Thứ Ba, 2024-11-05, 8:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 4 » HOAN HÔ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
6:43 AM
HOAN HÔ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
 
Nguyễn Duy Thành

Rất tha thiết và trân trọng viết hai chữ : Hoan Hô, để ngợi ca người công giáo Việt Nam. Đặc biệt với bà con giáo dân thuộc giáo phận Tam Tòa-Quảng Bình đã đoàn kết và dũng cảm viết nên trang lịch sử đòi công lý, chống bất công với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Cũng nên nhắc lại để tạo dựng niềm tin cho công cuộc đấu tranh. Rằng, giáo xứ Tam Tòa nằm bên bờ sông Nhật Lệ thuộc tỉnh Quảng Bình, mảnh đất vốn được Việt Cộng ngợi ca là tuyến lửa, là đất của những lời thề. Bởi nơi đây là điểm phát xuất cho hàng trăm ngàn bộ đội vượt sông Nhật Lệ, hay băng rừng lội suối trên con đường mòn Hồ Chí Minh, mà điểm xuất phát cũng từ tỉnh lỵ này để vào Miền Nam thực hiện cái gọi là “cứu nước”. Một âm thanh quen thuộc mà ai đã từng đến vùng hỏa tuyến trong thời kỳ chiến tranh, đều nghe giọng của cố nghệ sĩ Châu Loan dùng làn điệu ca Huế, để ngâm ra rã trên đài phát thanh Hà Nội về bài thơ: Mẹ Suốt, trong đó có mấy câu là:

                          “..Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
                             Gió lay sóng biển tung trắng bờ
                             Gan chi gan rứa mẹ nờ
                             Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai..”


Đó là một đoạn thơ của Tố Hữu, mà tháng 11 năm 1965 còn là phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương đảng đến Đồng Hới - Quảng Bình đã viết, để tặng nữ anh hùng lao động Nguyễn Thị Suốt , vì trung bình 1 năm đã có 1400 lần gan dạ chèo đò đưa bộ đội qua sông, nhưng sinh nghề tử nghiệp, cuối cùng “đồng chí” mẹ Suốt cũng liệt sỹ vì bom bi của Mỹ.



Công lao của quân dân Quảng Bình cao ngất trời như thế đó, nhưng kết thúc chiến tranh, nhằm trả công cho “thành tích cách mạng”, đảng Cộng sản Việt Nam đã “ban” cho Quảng Bình sự “tự do” đồng chua nước mặn , và muôn đời mảnh đất eo hẹp này vẫn không thoát ra được cái câu là: đất cày lên sỏi đá, thậm chí ngay cả con bò cũng không có cỏ cháy để gặm.

Về mặt tâm linh thì càng đáng thương hơn cho người dân nơi xứ sở này. Bởi, từ vỹ tuyến 17 chạy dài ra đến địa phận Vinh, người ta không tìm thấy trên dãi đất này có được một ngôi chùa, hay nhà thờ để cho người dân theo đạo được hành lễ. Dù rằng, ai là người Việt Nam cũng biết, đất Quảng Bình đã sinh ra nhiều vị chức sắc đạo cao đức trọng trong hai tôn giáo Công giáo và Phật giáo. Nói đâu cho xa khi nhìn lại giòng lịch sử cận đại Việt Nam, ngoài nét cẩm tú của sơn thủy hữu tình mà tao nhân mặc khách thường nhắc đến, thì Quảng Bình cũng đã có những người làm nên lịch sử như ông Ngô Đình Diệm ở chế độ miền Nam, hay Võ Nguyên Giáp ở chế độ miền Bắc.

