Thứ Ba, 2024-11-05, 8:56 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 4 » GS Pháp bảo vệ Nguyễn Tiến Trung
6:56 AM
GS Pháp bảo vệ Nguyễn Tiến Trung
BBC
GS Philippe Echard bên cạnh biểu ngữ đòi thả tự do cho Nguyễn Tiến Trung-hình của Christine Nguyễn chụp 02/08/2009

GS Philippe Echard bên cạnh biểu ngữ đòi thả tự do cho Nguyễn Tiến Trung ở Paris

Hôm Chủ Nhật 02/08, một nhóm thân hữu gồm cả Giáo sư Philippe Echard từ Đại học Rennes đang vận động thả tự do cho Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, người bị bắt tại TP Hồ Chí Minh 07/07, đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Trocadero, Paris.

Từng làm trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Viện INSA, miền Tây nước Pháp khi Nguyễn Tiến Trung theo học lúc còn ở Pháp, ông bày tỏ sự cảm phục với người học trò cũ và lên tiếng đề nghị chính quyền Việt Nam thả Tiến Trung.

Trả lời phỏng vấn BBC, ông nói vì sao ông từ Rennes lên Paris để bày tỏ quan điểm về người sinh viên cũ đến từ Việt Nam:

Philippe ECHARD: Tôi là giáo sư giảng dạy môn Văn hoá và Truyền thông ở viện INSA và cũng là giám đốc Quan hệ quốc tế trong 5 năm. Do đó, việc một sinh viên Việt Nam của trường tôi bị bắt giữ như vậy khiến tôi rất quan ngại với tư cách một nhà giáo, cũng như với tư cách một người phụ trách về quan hệ quốc tế.

Hơn nữa, chính sách của tôi là đưa đến Pháp ngày càng nhiều sinh viên giỏi từ các nước, đặc biệt là từ Việt Nam. Trung không còn học ở trường tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không còn quan tâm gì đến số phận của anh ta. Tuy rằng tôi không còn là giám đốc Bang giao quốc tế nhưng tôi vẫn giảng dạy ở INSA và vẫn giữ liên hệ vớI các sinh viên cũ.

BBC: Sau việc bắt giữ Tiến Trung, ông nghĩ sao về chính quyền Việt Nam hiện nay?

Philippe ECHARD: Dĩ nhiên đây là một điều không bình thường chút nào, bởi vì một sinh viên bị bắt vì bày tỏ ý kiến của một công dân, thể hiện một tiếng nói dân chủ . Trung không phải là tội phạm, anh ta không trộm cướp, không tấn công ai. Anh ta chỉ muốn bày tỏ lập trường, không phải là lập trường chính thống mà là lập trường của một công dân. Cho nên, việc Trung bị bắt là chuyện không bình thường.

BBC: Ông đánh giá Tiến Trung là một sinh viên như thế nào trong trường đại học?

Philippe ECHARD: Ở đại học, Trung là một sinh viên rất giỏi, học hết năm thứ nhất, anh đã đỗ đầu khóa. Đó là lý do đầu tiên tôi chú ý đến Trung. Ngoài ra, Trung là một người có suy nghĩ rất nhanh nhạy. Tôi có thể khẳng định là trong các buổi thảo luận rất tự do trong lớp, Trung không bao giờ tỏ thái độ chống đối chính quyền Việt Nam. Trái lại, cũng như những sinh viên Việt Nam khác, Trung là một ngườI có tinh thần dân tộc rất cao, theo nghĩa tốt của nó, tức là anh ta yêu đất nước mình, nhưng có lẽ anh ta nóng lòng muốn cho đất nước mình tiến nhanh hơn trên con đường dân chủ, chứ không phải theo con đường hiện nay ở Việt Nam.

Việt Nam phải trả tự do cho Trung càng sớm càng tốt vì đây là một người rất có giá trị phục vụ cho đất nước.

Giáo sư Philippe Echard

BBC:Ông có ủng hộ những hoạt động của Tiến Trung không?

Philippe ECHARD: Ủng hộ tuyệt đối vì không có gì vi phạm trong những việc làm của cậu ta về việc bày tỏ những ý kiến của một công dân có ý thức trách nhiệm. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ những sáng kiến của Trung cho đến hôm nay, mà anh cũng tự hào về những việc anh đã làm.

BBC: Vậy ông sẽ làm gì để góp phần vào phong trào đòi trả tự do cho Tiến Trung?

Philippe ECHARD: Tôi sẽ cùng với những giáo sư khác ở Rennes phát động một cuộc vận động mang tính cá nhân trong trường đại học INSA để ủng hộ Trung. Họ đang nghỉ hè nên gặp một ít khó khăn khi vận động các đồng nghiệp trong lúc này.

