J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nghe âm thanh
Tờ Sài Gòn
Giải phóng (SGGP) ngày 30/7/2009 có bài viết: “Bà con giáo dân yêu cầu: Nghiêm trị những kẻ
gây rối ở Chứng tích Tam Tòa”. Trong bài báo đó liệt kê các “ý kiến” của Linh
mục, giáo dân ở Quảng Bình nói về vụ việc ở nhà thờ Tam Tòa, đòi “Nghiêm trị”
các giáo dân – nạn nhân của ở Đồng Hới, Quảng Bình bởi nhà cầm quyền đã thực
hiện bạo lực trái pháp luật.
Thực chất, đây
là một trò lừa bịp nhằm biến nạn nhân thành thủ phạm mà các
cơ quan truyền thông hiện nay đang làm đối với giáo dân, linh mục Tam Tòa.
Tên lính xung
kích
Chẳng ai
lạ gì tờ báo này, đây là một tờ báo xung kích trong
mặt trận bóp méo sự thật và bôi nhọ tôn giáo cũng như các
giáo dân trong những vụ việc vừa qua, dù ở xa hay ở gần.
Nhiều người hỏi: Tại
sao tờ SGGP này lại hung hăng đánh phá những việc xa xôi
như Thái Hà, Tòa Khâm sứ, và bây giờ là Tam Tòa đến
thế?
Nhiều câu
trả lời đã được đưa ra, chẳng hạn:
1- Đánh phá tôn giáo,
tâm linh tín ngưỡng là điều tối kỵ, vì nó ảnh hưởng tới âm đức, tới hồng phúc.
Điều đó thực chất là việc phá đình phá chùa thường thấy trong thời cộng sản mà
ta đã chứng kiến. Làm điều đó, dù kiếm được chút miếng ăn, nhưng con cái, cháu
chắt mình phải chịu quả báo nên ít có ai dám làm tên lính xung kích. Trừ nhiệm
vụ cấp trên giao phó phải hoàn thành thì phải bán rẻ tất cả lương tâm, nhân
phẩm để kiếm mấy đồng lương chén đầy miệng đã, kệ đời con, đời cháu cho chúng
nó mạt kiếp.
2- Tờ báo này giờ ế
quá, chuyện chống tham nhũng thì thực hiện theo cách “mèo tha miếng thịt
thì đòi, hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng” nên cũng kém phần hấp dẫn.
Chuyện biên giới,
hải đảo, lãnh thổ đất nước bị xâm lăng… thì có cho kẹo cũng chẳng dám mở mồm.
Hàng ngàn ngư dân đang ngồi bó gối trong mùa cá vì Trung quốc ra lệnh cấm đánh
cá trên biển Việt Nam đã vài tháng nay, ai ra khơi thì bị “tàu lạ” – thuật ngữ
mới của VN để chỉ tàu Trung Quốc – đâm chìm, ai cố ra bằng được kiếm cái ăn,
thì bị bắt và đòi tiền “chuộc”. Vậy mà tờ báo này cấm không có một tin nhỏ nào
nói về họ, tôi đã dùng mọi cách có thể để mong tìm ra một dòng tin về những ngư
dân này. Nhưng, tuyệt nhiên không thấy. Hình như tờ báo này coi đó không phải
là người dân Việt Nam?
Ngược lại, người ta đọc
được trên tờ báo này những thông tin: “Ngư dân không ra biển vì… giá
dầu”? hoặc “Ngư dân không ra biển vì sản lượng khai thác thấp”…
Người ta tin rằng những người ở Trung Quốc ra lệnh cấm biển Việt Nam đọc tin
này chắc không khỏi bật cười.
Bây
giờ cả trăm tờ báo như một, tin tức cần thiết không đăng,
quanh đi quẩn lại cũng chỉ cướp, giết, hiếp… nên quá ế ẩm. Chẳng lẽ chỉ có một
tướng Tàu là Hứa Thế Hữu cần quân xâm lược Việt Nam năm 1979 đã được tờ Hà Nội
mới ca tụng bốc thơm lên tận mây xanh, giờ lại còn tờ SGGP bốc nữa thì quá lố.
