Chủ Nhật, 2024-12-15, 1:25 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 4 » Đưa tướng công an Trần Văn Thanh hôn mê ra xét xử,Chánh án Tòa ĐN lập kỷ lục vi phạm nhân quyền
6:57 AM
Đưa tướng công an Trần Văn Thanh hôn mê ra xét xử,Chánh án Tòa ĐN lập kỷ lục vi phạm nhân quyền

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Không thể nói ở Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vấn đề Nhân quyền hay Quyền con người không được Nhà nước coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Bằng chứng là Quốc hội Việt Nam – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất – đã hơn một lần trịnh trọng tuyên bố về vấn đề này.

- Điều 71 Hiếp pháp: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh danh dự và nhân phẩm…Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

- Điều 72 Hiến pháp: …Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.

- Điều 4 Bộ Luật Hình sự – Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân: Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm cvủa mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

- Điều 6 Bộ Luật Hình sự – Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân: …Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

- Điều 7 Bộ Luật Hình sự – Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân (Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật…”.

v.v và v.v.

 

TUONG-TRAN-VAN-THANH-TREN-BANG-CA.jpg
Tướng Công an Trần Văn Thanh hôn mê trên băng-ca bị đẩy ra trước Tòa án Đà Nẵng
 
Thế nhưng, thực tế cho thấy lời nói và hành động, ý chí bảo vệ Nhân quyền của các nhà lập pháp và hành xử của các cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng ở Việt Nam có cả một khoảng cách không nhỏ, thậm chí trái ngược đến mức cái sau triệt tiêu cái trước mà phiên tòa xét xử Thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng tại thành phố lớn nhất miền Trung này vào ngày 20/7 vừa qua là một minh chứng điển hình.

Theo báo chí trong nước, 10 ngày trước khi bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” do đã có hành vi xúi giục, kích động người khác “tố cáo sai sự thật” lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bao che tham nhũng, ông Thanh đã làm đơn xin hoãn phiên tòa với xác nhận của Giám đốc Bệnh viện 19-8 của Bộ Công an tại Hà Nội, nơi ông đang điều trị, là sức khỏe của ông không bảo đảm ra tòa (huyết áp 170/100mmHg, yếu và tê bì 1/2 người trái, tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…).

Thế nhưng ngày 15/7 Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã ký Quyết định số 02/QĐ-TA không chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của ông Thanh và ngày 19/7, ông Thanh được chuyển từ Bệnh viện 19-8 vào Bệnh viện 19-9 cũng của Bộ Công an tại Đà Nẵng. Tại đây, Giám đốc Bênh viện cũng có kết luận tương tự như Giám đốc Bệnh viện 19-8 về thực trạng sức khỏe của ông Thanh và kết luận này cũng không được Chánh án Quận chấp nhận.

Đúng 8 giờ sáng ngày 20/7, bị đưa đến Nhà hát Trưng Vương tạm thời được “chuyển đổi mục đích” thành nơi xét xử với sự tham dự của hàng nghìn người cả trong lẫn ngoài, ông Thanh vẫn trong trạng thái hôn mê, thở ôxy, tay truyền dịch trên băng-ca… Trước thể trạng này của ông Thanh, Hội đồng xét xử do Chánh án Quận làm chủ tọa đã quyết định thành lập Hội đồng giám định y khoa gồm Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm cấp cứu 115, đại diện VKSND và TAND Đà Nẵng để giám định sức khỏe ông Thanh ngay trên băng-ca.

Kết quả giám định cũng cho thấy ông Thanh bị yếu nửa người trái; có ổ máu ở thái dương phải (xuất huyết não); nhịp tim 120 lần mỗi phút; huyết áp 200/100mmHg… nên Hội đồng giám định y khoa đề nghị HĐXX cho ông Thanh về bệnh viện để điều trị tiếp. Đúng 9 giờ, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, chờ thời điểm thích hợp để xét xử.

Như vậy, Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã vi phạm một loạt các quy định pháp luật tố tụng hình sự.

1. Căn cứ Khoản 1 Điều 187 BLHS – Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa (Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ Luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa), bị cáo chỉ có thể bị áp giải ra nơi xét xử nếu không có lý do vắng mặt chính đáng. Vậy lý do sức khỏe không đảm bảo mà ông Thanh đưa ra để xin hoãn phiên tòa (Giám đốc Bệnh viện 19.8 xác nhận ông bị tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…) là hoàn toàn chính đáng. Nếu Chánh án Nguyễn Văn Quận không chấp nhận lý do của ông Thanh, tức bác bỏ kết luận của Giám đốc Bệnh viện 19.8, thì theo quy định của pháp luật, ngay lập tức phải ra quyết định trưng cầu giám định sức khoẻ của ông Thanh ngay tại Hà Nội vì Chánh án Quận hoàn toàn không có thẩm quyền kết luận về sức khỏe của ông Thanh.

