Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 26 » Dân chủ cho tất cả mọi người
9:47 PM
Dân chủ cho tất cả mọi người

Ngô Nhân Dụng




Rất nhiều độc giả báo Người Việt nổi giận sau khi đọc bài “Dân Chủ Cho Ai?” Bài này trích từ một mạng lưới trong nước. Vì tác giả bài đó viết rằng hiện nay từ người trí thức đến các nông dân Việt Nam không ai cần tranh đấu cho tự do dân chủ cả. Sống dưới chế độ Cộng Sản độc tài bây giờ là sướng lắm rồi!

Chắc mạng lưới X-Cafe đăng bài đó lên cũng có ý muốn cho độc giả suy nghĩ và thảo luận, cho nên ngay sau đó họ đã đăng bức thư trả lời giản dị rằng: Dân Chủ Cho Tui!  Nhật báo Người Việt sẽ đăng luôn thư trả lời này.

Nhưng đây là một câu hỏi đáng suy nghĩ và bàn bạc. Thật sự, khi đòi hỏi xã hội phải sống dân chủ, chúng ta muốn cho ai hưởng tự do dân chủ? Khi dự cuộc chơi dân chủ thì người ta phải có quyền bàn bạc, quyền quyết định bằng lá phiếu, ý kiến nào được nhiều phiếu thì thắng thế, đó là những thủ tục bình thường của trận đá banh này. Vậy trong chế độ Cộng Sản họ cũng nói đến dân chủ thì có ai được sống theo những quy tắc, những thủ tục của cuộc chơi dân chủ hay không?.

Một vị độc giả Người Việt viết rằng khi đảng Cộng Sản nói đến dân chủ, thực ra họ chỉ giành những quyền dân chủ cho người trong đảng của họ mà thôi. Người ngoài, tức là toàn thể dân chúng ngoài đảng, không ai được hưởng những đặc quyền đó!

Nhưng nói như vậy cũng lầm nữa. Vì ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản, ở Liên Xô đời trước cho đến ở Trung Quốc và Việt Nam bây giờ, họ có cho các đảng viên được thi hành các quyền dân chủ trong nội bộ đâu? Chỉ trong các đảng chính trị tại các nước tự do dân chủ thì các người vào đảng mới được đối xử theo các quy tắc dân chủ.

Trong các đảng Cộng Sản, chỉ có các lãnh tụ được quyền bàn luận và bỏ phiếu với nhau thôi, và họ gọi đó là lối Dân Chủ Tập Trung! Nói Dân Chủ Tập Trung nghe nó cũng kỳ cục như nói Ăn Cơm Bo Bo vậy. Ngay trước khi họp đại hội đảng Cộng Sản, việc chọn người nào được tham dự đại hội là do các lãnh tụ quyết định. Trước khi họp là Bộ Chính Trị đã “bố trí” mọi việc, đến khi họp các đại biểu chỉ có việc gật đầu mà thôi. Cái lối xếp đặt đó chắc chắn không phải là lối sống dân chủ.

Năm 1927 một người sáng lập đảng Cộng Sản Ý là Ignazio Silone đi dự Ban Chấp Hành Trung ương Cộng Sản Quốc Tế. Ðọc chương trình họp thấy có một nghị quyết lên án một bài do Leon Trotsky viết, Silone yêu cầu được coi tài liệu xem Trotsky viết những cái gì. Stalin là tổng thư ký Ban Chấp Hành Trung Ương giải thích rằng tài liệu này không nên phổ biến vì “nhạy cảm” quá. Ignazio Silone từ chối không chịu bàn. Một đồng chí Cộng Sản Bulgarie giải thích cho Silone biết là Stalin đang chống Trotsky. Ngày hôm sau họp ban chấp hành, khi nghị quyết được đưa ra, Silone vẫn đòi phải được coi bản văn của Trotsky rồi mới biểu quyết. Stalin bèn rút lại, không đem bàn chuyện đó nữa.

Sau khi họp ở Mát-Cơ-Va xong, trên đường về, tới Berlin thì Ignazio Silone cầm một tờ báo của đảng Cộng Sản ở đó, thấy tường thuật rằng hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Cộng Sản Quốc Tế đã biểu quyết đồng thanh cực lực phản bác bài của Leon Trotsky!

Ðó là lối sinh hoạt dân chủ kiểu Cộng Sản! Hai năm sau Ignazio Silone đã xin tạm rời khỏi Ban Chấp Hành Cộng Sản Quốc Tế, và năm 1931 thì bị trục xuất khỏi đảng.

