Chủ Nhật, 2024-12-22, 2:38 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 5 » BÀN VỀ TỘI TRONG VỤ TAM TÒA
3:16 PM
BÀN VỀ TỘI TRONG VỤ TAM TÒA

Luật sư Lê Quốc Quân

Trong vụ Tam Tòa xảy ra ở Đồng Hới, có 7 giáo dân bị bắt và  khởi tố về tội: “Gây rối trật tự công cộng”“Chống người thi hành công vụ”. Chi tiết tội nào đối với người nào thì ta chưa rõ vì chưa thấy quyết định khởi tố. Tuy nhiên để tìm hiểu kỹ hơn khía cạnh pháp lý của vấn đề, chúng tôi xin nêu ra sau đây một đặc điểm của loại tội phạm này và xác định xem liệu các công dân đó có đúng là phạm tội gây rối hay không ?.

  1. Thế nào là “Gây rối trật tự công cộng” ?

Thứ  nhất: Gây rối trật tự công cộng là một hành vi phạm tội hình sự được quy định tại điều 245 Bộ Luật hình sự với nội dung chính là: “gây rối để làm mất trật tự”. Hành vi này chỉ bị coi là hình sự khi gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính trước đó và chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Người gây rối phải là người cố tình với mục đích tạo ra tình trạng bất ổn và có tính bạo động như đập phá, đốt phá xe cộ, đánh nhau để tạo sự rối loạn, xô xát, bất ổn.

Đối với các giáo dân thì việc dựng một cái lán tạm trong khuôn viên của Nhà thờ mà họ cho là sở hữu của họ là việc làm dân sự. Nếu sai thì thuộc vào hành vi hành chính và chịu điều chỉnh bởi pháp luật về hành vi hành chính.

Theo đó: Nếu chính quyền sở tại coi rằng việc dựng nhà tạm là trái pháp luật thì phải tiến hành lập Biên bản vi phạm có ký nhận của bên vi phạm (các giáo dân). Nếu đương sự không ký thì có thể nhờ người làm chứng xác nhận hành vi vi phạm. Từ Biên bản vi phạm (được coi như là một nguồn chứng cứ)  UBND Huyện nơi có nhà thờ Tam Tòa ra Quyết định xử phạt hành chính. Quyết định xử phạt này sẽ được gửi cho các bên.

Trong Quyết định xử phạt hành chính thường có quy định rõ biện pháp xử phạt và buộc phải tháo dỡ, ghi rõ thời hạn có hiệu lực của quyết định. Luật pháp cho phép một khoảng thời gian là 30 ngày để cho bên vi phạm khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện quyết định xử phạt đó lên cấp cao hơn hoặc ra tòa an hành chính trước khi bị cưỡng chế thi hành.

Cuối cùng, nếu giáo dân sai thì vào thời điểm cưỡng chế để thi hành Quyết định hành chính, Luật pháp yêu cầu có đầy đủ cơ quan đại điện chính quyền địa phương, đại diện Viện Kiểm sát, đại diện các đương sự, và quyết định đó được đọc to cho mọi người nghe rõ sau đó mới tiến hành tháo dỡ theo cách ôn hòa nhất.

Thứ hai: Như đã nêu ở trên đặc điểm quan trọng của việc gây rối trật tự công cộng là những người tham gia cố tình tạo ra sự bất ổn như đốt phá, rượt đuổi, lật xe cộ, dựng vật cản giữa các nơi công cộng trong khi đó Giáo dân dựng nhà tạm rất trật tự và nhẹ nhàng. Bản chất của họ không hề muốn tạo ra sự bất ổn hoặc thu hút sự chú ý hoặc gây náo loạn đối với công chúng. 

Vậy có  thể khẳng định rằng : Giáo dân đã không phạm tội gây rối trật tự công cộng.

  1. Thế nào là: “Chống người thi hành công vụ

Điều 257 của Bộ Luật hình sự quy định: Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệu vụ của họ”.  

Thứ  nhất: Đặc điểm quan trọng nhất của hành vi này là: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống lại người thi hành công vụ. Ví dụ bên sai phạm dùng dao, súng, búa, cuốc xẻng, gậy gộc tấn công lại trực tiếp đối với các nhân viên công lực. Thường là việc chống lại này phải gây ra một hậu quả nhất định (gây thương tích, xé rách sắc phục hoặc tước các công cụ hỗ trợ của công an ). Khi đứng trước các nhân viên công lực, Thông thường nông dân luôn sợ và không dám dùng vũ lực trừ phi họ bị dồn vào thế cùng hoặc họ tin rằng việc làm của họ là đúng và nhân viên công lực sai. 

