Thứ sáu 3 tháng bảy 2009, bài của nhà báo Jean-Claude Pomonti
Đã đăng trên tờ Cambodge-Soir Hebdo, số 89, ngày 2 tháng bảy 2009.
Bauxite à? Người Việt Nam dường như đã định xong mọi việc rồi. Chủ
đề đã được đề cập rất nhiều lần trong kỳ họp Quốc hội tháng sáu. «Dừng
dự án bauxite lại!», «Trả lại màu xanh cho rừng Tây Nguyên!», đã có
những biểu ngữ nội dung như thế vào ngày 16 tháng sáu tại Hà Nội trong
một cuộc biểu tình của giáo dân nhưng với mục đích khác kia, mục đích
đòi đất của nhà thờ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị anh hùng trong chiến
tranh chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, đã hai lần viết thư tỏ ý lo
ngại gửi tới các nhà cầm quyền, những thông điệp được Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cho biết đã nhận được đầy đủ khi đến thăm vị tướng già – ngài
vừa mới kỷ niệm ngày sinh lần thứ 98 – nhân dịp kỷ niệm lần thứ 55
chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng Năm vừa rồi.
Có chuyện gì vậy? Việt Nam đứng hàng thứ ba thế giới về dự trữ
bauxite, loại quặng để làm ra nhôm. Từ hàng chục năm rồi người Việt Nam
đã biết đến tài sản này của mình, và còn biết đó là những khoáng sản có
chất lượng rất cao. Quặng đó nằm trên Tây Nguyên, tại các tỉnh Đăk Nông
và Lâm Đồng, mé Nam thành phố Buôn Ma Thuột. Nhưng từ đầu những năm
1980 mỗi khi đưa bộ hồ sơ này ra thảo luận thì chúng lại được xếp lại.
Một mặt, đánh giá tổng giá trị đầu tư kể cả việc tinh luyện đưa con số
lên cao ngất tới mười lăm tỷ đô-la trong vòng mười lăm năm, và khả năng
sinh lợi thì phụ thuộc vào sự thay đổi của giá cả trên thị trường quốc
tế. Mặt khác, khai thác bauxite là một vấn đề đau đầu về sinh thái, vì
các mỏ đều nằm phơi ra ngoài trời và việc xử lý khoáng sản tạo ra khối
lượng lớn “bùn đỏ” rất độc hại phải có chỗ chôn để bảo vệ đất trồng
trọt và các dòng sông.
Sau một thời gian dài chần chừ, các nhà cầm quyền Việt Nam đã đi một
bước quyết định vào năm 2007 với việc ký kết một hiệp nghị hợp tác với
Trung Quốc tại hai địa điểm Nhân Cơ và Tân Rai. Việc người Trung Hoa
tham gia vào khai thác khoáng sản đã mang lại một kích tấc mới cho cuộc
tranh cãi làm hay không làm bauxite. Các chuyên gia, kể cả những người
trong bộ máy chính quyền đã bày tỏ các mối quan ngại của họ: Bắc Kinh
đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ vì những thảm họa môi trường. Vì vậy
mà những điều hứa hẹn đảm bảo thật là đáng ngờ. Đáng kể hơn nữa còn là
những áp lực từ phía Trung Hoa kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh năm
1979 trên biên giới hai nước tuy ngắn ngày nhưng đẫm máu khiến hai nước
thành thù địch của nhau.
Bắc Kinh và Hà Nội, những mối quan hệ không yên lành
Mười năm sau cuộc chiến đó, Bắc Kinh và Hà Nội đã bình thường hóa
các mối quan hệ. Giờ đây, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của
Việt Nam. Hà Nội có hai lý do chính đáng để trông đợi sự tăng cường đầu
tư của Trung Quốc: giảm thiểu sự quá chênh lệch trong cán cân thương
mại song phương Việt-Trung và sự suy giảm rất rõ rệt – tới 40% trong
quý một năm nay – vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài gắn với cuộc khủng
hoảng kinh tế toàn cầu. Khi đi thăm Trung Quốc vào tháng Tư năm nay,
ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi gặp gỡ người đồng nhiệm Ôn Gia Bảo đã tính
sẵn tới mục tiêu nâng giá trị thương mại song phương từ 20 tỷ đô-la năm
2008 lên 25 tỷ đô-la năm 2010 và hạ bớt sự thâm hụt từ phía Việt Nam.
Sự bốc lên mạnh mẽ của Trung Quốc trong hai chục năm qua khiến nước
này càng lúc càng coi Đông Nam Á như là sân sau của họ. Việt Nam, nước
mà Trung Quốc không khi nào tha cho cái tội đã can thiệp quân sự vào
Cam-pu-chia năm 1978-1989, là nơi đầu tiên bị nhòm ngó. Được tăng cường
mạnh mẽ đáng kể, Hải quân Trung Hoa càng ngày càng hiện diện trên vùng
biển Nam Hải – mà người Việt Nam gọi là Biển Đông – ở đó Bắc Kinh và Hà
Nội đang tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (xin coi bài «Trung quốc khẳng định các tham vọng trên biển của họ», của Olivier Zajec trên tờ Le Monde diplomatique,
tháng chín năm 2008). Các tầu tuần tiễu trên biển của Trung Quốc đã
tịch thu hải sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên những khu vực bị
Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của họ, tức là 80% thủy phận trên vùng
biển phía Nam này. Đã có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra
ở Việt Nam trong hai năm vừa rồi, nhất là về vấn đề phân định biên giới
trên đất liền giữa hai nước láng giềng.