Vậy nên đành làm
liều thành tên lính xung kích đánh phá tôn giáo hòng mua lấy lòng cấp trên may
ra Tổng Biên tập hoặc phóng viên còn được cái giải “Ngô Tất Tố” như UBTPHN đã
trao cho tờ Hà Nội mới và tác giả Anh Quang qua vụ xuyên tạc đánh phá tôn giáo
ngoài đó?
3- Có người ra vẻ hiếu
biết đường lối thì cho rằng: Tờ báo này lo xa, kiếm đồng minh sẵn với các địa
phương, chứ phong trào đòi sự thật, công lý hòa bình và tài sản bị chiếm đoạt
bất hợp pháp đang dâng lên trong công giáo và xã hội thế này, thì mai kia ở Sài
Gòn là nơi có gần 1 triệu người Công giáo và biết bao tài sản, đất đai bị mượn,
chiếm… nếu lửa công lý cháy đến thì ra tro ngay.
Đây là nỗi lo của họ,
nhưng họ đã lo quá xa.
May cho họ là ở trong
đó hàng Giáo phẩm và linh mục còn “bận” chưa có thời giờ chú ý đến những chuyện
này, chứ nếu có thì nước đâu mà dội vào. Họ cứ yên tâm kê cao gối mà ngủ, vì
những vụ như Nhà Dòng, nhà xứ Thủ Thiêm có lịch sử cả hơn trăm năm nay, bây giờ
nhà nước thấy đất đẹp muốn làm dự án, khu ăn chơi thì lấy ngang hông chẳng ông
nào dám có một tiếng nói.
Thậm
chí có nhiều người nói rằng: hình như trong đó, nhiều vị trong hàng
Giáo phẩm và linh mục, đã được “cán bộ hóa”, nên cứ lo việc nhà mình xong là
ổn, kệ đời xuôi ngược, mặc ai xoay vần, miễn không ảnh hưởng đến nhà mình, bản
thân mình là được?
Không biết cái lý
luận đó có đúng không, câu hỏi đó ai sẽ trả lời? Còn tôi, tôi nghĩ
rằng đừng thấy hổ ngủ mà vuốt râu, đến khi nó tỉnh đầu lâu chẳng còn.
Bịp, lừa cũng
lắm công phu
Thông thường, các
tờ báo như Hà Nội mới hoặc tờ SGGP cũng như báo chí nói
chung, muốn đưa các ý kiến để tìm sự đồng thuận với những việc làm vô nhân tâm,
vô đạo đức với Công giáo thì thật khó, dù xã hội có suy đồi đạo đức thì tìm một
người Công giáo chân chính để bán linh hồn cho quỷ dữ quả là không dễ.
Chính vì vậy,
mà họ dùng nhiều phương cách ma quỷ khác nhau đó…
là bịa.
Trong nhiều lần trước
đây, đã có những trò đồ tể và bịp bợm được
thi thố. Ở đó, họ bịa ra tên tuổi giáo dân nọ ở giáo xứ kia, nhưng khi tìm hiểu
thì người đó đã chết cách đây mới có… 6 năm, trường hợp khác thì không hề có
người nào ở địa chỉ đó. Chúng tôi đã kịp thời vạch mặt, chỉ tên.
Vậy là họ rút
kinh nghiệm bằng cách ghi tên, tuổi những người mà có tìm
cả năm cũng không bao giờ có. Chẳng hạn, ông Nguyễn Tất Công, nhà ở Quận
Ba Đình… hoặc anh Lê Văn Tám, nhà ở Thị Nghè… thì độc giả có tìm cả đời cũng
không biết mặt mũi ông ấy thế nào. Vậy là tha hồ đặt vào miệng những nhân vật
tưởng tượng đó những lời thóa mạ thỏa thích. Đến khi nào chính những người bịa
ra nhân vật lại tưởng nhân vật đó có thật mới thôi.