Như trên đã phân tích, thông thường tất cả những việc này là hành chính cho nên, nếu được thực hiện đúng trình tự pháp luật không bao giờ dồn dân vào đường cùng. (cho dân có thời gian khiếu nại quyết định xử phạt, hòa giải…). Đồng thời, tội “Chống người thi hành công vụ” chỉ được cấu thành khi nhân viên công lực đang (đã bắt đầu và chưa kết thúc) thi hành một công vụ hợp pháp. Nghĩa là mọi thủ tục, trình tự phải đảm bảo đúng pháp luật và theo một trình tự do luật quy định.

Thứ  hai: Bản thân các công dân nói chung, giáo dân Tam Tòa nói riêng, thường là chỉ bảo vệ những tài sản của mình (ví dụ công dân dành lại chìa khóa xe, níu xe lại không cho cảnh sát tịch thu, ôm thánh giá, giằng tay cảnh sát hoặc nằm lăn ra không cho phá dỡ…) tất cả những hành vi đó không phải là Chống người thi hành công vụ vì họ không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực. Họ cũng tin rằng hành vi của Nhân viên công lực là không đúng.

Ngược lại với các hành vi của công dân thường bị coi là vi phạm, ta hãy tìm hiểu xem các cơ quan Công an có thể đã phạm những tội gì:

  1. Tội xâm phạm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Tội này quy định tại  Điều 129 Bộ Luật Hình sự Nước CHXHCNVN. Theo đó “Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến 1 năm”.

   Việc cơ  quan Công an can thiệp vào công việc của Giáo dân Tam Tòa rõ ràng đã cản trở quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của họ. Mặc dù đây có thể chưa bị coi là tội phạm khi thực tế là các giáo dân này không phải đang dâng lễ. Thế nhưng việc kéo đổ một nơi thờ tự trong đó có thánh giá đã được làm phép rõ ràng phải được xem như là hành vi xúc phạm tôn giáo. Việc giật sập ngôi nhà tạm không theo một trình tự thủ tục pháp lý nào được xem là hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình.

   Việc lấy  đi các vật dụng phục vụ việc thờ tự như: Khung nhà, Máy phát điện, Thánh giá, ảnh tượng…mà không có một biên bản nào đúng pháp luật đều được xem là những hành vi xúc phạm đến tôn giáo, cản trở quyền tự do tôn giáo của Nhân dân.

  1. Tội lạm quyền trong khi thi thành công vụ:

Tội này được quy định tại Điều 182 của Bộ Luật hình sự. Theo đó, tội quy định “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”.

Khách thể cần bảo vệ của tội phạm này là sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Sự lạm dụng đã làm cho cơ quan tổ chức đó bị mất uy tín và làm mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Trong vụ Tam Tòa, việc  cơ quan công an bỏ qua các giai đoạn phải có đối với một hành vi vi phạm hành chính để tiến hành cưỡng chế, phá bỏ nhà tạm là lạm quyền khi thi hành công vụ. Hành động này thực sự đã làm dấy lên trong lòng nhân dân những ngờ vực, nghi kị, không những sút giảm nghiêm trọng uy tín và lòng tin vào Đảng Cộng sản mà còn khơi gợi lên các hành vi chống lại chính quyền. Người lạm quyền đã sai phạm rất nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3, có thể bị tù đến 20 năm.

Đặc điểm quan trọng của loại tội này là người phạm tội phải là người có Chức vụ, quyền hạn. Bởi vậy,  xét ra thì người chịu trách nhiệm về sự việc này cần bị truy tố trước pháp luật là Giám đốc sở công an tỉnh Quảng Bình hoặc là Một phó chủ tịch tỉnh phụ trách tôn giáo. Nếu quá trình điều tra cho thấy có sự làm quyền ở cấp lớn hơn, chức vụ cao hơn thì cần mau mau truy tố người đó ra trước tòa.

