì đang diễn ra.

Giáo dục là chìa khóa mở tất cả các cửa
Một lãnh vực mà Đại sứ Michael Mikhalak cũng đặc biệt chú trọng là sự hợp tác giáo dục với VN. Đại ý nói rằng đây là vấn đề mà ông ưa thích nhất, vì nó tác động tới nhiều lãnh vực, từ chính trị, kinh tế đến xã hội…

Theo ông giáo dục hẳn là chìa khóa mở tất cả các cửa. Điều quan trọng là Hoa Kỳ sẵn sàng nỗ lực tối đa để giúp cải thiện hệ thống giáo dục của VN. Và đây là một trong những mục tiêu quan trọng của cơ quan giáo dục đặc nhiệm Việt-Mỹ.

Ông nhắc lại rằng ông đã hứa là trong vòng 3 năm đầu làm Đại sứ ở VN, ông sẽ ra sức tăng gấp đôi số sinh viên VN du học tại Mỹ. Và theo ông, thì hiện ông đã đạt được mục tiêu này.

Sau cùng, khi được hỏi sau 2 năm làm việc ở VN, vấn đề nào làm ông nhức đầu nhiều nhất. Đại sứ Michael Michalak cười lớn, và đáp rằng mọi vấn đề mà ông phải ứng phó đôi khi làm ông nhức đầu. Ông giải thích rằng người ta không mang đến cho ông những chuyện dễ dàng đâu. Những chuyện dễ có người khác giải quyết. Còn những vấn đề khó có ai giải quyết được thì họ giao cho ông.

Ông Michalak cho rằng nhân quyền là vấn đề mà ông và phía VN ít đạt được tiến bộ nhất. Rồi giáo dục cũng là vấn đề nhiều thách thức, nhưng, theo ông, nó cũng đem lại nhiều thành quả đáng kể.

Các vấn đề ông bận tâm có cả việc phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội cho người dân Việt Nam. Nhưng, theo đại sứ Mỹ Michael Michalak, nhân quyền và giáo dục là 2 vấn đề làm ông nhức đầu nhiều nhất.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 804 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0