Nguyễn Quang Duy
Trong các chứng cớ thu được từ tư gia và máy tính
của Luật sư Lê Công Định có bản Tân Hiến pháp do ông cùng soạn thảo. Tin này
được các báo trong nước đồng loạt đăng.
Mặc dầu bản Dự thảo Hiến pháp này không được phổ
biến, báo Công an Nhân dân đã dành liên tiếp hai số (ngày 18/6 và 20/6/2009) để công kích và kết án việc làm của ông.[1]
Kết án kiểu này trước hết lộ rõ tính độc tài đảng trị cuả Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở các xã hội dân chủ, mọi người đều có quyền góp ý
cho Hiến pháp hiện hành và quyền vận động cho một Hiến pháp mới. Khi có nhu
cầu, chính quyền còn có trách nhiệm đứng ra tổ chức Hội nghị bàn về Hiến pháp,
như Hội nghị Lập hiến bàn về thể chế cộng hoà tại Úc trước đây.
Mặc dù bị kết án tuyên truyền chống đối Đảng và
nhà nước cộng sản, các công trình trí tuệ của Luật sư Lê Công Định đã đang và
sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng một Việt Nam mới hiến định, dân chủ
và pháp trị. Việc ông soạn bản Dự thảo Hiến pháp nói lên nhu cầu phải thay đổi
Hiến pháp càng ngày càng trở nên cấp thiết.
Đòi hỏi một Hiến pháp Dân chủ
Không riêng Luật sư Lê Công Định, trong nước cũng
có nhiều quan tâm về một Hiến pháp Dân chủ cho Việt Nam, xin đơn cử vài thí dụ:
- Phó giáo sư, tiến sĩ
Phạm Duy Nghĩa, Đại học Hà Nội, tiếc rằng từ 1946, dân tộc ta đã
không có cơ hội đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến. Bản hiến văn
1946 không có giá trị về pháp lý, chưa từng được sửa theo cách thức mà nó
đề nghị và nó đã bị thay thế bởi những tuyên bố chính trị khác (Hiến pháp
1959, 1980, 1992 và 2001). Đó là một món nợ lịch sử cần phải trả.[2]
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc,
nguyên Bộ trưởng Tư pháp, trưởng Tiểu ban Biên tập Hiến pháp 1992, thành
viên của Ban Thư ký soạn thảo Hiến pháp 1980, đã có những trăn trở về một
truyền thống Hiến pháp chưa được kiến tạo ở Việt Nam. Khi cần
thông qua luật Cải cách Ruộng đất, Đảng Cộng sản đã biến Quốc hội Lập hiến
1946 một thành một Quốc hội Lập pháp. Rồi cũng Quốc hội này lại trở thành
Quốc hội Lập hiến khi thông qua Hiến pháp 1959. Ông còn cho biết vào năm
1959 rất ít người thạo Nga văn và hiểu về hệ thống chính trị Liên Sô, nên
Hiến pháp 1959 phải dựa trên bản dịch tiếng Tàu với khá nhiều lỗi về văn
phạm và ý nghĩa từ việc chuyển ngữ. Các lỗi này được tiếp tục in lại trong
các ấn bản sau 1980, 1992 và 2001. Hệ thống pháp quyền Việt Nam
lại xây dựng dựa trên các lỗi này. [3]
- Luật sư Trần Lâm và Tiến
sĩ Nguyễn Thanh Giang đã viết: “Đề cập đến sửa đổi Hiến pháp tưởng
chừng là điều cấm kỵ, thậm chí có thể bị coi là phạm pháp, nhưng nay đã
được các cơ quan Nhà nước, những người có trách nhiệm ở tầng cao nói đến,
quần chúng băn khoăn, bức xúc… Đây đó, có người còn quy kết mọi khó khăn
trắc trở của đất nước hiện nay đều bắt nguồn từ những bất cập của Hiến
pháp hiện hành”.[4]
Từ đó hai ông đã vạch rõ yêu cầu thành lập một cơ quan lập
hiến để sửa đổi để sọan ra một Hiến pháp mới cho Việt Nam.
Quyền lập hiến luôn luôn phải được đặt cao hơn
quyền lập pháp. Để tránh việc lạm quyền, Quốc hội Lập hiến được bầu ra với chức
năng duy nhất là sọan ra một Hiến pháp rồi giải tán. Hiến pháp quy định rõ ràng
quyền và trách nhiệm của Quốc hội Lập pháp. Quốc hội Việt Nam xem ra luôn nắm giữ cả hai quyền.
Chính danh trong thể chế pháp trị
Nhưng trên thực tế Quốc hội Vịệt Nam chỉ lập ra cho có hình thức, mọi việc đều đã được Đảng
Cộng sản thu xếp từ trước.
Theo điều 4 Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực
lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội…” và điều 6 quy
định: “Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều
được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ…”
Hai điều này bao hàm tính toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp chỉ soạn ra cho có hình thức nhằm trang điểm
cho thể chế đảng trị.
Về việc này, trên diễn đàn BBC ngày 04/7/2006, luật sư Lê Công Định đã có bài “Bàn về ‘Chính danh’ trong thể chế pháp trị“.
Trong bài này ông nói rõ: “Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ
chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà
trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần
nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế
chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ
không phải “pháp trị”.
