Thứ Ba, 2025-01-07, 2:26 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Bảy » 12 » Trông người Uyghur nghĩ đến mình
9:21 AM
Trông người Uyghur nghĩ đến mình

Ngô Nhân Dụng



Ðọc những bản tin về xung đột chủng tộc ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương trong mấy ngày qua, người Việt Nam, nhất là người dân Hà Nội phải tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên mình. Phải tới Ðền Ngọc Sơn thắp hương tạ ơn Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhân đó cũng tạ ơn những Trưng Nữ Vương, Triệu Thị Trinh, cho tới Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền. Nếu không có những vị anh hùng liệt nữ đó, chắc số phận dân Việt mình cũng không khác gì người Uyghur đang sống trong quê hương của họ.

Người Uyghur, báo chí tiếng Anh cũng viết là Uighur, người Trung Hoa phiên âm mà người Việt đọc là “Duy Ngô Nhĩ,” thuộc giống dân Thổ (Turk) đã sống chung với nhiều sắc dân Trung Á trong vùng này. Cùng thời gian đó người Việt sống ở châu thổ sông Hồng, sông Mã. Khi quân Hán sang chiếm nước Nam Việt ở Quảng Ðông hơn một trăm năm trước Công Nguyên và chiếm cả đất nước của Hùng Vương ta thì một cánh quân Hán khác cũng đánh bại đế quốc Hung Nô và tiến chiếm vùng đất sống của người Uyghur. Nhà Hán lập An Thành Ðô Hộ Phủ cai trị vùng này, còn người Việt thì được nhập vào đế quốc nhà Hán, đặt thành châu, quận, suýt nữa đã bị Hán hóa.



Vào đời Ðường, từ đầu thế kỷ thứ bảy, vùng Tân Cương, Thanh Hải được đổi tên là An Tây Ðô Hộ Phủ cũng giống như An Nam Ðô Hộ Phủ cai trị người Việt lúc đó. Vào giữa thế kỷ thứ tám, khi người Tây Tạng tấn công đến tận kinh đô Tràng An năm 763 thì “nhân lúc bên Tầu có loạn” người Uyghur cũng nổi lên lập quyền tự trị. Tiếp theo đó nhiều thế kỷ các đại hãn gốc Uyghur, Mông Cổ rồi Khiết Ðan (từ Mãn Châu) thay phiên nhau cai trị. Trong cùng thời gian đó ở nước ta, mỗi lần “nhân lúc bên Tầu có loạn” dân Việt Nam lại cùng các thủ lãnh địa phương, và đôi khi cùng quan cai trị người gốc Hán, cũng nổi lên tự lập. Những vị anh hùng từ Phùng Hưng đến Dương Diên Nghệ đã “tiếp lửa” giữ nóng tinh thần độc lập của dân tộc, nhờ thế những thế hệ sau Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, cùng toàn dân bảo vệ được giang sơn.

Khi Trần Thái Tông, Nhân Tông, và Trần Quốc Tuấn lãnh đạo dân Việt chống cự cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ (1284-1288) thì người Uyghur bắt đầu bị đế quốc Mông Cổ cai trị từ năm 1218. Sau khi nhà Nguyên đổ, vùng này đặt dưới quyền những đại hãn thuộc các nhóm người Trung Á theo Hồi Giáo, cho tới thế kỷ 18 bị nhà Thanh chiếm, dần dần họ chính thức sáp nhập thành tỉnh Tân Cương (Cương giới mới, theo quan điểm người Hán). Giữa thế kỷ 19 khi nhà Thanh bị các nước Tây phương bắt nạt thì người Uyghur và người Hồi trong tỉnh Tân Cương đã nổi lên giành độc lập nhưng không được lâu. Năm 1933 dân Uyghur lại nổi lên thành lập Cộng Hòa Ðông Thổ “East Turkestan” hoặc “Uyghuristan.” Quốc gia này chết đi sống lại, cho đến năm 1949 thì bị Hồng quân Trung Hoa chiếm lãnh hoàn toàn.



Người Việt may mắn hơn dân Uyghur, đã giữ được độc lập suốt từ thế kỷ 13, nhờ toàn dân theo những vị anh hùng như Lê Lợi, Nguyễn Huệ cùng kháng cự tham vọng bành trướng của người Hán. Nếu không, thì bây giờ dân Việt có thể chỉ là một sắc dân thiểu số ngay trên đất nước mình, có thể đã biến thành một tỉnh thuộc nước Trung Hoa!