  1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác

Tội này được quy định tại điều 104 của Bộ Luật Hình sự. Theo đó ghi rõ: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”

Đặc điểm quan trọng của tội này là cố ý gây thương tích (đánh, đập, rượt đuổi, xô đẩy… ) mà tạo ra sự tổn hại sức khỏe của nạn nhân. Nhìn hình ảnh linh mục Phê Rô Ngô Thế Bính bị đánh đập với những vết thương bên ngoài nhìn thấy được ta cũng thấy rõ ràng một số nhân viên công lực rõ ràng đã vi phạm vào Điều 104, cố ý gây thương tích cho công dân.

Đối với tội này thì sử dụng hung khí, cố ý gây thương tích cho nhiều người, với phụ nữ, trẻ em, người già yếu, người đáng kính trọng là những yếu tố cấu thành tội phạm cao và chỉ cần tổn hại thương tật dưới 11% thì cũng bị chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ Tam Tòa, người vi phạm đã nhận thức rất rõ đó là linh mục nhưng họ cũng tiến vào đánh.  Khi đánh họ hoàn toàn làm chủ tình hình, không bị kích động tinh thần mạnh. Đó chính là những yếu tố đòi buộc công an phải vào cuộc để truy tìm bọn “vô lại” vi phạm pháp luật ngay trước mũi công an. Yêu cầu này là sự đòi buộc của pháp luật. Nếu không, công an tỉnh Quảng Bình sẽ phạm vào tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội – Điều 294 Bộ Luật hình sự”.

  1. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tội này được quy định tại điều 137 Bộ Luật Hình sự. “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Các công dân bị chiếm đoạt máy ảnh, máy phát điện, các khung sắt và đặc biệt là thánh giá…Đó chính là tài sản của các công dân. Hầu hết các tài sản này đều có giá trị hơn năm trăm ngàn đồng. Cơ quan chính quyền công nhiên chiếm đoạt giữa ban ngày với sự chứng kiến của nhiều người mà không hề có một văn bản nào xác nhận việc tịch thu. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Đồng thời cũng lưu ý thêm rằng ất cả các công cụ như máy ảnh, máy nổ, không thể được coi là công cụ, phương tiện phạm tội. Luật pháp quy định công dân có quyền giám sát các hành vi của chính quyền và có thể chụp ảnh, ghi hình bất cứ nơi đâu, về bất cứ việc gì trừ những nơi có biển cấm chụp ảnh, ghi hình theo quy định của pháp luật. Còn việc sử dụng hình ảnh là một câu chuyện khác.

Thay cho lời kết

Việt Nam có một rừng luật nhưng thường áp dụng luật rừng”. Vấn nạn được đáng buồn này vẫn đang đeo bám và làm khổ nhân dân. Thông thường nhân dân bị bắt, bị đánh đập bị chiếm đoạt tài sản bởi hàng loạt vi phạm hiển nhiên của cơ quan công lực. Nhưng tại nhà giam, khi thì đe dọa, khi thì dụ dỗ, những công dân cô đơn yếu đuối của chúng ta lần lượt nhận tất cả những lỗi về mình, ký hàng loạt văn bản trái bản chất và trái sự thật để hợp thức hóa toàn bộ các hành vi vi phạm của cơ quan công quyền đồng thời chuyển sự vi phạm sang cho dân chúng.

Như vậy cơ quan công quyền đã chuyển hóa chứng cứ thành cơ sở pháp luật chống lại chính công dân do chúng ta chưa hiểu biết luật. Vì các hành vi tương tự sẽ xảy ra nhiều nên chúng tôi xin nhắc lại rằng: Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án”. Bởi vậy các anh chị em luôn luôn phải xác tín rằng mình là người vô tội cho đến khi ra trước tòa. Anh chị em cứ ghi như vậy trước khi ký bất cứ văn bản nào.

Xét cho cùng, Luật pháp là để bảo vệ mọi người nên hãy tìm hiểu và dựa vào pháp luật, hãy đấu tranh chống lại thứ luật rừng và đòi buộc cơ quan công quyền phải tuân theo pháp luật. Mấy dòng giới thiệu ngắn này chỉ để giúp chúng ta tin rằng mình không phạm luật. Khi đó thì mình mới không run, mới tiếp tục vững tin tranh đấu cho công lý và sự thật.

Nguồn: DCCT
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 828 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 9
Khách: 9
Thành Viên: 0