Nhưng cách đó cũng
không hẳn là ổn, đi đêm lắm có ngày gặp ma, trường hợp ông Nguyễn Trọng Tỵ thì
ngón nghề này đã bị vạch mặt, chỉ tên quả tang và tờ Hà Nội mới im bặt, cấm
khẩu như bị trúng gió.
Cũng còn một cách nữa,
đó là chuyện xảy ra ở Thái Hà, ở Tòa Khâm sứ, họ không
dám phỏng vấn một người nào ở gần đó, chứng kiến sự việc để nói lên cảm nghĩ
của mình, mà mò vào tận Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột…
xa lắc xa lơ, những nơi không có thông tin nào ngoài đài báo nhà nước để phỏng
vấn chuyện này, xuyên tạc ra thành chuyện khác. Khi những thông tin bịa đặt
được đưa ra, cá nhân được đề cập không có điều kiện để tiếp nhận, nếu có thì
cũng là chuyện “cái kiến đi kiện củ khoai” nên đành chịu. Chúng tôi cũng đã kịp
thời vạch mặt trò xảo trá này.
Còn muôn cách nghìn
kiểu khác nhau để làm trò khỉ, chúng tôi chưa thể thống kê ra
đây hết được.
Lật mặt
sự xảo trá, căn bệnh khó chữa của truyền thông bóp méo
Với
tờ báo SGGP này, tôi cũng đã có kỷ niệm với nó. Đã có một lần tôi
phải giải thích cho cả tác giả và tờ báo về người Công giáo như thế nào trong
bài viết “Cần có vài điều với tờ Sài Gòn Giải
phóng”. Trong đó nói cho họ hiểu rằng: cách suy nghĩ của họ chỉ đơn
giản vì vật chất thì không thể đem ra để đánh giá cách suy nghĩ thánh thiêng
của người khác, đặc biệt là người Công giáo. Nói như cha ông đã nói là “không
thể lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử”.
Lần này, với vụ Tam
Tòa, vẫn là bổn cũ soạn lại. Báo SGGP làm một cú tưởng chắc ăn và hấp dẫn. Đó
là phỏng vấn một linh mục ở ngay Giáo phận Vinh và một số “giáo dân” ở ngay
Quảng Bình. Có nhân chứng, hình ảnh sờ sờ ra thế thì ai mà chẳng tin tờ báo của
Đảng bộ Thành phố to nhất nước này nói là có cơ sở(!)
Trong bài viết nói trên
của SGGP cũng như tờ báo của Công an đã nêu lên danh tính các linh
mục, giáo dân… có tên tuổi địa chỉ hẳn hoi, nói lên những điều mà
người tín hữu không thể có ai tin được rằng: Giáo dân Tam Tòa là vi phạm pháp
luật, là cần nghiêm trị... thôi thì đủ cả.
Chúng tôi đã kiểm
nghiệm lại vài trường hợp tờ báo này nêu lên thì té ngửa, đó
là những sự bịa đặt rất tinh vi và xảo quyệt nhằm chia rẽ nội bộ tôn giáo.
Họ tìm đến con bài linh
mục Hồ Thái Bạch là có nguyên nhân của nó. Linh mục Hồ Thái Bạch quản xứ Liên
Hòa đã gần 70 tuổi ở giữa cồn sông nghèo khó. Là một linh mục đã sống dưới thời
cộng sản sắt máu nhất, phải chờ đến hơn 31 năm mới được trở lại trường Chủng
viện, 52 tuổi mới được thụ phong linh mục. Hiểu được cuộc sống gian khó của
người dân nên ông đã đem sức mình phục vụ nhân dân không chỉ có trong giáo lý,
mục vụ, mà còn trong cuộc sống.
Về tinh thần,
những nơi này ít có thông tin bên ngoài hoặc mạng internet để tìm hiểu tình
hình, suốt ngày cũng chỉ ngộ độc bởi thứ truyền thông xuyên tạc.
Cũng cần nói rằng, nếu
kể đến các linh mục công giáo hi sinh vì người nghèo thì chắc
phải lấy đấu mà đong, lấy xe mà chở cũng không hết. Bởi họ học theo người Thầy
Giêsu vĩ đại, sinh ra giữa nghèo hèn, sống giữa những người cần lao, bênh vực
những người bị áp bức.
