Trung Quốc vừa thả 25 ngư dân Việt Nam sau khi giữ họ 10 ngày vì cho rằng những người này "vi phạm lệnh cấm bắt cá" nhưng 12 người khác vẫn chưa được thả.
Theo các
hãng thông tấn quốc tế trích lời quan chức Việt Nam, 25 ngư dân
Việt đã về nhà an toàn ở tỉnh Quảng Ngãi, hôm qua thứ Năm.
Cả 37 người bị tàu Trung Quốc bắt khi đánh cá gần quần đảo
Hoàng Sa vốn vẫn đang là nơi cả Trung Quốc và Việt Nam tuyên
bố chủ quyền.
Tháng trước, Trung Quốc đơn phương công bố
lệnh cấm đánh cá đến 01/08 trong một số vùng của Biển Đông
mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.
Hồi tháng Ba, Trung Quốc cử tàu tuần tra ra vùng biển quanh các đảo đang tranh chấp.
Các ngư dân Việt bị phía Trung Quốc bắt hôm 16/06 và bị giữ ở Hoàng Sa.
Phía Việt Nam cũng biết rằng hải quân Trung Quốc quyết định
phạt những ngư dân Việt Nam này tổng cổng 210 nghìn nhân dân
tệ, khoảng 30 nghìn USD.
Hãng AFP cho hay cả bộ ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam đều không trả lời ngay yêu cầu được xin bình luận hôm thứ Sáu này.
Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc là không thể chấp nhận được
Phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga
Tuy nhiên hãng tin này trích lời bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo thường kỳ hôm qua, thứ Năm rằng lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được" và rằng các ngư dân đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Báo VietnamNet hôm 17/06 trích lời Đại tướng Lê Văn Dũng của Việt Nam nói hiện nay tàu hải quân đi tuần tra các vùng biển chủ quyền của Việt Nam nhằm "cảnh giác tàu lạ hoặc tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển để kịp thời ngăn chặn".
Nhưng ông Dũng cũng nói khi ngư dân Việt Nam hãy tự tập hợp thành các đội tàu mạnh, tránh vào các vùng biển "của bạn" và thấy tàu lạ thì hãy báo cho quân đội.
Báo chí Việt Nam trước đó đưa tin các vụ bắt ngư dân Việt của phía Trung Quốc khiến dân chài nhiều vùng biển miền Trung sợ không dám ra khơi và phải chịu thiệt về kinh tế.
Trung Quốc với các nước khác
Nhưng
va chạm giữa các nước trong vùng biển Đông Nam Á liên quan đến
quyền đánh bắt hải sản không chỉ xảy ra giữa Trung Quốc và
Việt Nam.
Hôm 25/06, Trung Quốc chính thức bày tỏ thái
độ "không hài lòng" trước việc Indonesia giữ 75 ngư phủ của
tỉnh Quảng Tây.
Theo Tân Hoa Xã, Phát ngôn viên Tần Cương
lên tiếng nói rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán
tại Indonesia đã khẩn cấp trình bày với phía Indonesia về vụ
việc.
Những ngư dân Trung Quốc này bị tàu Indonesia bắt
ngày 20/06 tại vùng gần Trường Sa mà Trung Quốc cho là của
mình.
Ông Tần Cương được trích lời nói Trung Quốc yêu cầu Indonesia "thả ngay lập tức các ngư phủ Trung Quốc".
Tuy vậy, ông cũng không quên nhắc rằng Trung Quốc và Indonesia là hai đối tác chiến lược và quan hệ song phương đang có nhịp độ tiến triển vững chắc.
Theo lịch làm việc, Ngoại trưởng Indonesia, ông Hasan Wirayuda dự kiến có chuyến thăm Trung Quốc từ 1 đến 2 tháng Bảy theo lời mời của người tương nhiệm Dương Khiết Trì.
Tân Hoa Xã 26/06/2009 cũng đưa tin hôm qua, đại sứ Trung Quốc Lưu Kiến Siêu vừa dự lễ đón và tiễn về nước 25 ngư dân Trung Quốc được thả tại Manila, Philippines sau hai năm giam giữ.
Trở lại câu chuyện với Việt Nam, cũng ông Tần Cương, được Tân Hoa Xã trích lời hôm 9/06 bác bỏ đề nghị của Việt Nam muốn Trung Quốc bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm.
Ông Tần nói đây là 'biện pháp hành chính thông thường và đúng đắn' sau khi có tin Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn 'giao thiệp' với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường để 'lưu ý' ông này về lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc.
Đông phương Nhật báo, một tờ báo thân Bắc Kinh xuất bản tại Hong Kong, hôm 10/06 bình luận rằng "Lệnh cấm đánh bắt ở Nam Hải của Trung Quốc dò đáy ý chí của Việt Nam".
Nhưng căn cứ vào các tin thông tấn, Trung Quốc không tỏ thái độ như vậy đối với Indonesia, nước đông dân nhất Asean và Philippines, nước vốn là đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.