Chủ Nhật, 2025-01-19, 6:03 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 9 » Việt Nam, đâu cũng là “văn hóa”
11:44 PM
Việt Nam, đâu cũng là “văn hóa”
Saigon Cô Nương/Người Việt



Theo định nghĩa, văn hóa là “những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.”

Do đó, những thứ tốt đẹp thường đi kèm với chữ “văn hóa”. Ví dụ như “trình độ văn hóa”, “công viên văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “văn hóa phẩm”, “nhà văn hóa”... Cái gì có gắn mác văn hóa vào là rõ ràng được nâng lên nhiều bậc. Sang hơn, cao cấp hơn...

Nghe trình độ văn hóa tưởng chừng cao siêu lắm nhưng ở Việt Nam, trong các bản sơ yếu lý lịch, đơn xin việc làm thì trình độ văn hóa chỉ tượng trưng cho bậc học phổ thông.

Một công nhân ghi trình độ văn hóa 9/12 nghĩa là đã học hết lớp 9 của hệ 12 năm. Một bác sĩ ghi trình độ văn hóa 12/12 có nghĩa ông đã học hết lớp 12 (tức là tú tài cũ), còn tiến sĩ y khoa chỉ chuyên môn chứ không phải trình độ văn hóa! Như vậy, có là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... thì trình độ văn hóa của một người cao nhất cũng chỉ tới lớp 12 là chấm dứt! Thành thử một anh thợ hồ đã tốt nghiệp trung học và kỹ sư trưởng công trình, xét tiêu chuẩn văn hóa theo kiểu đó thì hai người này ngang trình độ văn hóa!

Chắc bởi trình độ văn hóa bằng nhau nên không lạ nếu anh thợ hồ dấu bớt ít gạch, cát, xi măng... tuồn ra ngoài thì ông kỹ sư, do có chuyên môn cao hơn, vị trí cao hơn nên rút ruột công trình tinh vi với số lượng lớn hơn. Nếu học sinh quay cóp bài kiểm tra thì giáo viên lo chạy trường, chạy điểm, bác sĩ khám bệnh không kê toa mà bán thuốc cắt cổ cho bệnh nhân; xe đụng ngoài đường thì cách giải quyết của cả hai bên là ăn vạ, chửi bới, xa hơn nữa là thượng cẳng chân hạ cẳng tay...

Công viên Tao Ðàn nằm giữa trung tâm thành phố Saigon. Công viên này tên chính là Jardin de la Ville trước 75 vẫn còn nhiều người già gọi là vườn Bờ-rô. Có người giải thích chữ này bắt nguồn từ bureau là văn phòng để phát lương cho thợ thuyền thời Tây, hoặc do chữ préau nghĩa là sân lát gạch có lợp nóc. Sau khi Pháp rút lui, công viên này đổi tên thành vườn Tao Ðàn. Chữ Tao Ðàn nghe thơ thẩn mơ mộng quá, lại gợi nhớ đến “Tao đàn nhị thập bát tú” của vua Lê Thánh Tôn nghe hao hao sống dậy một thời phong kiến đã dày công lật đổ, nên sau 1975 biến thành “công viên Văn Hóa”. Rắc rối hiện ra khi công viên văn hóa dường như là một danh từ chung. Tức là hễ nói đến công viên thì đều là công viên văn hóa, mọi người không hiểu muốn ám chỉ công viên nào. Công viên Phú Lâm, công viên Gia Ðịnh, công viên Phú Nhuận... Tất cả những nơi đó đều là công viên văn hóa cả mặc dù không ai giải thích rõ ràng giữa công viên và công viên văn hóa khác nhau chỗ nào. Hay nó rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn, hay thỉnh thoảng có trình diễn văn nghệ, tổ chức hội chợ, bán hoa vào dịp tết âm lịch... Tức là có những hoạt động có vẻ văn hóa nên được gọi là công viên văn hóa để phân biệt với những công viên nhếch nhác buổi tối bay lượn đầy “bướm đêm”...



Giải thích như vậy xem chừng khiên cưỡng quá bởi vì công viên Âu Lạc nhỏ xíu, ngoài vài cái xích đu rỉ và cầu tuột bẩn bụi thì chẳng có hoạt động nào gọi là “văn hóa” cả mà vẫn được gọi là công viên văn hóa nên rốt cuộc, Văn Hóa đành rút lui trả lại tên cũ cho vườn “Bờ rô” thành công viên Tao Ðàn.