Nhưng với các “cán
bộ đầy tớ nhân dân”, thì việc thấy các linh mục hi sinh vì người nghèo là
chuyện lạ. Khi muốn có sự thân thiện nào đó họ cho báo chí đến viết mấy bài ca
ngợi. Nhiều vị cũng đã dính chưởng con bài này, tưởng rằng như vậy thì mình oai
lắm. Vậy là mắc câu, họ sẽ nuôi cho béo và chờ ngày cho lên… thớt khi cần
thiết.
Linh mục Hồ Thái
Bạch cũng đã được tờ SGGP này đăng một bài viết về “vị linh mục của
người nghèo” để ca tụng, hoặc đưa tin những khi tết đến, lễ lạt chính quyền
đến… tặng quà, thể hiện sự “quan tâm”.
Khi vụ Tam Tòa xảy
ra, phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng đã gọi điện đến hỏi vài câu chuyện vu vơ,
vậy rồi đưa lên mặt báo hình ảnh và đặt vào miệng cụ những lời mà Ngài bảo
rằng: “đó là lời của… nhà nước chứ tôi không nói thế”.
Linh mục Hồ Thái
Bạch cho chúng tôi biết: “Họ gọi điện thoại đến hỏi han, rồi nói chuyện có
vâng phục Đức Giám mục không?Tôi trả lời tôi là linh mục phải vâng phục Đức Cha
là đương nhiên, còn yêu cầu của tôi là thả hết các giáo dân đang bị bắt bớ,
đánh đập, giam cầm. Để xảy ra việc đó là điều đáng tiếc”.
Linh mục Hồ Thái Bạch
nói: “Tôi hoàn toàn không nói và không có ý nói như thế, việc đất đai nhà
thờ là việc bàn bạc của Đức Giám mục, còn tôi chẳng phải là chính quyền nên
không thể nói là sẽ được cấp sớm hay muộn gì. Họ có nói với tôi là đất làm nhà
thờ mới phải đẹp, tôi nói tất nhiên là phải đẹp thì mới đổi, nhưng mà đang
trong quá trình trao đổi bàn bạc chưa xong”.
Vậy mà trên
tờ Sài Gòn Giải phóng đã đưa hình ảnh linh mục Bạch lên với đầu
đề: ““Bà con giáo dân yêu cầu: Nghiêm trị những kẻ gây rối ở Chứng tích Tam
Tòa”.Trong đó phần linh mục Hồ Thái Bạch thì đặt vào miệng Ngài rằng: “…Về
việc lựa chọn, cấp đất xây dựng nhà thờ ở Đồng Hới, tuy có chậm nhưng chắc chắn
là đẹp và sẽ được chính quyền giải quyết thỏa đáng”(Trích nguyên văn một
đoạn, không cắt xén). Hình của linh mục này được cắt ra từ hình ảnh mà báo này
đã đăng trong một bài viết đã nói ở trên.
Linh mục Hồ Thái Bạch
đã kiểm tra lại các giáo dân khu vực xung quanh Quảng Bình và cho biết không có
giáo dân nào nói những điều như bài báo đã nêu, không có ai lại đi “yêu cầu
nghiêm trị” các nạn nhân. Tất cả giáo dân đều có những chính kiến và lương tâm
của mình trước các vụ việc đàn áp của nhà cầm quyền với anh em ở Tam Tòa và với
các vấn đề của Giáo phận, Giáo hội. Ngay cả bản thân ông cũng cực lực lên án
viẹc dùng bạo lực không chỉ với giáo dân mà cả linh mục và kêu gọi cầu nguyện
cho nạn nhân những ngày qua.
Vẫn biết báo chí,
truyền thông nô lệ thì coi mục đích đạt được là tất
cả, bỏ qua nhân tâm, lương tâm và những hậu quả. Nhưng trường hợp
này, đó phải nói là sự xảo trá mà chỉ có thể có ở những tâm địa ma quỷ.