Tại Tây Tạng và Tân Cương, hai “khu tự trị” lớn rộng bằng một phần tư Trung Quốc, các sắc dân cố thổ ở đó giờ đây đã trở thành những sắc tộc nhỏ trong một nước hơn một tỷ người. Ở Tây Tạng, kể từ khi Cộng Sản cai trị họ đã đem người Hán di dân tới từ năm 1950, sau hơn nửa thế kỷ bây giờ số dân Tây Tạng ít hơn người Hán. Tại Tân Cương, người Uyghur còn chiếm đa số, 45% trong số 20 triệu dân trong tỉnh, và người Hán di dân chỉ chiếm dưới 40% (năm 1949 chỉ có 6% dân là người Hán). Nhưng dân Uyghur đã bị áp lực đồng hóa và đối xử phân biệt từ nửa thế kỷ nay. Tuy gọi là các “khu tự trị” nhưng các vùng của người thiểu số này bị chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cai trị trực tiếp một cách khắt khe hơn những tỉnh khác trong nước Trung Hoa. Những cuộc biểu tình của nông dân Trung Hoa tại các tỉnh khác không bị đàn áp đẫm máu như tại Tây Tạng hoặc Tân Cương. Vị “tỉnh trưởng” Tân Cương là người Uyghur nhưng người mạnh nhất đảng Cộng Sản ở đây là Vương Lạc Tuyền (Wang Lequan), cũng là một thành viên Bộ Chính Trị, và Bí Thư Lật Trí (Li Zhi) đều là người Hán và họ mới nắm quyền hành tối hậu.



Cuộc nổi dậy và bạo loạn tại thủ phủ Urumqi trong mấy ngày vừa qua là biểu hiện những uất ức của người Uyghur chồng chất từ khi bị Cộng Sản Trung Quốc chiếm đóng. Có một hố sâu phân cách giữa mức sống của người Hán di dân và người Uyghur cũng như các sắc tộc bản thổ khác. Từ hai chục năm qua, tức là sau khi Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu đổi mới kinh tế, thì họ cũng bắt đầu mở những đợt di dân ào ạt vào Tân Cương, hiện nay người Hán chiếm hơn 75% dân số trong thủ phủ Urumqi. Người Hán giữ guồng máy hành chánh, chỉ huy quân đội, họ làm chủ các cơ sở thương mại, làm công nhân những công trường xây cất và hầm mỏ, trong khi người Uyghur vẫn theo các nghề nghiệp cổ truyền.

Chính sách đồng hóa của chính quyền Trung Cộng được đội lốt dưới ý thức hệ Cộng Sản. Họ ép người dân Uyghur bỏ các phong tục Hồi Giáo cổ truyền để theo “nếp sống văn minh” của chủ nghĩa Cộng Sản, đặc biệt là Cộng Sản Trung Hoa. Có lúc các phụ nữ người Uyghur bị cấm không được che tóc và mặt theo tín ngưỡng Hồi Giáo. Trẻ em không được học tiếng Uyghur mà phải học tiếng Phổ thông của người Hán. Cộng Sản Trung Quốc đã phổ biến những bài ca như Ðông Phương Hồng, những điệu nhảy “nông tác vũ,” bên ngoài là ca ngợi chế độ Cộng Sản, bên trong là âm mưu đồng hóa một sắc dân. Có nhà thờ Hồi Giáo bị biến thành trụ sở công cộng, cũng giống như các chùa và nhà thờ ở Việt Nam đã bị sung công trong thời Cộng Sản Việt Nam tập thể hóa nông nghiệp theo mẫu của Mao Trạch Ðông. Ở Tân Cương, đây là một thứ “diễn biến hòa bình” triệt để, dùng chủ nghĩa Cộng Sản để tiêu diệt bản sắc của các giống dân thiểu số chung quanh nước Trung Hoa.



Cuộc nổi dậy vừa qua bắt đầu với một cuộc biểu tình ôn hòa của người Uyghur trong thủ phủ Urumqi. Họ chỉ yêu cầu chính quyền địa phương, mà người đứng đầu Nur Bekri (Bạch Khắc Lực theo chữ Hán) là một người Uyghur, phải ra giải thích cho dân hiểu về vụ hai công nhân người Uyghur đã bị đánh chết trong một cuộc đụng độ với người Hán ở Quảng Ðông, vào ngày 25 Tháng Sáu trước. Họ chỉ yêu cầu mở cuộc điều tra chứ không đòi hỏi gì hơn. Có thể nói, cuộc biểu tình này tự nó cũng chỉ có mấy trăm người, rất ôn hòa, cũng giống như những đoàn “dân oan” người Việt đã kéo lên Hà Nội. Tại các tỉnh khác ở Trung Quốc đã có những cuộc biểu tình hàng chục ngàn nông dân chống chính quyền. Tại Urumqi, người Uyghur là thiểu số, họ sống trong những khu nghèo nhất phía Nam thành phố, trước đây các vụ nổi dậy thường xảy ra ở những thành phố khác. Nhưng lần này chính quyền Cộng Sản đã không đáp ứng. Hiện chưa ai biết tại sao cuộc biểu tình đó đã biến thành bạo động, nhưng có nhiều phần vì cảnh sát, công an đã đàn áp tàn bạo quá khiến người dân phẫn uất. Họ đi đập phá các cửa hàng của người Hán và đánh người Hán. Theo tin của chính phủ Bắc Kinh có 156 người chết trong ngày Chủ Nhật vừa qua, nhưng họ không biết bao nhiều người là người Hán, bao nhiêu là người Uyghur. Có thể phần lớn là người Uyghur bị công an bắn chết.