Nhắc lại vài nét khái quát chung của Quảng Bình, vì sự kiện Tam Tòa hôm nay cũng bắt đầu từ chuyện của thời chiến tranh. Ngày đó, so với địa lý trong vùng thì tháp chuông của nhà thờ Tam Tòa có chiều cao và rất kiên cố, đây là điểm khá thuận lợi  cho bộ đội Việt Cộng đặt súng phòng không để bắn máy bay của Mỹ, và toàn bộ nhà thờ là nơi trú đóng tốt nhất cho những đoàn quân từ Bắc vào Nam, trước khi vượt sông Nhật Lệ. Một lý luận quái lạ của người cộng sản Việt Nam là ở điểm này, khi nhà thờ là nơi thờ phụng, thì Việt Cộng đem súng đạn đặt trên đầu của đấng tối cao để giết hại người ta , vậy cho là đúng, nhưng khi không lực của Hoa Kỳ phát hiện ra mục tiêu và triệt hạ, thì họ cho là tội ác. Vì thế, khi kết thúc chiến tranh, nhà thờ Tam Tòa “được” nhà nước Việt Nam xếp vào hạng: Di tích chiến tranh của tội ác Đế quốc Mỹ, và cứ thế địa phận của nhà thờ Tam Tòa mãi cứ bị nhà nước chiếm đoạt vì cái lý luận “cướp của” nói trên, trong khi bà con giáo dân nơi xứ sở nghèo nàn này không có chổ để thờ phụng.

Tuy nhiên, cái lý luận “cướp của” này là điểm “hở” của Cộng sản Việt Nam đã tạo lợi thế cho người công giáo Tam Tòa nói riêng, hay Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung để đấu tranh. Bởi lẽ, lý do đấu tranh của giáo dân Tam Tòa tuy giống với sự vụ của Tòa Khâm sứ hay Thái Hà trước đây, nhưng bối cảnh cụ thể của sự vụ Tam Tòa có những điểm khác biệt, chính những điểm khác biệt này đã gây khó khăn cho Cộng sản Việt Nam, vì không thể liều mạng đem xe cày tới ủi sập tháp chuông của nhà thờ. Điều quan trọng hơn, sự vụ Tam Tòa bùng phát ra đúng vào thời điểm con số Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ có chỉ số khá cao, để muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concern). Hơn nữa, cuộc đấu tranh tại Tam Tòa đã gây cho Cộng sản Việt Nam một sự bất ngờ, vì nó bùng nổ ra ngay trên một quê hương được cho là “cách mạng”, và cũng là điểm chính giữa của nước Việt Nam, rất dễ cuốn hút cho hai miền Nam-Bắc đồng tâm hiệp thông tranh đấu.

Từ những điểm thuận lợi nói trên, so sánh với sự vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà trước đây. Một điểm nổi bật để cho người đấu tranh có được kinh nghiệm về sau. Là người lãnh đạo cuộc đấu tranh đã nhanh chóng và đúng lúc để ra lời kêu gọi hiệp thông, vì thế nhanh như chớp Tam Tòa đã tạo được một sự nối kết hiệp thông trên toàn đất nước, và lan tận ra hải ngoại. Trong sự kiện này, người đáng được hoan hô là Giám mục Cao Đình Tuyên đã can đảm, kịp thời gióng lên tiếng chuông hiệu triệu để kêu gọi mọi người. Nhờ vậy, lần đầu tiên sau hơn Sáu mươi năm độc đảng, người Cộng Sản Việt Nam phải run sợ trước sự hiệp thông của nửa triệu người. Đó cũng là dấu hiệu của một cơn bão sắp nổi lên để cuốn phăng chế độ vô thần bất nhân tính.