Tôi cũng đi vận động các nhân vật chính trị ở Bretagne . Phó chủ tịch Hội đồng tỉnh Brétagne cũng đã trả lời là sẽ xét đến những phản ứng chính thức của Brétagne. Tôi cũng đã liên lạc với Tòa thị trưởng thành phố Rennes do đó tôi biết nhiều người có trách nhiệm ở đây cũng sẵn sàng có những phản ứng chính thức cấp vùng. Và dĩ nhiên là cũng vận động những ủy ban hoạt động ở Rennes ủng hộ Trung.

BBC: Một vấn đề khác, nhìn chung, ông nghĩ sao về những hoạt động chính trị của các sinh viên trong trường đại học?

Philippe ECHARD: Một cách chung nhất thì trường đại học dù sao đi nữa không phải là nơi trung lập và cũng không phải là nơi phi chính trị. Trong những giờ giảng dạy của tôi về bộ môn văn hóa và truyền thông thì dĩ nhiên là chúng tôi nói về chính trị, nói về những vấn đề chính trị, kinh tế và địa chính trị (géo-politique), mọi người tham gia với tính cách cá nhân theo những liên hệ quốc tế, trong đó Trung đã học được hai năm.

Do đó, thảo luận về các đề tài chính trị trong trường đại học nói chung là chuyện bình thường, thậm chí còn cần thiết đối với các kỹ sư ngày nay khi làm việc với đồng nghiệp và sẽ đi khắp thế giới để làm việc trong các công ty quốc tế, làm việc theo nhóm quốc tế. Do đó, lờ đi những vấn đề mang tính quốc tế về chính trị, kinh tế, và địa-chính trị là việc hoàn toàn xuẩn ngốc.

BBC: Nếu được gặp thủ tướng Việt Nam, ông sẽ nói gì với ông ta?

Philippe ECHARD: Tôi sẽ nói là phải trả tự do cho Trung càng sớm càng tốt cũng như (nói với) các quan chức nhà nước vì đấy là một người rất có giá trị phục vụ cho đất nước.

Nguyễn Tiến Trung về nước sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ và bị bắt vì 'hoạt động chống đối', theo truyền thông VN

BBC: Được biết là người đã từng đến công tác tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn, ông có nhận xét gì về sinh viên Việt Nam?

Philippe ECHARD: Tôi chỉ có ba lần đến Việt Nam trong thời gian ngắn để làm việc trong khuôn khổ của các tọa đàm trong phòng họp và gặp gỡ các học sinh trung học ở đấy. Và trong các khóa giảng dạy của tôi ở trường INSA bên này cũng thường có các sinh viên Việt Nam . Đặc điểm của họ là siêng năng. Tôi cho rằng đó là đức tính của sinh viên Việt Nam .

Đặc điểm thứ hai là tinh thần đoàn kết (solidarité) giữa các sinh viên. Thường có những tổ chức họp mặt quốc tế ở INSA, như là các buổi hội hè vui chơi nho nhỏ của họ rất thú vị.

Ba là những sinh viên này xuất thân từ gia đình trung lưu, không giàu lắm, họ có tinh thần cởi mở, óc hiếu kỳ để tìm hiểu những điều ngoài lĩnh vực khoa học của họ. Họ quan tâm đến chính trị, các cuộc cách mạng kinh tế trong nước họ. Đây là điều rất đáng quan tâm vì nó là phẩm chất đầu tiên của một kỹ sư.

BBC: Vậy thì ông có nghĩ rằng trong môi trường Việt Nam hiện tại, những việc làm của Trung là cần thiết không?

Philippe ECHARD: Những người có trách nhiệm ở Việt Nam hãy nghe những lời phát biểu của Trung, nó rất bổ ích. Việt Nam vẫn đi trên con đường chính trị cứng nhắc, độc đảng (monolitique), đây là một quốc gia không tiến hóa được (évoluer).

Không nên nghĩ rằng cho phép mở cửa kinh tế mà không có sự tự do cá nhân đi kèm theo. Đây cũng là một sai lầm nghiêm trọng mà Trung Quốc cũng vấp phải. Tôi nghĩ rằng hai nước này cần phải có sự phát triển tự do cá nhân. Nếu không thì sẽ gặp phải những khó khăn nghiêm trọng.

BBC: Nhưng những hoạt động đấy của Trung có cần thiết không?

Philippe ECHARD: Tất cả những hoạt động chính trị đó đều tốt, đó là những điều thật sự đáng chú ý mà chúng ta cần phải hỗ trợ. Anh ta không kêu gọi dùng bạo lực, không kêu gọi nổi dậy.

Trung chỉ muốn phát triển bằng đường lối dân chủ. Chúng ta nên khuyến khích sáng kiến hành động có tính cách hòa bình này. Biết đâu trong 20 năm tới, Trung sẽ là một bộ trưởng trong một quốc gia dân chủ.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 763 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0