Ngày xưa, nhà sách chỉ bán có sách báo, cùng lắm thêm ít tập vở, bút thước, băng keo... nói chung là văn phòng phẩm, những thứ liên quan đến viết lách, học hành, công việc bàn giấy văn phòng. Nhưng nay thì tiệm sách mở rộng hơn bao gồm đĩa nhạc, túi xách, quần áo, giầy dép, đồ gốm, xà bông... Tiệm sách lớn có khi thêm cả một gian thực phẩm bán bánh kẹo, thịt cá đông lạnh, cánh gà, chả giò đóng bao... Từa tựa một siêu thị nhỏ, như cửa hàng tạp hóa lớn. Tạp hóa nghe tạp nhạp, lộn xộn quá nên các cửa hàng tạp hóa cũ đều đổi thành bách hóa có vẻ... văn hóa hơn! Nội dung tiệm sách tuy chứa đựng trăm thứ hàng hóa bà rằn nhưng danh xưng vẫn được gọi rất kêu là “cửa hàng văn hóa phẩm”. Tức là những thứ bán trong đó không phải sách vở, mũ nón, dầu gội đầu, áo mưa... tầm thường mà chính là những đồ vật mang tính chất văn hóa.

Kế toán trưởng của một tổng công ty phát giác chi phí văn phòng phẩm của một chi nhánh quá cao. Ðiều tra mới té ra vợ ông trưởng phòng đến cửa hàng văn hóa phẩm mua son phấn, nước hoa làm quà đi ăn cưới bạn bè nhưng lại kê vào hóa đơn mang về cho công ty xuất quỹ thanh toán theo mục văn phòng phẩm. Mỹ phẩm làm đẹp con người nên cũng là một sản phẩm mang tính văn hóa, chứ chẳng lẽ lại bảo mỹ phẩm là sản phẩm “vô văn hóa” sao?!



Nhà văn hóa mang ý nghĩ hiển nhiên hơn. Mỗi địa phương đều có nhà văn hóa: Mỹ Tho, Tiền Giang, Trà Vinh... Riêng Saigon là thành phố lớn nên có trung tâm văn hóa thành phố điều khiển, giúp đỡ các nhà văn hóa quận hay phường. Thông thường, những nhà văn hóa này mở các lớp nữ công, gia chánh, hội họa, âm nhạc, thể dục thể thao, các buổi nói chuyện, hội thảo... Cứ có những mục đó đều được gọi là văn hóa nên mới có nhà văn hóa Thanh Niên, nhà văn hóa Phụ Nữ, nhà văn hóa Thiếu Nhi, nhà văn hóa Lao Ðộng...

Nhà văn hóa phường không có ngân quỹ dồi dào, lắm khi chỉ là gian phòng nhỏ với ít cuốn sách ố vàng, dăm tờ báo đóng bụi. Dù sao phải có nhà văn hóa thì phường mới được công nhận là “phường văn hóa”. Thành thử buộc phải kiếm một địa điểm gắn bảng Nhà Văn Hóa để có thể báo cáo thành tích trên giấy tờ, còn nó có hoạt động hay khóa cửa thì chuyện đó không quan trọng!

Tụ điểm văn hóa có quy mô hạn hẹp hơn nhà văn hóa, không có lớp dạy khiêu vũ, pha chế cocktail, trang điểm dạ hội... Ðó thường là nơi thi đấu giao hữu thể thao, trình diễn văn nghệ... Mục đích rõ ràng là văn hóa, chỉ có hoạt động lắm khi không văn hóa mấy. Các chương trình ca nhạc ở các tụ điểm văn hóa vùng xa thường có mục treo đầu dê bán thịt chó. Quảng cáo trên banderole luôn có tên các ngôi sao nhưng trình diễn thì chẳng thấy sao đâu, thay vào đó là những tên na ná: Ðàm Vĩnh Hùng thay Ðàm Vĩnh Hưng, Jinny Nguyễn thế Jimmi Nguyễn, My Tâm chứ không phải Mỹ Tâm..., khán giả xem biết lừa thì đã lỡ rồi. Vào dịp lễ hội, các tụ điểm văn hóa miền quê tràn ngập sòng cờ bạc trá hình, hàng giả, và thông thường cứ chỗ nào tụ tập đông người là y như ngập núi rác.

