Thứ Ba, 2024-11-05, 8:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 28 » Dân Chủ cũng như luật đá banh
7:50 PM
Dân Chủ cũng như luật đá banh

Ngô Nhân Dụng

Cái ông bạn Ba Sún viết bài “Dân Chủ Cho Tui” trên diễn đàn X-Cafe, in lại trên Nhật báo Người Việt ngày hôm qua, nêu lên các lý do thật giản dị khiến cho một người dân Việt Nam bình thường như ông cũng muốn nước ta tiến đến chế độ tự do dân chủ.

Một: Vì con người ta không phải chỉ lo cơm ăn áo mặc là đủ; ai cũng có những nhu cầu tinh thần. Mà trong chế độ độc tài độc đảng hiện nay hầu hết các quyền tự do cho tinh thần bị cấm đoán.

Hai
: Có dân chủ thì người dân mới có quyền thay đổi những người cầm quyền khi thấy họ bất lương hay bất lực .

Ba: Có dân chủ mới hy vọng xã hội có công bình, pháp luật công minh.

Bốn: Có dân chủ mới hy vọng con cái sau này được sống đúng phẩm giá con người.

Nếu hỏi ý kiến nhiều người khác ở Việt Nam, chắc chúng ta còn được nghe nhiều lý do khác nữa thúc đẩy người ta muốn nước Việt Nam thành một nước dân chủ.

Nhưng hiện nay Phong Trào Dân Chủ ở trong nước ta vẫn còn rất yếu. So với người dân các nước Á Ðông, từ Hàn quốc, Ðài Loan, Hồng Kông qua tới Thái Lan, Mã Lai Á thì trình độ hiểu biết về Chế Ðộ Dân Chủ của người Việt mình thua xa. So sánh với dân Iran thì ý thức dân chủ của dân mình còn thấp hơn nhiều. Dân Hàn Quốc, dân Thái Lan cho tới người Iran họ đều có những cơ hội thực tập “Cuộc chơi dân chủ” nhiều lần. Những cuộc tranh cử, bỏ phiếu tại các nước đó rất gay go, người dân có tham gia quyết định việc nước thật sự. Còn người Việt Nam ta lâu nay vẫn sống dưới chế độ đảng cử, dân bầu, cho nên chẳng mấy ai quan tâm đến các thủ tục, luật lệ của cuộc chơi dân chủ.

Mà bản chất của Chế Ðộ Dân Chủ chính là việc thay đổi “luật chơi” trong xã hội. Giống như đang trong một cuộc đá banh giữa hai đội, mà phía sân của đội banh Ðảng và Nhà Nước thì chiếm vị thế cao lên dần dần, còn nửa sân thuộc về đội Nhân Dân thì nằm phía dưới thấp. Các cầu thủ đội Nhân Dân muốn đem banh lên phía khuôn thành của Ðảng và Nhà Nước thì phải chạy lên dốc, còn phía Ðảng và Nhà Nước thì thư thả dẫn banh xuống phía dưới, tha hồ đá lủng thành đội Nhân Dân.

Luật chơi banh do đảng và nhà nước tự ý đặt ra, vì họ nói họ đã là đại biểu của nhân dân rồi, họ chỉ phục vụ quyền lợi của nhân dân mà thôi. Cho nên họ đặt cái khung lưới của đảng và nhà nước thật nhỏ, còn khung lưới của nhân dân thì to. Các cầu thủ nhân dân chỉ được đá bằng chân hoặc đội đầu, còn cầu thủ đảng và nhà nước có thể dùng tay cũng không bị phạt.

Bây giờ, nhân dân đòi dân chủ có nghĩa là họ muốn thay đổi luật chơi. Trước hết, nhân dân muốn bên đảng và nhà nước cũng chỉ được đá bằng chân, cấm dùng tay. Nếu được rồi, nhân dân sẽ yêu cầu hai cái khung lưới phải lớn bằng nhau, không chơi lối bên to bên bé! Và nhân dân sẽ yêu cầu được chơi trên một sân banh bằng phẳng, không để cho đảng và nhà nước ở trên cao đá xuống nữa.