Cộng Sản chỉ là một trong nhiều chế độ độc tài, như các chế độ phát xít, quân phiệt, tư bản quả đầu, dân chủ giả hiệu; họ cùng theo lề lối xếp đặt trước, trên bảo dưới nghe như vậy. Cho nên họ ghế những người tự do dân chủ.

Nhưng bước tiến tự nhiên của loại người là phải sống tự do dân chủ. Theo báo cáo của ủy hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong 25 năm từ năm 1980 có 81 quốc gia đã tiến bước trên đường dân chủ hóa đáng kể, trong đó có 33 nước đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ. Trong thế giới hiện nay, có 140 quốc gia trong số khoảng 200 nước đã có bầu cử tương đối tự do, và 81 quốc gia trong số đó thực sự có tự do, tức là khoảng 60 phần trăm nhân loại.

Tổ chức Freedom House đã làm một danh sách các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ, chia làm hai loại: Tự Do Thật và Hơi Tự Do. Ngoài ra là những nước Không Có Tự Do. Có 89 quốc gia được coi là Tự Do Thật, người dân trong các nước đó có đủ các quyền tự do dân sự, tự do chính trị. Có 58 nước được xếp hạng có tự do nhưng chưa đầy đủ. Việt Nam và Trung Quốc đều thuộc loại thứ ba, thiếu tự do, còn đứng cuối sổ là những xứ Cuba, Bắc Hàn, Miến Ðiện.

Vậy khi loài người cứ tiến lên dần dần đến chế độ Dân Chủ thì người ta nhắm cho ai được hưởng và được hưởng cái gì?

Có thể nói ngay: Các nước tự do dân chủ có đời sống kinh tế cao hơn, vì các khả năng của dân chúng được tự do phát huy và sử dụng hữu hiệu hơn. Ở Âu Châu, sau Ðại Chiến Thứ Hai các nước Ðông Âu theo chế độ Cộng Sản độc tài, trình độ kinh tế phát triển thua kém các nước phía Tây sống tự do dân chủ. Chỉ so sánh Ðông Ðức với Tây Ðức là thấy ngay: Cùng một dân tộc, cùng một văn hóa, lịch sử, chỉ khác nhau về chế độ chính trị độc tài hay tự do. Nhưng ngày trong các nước Tây Âu cũng có những xứ độc tài là Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha. Sau khi nhà độc tài Antonio Salazar (1932 - 1968) chết, năm 1976 Bồ Ðào Nha đã lập một bản Hiến Pháp mới theo chế độ dân chủ đại nghị. Tướng Franco ở Tây Ban Nha chết năm 1975, ba năm sau nước này cũng thay đổi, các đảng phái phát triển trong chế độ quân chủ lập hiến, và họ sống thật sự trong chế độ tự do. Từ khi dân chủ hóa, đời sống kinh tế hai quốc gia này đã tiến triển để theo kịp các nước khác ở Tây Âu.

Chúng ta thường nghe những người muốn bảo vệ chế độ độc tài nói rằng họ không cần tự do dân chủ, cứ độc tài mà kinh tế phát triển là tốt rồi. Nhưng phải biết rằng trên đời sống lâu dài của một quốc gia thì chính nhờ có dân chủ tự do mà kinh tế nhiều nước phát triển mạnh hơn. Các chế độ độc tài đều có những chướng ngại cản trở không cho sinh hoạt kinh tế tự do phát triển. Một thí dụ là tình trạng phí phạm tài nguyên quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và sức người không được sử dụng đúng hiệu quả. Như nạn ăn cắp của công, nạn tham nhũng cản trở người kinh doanh; hoặc chế độ chỉ dùng người trung thành với cấp trên mà không cần biết khả năng, phát triển tài báo cáo láo mà không phát huy tài năng thật; đó đều là những chướng ngại không cho kinh tế tiến bộ.

Cho nên có thể nói việc tranh đấu thiết lập một chế độ tự do dân chủ là cho “tất cả mọi người” được hưởng, nhờ kinh tế phát triển cao hơn. Một nước theo kinh tế thị trường cũng không thể phát huy đầy đủ những khả năng của xã hội nếu không bảo vệ được đạo công bằng, tinh thần “trọng pháp,” hệ thống thủ tục, luật lệ bảo vệ quyền tư hữu. Những chế độ độc tài thường không thực hiện được những quy tắc đó vì tinh thần phe đảng.