Ở đâu xa xôi không rõ, riêng những quận thuộc trung tâm thành phố là bộ mặt quốc gia cho thế giới nhìn vào thì dân chúng nhất thiết phải... văn hóa. Ðảm nhiệm việc phổ biến, giữ gìn văn hóa đến tận gia đình, từng người dân là phường văn hóa. Ðể sở hữu danh hiệu phường văn hóa, ngoài nhà văn hóa thì phường cần đạt chín tiêu chuẩn khác, trong đó 80% dân cư trong phường phải đạt danh hiệu khu phố văn hóa.

Các đầu hẻm nhất loạt dựng tấm bảng “Khu Phố Văn Hóa”. Như vậy hẻm nào không trưng tấm bảng này đều bị hiểu là khu phố không có hoặc kém văn hóa nên các địa phương náo nức đua nhau “văn hóa” cho bằng chị bằng em.

Ở thành phố, buôn bán nhỏ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn là nghề chính của nhiều gia đình. Ða số các đầu hẻm, nghĩa là ngay dưới chân bảng hiệu “Khu Phố Văn Hóa” đều là nơi buôn bán lem nhem. Một khoảnh đất khoảng hai mét vuông dọc đầu hẻm là nơi sinh nhai của mấy nhà. Sáng tinh sương, bàn cà phê dọn ra cùng với xe hủ tíu xả cuộn rau và giấy vụn bừa bãi. Trưa trưa, cơm bình dân bày bếp nướng sườn xuống tận lòng đường quạt khói mù mịt, vẫn vung vãi giấy vụn và xương xẩu, sẩm tối là xe bột chiên, bên cạnh là tủ thuốc lá, xe nước mía với với đống bã mía vo ve ruồi bu, hàng sửa xe cũng chen vào đấy một máy bơm; dưới lề đường đậu chơi xe rau quả, trái cây bán rong. Cứ ăn uống bán buôn đến đâu là rác xả đến đấy không kể một đống rác lưu niên ngay đầu hẻm.



Khỏi thuê mặt bằng, khỏi thuế má nên ai nấy tận dụng không gian vỉa hè công cộng. Kinh tế khó khăn, nhà nước mạnh tay dẹp thì làm sao người nghèo sống nên những biện pháp nhằm vãn hồi trật tự văn hóa luôn luôn đầu voi đuôi chuột. Sau khi hô hào mạnh mẽ một thời gian thì cứ xìu dần dần cho tới khi tắt ngóm không kèn không trống. Bởi thế, một khu phố muốn được công nhận văn hóa khó lắm chẳng chơi. Cứ xét đúng tiêu chuẩn thì chẳng nơi nào văn hóa nổi. Nói chung, miễn cứ nhà ai nấy sống. Không cãi nhau, đánh nhau... là quá văn hóa, là đạt tiêu chuẩn văn hóa rồi.

Thấp hơn khu phố văn hóa là “Ðiểm sáng văn hóa”, tệ hơn nữa là “Khu dân cư tiên tiến”. Nơi nào văn hóa rồi thì “quyết tâm bảo vệ”, nơi nào chưa văn hóa thì “quyết tâm phấn đấu.” Ði đâu cũng đập vào mắt mọi người những khẩu hiệu “Quyết tâm xây dựng khu phố là khu phố văn hóa” hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Ðể nhắc nhở văn hóa luôn tồn tại quanh ta thì ngôi nhà sàn của người thiểu số gọi là “Không Gian Văn Hóa Làng” của dân tộc, thư viện trường là “Không Gian Văn Hóa” của trường học, con đường sạch sẽ một cách khó tin được khoác tên “Môi Trường Văn Hóa”... Một hành động không nên gọi đơn giản tốt, thân thiện, đẹp... mà phải gọi là “Hành động văn hóa.”

Thế mới biết người ta khao khát văn hóa đến thế nào. Văn hóa có ý nghĩa to tát, đẹp đẽ, nếu không nhấn mạnh, vạch rõ ra chỗ này, chuyện nọ là văn hóa, e mọi người không biết đó là... văn hóa, không biết mình trong thời đại văn hóa, lại tưởng rằng đang sống giữa một xã hội thiếu văn hóa thì nguy!
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1012 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0