Ðó là đại cương lịch sử những cuộc tranh đấu đòi dân chủ, dân quyền diễn ra trên thế giới. Ngày xưa dân chúng các nước Âu Mỹ nổi lên đòi dân chủ cũng chỉ cốt đòi thay đổi luật lệ giao đấu để chấm dứt tình trạng vua và nhà nước đối xử với họ tùy tiện và bất công. Có những cuộc cách mạng đổ máu, như khi dân Mỹ đứng lên chống lại vua nước Anh và lập ra một nhà nước mới do chính người dân bỏ phiếu lựa chọn. Có những cuộc cách mạng diễn qua những cuộc biểu tình hết năm này sang năm khác, đòi thay đổi luật chơi trong từng bước một, cho mỗi ngày một công bằng hơn. Như dân Ðài Loan, dân Nam Hàn, Thái Lan, vân vân, đã thực hiện trong những thập niên 1960, 70 cho tới nay. Còn dân Ấn Ðộ may mắn vì họ thành lập ngay Chế Ðộ Tự Do Dân Chủ sau khi được đế quốc Anh trả lại độc lập, nhờ những người lãnh đạo sáng suốt nhất định không để cho cái bã độc tài nó cám dỗ.

Khi bàn về quá trình dân chủ hóa ở các nước Nhật Bản và Hàn Quốc vào ba chục năm trước đây, Giáo Sư Trần Ngọc Vương ở Ðại Học Quốc Gia Hà Nội đã nhận xét rằng, “...dân chủ hóa 'từng bước, từng bộ phận, tiến tới toàn diện và triệt để, vững chắc' lại chính là bước đi tiếp theo ở các quốc gia vừa đề cập sau khi công cuộc hiện đại hóa đã thu về những thành tựu rõ rệt.” Và ông kết luận, “Tôi cho rằng dân chủ hóa trong trường hợp này là một quá trình hợp với lôgic phát triển tự nhiên. Không dân chủ hóa thực sự, thật khó tìm ra cách thức nào hữu hiệu hơn để bảo vệ những thành quả của quá trình hiện đại hóa.” (Theo ViệtStudies/info).

Nói cách khác, khi kinh tế thị trường phát triển giúp nâng cao đời sống của nhiều người dân trong một nước, thì đó là một thành quả cần bảo vệ. Và muốn bảo vệ thành quả đó, thì con đường hợp lý nhất, lôgic nhất, là dân chủ hóa. Các nước Á Ðông đã thực hiện điều đó qua những cuộc vận động từng bước một, từng phần một, mỗi lần đòi nhà nước phải thay đổi luật chơi một chút. Nhưng cuối cùng thì người dân vẫn tiến tới những thay đổi “toàn diện và triệt để.”

Khi chúng ta nhìn những cuộc vận động dân chủ như một quá trình đòi “thay đổi luật đá banh” thì sẽ thấy không cần phải đặt ra câu hỏi “Dân Chủ Cho Ai” nữa. Dân chủ cho tất cả mọi người. Bây giờ, luật chơi đá banh do đảng và nhà nước đặt ra, dân đen không được bàn. Ai lên tiếng, dù chỉ xin bàn việc thay đổi thôi, thì đã bị gán cho tội này đến tội khác. Dân oan ức quá kéo nhau đi biểu tình thì bị dẹp, và cả guồng máy nhà nước không ai chịu trách nhiệm giải quyết những oan khuất cho người ta, đồng đổ cho cốt, cốt lại đổ cho đồng. Các đại biểu Quốc Hội thì chỉ biết gật đầu, những người can đảm to tiếng thì cũng biết là những lời nói của họ chẳng có hiệu quả nào hết. Các thẩm phán thì xử án theo chỉ thị của công an. Ba quyền Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp đều nằm trong tay một đảng hết, thằng dân rõ ràng là đang phải đứng trong một sân banh nghiêng đến 30, 40 độ!

Cho nên, người dân đòi dân chủ tức là đòi thay đổi luật chơi. Trong những xã hội tự do dân chủ chính người dân đặt ra luật giao đấu. Ðó là quy luật quan trọng nhất trong chế độ dân chủ tự do. Dựa trên quy luật đó, dân chúng có thể chọn lựa và thay đổi luật lệ, thể thức chọn người cầm quyền, phân phối quyền hành và quyền lợi như thế nào, mỗi dân tộc có thể chọn theo cách khác nhau.

Những luật lệ của cuộc chơi dân chủ không đồng nhất, mỗi quốc gia chọn một hệ thống chính trị phù hợp với hoàn cảnh, tư chất của mình, miễn bảo vệ quyền tự do đi tìm hạnh phúc của mọi người và của mỗi người. Riêng trong mỗi quốc gia, cùng sống dưới một hệ thống chính trị, chính quyền cũng không theo một chủ trương, một chính sách mãi mãi. Các đảng phái hoạt động tự do tha hồ trình bày các quốc sách của họ, để người dân lựa chọn.

Không một chế độ tự do dân chủ nào giống hết chế độ ở nơi khác. Ấn Ðộ là thuộc địa cũ của Anh, nhưng không dân chủ theo lối Anh. Ðài Loan, Hàn quốc không dân chủ theo lối Mỹ. Dân chủ không phải là một tôn giáo, không phải là một chủ nghĩa, không phải là một ý thức hệ. Tất cả chỉ là tổng cộng những luật chơi cốt làm sao bảo vệ được tự do và công bằng trong xã hội loài người. Trong khuôn khổ những luật chơi đó, mỗi người có quyền theo những tín ngưỡng, những chủ nghĩa mà mình lựa chọn.