Hai ngày sau, đến lượt người Hán trong thành phố biểu tình bạo động trả đũa người Uyghur, và đám cảnh sát, công an của chế độ chờ rất lâu mới can thiệp. Không biết có bao nhiêu người chết. Hồ Cẩm Ðào đang ở Ý để dự Hội nghị kinh tế G-20 phải bỏ về nước. Ðiều này cho thấy tình hình rất trầm trọng, vì xưa nay các lãnh tụ Trung Cộng không bao giờ để mất thể diện dễ dàng và công khai như vậy. Hồ Cẩm Ðào là người đã đứng đầu khu Tự Trị Tây Tạng và ra lệnh đàn áp cuộc nổi dậy năm 1989.



Chính quyền Bắc Kinh đã trút hết tội lên một người Uyghur lưu vong là bà Rebiya Kadeer. Bà vốn là một doanh gia người Uyghur có ảnh hưởng lớn ở Tân Cương, cho tới khi bà bị bắt bỏ tù 5 năm vì có tư tưởng chống chính sách bành trướng và đồng hóa của người Hán. Vì cả thế giới can thiệp nên Bắc Kinh trả tự do cho bà, sau đó bà di cư sang Mỹ năm 2005. Bà đã từng được Tổng Thống George W. Bush tiếp kiến, để bà giải thích những cuộc nổi dậy của người Uyghur không liên quan gì tới phong trào khủng bố al Qaeda như chính quyền Bắc Kinh gán ghép. Có 22 người Uyghur bị bắt ở Afghanistan và bị giam ở trại Guantanamo. Một số người được phóng thích bị chính phủ Bắc Kinh đòi trục xuất về Trung Quốc, nhưng chính phủ Mỹ đã đưa họ tới những nước khác chịu tiếp nhận họ.

Ngày hôm qua Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã ra lệnh tái lập trật tự ở Tân Cương bằng mọi giá. Tân Cương là một vùng có giá trị chiến lược, nằm sát biên thùy những nước Nga, Iran, Afghanistan, nhất là các nước Trung Á cùng theo Hồi Giáo và ngôn ngữ và chủng tộc liên hệ với người Uyghur. Ðây là một điểm chính trên con Ðường Tơ Lụa nối Trung Quốc sang vùng Trung Ðông và Ðịa Trung Hải. Tỉnh này cũng có nhiều mỏ dầu, khí, và sẽ là con đường vận chuyển chính của những ống dẫn dầu, khí từ các nước Trung Á sang Trung Quốc, và có thể kéo dài qua Nhật Bản. Cho nên chính quyền Cộng Sản Trung Quốc phải dẹp yên những vụ rối loạn.



Ðiều tội nghiệp cho người dân Uyghur là họ chỉ đòi hỏi những điều rất giản dị trong cuộc biểu tình vừa qua: Xin điều tra vụ 2 đồng bào của họ bị giết ở Quảng Ðông. Bây giờ có hàng trăm người đã chết, hàng ngàn người bị bắt. Và mối hận thù giữa người Hán và người Uyghur sẽ còn kéo dài, không biết đến bao giờ. Những thường dân vô tội đó, thuộc cả hai bên, đều là những nạn nhân của một chế độ độc tài quen thói đàn áp, bắt nạt dân. Nếu người dân Trung Quốc, cả người Hán lẫn người Uyghur, được chính quyền tôn trọng hơn, thì sẽ khác. Trong các xã hội tự do dân chủ có rất nhiều con đường để giải quyết những xung đột quyền lợi và giải tỏa những khác biệt về văn hóa. Nếu báo chí được tự do thì những xung khắc đều có thể được phơi bầy, thảo luận, giải thích. Nếu dân được tự do bỏ phiếu thì họ sẽ chọn người cầm quyền có uy tín để hóa giải các xung khắc. Trong một chế độ độc tài thì những xung đột nhỏ cũng có thể biến thành bạo động lớn.

Cuối cùng, lại phải nói người Việt mình may mắn. Nếu không giữ được quyền tự chủ từ hai ngàn năm qua thì bây giờ nước mình cũng chỉ là một “khu tự trị” của nước Ðại Hán. Và không biết trong khu tự trị đó thì người gốc Việt sẽ bị đối xử ra sao! Hiện nay cũng có một phong trào di dân của các công nhân Trung Quốc sang Việt Nam; họ cũng tập họp thành những làng riêng biệt, họ làm công nhân ở các hầm mỏ và các công trường xây dựng giống như ở Tân Cương. Trong nửa thế kỷ, số dân Hán ở Tân Cương đã tăng từ 6% lên 40%, chưa kể các quân nhân đồn trú và gia đình họ. Năm chục năm nữa thì ở Việt Nam sẽ có bao nhiêu người Trung Quốc? Trung Quốc hiện nay có trên 20 triệu thanh niên không thể kiếm được vợ vì thiếu phụ nữ. Bao nhiêu người trong số được đang tình nguyện sang làm việc ở Việt Nam?

Trong người lại nghĩ đến ta, sau 2000 năm kinh nghiệm người Việt vẫn cứ phải “cẩn trọng!”
Nguồn: NVOL
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 861 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0