Lãnh đạo ngành tư tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam mới lên tiếng xác định đường lối chính trị trước Đại hội XI, chống 'tự diễn biến, chuyển hóa' và nhắc đến Biển Đông.
Trong bài đăng trên báo Đảng, tờ Nhân Dân điện tử hôm 03/08 vừa qua, ông Tô Huy Rứa (sinh năm 1947), người được coi là một ứng viên cho chức tân tổng bí thư, đã nhận định đảng CSVN đang đứng trước một bối cảnh quốc tế 'phức tạp'.
Bài viết của ông Rứa, hiện giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng mô tả một thực tế là "bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phong phú, khẩn trương, phức tạp."
Ông cảnh báo về nguy cơ chuyển biến nội bộ, thậm chí đặt nó cao hơn 'diễn biến hòa bình', điều mà đảng CS xưa nay vẫn cho là cách mà các 'thế lực thù địch bên ngoài' cổ suý.
Theo ông, đảng cầm quyền phải coi công tác tư tưởng là hàng đầu nhưng cần gắn kết chặt chẽ nó "với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh."
Không đồng minh?
Điều đáng chú ý là trong cả bảy đề xuất về công tác chỉ đạo tư tưởng của đảng CSVN đối với gần như tất cả các lĩnh vực còn lại của đời sống kinh tế, xã hội, và cả văn hóa, truyền thông, ông Rứa không nêu ra rõ đồng minh cho đường lối của Việt Nam là ai.
Cần chủ động phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn, lật đổ, hình thành lực lượng đối lập của các thế lực thù địch.
̀Ông Tô Huy Rứa
Trong cả bài không có một chữ nào nhắc đến Trung Quốc, nước lớn nhất thế giới mà ít ra là hình thức vẫn theo chủ thuyết Cộng sản.
Bài viết của ông cũng không còn câu quen thuộc trước đây về 'các nước xã hội chủ nghĩa anh em' như Cuba, Bắc Hàn, hay các đảng Cộng sản trên thế giới.
Thậm chí, vấn đề tranh chấp Biển Đông được ông nêu ra như một thách thức lớn.
Tiến sĩ Rứa viết: "Xu hướng cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược, trong đó có Biển Ðông."
Và ông cho rằng "tình hình mới đó sẽ tác động nhiều mặt đối với nước ta cả tích cực và tiêu cực trong thời gian tới."
Công tác thông tin tuyên truyền ra bên ngoài của nhà nước Việt Nam vì thế, theo ông, cần tập trung vào ba đối tượng, "nhân dân các nước trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam."
Chính sách thông tin trong nước được ông xác định là thực hiện đường lối "thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe", và cho áp dụng các khảo sát xã hội.
Vẫn Mác-Lê
Tuy nhiên về cốt lõi của hệ thống tư duy chính trị thì ông không nêu ra điều gì mới, ngoài những thứ như chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ông Rứa cũng không nhắc lại cụm từ 'đấu tranh giai cấp'.
Mục tiêu mà đảng CSVN theo đuổi cũng chưa có định nghĩa rõ như ông Tô Huy Rứa nêu rằng cần "tiếp tục làm sáng tỏ nhận thức, quan niệm về CNXH và con đường đi lên CNXH của nước ta".
Có vẻ như trong lúc đề cao công tác tư tưởng, vị lãnh đạo cao nhất của ngành tuyên truyền và giáo dục tại Việt Nam đề ra phương châm tự lo, cố giữ vững ổn định nội bộ, đồng thuận.
Những tác động mạnh của dư luận trong nước vừa qua, ngay từ chính các cán bộ lão thành, cựu sĩ quan cao cấp của quân đội đối với quan hệ Việt - Trung, vụ bauxite Tây Nguyên v.v. có thể là yếu tố khiến nhu cầu gắn kết nội bộ ngày càng được Đảng cầm quyền đề cao.
Đảng cũng đang tự mình từng bước tìm đường, cố gắng chỉnh sửa trong bối cảnh đối nội và đối ngoại mà Ban lãnh đạo nhận định là khó khăn trong những năm tới.