Để cho hết nhẽ, cứ cho là sức khỏe của ông Thanh bình thường trước khi vào Đà Nẵng thì Chánh án Quận cũng phải ra quyết định hoãn phiên tòa khi Bệnh viện 19-9 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng kết luận ông Thanh bị tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải… và trên thực tế ông Thanh đã rơi vào hôn mê. Nếu Chánh án Quận không tin vào kết luận của Bệnh viện này, cho rằng ông Thanh “đóng kịch” thì Chánh án Quận ngay lập tức phải ra quyết định trưng cầu giám định sức khỏe của ông Thanh để việc giám định được thực hiện ngay tại chỗ hoặc tại một cơ sở y tế có thiết bị tốt hơn cũng trong thành phố.

Để nói, việc Chánh án Nguyễn Văn Quận không hề trưng cầu giám định sức khỏe của ông Trần Văn Thanh sau khi ông Thanh có đơn xin hoãn phiên tòa và vẫn buộc ông này phải di chuyển từ Hà Nội ra Đà Nẵng để có mặt tại phiên tòa cũng như sau khi có kết luận của Giám đốc Bệnh viện 19-9 rõ ràng là hành vi cố ý làm trái Điều 187 BLHS đồng thời còn là hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của ông Thanh.

2. Căn cứ Điều 130 BLHS (người có thẩm quyền phải ra quyết định áp giải bị can và người thi hành quyết định áp giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải) thì người bị áp giải phải là người có khả năng tự di chuyển hoặc chí ít phải có khả năng nhận thức được mình sẽ bị cưỡng bức di chuyển. Thực vậy, theo các từ điển tiếng Việt thì “áp giải” là “đi kèm theo để đưa đi một cách cưỡng bức”. Cũng vậy, biên bản chỉ có thể lập được khi người bị áp giải còn có khả năng nghe và hiểu được giải thích quyết định áp giải. Do đó, việc Chánh án Nguyễn Văn Quận buộc nhân viên tư pháp đưa ông Trần Văn Thanh trong trạng thái hôn mê ra nơi xét xử rõ ràng là bất chấp quy định tại Điều 130 BLHS.

Việc Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận vi phạm một loạt quy định pháp luật tố tụng hình sự một cách cố ý như trên đã phân tích, nhất là buộc nhân viên tư pháp đưa ông Trần Văn Thanh trong tình trạng hôn mê, bất động trên băng-ca, thở ôxy, tay truyền dịch… ra nơi xét xử lưu động có sự chứng kiến của đám đông, chỉ có thể là nhằm bêu riếu, hạ nhục ông Thanh. Do đó, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã phạm “Tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS và “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” quy định tại Điều 297 BLHS.

Ngoài ra, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận còn có khả năng phạm “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 BLHS trong trường hợp sức khỏe của ông Thanh bị tổn hại nghiêm trọng do bị buộc phải di chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong tình trạng sức khỏe nguy kịch (tai biến mạch máu não, chảy máu vùng thái dương phải…) hoặc “Tội giết người” quy định tại Điều 93 BLHS trong trường hợp ông Thanh tử vong sau khi hôn mê do bị buộc phải di chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Việc đưa Tướng Công an Trần Văn Thanh trong tình trạng hôn mê ra nơi xét xử là hành vi dã man chưa từng thấy trong lịch sử pháp đình hiện đại! Thực vậy, ngay cả cựu độc tài Chi Lê Pinochet bị buộc tội vi phạm quyền con người do đã có 3197 người đã bị giết chết vì lý do chính trị trong thời gian ông ta cầm quyền, cựu Thủ lĩnh Khmer đỏ Ieng Sary bị buộc tội diệt chủng, cựu Tổng thống Nam Tư Milosevic bị buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh… cũng được hoãn xét xử nhiều lần vì lý do sức khỏe không bảo đảm để có mặt tại phiên tòa. Nói cách khác, Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận đã lập “kỷ lục” vi phạm Nhân quyền trong lĩnh vực xét xử. Do đó, cách chức và truy tố Chánh án Nguyễn Văn Quận về “Tội làm nhục người khác” và “Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật” là yêu cầu bức thiết và không thể lẩn tránh đối với các cơ quan có thẩm quyền vì sự tồn tại của chính Quyền Con Người và cùng với nó, Nhà nước Pháp quyền Việt Nam!

Cù Huy Hà Vũ

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 831 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0