Khi chế độ Cộng Sản ở Nga và Ðông Âu sụp đổ, thì người dân các nước đó thản nhiên không một ai thương tiếc, không ai tìm cách chống đỡ, bảo vệ những giáo điều của chủ nghĩa Cộng Sản cả. Trong thế giới loài người tự do dân chủ bây giờ, không ai còn hô hào và bó buộc tất cả mọi người cùng tin vào một chủ nghĩa, không ai còn đòi áp dụng một chủ nghĩa trên toàn thể xã hội nữa, Vì nhân loại đã tiến bộ. Việc áp đặt một thứ chủ nghĩa nào đó trên đời sống xã hội là phản tiến bộ. Thay vì những chủ nghĩa giáo điều không tưởng, chúng ta chỉ cần thiết lập những quy tắc để sống chung với nhau mà thôi. Những quy tắc đó có thể thay đổi khi xã hội thay đổi, cũng như những luật chơi đá bóng vậy.

Khi bàn luận về đạo Công Bằng, nhà chính trị học nổi tiếng John Rawls (1921-2002) đã đưa ra vài quy tắc trong cuốn “Công lý Qua Lẽ Công Bình” (Justice as Fairness). Rawls giả thiết rằng mọi người đều hướng thiện và có ý thức về công lý như nhau. Quy tắc thứ nhất: Quốc gia phải xác nhận rằng “mọi người có những quyền tự do như nhau.” Rawls đề nghị thêm hai điều nữa cho đạo công bình: “Nếu phải chấp nhận có những bất bình đẳng về xã hội và kinh tế không thể tránh được thì phải làm sao để tất cả mọi người đều được có cơ hội bằng nhau” (quy tắc thứ 2a, công bằng về cơ hội). Nhưng, công bằng không thể tuyệt đối, loài người phải biết thương yêu những người yếu thế: “Tổ chức xã hội phải làm sao mang lại mức lợi ích cao nhất cho những người yếu thế nhất” (quy tắc 2b).

Những quy tắc của Rawls cho chúng ta cơ hội suy nghĩ xem có thể áp dụng vào các luật chơi dân chủ như thế nào. Trên thế giới có biết bao nhiêu hình thức tổ chức xã hội theo lối dân chủ, tự do. Chúng ta có thể tìm hiểu coi những luật chơi của họ có thể giúp gì cho việc xây dựng nước Việt Nam trong tương lai hay không.
Dân chủ cho tui
3 Sún, thành viên X-cafe

Bấy lâu vô đọc x-cà nhưng mà không dám viết, không dám phát biểu ý kiến vì sợ công an mạng truy ra cái địa chỉ thì chết cả họ nhà tui, mấy hôm nay đọc cái bài viết của anh akaVN, tôi mấy lần tính tham gia nhưng cái sợ lại làm tui không dám gởi, sợ mấy bác công an mạng lắm, Hôm nay nhờ thằng em bên ngoài gởi cho chắc ăn.

Tui là một nông dân ở miền trung, ngoài việc làm ruộng, nuôi heo, thỉnh thoảng lén bà xã đi tới tiệm nét để vô X-cà, DCV,BBC để tìm chút gió lạ bồi dưỡng tinh thần. Nhưng mà vô mấy chỗ này thì cũng rét lắm, nhưng mà mê quá không vô không được. Cho nên vẫn cứ lén vô mà vừa đọc vừa run.

Bây giờ trở lại câu hỏi dân chủ cho ai ? Xin thưa là xin được dân chủ cho tui và những người như tui nè, vì sao:

Điều thứ nhất - Tui thèm được tự do để được vô nét để học hỏi về những điều mình thích, mình quan tâm bên ngoài những điều nhà nước và dang CS rao giảng ra rả mỗi ngày trên mấy cái loa công cộng mà không phải sợ chính quyền gắn cho cái tội phản động, tư tưởng xấu. Tui cũng thèm được tự do phát biểu tư tưởng, ý kiến của mình mà không sợ công an xã, công an huyện bắt đi cải tạo vì trái với đường lối tư tưởng của đảng.