Giáo dân, giáo
gian và những kẻ mạo danh
Sau những
vụ việc ở Thái Hà và Tòa Khâm sứ, nhiều người bạn nói
với tôi rằng: “Anh cứ nghĩ giáo dân là công dân hạng hai, nhưng giờ thì vị
thế đã đổi khác, những người Công giáo mới là công dân hạng nhất, bởi họ là
những người có đạo, còn cái đám đánh đền phá nhà thờ kia được gọi là “quân vô
đạo”, con người sống tử tế phải hiểu điều đó”.
Ngẫm lại cũng có
ý đúng. Nhưng trong xã hội và Giáo hội ngày nay, cũng cần phân biệt rõ,
không thể lập lờ đánh lận con đen mãi được về giáo dân và những kẻ mạo danh.
Giáo dân được định
nghĩa như sau theo Bộ Giáo Luật:
Theo điều 205 thì
giáo dân phải “là những người đã được Thánh Tẩy và liên kết với Đức Kitô
trong cơ cấu hữu hình của Giáo Hội nhờ mối dây hiệp nhất do việc tuyên xưng đức
tin, lãnh các Bí tích và nhận quyền lãnh đạo của Giáo Hội”.
Vì thế, những
người đã không “kết hợp với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo hội”
đã không, hoặc từ bỏ “tuyên xưng Đức tin”, hoặc tuyên xưng (dù trực
tiếp hay gián tiếp) những điều phản lại Đức tin, không lãnh nhận các Bí tích,
không nhận quyền lãnh đạo của Giáo hội, thì đó không thể là giáo dân hoặc không
còn là giáo dân.
Nói đến điều này,
để phân biệt rõ ràng hơn danh xưng “Giáo dân” mà nhiều khi bị lạm dụng hoặc
đánh tráo khái niệm trên báo đài nhà nước.
Một lần, nói chuyện với
một Trung Tá công an tôn giáo, anh ta bảo tôi: “Hiện nay, trong Đảng
Cộng sản vẫn có nhiều giáo dân và vẫn khuyến khích giáo dân vào Đảng”. Tôi
trả lời rằng: “Anh nói thế là không đúng, đã là Đảng viên Cộng sản, thì
không thể còn là giáo dân, dù không ai buộc người đó rời Giáo hội, thì tự người
đó đã rời bỏ Giáo hội rồi. Dù trước đó anh ta có là giáo dân thật, thì hiện tại
anh ta không còn là giáo dân nữa. Nói như anh, thì trong Giáo hội Công giáo vẫn
có Hồi giáo, vẫn có Ấn độ giáo, Phật giáo… vì họ đã từng là những tín đồ các
tôn giáo đó? Điều đó là không thể có được”.
Anh ta nói “anh
không hiểu về Đảng. Tôi là Đảng viên, nhưng hàng tháng ngày rằm, mồng một vẫn
thắp hương cầu trời, khấn phật mà chẳng sao cả”. Tôi nói với anh ta rằng: “Anh
đã sai, một đảng viên theo thuyết vô thần mà vẫn làm thế là sai, là làm tôi hai
chủ”.
Quả thật là
về Đảng thì có thể tôi không hiểu bằng anh ta có hàng chục
năm tuổi đảng. Nhưng căn cứ trên những văn bản, giấy tờ đã và đang có, qua cả
chục năm học tập về Chủ nghĩa Mác – Lênin, thì CN Mác – Lênin hoàn toàn không công
nhận có thần thánh và Thiên Chúa. Bản chất của Chủ nghĩa Mác – Lênin gắn với
Chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội
duy tâm và có nhiều hạn chế, phủ nhận thần thánh, Thiên Chúa.
Trong khi đó, Điều
lệ Đảng CSVN ghi rõ: “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” – (Tất nhiên
cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mới sinh ra sau này, hồi chúng tôi đi học
chẳng bao giờ thấy nói đến nó). Và: “Điều 2:-1. Tuyệt đối trung thành với
mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính
trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng…”
Vậy thì không
thể nói gì khác hơn, Đảng CSVN là một tổ chức của những
người có tư tưởng vô thần. Và cũng vì vậy, những
người đứng vào hàng ngũ đó đương nhiên thừa nhận tư tưởng vô thần
này, để thề hứa “tuyệt đối trung thành”.