Ông nhận xét: “người dân vẫn không tâm phục và
nhìn nhận những chức phận kiểu như vậy.“
Về một thể chế pháp trị ông đã viết “sự ‘chính
danh’ gắn liền với tính hợp hiến, nghĩa là việc bầu cử nguyên thủ quốc gia để
quốc dân ‘chọn mặt gửi vàng‘ phải được minh định trong Hiến pháp, chứ
không từ bất kỳ văn kiện chính trị nào khác.” Và đề nghị “phải chuyển
từ thể chế đảng trị sang pháp trị để đạt được ‘ngôn thuận’ trong nhân dân“.
Xưa như nay
Trước đây ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên Trưởng Ban
tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 và trong Ủy ban dự thảo Tổng Tuyển cử
Quốc hội Lập hiến 1946, cũng nhận tội rồi bị kết án tù chỉ vì trên Nhân văn số 4, ra ngày 5.11.1956, đã góp ý xây
dựng Hiến pháp 1946 và “tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi” tại
miền Bắc Việt Nam.[5]
Năm mươi năm đã qua, ngày nay, luật sư Lê Công
Định, cũng chỉ vì những hoạt động ôn hòa và bất bạo động, lại bị cáo buộc vi
phạm các điều 79 và 88 của bộ luật hình sự. Các điều luật trên xuất phát từ các
cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vụ án Lê Công Định sẽ là một dấu hiệu
gởi ra toàn thế giới rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lội ngược dòng
tiến hóa nhân loại và kéo lùi dân tộc Việt Nam.
Hiến pháp Dân chủ là gì?
Một cách vắn tắt, Hiến pháp Dân chủ là:
- nền tảng để xây dựng một
chính phủ dân chủ, hiến định và pháp trị;
- bộ luật tối cao quy định
các quyền và nghĩa vụ của người công dân;
- quy định các nguyên tắc
xây dựng quyền lực cho chính phủ, các giới hạn của chính phủ và đề ra các
thủ tục hoạt động cơ bản cho chính phủ;
- là nền tảng xây dựng các
chính sách văn hoá, xã hội, giáo dục, chính trị, kinh tế…, các quyết định
pháp lý, các đạo luật quốc gia; và
- đề ra các phương cách bổ
sung hay sửa đổi khi cần thiết.
Trong một quốc gia, mọi công dân đều bị chi phối,
cũng như đều có bổn phận tôn trọng và tuân theo hiến pháp, các đạo luật, các
quyết định hợp hiến. Như vậy, Hiến pháp Dân chủ cần sự tham gia của mọi tầng
lớp xã hội.
Riêng trường hợp Việt Nam, người Việt hải ngoại
cũng là một thành phần dân tộc và như thế ít nhiều cũng bị chi phối bởi Hiến
pháp và luật pháp Việt Nam.
Thế giới ngày nay càng ngày càng mở, công dân các
nước du lịch, sinh sống và làm việc trên quốc gia khác càng ngày càng nhiều. Vì
thế một Hiến pháp hiện đại cần có tầm nhìn xa hơn về con người
thay vì chỉ công dân một quốc gia.
Nếu xem Hiến pháp là một la bàn định hướng cho con
tàu Việt Nam thì sáu mươi năm qua con tàu này vẫn lênh đênh trên đại dương theo
ý chí, khủng bố và hứa hẹn của thiểu số cộng sản cầm quyền.
Cần một Hiến pháp Dân chủ cho Việt Nam
Nói rõ hơn, một Hiến pháp Dân chủ quy định rõ ràng
những quyền tự do cá nhân. Trên sáu mươi năm qua Đảng Cộng sản đã cướp đi cái
quý nhất của người Việt Nam - Quyền Tự do. Đã đến lúc người
Việt chúng ta cần đồng tâm ngồi lại với nhau để đòi lại các quyền này, để thảo
luận và để soạn ra một Dự thảo Hiến pháp mới. Việc này sẽ
giúp:
- xây dựng và sửa soạn một
hướng đi, đưa dân tộc chúng ta, một cách bình thường và bình đẳng hội nhập
vào thế giới dân chủ;
- phương tiện đấu tranh
cho dân chủ một cách quyết liệt và dứt khoát trong ôn hòa, bất bạo động;
- Hiến pháp Dân chủ sẽ là
giải pháp để hòa giải dân tộc, ít rủi ro nhất cho các đảng viên Đảng Cộng
sản, vì khi bị khủng bố, bị áp bức đến cùng cực, cách mạng bạo lực ắt sẽ
xẩy ra; và
- làm căn bản cho một Quốc
hội Lập hiến cứu xét và đưa ra toàn dân trưng cầu dân ý.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 25/6/2009
© 2009
Nguyễn Quang Duy
____________________________________________________
[1] Nhóm PVCD, “Trò hề vớ vẩn trong ‘Tân hiến pháp’ thu được từ ‘luật
sư cấp tiến’ Lê công Định”, Công an Nhân dân ngày 18/6 và 20/6/2009
[2] Phạm Duy Nghĩa, ”Bản Hiến pháp sáu mươi năm trước và những món
nợ lịch sử” ,Tia Sáng 02/02/2007,
(http://doi-thoai.com/baimoi0207_173.html)
[3] Huy Đức phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, Sài Gòn Tiếp thị
ngày 18 và 20 tháng 9 năm 2007, “Tinh thần Hiến pháp”,
(http://www.doi-thoai.com/baimoi0208_082.html).
[4] Trần Lâm và Nguyễn Thanh Giang, “Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam là
yếu tố bức thiết”, (http://doi-thoai.com/baimoi0108_394.html)..
[5] Nguyễn Hữu Đang, “Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung
Hoa bảo đảm tự do dân chủ như thế nao?” Nhân văn số 4, ra ngày
5.11.1956
Nguồn: talawas blog
|