Phàm là con người thì ngoài thức ăn cho thể xác, ai cũng cần có thức ăn cho trí tuệ, và cho tâm hồn nữa. Chỉ có loài vật mới có thể thỏa mãn khi được ăn no, rồi ngủ kĩ, sống chết mặc bay, vật lo thân vật. Con người thì ai chẳng có ước mơ được sống vui vẻ và hạnh phúc, được tự do tư tưởng, được nói lên những gì mình nghĩ, mình thất đúng. Tui nghĩ một chết độ dân chủ sẽ bảo đảm cho tui cái quyền được học hỏi, được suy nghĩ, được nói, được tranh luận mà không sợ bị tù, bị bắt cải tạo, gia đình bị trù dập vì nguyên tắc chính của chế độ dân chủ không phải chỉ là thiểu số phải phục tùng đa số, mà phải bảo vệ cho thiểu số được quyền nói lên ý kiến của mình mà không sợ phe đa số trừng phạt.

Điều thứ hai - Tui cần dân chủ vì nơi tui đang sống chính quyền từ thôn, xã, huyện, tỉnh cả tới trung ương 100% là dốt nát, tham nhũng, hối lộ, dâm ô, đạo đức suy thoái nhưng vẫn cứ hết năm này tới năm khác, hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác vẫn là cán bộ, vẫn tiết tục vênh vang, tiếp tục tham nhũng mà lũ dân đen tui chẳng làm gì được cả. Nếu có dân chủ thì tui chắc chắn là những tên cán bộ dốt nát, tha hóa kia, không thể kéo dài quá một nhiệm kỳ. Tui mong được có dân chủ để những người có tài năng, có tâm huyết được tự do ra ứng cử, và tự do tranh cử để thay thế cho cái đám cán bộ thối tha kia, và tui cũng có thể được tự do chọn lựa người tui tín nhiệm để bỏ phiếu ủng hộ họ ra làm.

Điều thứ ba - Là tui mong có dân chủ để xã hội được công bình và mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, tui có quá nhiều oan ức mà không dám kiện cáo với ai được cả vì tòa án và chính quyền là một, cùng một đảng thì nếu tui đi kiện chi'nh quyền thì chỉ có từ chết tới bị thương. Nhà tui chẳng phải giàu có lắm, nhưng ông bà nhiều đời trước và tới đời cha mẹ tui đã ăn nhín, làm ráng cần kiệm lắm để có mua được vài mẫu ruộng canh tác và làm hương hỏa cho ông bà, từ ngày chính quyền bắt buộc vô hợp tác xã, ruộng nhà tui bây giờ thành ruộng nhà nước, chính quyền xã lấy bán làm khu công nghiệp và phân lô chia nhau bán lấy tiền làm giàu riêng, cán bộ xã, huyện ông nào cũng có vài lô bán lấy tiền, còn gia đình tui thì bao đời đã tằn tiện để được làm chủ số ruộng đất đó mà giờ nhìn người bán lấy tiền làm giàu riêng mà không dám nói ho hé một tiếng. Nếu dưới chế độ dân chủ thì chắc chắn gia đình tui không phải chịu thua thiệt như vậy.

Tui cần một chính quyền dân chủ để pháp luật được công minh, không phải như hai người hàng xóm tui cũng bị một tội uống rượu, đánh lộn như nhau mà người có 10 triệu cho quan tòa thì bị 9 tháng tù treo, còn người không có tiền thì 3 năm cải tạo, hay thằng bé con ông anh họ đói quá đào trộm mấy bụi sắn của ông công an xã mà bi đánh tơi bời còn bị đưa đi cải tạo một năm trời, còn con bà bí thư xã bán mấy trăm tấn phân đạm của hợp tác xã lấy tiền đi bia ôm mà chỉ bị cảnh cáo, phê bình rút kinh nghiệm.

Điều thứ tư - Là tui cầu xin dân chủ cho con cái của tui vì nghe tụi nó dù tốt nghiệp đại học chính qui hẳn hoi, tài giỏi hơn những xiếp của tụi nó, mà vẫn không dám phản biện, hay đưa ý kiến trái với xiếp dù biết xiếp nó dốt, nói sai, làm sai vì đa phần những vị trưởng phòng, giám đốc là bằng cấp mua, học chuyên tu, tại chức chỉ nhờ là lí lịch tốt, bè cánh đảng viên mà lên. Chỉ dám nói lẫn nhau mà cũng còn sợ ăng ten của xiếp tiết lộ bị trù yếm thì mất việc làm. Tui mong sao có chế độ dân chủ cho con tui dám chỉ trích cái sai, dám đứng thẳng làm một con người đúng nghĩa chứ không phải quì gối cúi lưng, nịnh nọt kẻ có chức có quyền theo đóm ăn tàn của cái xã hội này tạo ra.

Và còn rất nhiều điều nữa nhưng tui tạm có bốn cái điều làm cho tui bức xúc nhất mà cũng là những điều chính tại sao tui lại thèm chế độ dân chủ như vậy.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 816 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0