Việc Trung Quốc tham gia khai thác khoáng sản ở miền Trung Việt Nam
như vậy là đã được đặt ra trong một bối cảnh tế nhị. Và thế là Chính
phủ đã phải biện bạch trước Quốc hội về việc họ đã nhượng bộ trước các
áp lực của Trung Quốc, đã không coi trọng đúng mức các tác động môi
trường, đã tìm cách tránh né việc bỏ phiếu tại Quốc hội bằng cách ký
kết những hợp đồng với một công ty con của Chinalco là một công ty lớn
thuộc Nhà nước Trung Hoa. Vào 9 tháng Tư, Bộ Công thương đã tổ chức một
cuộc hội thảo ở Hà Nội để biện bạch và tìm cách xoa dịu những lo ngại
của dăm chục chuyên gia trong chính quyền và trong khu vực tư nhân.
Hai địa điểm Nhân Cơ và Tân Rai sẽ sản xuất 1,2 triệu tấn nhôm mỗi
năm. Việc xây dựng một nhà máy tinh luyện ở Nhân Cơ trị giá 735 triệu
đô-la sẽ đem lại hai nghìn việc làm. Tuy nhiên, tính sinh lợi của toàn
bộ dự án vẫn là điều hết sức đáng ngờ. Một sự suy giảm giá nhôm, mà giá
của mặt hàng này lại đã giảm từ năm 2007 rồi, có thể khiến cho dự án bị
lỗ chỏng gọng. Nếu nhu cầu nhôm của Việt Nam gia tăng, số lượng họ phải
nhập khẩu như hiện nay cũng chỉ tăng lên vài trăm nghìn tấn thôi. Các
chuyên gia cảnh báo nguy cơ lỗ vốn lớn, tiền sẽ trút vào vực thẳm.
« Những tác hại nghiêm trọng đến môi trường
»
Việc khai mỏ bauxite đầu tiên ở Tân Rai gây ra nhiều lo ngại. Đây là
một nơi tương đối thiếu nước, người dân phải dùng nước hồ để tưới chè
và cà-phê. Hồ nước này có thể trở thành hố chứa “bùn đỏ” hàm lượng có
tới 70% xút (hydroxyde sodium). Nguy cơ ô nhiễm đất trồng rất lớn.
Trong một lá thư gửi một cuộc hội thảo chính thức hồi tháng Tư tại Hà
Nội, tướng Giáp đã nhắc lại rằng từ một phần tư thế kỷ trước, các
chuyên gia Liên Xô đã khuyên Việt Nam đừng khai thác dự án bauxite mà
lý do là «nguy cơ rơi vào những tác hại nghiêm trọng về sinh thái».
Trong một bức thư gửi giáo dân ngày 28 tháng Năm, Tổng Giám mục Sài Gòn
viết rằng dự án bauxite này sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng về môi
trường và là một mối đe dọa cho sự an toàn của người dân. Thế nhưng
Công ty Nhà nước Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ hai năm rồi vẫn cứ
được trao quyền tổ chức liên doanh với người Trung Hoa để khai thác
khoáng sản. Việc khai thác ở Tân Rai đã bắt đầu rồi và người Trung Hoa
đã tham gia vào đó rồi.
Phương diện này của dự án bauxite là điều gây tranh cãi nhất. Một
nửa ngàn người Trung Hoa đã có mặt tại chỗ, đó là lời tuyên bố hồi cuối
tháng Năm của một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Trong số
những người đó, có những lao động phổ thông đến đây làm việc bằng visa
du lịch. Việt Nam cấm dùng lao động phổ thông người nước ngoài. Một
trong những nhà quản lý của TKV đã tuyên bố ngày 12 tháng Năm rằng các
công ty liên doanh Trung Hoa đã chịu phạt «vì đã đưa công nhân vào
Việt Nam và thuê mướn họ mà không có giấy phép lao động». «Xét trên
quyền lợi quốc gia và xét về phát triển bền vững, việc khai thác
bauxite sẽ có những hệ quả nguy hại về mặt sinh thái, xã hội và an ninh», tướng Giáp đã kết luận trong thư của mình như vậy.
Chỗ yếu của toàn bộ vấn đề là ở đó. Để biện bạch, chính phủ đã hứa
hẹn tiến hành mọi biện pháp cần thiết kể cả việc dùng những giải pháp
công nghệ khai thác tốt nhất để ngăn chặn mọi yếu tố không kiểm soát
được. Nhưng chẳng có gì cho thấy rõ ràng là họ không tiến hành dự án
bauxite kia. Cuộc tranh cãi chưa tới hồi kết …
CD dịch: Le Vietnam, la Chine et la bauxite
Nguồn: bauxitevn.info
|