Nhưng cuộc sống tự do dân chủ không phải chỉ có mục đích giúp mọi người sống trong nền kinh tế khá giả hơn. Ðiều quan trọng hơn nữa là người ta sống có nhân phẩm cao hơn, từng người một. Như một vị góp ý kiến “Dân Chủ Cho Tui” trên mạng lưới X-Cafe trong nước viết, “Chỉ có loài vật mới có thể thỏa mãn khi được ăn no, rồi ngủ kĩ, sống chết mặc bay, vật lo thân vật. Con người thì ai chẳng có ước mơ được sống vui vẻ và hạnh phúc, được tự do tư tưởng, được nói lên những gì mình nghĩ, mình thấy đúng?”. Ðây là một ước mơ của mọi người Việt Nam, nếu không tôn trọng khát vọng đó thì coi thường dân Việt Nam quá!

Còn một lý do nữa khiến chúng ta phải chấm dứt những chế độ độc tài, là lối sống tự do dân chủ sẽ bảo vệ đạo lý cho cả xã hội, cả dân tộc. Một lý do khiến phong tục, đạo lý trong các nước độc tài bị suy đồi là người ta không được khuyến khích sống lương thiện. Trái lại, các chế độ độc tài chỉ làm gương xấu, bằng cách sống dối trá từ trên xuống dưới.

Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, giải Nobel năm 1970, viết, “Chúng ta đừng quên rằng bạo lực không bao giờ đứng một mình, nó không bao giờ tồn tại được nếu đứng một mình. Nó phải liên kết với dối trá.” ... “Bạo lực tìm thấy chỗ trú ẩn duy nhất của nó là gian dối. Sự dối trá tìm được bạo lực là chỗ nâng đỡ duy nhất. Bất cứ kẻ nào coi bạo lực là phương tiện thì cũng đều lấy gian dối làm quy tắc sống.”

Khi người dân một nước tập sống chung với nhau trong sự giả trá, sống cả một đời như vậy, thằng nào nói dối giỏi nhất thì thăng tiến nhất, cứ như thế người ta sẽ mất thói quen sống lương thiện.

Cho nên một chế độ độc tài đầu độc cả xã hội. Một nhà văn châu Mỹ La tinh, Mario Vargas Llosa, cũng nói, “Chế độ độc tài làm nhiễm độc tất cả những thứ mà nó nắm trong tay; từ các định chế chính trị cho tới mối tương quan giữa cha và con.”

Những ai đã sống qua trong một chế độ độc tài thì hiểu được những điều mà Solzhenitsyn hay Llaso nói tới. Chế độ độc tài là một thứ chất độc. Nó xâm nhập cơ thể và đầu óc mọi người dân sống trong đó. Thử hít thở không khí tự do, chúng ta sẽ cảm thấy khi sống trong chế độ độc tài tinh thần bị nhiễm độc như thế nào.

Như vậy thì không có lý do gì mà không tranh đấu cho đồng bào Việt Nam chúng ta được hưởng thêm nhiều quyền tự do dân chủ. Những người nói ngược lại chẳng qua là vì họ đang được hưởng những ưu quyền trong chế độ hiện nay, không muốn mất. Nhưng những ưu quyền đó không có gì bền chặt cả. Quyền hành sẽ có lúc bị mất, tài sản có lúc cũng mất. Ðời mình chưa mất thì đời con cái cũng có thể mất. Vì khi xã hội không có tự do, không tôn trọng luật pháp công bằng, người dân không được tự do phát biểu, không được tự do chọn người cai trị, thì không có gì bảo vệ quyền sống cho người nào cả. Cho nên chính những người đang đặt câu hỏi “Dân Chủ Cho Ai?” cũng nên tự trả lời mình: “Dân Chủ Cho Chính Tui!” Và nên bắt đầu tranh đấu cho tất cả mọi người Việt Nam được hưởng các quyền tự do dân chủ.

Nguồn: Người Việt Online


Dân chủ cho ai?

Tôi là một trí thức sống giữa lòng Hà Nội, mắt thấy, tai nghe tất cả những diễn biến chính trị đặc biệt là vụ bắt luật sư Định vừa rồi.

Bài viết này không phải để ca ngợi hay phản đối bên nào. Viết chỉ để nói lên một thực trạng, và dãi bày một vài thắc mắc.

Khi anh Định bị bắt, tôi lên tiếng bênh vực anh trên blog cá nhân, sau đó có tranh luận với một số bạn bè thân thiết, những người bình thường vẫn coi nhau như anh em trong cuộc sống.

