Thứ Sáu, 2024-11-22, 5:10 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 26 » Vụ Lê Công Định: 'nông cạn' và 'nạn nhân'?
10:16 PM
Vụ Lê Công Định: 'nông cạn' và 'nạn nhân'?
BBC
LS Lê Công Định

Luật sư Định lúc còn hành nghề nhưng nay đã bị chính Đoàn Luật sư TPHCM khai trừ dù tòa chưa luận tội

Vụ luật sư Lê Công Định bị bắt và thừa nhận 'vi phạm pháp luật' và 'xin khoan hồng' trong một video do công an Việt Nam cung cấp tiếp tục gây ra những phản ứng khác nhau.

Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại một lần nữa phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào những diễn biến xung quanh vụ bắt luật sư Định.

Theo báo chí nhà nước bà Nguyễn Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng tuyên bố ngày 15/6 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về trường hợp Lê Công Định là "không có cơ sở, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.''

Truyền hình VTC cũng nói rằng bà Nga khẳng định "tuyên bố này đã gây bất bình trong nhân dân Việt Nam.''

Trong khi đó ở cả trong và ngoài Việt Nam, câu chuyện về LS Định vẫn không lắng xuống.

Một loạt các cây viết trên các trang tiếng Việt đã tìm cách lý giải chuyện ông Lê Công Định đã nhanh chóng khai nhận, theo những gì công an Việt Nam đưa ra.

'Nông cạn'

Một người đấu tranh, khi sa cơ thất thế phải tìm mọi cách, gồm cả trá hàng, để sớm được trả tự do, để tiếp tục tranh đấu.

Nghiêm Văn Thạch

Ông Nghiêm Văn Thạch viết trên trang web Thông Luận ở Pháp rằng ông Lê Công Định ''nổi đến độ người ta quên rằng có bốn người khác cùng bị bắt với ông: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Thị Thu Thu và Trần Thị Thu''.

Ông Thạch viết: ''Nhưng rồi sự thất vọng cũng đến một cách nhanh chóng.

''Không đầy một tuần lễ sau khi bị bắt, ông Lê Công Định đã đọc lời nhận tội trước máy thu hình và xin khoan hồng.''

Nhưng ông Thạch cũng viết: ''Một người đấu tranh, khi sa cơ thất thế phải tìm mọi cách, gồm cả trá hàng, để sớm được trả tự do, để tiếp tục tranh đấu.''

Nói về việc bắt giam ông Định và bốn người khác, cây bút của tổ chức Thông Luận viết: ''Đó là hành động ngang ngược của kẻ có bạo lực. Đảng Cộng sản cư xử với nhân dân Việt Nam như một lực lượng chiếm đóng.''

''Khi buộc luật sư Định phải đọc bản nhận tội họ viết, theo đó ông ''biết Đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố hoạt động bằng đường lối bất bạo động'', hai tướng Công an điều động vụ này... đã phô bày sự ngớ ngẩn của họ: kể từ lúc nào đấu tranh bất bạo động có nghĩa là khủng bố?''

Hình chụp trang web của Hội Nhà văn

Bài của tác giả Đông La chỉ trích mạnh mẽ ông Lê Công Định

Nhưng ông Thạch cũng nói ông Định ''tỏ ra nông cạn khi theo lời Nguyễn Sỹ Bình lập hai ''đảng ảo'' Lao Động và Xã Hội".

'Cạm bẫy'

Có ý kiến trên một blog mà người ta tin là của nhà báo Hồ Thu Hồng từ TP. HCM còn gợi ý rằng sau khi 'nhận tội' LS Định sẽ sớm được thả (?).

Trong khi đó bài 'Cái tát của Lê Công Định' trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam do ông Đông La đăng thì viết: ''Một số người không cần biết thực hư ra sao đã mau mắn lên tiếng bảo vệ Định và cho việc này như một chứng cớ chứng tỏ sự đàn áp dân chủ của chế độ.

''Nhưng rồi họ chưng hửng vì Lê Công Định họ tự thêu dệt trong mơ với tài năng xuất chúng, với ''chính nghĩa'' rạng ngời, với ''lý tưởng'' cao đẹp, tưởng sẽ kiên trung bất khuất như một chiến sĩ cách mạng thứ thiệt, lại hiện nguyên hình là một cậu ấm học trò yếu đuối chưa vấn đã khai, đã nhận tội và xin khoan hồng!''

Tác giả Đông La cũng trích bài viết của ông Lê Diễn Đức trên Talawas Blog: ''Lê Công Định đã khiếp nhược quá nhanh, ngoài trí tưởng tượng của bao nhiêu người...Đây là cái tát mạnh vào tất cả những ai đã đứng bên cạnh và bảo vệ Lê Công Định.''

Nhưng một bài viết được trang Dân Luận đăng lại lại cho rằng ông Định là ''nạn nhân của một cạm bẫy do chính quyền cộng sản giương ra: hãm hại những người tham gia vào những tổ chức chống đối cuội do họ lập ra.''

'Tham vọng cá nhân'

Chỉ một chuyện buông võ khí kéo cờ trắng quá mau như vậy cũng cho thấy y chưa đủ bản lĩnh để bước vào cuộc chơi chết người là chính trị.

Blogger Trục Nhật Phi

Cũng chỉ trích luật sư Lê Công Định, blogger Trục Nhật Phi viết: ''Lại buồn cho bọn thư sinh mặt trắng chỉ mới có học về pháp luật đã tưởng mình có tài về chính trị như Lê Công Định, mới bị ví có vài ngày đã nhận tội xin khoan hồng, báo hại bao nhiêu người dân chủ trong nước bị sụp đổ một thần tượng và một số kẻ chống cộng nước ngoài bị chiêu hồi một tiên phong.

''...Y viết bản tường trình ấy thì có thể y sẽ được khoan hồng, nhưng ở một khía cạnh khác thì y đã tự ký bản án tử hình cho chính mình rồi.

''Y soạn Tân Hiến pháp mà lại nhận tội, thì bất kể cái Tân Hiến pháp ấy đúng sai thế nào y cũng không phải là kẻ vì nước vì dân mà chỉ vì mình, dân chủ chính trị chỉ là bao bì cho tham vọng cá nhân thôi.''

''...Chỉ một chuyện buông võ khí kéo cờ trắng quá mau như vậy cũng cho thấy y chưa đủ bản lĩnh để bước vào cuộc chơi chết người là chính trị.''

Trở lại với tác giả Nghiêm Văn Thạch của Thông Luận, ông kết thúc bài viết với câu: ''Một đàng không nên trách cứ Lê Công Định; nhưng đàng khác không nên coi đây là một điều dĩ nhiên và bình thường.

''Lê Công Định chắc chắn đã chịu những áp lực thô bạo, nhưng trước anh Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, cũng đã bị những áp lực không kém, tuy vậy họ đã có một thái độ khác.''

Mặc dù vậy, gần hai tuần kể từ khi bị bắt, các tin tức từ Việt Nam cho hay ông Lê Công Định vẫn chưa có luật sư bào chữa và cũng không ai biết ông Định phải 'nhận tội' trong hoàn cảnh nào.

Cùng lúc, các tổ chức quốc tế như Amnesty International vẫn tiếp tục quan tâm đến số phận của ông.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 719 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 17
Khách: 17
Thành Viên: 0