"Họ đưa ra ba quyết định xử phạt
(toàn chữ Trung Quốc), ép ba thuyền trưởng lăn tay, chịu mức phạt tổng cộng
210.000 nhân dân tệ, tương đương 540 triệu đồng", ông Dương Văn Thọ, chủ tàu vừa
được Trung Quốc thả về từ Hoàng Sa kể.
>>
TQ giữ 12 ngư dân đảo Lý Sơn ở Hoàng Sa
Ông Thọ kể, hôm 16/6 tàu của ông
cùng hai tàu bạn nữa đang trên đường chạy tìm nơi trú bão số 2 ở ngoài khơi cách
đảo Linh Côn 15 hải lý về phía Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam, thì bị
tàu kiểm ngư Trung Quốc áp sát. 37 ngư dân đều cùng quê ở xã An Hải, huyện đảo
Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.
Tàu Trung Quốc đã áp tải đưa ba
tàu về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. "Đến sáng 21/6 họ đưa ra ba quyết
định xử phạt (toàn chữ Trung Quốc), ép ba thuyền trưởng của ba tàu lăn tay, chịu
mức phạt tiền tổng cộng 210.000 nhân dân tệ vì "xâm phạm lãnh hải Trung Quốc".
Tụi tui muốn ngất xỉu vì tính ra tiền Việt khoảng 540 triệu đồng", ông Thọ vẫn
chưa hết bàng hoàng nhớ lại. Sau khi lăn tay, tàu của ông Thọ may mắn được thả
về cùng 25 ngư dân. 12 người trong đó có hai thuyền trưởng vẫn bị bắt giữ.
|
Thuyền trưởng Dương Văn Thọ (áo xanh) trên chiếc tàu vừa từ Hoàng Sa
trở về huyện đảo Lý Sơn. (Ảnh: Trí Nguyễn)
|
Nét mặt buồn rười rượi, ông Thọ
thở dài, anh em ngư dân nghèo, đi vay đi mượn cùng góp vốn ra khơi, giờ thì mất
cả chì lẫn chài. 6 tạ cá đỏ cùng hải sâm đánh bắt được trước khi gặn nạn đã bị
phía Trung Quốc tịch thu hết. Chưa kể chi phí xăng dầu, đá lạnh cho chuyến ra
khơi này khảng 210 triệu đồng của ba tàu xem như mất trắng.
Viên thuyền trưởng này ngậm ngùi:
"Với mức phạt 540 triệu đồng thì chúng tôi có rao bán cả ba chiếc tàu này cũng
chưa chắc đủ 2/3 số tiền nộp phạt để “chuộc” 12 người cùng tàu còn bị tạm giữ ở
đảo Phú Lâm".
Ngư dân Lê Văn Tài, thuyền viên
của tàu ông Thọ, cho hay, 20 năm hành nghề, đây là lần thứ hai ông Tài bị phía
Trung Quốc tạm giữ và xử phạt trong khi đang đánh bắt thuỷ sản trên vùng biển
Hoàng Sa. Cách đây 9 năm, ba tàu Lý Sơn cũng bị Trung Quốc bắt giữ, phạt mỗi tàu
80 triệu đồng. "Muốn nộp phạt, chúng tôi phải thông qua “cò” người Việt biết nói
tiếng Hoa ở Đà Nẵng để lo thủ tục, chuyển tiền nộp phạt, sau đó phương tiện và
số ngư dân bị tạm giữ còn lại mới được thả về", ông Tài kể.
Lặng lẽ suốt buổi nghe các đồng
nghiệp trao đổi với PV, ông Nguyễn Tâm, thuyền viên của chiếc tàu QNg6517-TS vẫn
còn bị giữ ở Hoàng Sa, lo lắng: "Tôi may mắn được thả nhưng thuyền trưởng và một
số ngư dân trên tàu chúng tôi vẫn còn bị tạm giữ hơn 10 ngày qua khiến gia đình
ở nhà nóng cả ruột gan, từng giây, từng phút mong ngóng người thân sớm trở về".
|
Chưa
kịp ngơi nghỉ, ông đã cùng với các ngư dân sắp xếp lại ngư cụ còn ít
ỏi trên tàu. (Ảnh: Trí Nguyễn)
|
Ông Tâm kể thêm, trong lúc bị tàu
kiểm ngư Trung Quốc áp tải đi, do chạy tốc độ quá nhanh nên tàu của ông bị hỏng
ván, sóng phá nước làm chết máy. Một phiên dịch trên tàu còn trấn an: “ Các ông
yên tâm, nếu tàu chìm sẽ có tàu Trung Quốc trục vớt”.
Trên gương mặt rắn rỏi rám nắng
mang đầy vẻ phẫn nộ, ông Tâm nói, khi bị giữ, phía Trung Quốc đã chia các thuyền
viên thành từng tốp để chụp ảnh, phiên dịch hỏi lý lịch cá nhân từng ngư dân. Ba
thuyền trưởng mặc dù không biết trong quyết định ghi gì vẫn bị ép lăn tay chịu
mức phạt mỗi tàu 70.000 nhân dân tệ (180 triệu đồng).
Nghe về khoản tiền phạt cao chất
ngất, bà Bùi Thị Giàu, vợ thuyền trưởng Dương Văn Hưởng (vẫn còn bị tạm giữ) đã
ngất xỉu, những ngày qua không còn thiết ăn uống gì nữa. Bà Giàu bộc bạch: “Anh
Hưởng là trụ cột gia đình nuôi mẹ già, ba con còn nhỏ dại, tôi thì đau ốm suốt,
sức khỏe yếu hầu như không làm được việc gì. Bây giờ ảnh bị bắt giữ, Trung Quốc
đòi tiền chuộc nộp phạt thì gia đình tôi biết đào ở đâu ra tiền đây”. Ngồi giữa
căn nhà ọp ẹp, nóng hầm hập của tiết trời miền Trung, nghĩ đến chồng đang bị tạm
giữ nơi đảo xa, nhìn những đứa con còn quá nhỏ dại mà lòng người vợ này đau quặn
thắt.
25 ngư dân Lý Sơn vừa về đến nhà
đã gửi đơn kêu cứu đến Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi
nhờ can thiệp để phía Trung Quốc thả tàu cùng những người còn bị tạm giữ ở đảo
Phú Lâm trở vê đoàn tụ cùng gia đình.
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND
huyện Lý Sơn cũng cho biết, huyện đã gửi văn bản đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại
giao sớm can thiệp để bảo đảm an toàn cho 12 ngư dân còn bị Trung Quốc tạm giữ ở
Hoàng Sa.
"Lâu nay ngư dân âm thầm chịu
đựng với những mức phạt do phía Trung Quốc vô cớ đưa ra, đã đến lúc phải thể
hiện kiên quyết không nộp phạt tránh tạo tiền lệ xấu về sau", ông Huyện nói.
Hiện ngày càng có nhiều ngư dân ở đảo Lý Sơn ngại đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng
Sa vì sợ bị phía Trung Quốc bắt giữ, xử phạt tiền nên đã chuyển dần qua ngư
trường vùng biển Trường Sa. Theo ông Huyện, "đây là thiệt thòi rất lớn đối ngư
dân, gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế thủy sản của huyện".
Theo Trí Nguyễn