Họ nói rằng những người như họ không cần cái dân chủ mà anh Định đang đấu tranh. Cái họ cần là yên ổn để làm ăn!

Đó là những người bạn tôi, họ cũng là trí thức, và tôi hiểu, họ chính là đại diện cho tầng lớp trí thức đông đảo nhất tại HN.

Một người nói, chúng mày đấu tranh giành dân chủ để làm gì? Cho ai? Cho nhân dân à? Thế thì trong đó không có tao, tao không cần chúng mày đấu tranh gì cho tao hết.

Một người khác nói, trong đó cũng không có tao!

Và nếu có hỏi ngươi thứ ba, thứ tư, chắc chắn họ cũng trả lời như vậy!

Vậy ta đấu tranh dân chủ cho ai?

1- Cho người nông dân nghèo khổ? Người ngư dân lam lũ? Họ có biết dân chủ là cái gì đâu? Họ chỉ cần cho tiền, cho thóc gạo, mì tôm là họ sướng. Bảo đấu tranh dân chủ cho họ họ có cám ơn không hay còn chửi chúng ta là phản động!

2- Cho tầng lớp trí thức? Báo chí? Những con người được học hành có hiểu biết nhưng bị bóp nghẹt tư tưởng, không có tự do ngôn luận? Thì đấy, họ trả lời là họ đâu có cần, với họ sống và tuân thủ đúng pháp luật đấy là tự do, là dân chủ. Cái họ cần là môi trường ổn định để họ kiếm tiền, nuôi vợ, nuôi con.

3- Vậy chẳng nhẽ cho chính chúng ta, những con người với một nỗi "khát" dân chủ cháy bỏng? Vậy ra chúng ta làm dân chủ vì mục đích cá nhân hay sao?

Vậy DÂN CHỦ LÀ DÀNH CHO AI???

Nhưng mà đấy, đó là thực trạng của cuộc sống xung quanh tôi. Nó giống như một cái ao bèo phẳng lặng và anh Định chỉ như một cục đá ném xuống cái tõm. Những lá bèo còn chửi tổ sư thằng nào ném đá làm mất giấc ngủ bình yên.



Dân chủ cho tui

Bấy lâu vô đọc x-cà nhưng mà không dám viết, không dám phát biểu ý kiến vì sợ công an mạng truy ra cái địa chỉ thì chết cả họ nhà tui, mấy hôm nay đọc cái bài viết của anh akaVN, tôi mấy lần tính tham gia nhưng cái sợ lại làm tui không dám gởi, sợ mấy bác công an mạng lắm, Hôm nay nhờ thằng em bên ngoài gởi cho chắc ăn.

Tui là một nông dân ở miền trung, ngoài việc làm ruộng, nuôi heo, thỉnh thoảng lén bà xã đi tới tiệm nét để vô X-cà, DCV,BBC để tìm chút gió lạ bồi dưỡng tinh thần. Nhưng mà vô mấy chỗ này thì cũng rét lắm, nhưng mà mê quá không vô không được. Cho nên vẫn cứ lén vô mà vừa đọc vừa run.

Bây giờ trở lại câu hỏi dân chủ cho ai ? Xin thưa là xin được dân chủ cho tui và những người như tui nè, vì sao:

Điều thứ nhất - Tui thèm được tự do để được vô nét để học hỏi về những điều mình thích, mình quan tâm bên ngoài những điều nhà nước và dang CS rao giảng ra rả mỗi ngày trên mấy cái loa công cộng mà không phải sợ chính quyền gắn cho cái tội phản động, tư tưởng xấu. Tui cũng thèm được tự do phát biểu tư tưởng, ý kiến của mình mà không sợ công an xã, công an huyện bắt đi cải tạo vì trái với đường lối tư tưởng của đảng.

Phàm là con người thì ngoài thức ăn cho thể xác, ai cũng cần có thức ăn cho trí tuệ, và cho tâm hồn nữa. Chỉ có loài vật mới có thể thỏa mãn khi được ăn no, rồi ngủ kĩ, sống chết mặc bay, vật lo thân vật. Con người thì ai chẳng có ước mơ được sống vui vẻ và hạnh phúc, được tự do tư tưởng, được nói lên những gì mình nghĩ, mình thất đúng. Tui nghĩ một chết độ dân chủ sẽ bảo đảm cho tui cái quyền được học hỏi, được suy nghĩ, được nói, được tranh luận mà không sợ bị tù, bị bắt cải tạo, gia đình bị trù dập vì nguyên tắc chính của chế độ dân chủ không phải chỉ là thiểu số phải phục tùng đa số, mà phải bảo vệ cho thiểu số được quyền nói lên ý kiến của mình mà không sợ phe đa số trừng phạt.