Cũng chính vì thế,
ở Giáo phận Vinh có một nguyên tắc rất thẳng thắn: Ai đã là đảng viên
Đảng Cộng sản, dù với bất cứ lý do nào thì đương nhiên không còn là giáo dân,
không được chịu các phép bí tích một cách ngay tình và thành sự. Chỉ đến khi
những người đó không còn là đảng viên cộng sản, mới có thể quay lại với Giáo
hội trong các phép bí tích mà thôi.
Không ai cấm ai theo
Đảng hay theo Chúa, mỗi người được tự do lựa chọn con đường đi của mình.
Tất nhiên, trong quá trình đó sẽ có sự giúp đỡ của những người khác.
Nói về vấn đề
này hơi kỹ, cũng chính là để các nhà báo, các nhà chức trách
biết cách phân biệt, đừng có lập lờ đánh lận con đen, đừng đưa những
“giáo gian” để lòe bịp thiên hạ. Những kẻ đã cam tâm bán mình để kiếm miếng
cơm, thì bảo gì mà chẳng nói, miễn là đổ vào đầy miệng họ.
Một ví dụ cụ
thể: Khi giáo dân Thái Hà đồng lòng đòi lại mảnh đất Nhà thờ bị chiếm đoạt trái
pháp luật, muốn được gặp các lãnh đạo của Thành phố và Công an thì đã không
được đáp ứng.
Ngược lại, sáng
5/9/2009, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội đã cho xe đưa 11 người
lên Sở Công an để “lấy ý kiến giáo dân” mà báo chí và công an gọi là “Giáo dân
cốt cán của Thái Hà”.
Tìm hiểu thì được
biết, nhóm 11 người này “từ năm 2002 luôn đứng ngoài cuộc trong tất cả mọi
sinh hoạt của giáo xứ”. Trước đó, nhà thờ có một phòng trở thành nơi họp của
công an và dân phòng các loại. Thậm chí thời đó còn có người mạo chữ ký của Cha
sở để bán đất nhà thờ. Vì những trò ma quỷ đó, năm 2002 thì Ban Hành Giáo bị
giải thể.
Thậm chí, một trong
số những người này còn được Thành ủy Hà Nội phong chức
là “Linh mục” trong giấy mời họp.
Cũng chính một trong
những “giáo dân cốt cán” này là người đã bị bắt quả tang
khi tháo các huy chương, huân chương để dựng nên màn phỏng vấn khi “khánh thành
vườn hoa 1-6” mà người dân Thái Hà gọi là Vườn hoa Vũ Khởi Phụng. Màn video đó có thể xem tại đây.
Trở lại vấn
đề của báo chí hiện nay, không chỉ có tờ SGGP, mà cả dàn đồng ca đang
xuyên tạc sự thật về Tam Tòa và cố nặn ra các nhân chứng, các ý kiến… nhằm lừa
bịp thiên hạ. Những người có suy nghĩ và lương tri đều hiểu những gì đã xảy ra
nếu họ có quan tâm.
Tuy nhiên, việc vạch
mặt những trò lừa bịp, bóp méo sự thật là trách nhiệm của bất
cứ ai muốn xã hội tốt đẹp hơn trong sự thật, công lý.
Đặc biệt là hàng ngũ
giáo dân, linh mục càng phải đề cao cảnh giác trước những trò ma giáo này,
không để mình bị ngộ độc thông tin, bị lừa bịp trong điều kiện khoa học kỹ
thuật ngày nay.
Điều đó cũng có nghĩa
là chúng ta đồng hành với giáo dân, linh mục và tu sĩ, những nạn nhân của Giáo
xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh trong cơn bách hại này.
Để rõ ràng hơn, chúng
tôi xin mời quý vị nghe phần âm thanh trả lời của linh mục Hồ Thái Bạch về
những điều mà tờ SGGP đã viết. (xin click chuột vào hình cái
loa ở đầu bài để nghe âm thanh)
Nguồn: DCCT
|