Qua sự kiện Tam Tòa cũng cho thấy một điểm thiếu sót trước đây ở vụ Thái Hà, là sự hiệp thông ủng hộ của Hội Đồng Giám Mục quá chậm chạp, vì sự chậm chạp này mà Cộng Sản Việt Nam đã tiên liệu được tầm quan trọng của lời kêu gọi, nên giữa đêm tối đã cho xe ủi đến cày, hay nói cách khác , nếu vào lúc giáo dân Thái Hà đang đúng ở cao trào đấu tranh, thì tiếng nói ủng hộ, hay sự bày tỏ cảm thông, cầu nguyện từ trên thông phát xuống, thì lập tức tất cả các giáo xứ công giáo trên mọi miền đất nước sẽ như một bãi dầu loang rộng, bằng chứng sau vụ Thái Hà thì tại miền Trung vẫn còn sự vụ An Bằng, do Linh mục Nguyễn Hữu Giải đêm ngày vẫn gắn bó cùng giáo dân ở đây để đấu tranh. Tuy nhiên, trong đấu tranh “Thất bại là mẹ thành công”, có ngọn lửa âm ỉ của Thái Hà đang còn cháy, thì mới có rừng lửa bốc cao tại Tam Tòa hôm nay.

Xa hơn, trong lịch sử đấu tranh tôn giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, có một điểm gợi ý mà người tranh đấu ít ai nghĩ tới. Đó là cuộc đấu tranh cũng thuộc tôn giáo năm 1963 tại Huế, sử liệu có ghi rất rõ. Là cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh “bằng miệng”, và phái người của Phủ Tổng thống phải ra tận Huế để giải thích một cách đúng đắn, đàng hoàng với người đấu tranh, nhưng do thời buổi lúc đó phương tiên đi lại và liên lạc không nhanh như  internet bây giờ. Trong khi đó, dù phía người đấu tranh đã khẩn cấp phát động biểu tình trên toàn quốc, và kết quả không ít thì nhiều, cuộc đấu tranh đó đã góp phần làm sụp đổ một chế độ, mà lẽ ra chế độ này nên được tồn tại để quốc gia Việt Nam tránh được cục diện chính trị đen tối như ngày hôm nay. Suy luận cổ sử để chiêm nghiệm và vận dụng vào thời thế hôm nay, nhằm nhắc cho ai có trách nhiệm với công cuộc đấu tranh, với giáo hội, với tổ quốc đang bị nguy cơ Hán hóa, thì nên nhanh chóng ra lời kêu gọi hiệp thông.

Xin đặt một giả định đầy hy vọng, và có thể giả định này sẽ xảy ra hôm nay hay ngày mai. Rằng, ngay vào lúc này giáo phận Vinh-Tam Tòa đã tập hợp được nửa triệu người, đồng thời tại Huế-Đà Nẵng-Nha Trang-Sài Gòn-Miền Tây, kéo dài ra Hà Nội-Hải Phòng đồng loạt hiệp thông đấu tranh đòi công lý, và nếu công cuộc đấu tranh đòi công lý này được sự thông đồng của bà con Phật giáo, hay dân oan, trí thức, và người cộng sản chân chính yêu nước , tất cả nhất tề đứng lên , thì chắc chắn đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị thiêu cháy trước ngọn lửa công lý của dân tộc.

Vì thế, việc gìn giữ bảo vệ ngọn lửa Tam Tòa để thắp sáng quê hương Việt Nam đang cần sự đồng tâm hổ trợ của các nhà đấu tranh độc lập, các tổ chức, các tôn giáo và mọi người ái quốc. Xin đừng nghĩ rằng, đây chỉ là một nhóm người đấu tranh nhằm đòi lại miếng đất nhỏ để cầu nguyện, mà hãy khai tâm để thông hiểu sâu xa hơn về tương lai trường tồn của quốc gia, và sự thịnh vong của dân tộc, ngọn lửa công lý đang thắp lên từ Tam Tòa chính là thông điệp của công lý, của tự do và dân chủ để đốt cháy đi cái chế độ bất công, không nên tồn tại.

Xin giữ vững đức tin và lòng đấu tranh hỡi quý linh muc, nữ tu, và bà con giáo dân Tam Tòa và người công giáo Việt Nam, công lý và chính nghĩa sẽ thuộc về quý vị.

“Ðức Chúa Trời hằng ở bên con, như một trai chiến sỹ oai hùng. Vì thế, những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nỗi con..”

Nguyễn Duy Thành
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 818 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 210
Khách: 210
Thành Viên: 0