Điều thứ hai - Tui cần dân chủ vì nơi tui đang sống chính quyền từ thôn, xã, huyện, tỉnh cả tới trung ương 100% là dốt nát, tham nhũng, hối lộ, dâm ô, đạo đức suy thoái nhưng vẫn cứ hết năm này tới năm khác, hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác vẫn là cán bộ, vẫn tiết tục vênh vang, tiếp tục tham nhũng mà lũ dân đen tui chẳng làm gì được cả. Nếu có dân chủ thì tui chắc chắn là những tên cán bộ dốt nát, tha hóa kia, không thể kéo dài quá một nhiệm kỳ. Tui mong được có dân chủ để những người có tài năng, có tâm huyết được tự do ra ứng cử, và tự do tranh cử để thay thế cho cái đám cán bộ thối tha kia, và tui cũng có thể được tự do chọn lựa người tui tín nhiệm để bỏ phiếu ủng hộ họ ra làm.

Điều thứ ba - Là tui mong có dân chủ để xã hội được công bình và mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, tui có quá nhiều oan ức mà không dám kiện cáo với ai được cả vì tòa án và chính quyền là một, cùng một đảng thì nếu tui đi kiện chi'nh quyền thì chỉ có từ chết tới bị thương. Nhà tui chẳng phải giàu có lắm, nhưng ông bà nhiều đời trước và tới đời cha mẹ tui đã ăn nhín, làm ráng cần kiệm lắm để có mua được vài mẫu ruộng canh tác và làm hương hỏa cho ông bà, từ ngày chính quyền bắt buộc vô hợp tác xã, ruộng nhà tui bây giờ thành ruộng nhà nước, chính quyền xã lấy bán làm khu công nghiệp và phân lô chia nhau bán lấy tiền làm giàu riêng, cán bộ xã, huyện ông nào cũng có vài lô bán lấy tiền, còn gia đình tui thì bao đời đã tằn tiện để được làm chủ số ruộng đất đó mà giờ nhìn người bán lấy tiền làm giàu riêng mà không dám nói ho hé một tiếng. Nếu dưới chế độ dân chủ thì chắc chắn gia đình tui không phải chịu thua thiệt như vậy.

Tui cần một chính quyền dân chủ để pháp luật được công minh, không phải như hai người hàng xóm tui cũng bị một tội uống rượu, đánh lộn như nhau mà người có 10 triệu cho quan tòa thì bị 9 tháng tù treo, còn người không có tiền thì 3 năm cải tạo, hay thằng bé con ông anh họ đói quá đào trộm mấy bụi sắn của ông công an xã mà bi đánh tơi bời còn bị đưa đi cải tạo một năm trời, còn con bà bí thư xã bán mấy trăm tấn phân đạm của hợp tác xã lấy tiền đi bia ôm mà chỉ bị cảnh cáo, phê bình rút kinh nghiệm.

Điều thứ tư - Là tui cầu xin dân chủ cho con cái của tui vì nghe tụi nó dù tốt nghiệp đại học chính qui hẳn hoi, tài giỏi hơn những xiếp của tụi nó, mà vẫn không dám phản biện, hay đưa ý kiến trái với xiếp dù biết xiếp nó dốt, nói sai, làm sai vì đa phần những vị trưởng phòng, giám đốc là bằng cấp mua, học chuyên tu, tại chức chỉ nhờ là lí lịch tốt, bè cánh đảng viên mà lên. Chỉ dám nói lẫn nhau mà cũng còn sợ ăng ten của xiếp tiết lộ bị trù yếm thì mất việc làm. Tui mong sao có chế độ dân chủ cho con tui dám chỉ trích cái sai, dám đứng thẳng làm một con người đúng nghĩa chứ không phải quì gối cúi lưng, nịnh nọt kẻ có chức có quyền theo đóm ăn tàn của cái xã hội này tạo ra.

Và còn rất nhiều điều nữa nhưng tui tạm có bốn cái điều làm cho tui bức xúc nhất mà cũng là những điều chính tại sao tui lại thèm chế độ dân chủ như vậy.

Nguồn:http://www.x-cafevn.org/node/1879
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 741 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 156
Khách: 156
Thành Viên: 0