Nguyễn Hưng Quốc
Nói đến chuyện vệ sinh ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc trước năm 1975, không thể không nhớ đến Tô Hoài.
Trong
cuốn hồi ký có nhan đề Chiều chiều xuất bản năm 1999, Tô Hoài kể nhiều
chuyện liên quan đến hệ thống nhà vệ sinh ở Hà Nội trước và sau năm
1954.
Ông viết, thật chi tiết:
“Mấy lâu nay thành phố vận
động các nhà làm hố xí hai ngăn. Việc ỉa đái của đất Kẻ Chợ từ thời Tây
đã cứ không dưng như mưa nắng, như trời đất hết mùa hạ sang mùa thu.
Hồi xửa xưa, chỉ độc mấy phố hàng Đào, hàng Gai, các nhà quan cách khá
giả trổ ngõ sau ra phố tắt, ra vườn hoang, mọi đi lại, chợ búa, con
cháu ở quê ra, người vào lấy phân tro đều đi cửa khuất ấy. Rồi quan đốc
lý Tây cho thầu phân, các nhà làm hố xí đằng sau, nửa đêm có phu gọi
cửa “đổi thùng! đổi thùng!” – mà người nghe lúc ngái ngủ nhầm là “đổ
thùng!”. Nhà có cửa nách cho phu thùng, nhà chật chội thì mỗi đêm phu
cứ xách thùng phân qua suốt các phòng ra cửa trước.”
“Năm
1956, về hoà bình rồi, buổi tối tôi vào hiệu vằn thắn phố Huế, đương ăn
còn thấy người công nhân vệ sinh quảy đôi thùng phân đi ra, qua ngay
giữa nhà. Đấy là nơi có phố, còn lều quán chưa thành phường thì vẫn
ngồi nấp bờ đầm, bờ sông, bụi rậm. Làng tôi ở ven nội, người lớn trẻ
con đều ra các chân tre đầu đồng, mỗi hôm có mụ “mũi thung” - những
người đàn bà lam lũ trên mặt nổi vết chàm có lông như miếng da lợn, họ
ở các làng vùng trong quảy thúng tro đi gắp phân về bán.”
“Nhà
người Tây có hố xí máy, còn người ta ở Hà Nội thì cả trăm năm thuộc
Pháp các phố cứ “đổi thùng” cho mãi đến những năm 1958.”
“Không
biết ai cải tiến ra cái hố xí hai ngăn đến bây giờ còn người khen,
người thì bài bác kịch liệt, đòi truy cho ra đứa có sáng kiến ấy để bỏ
tù. Tôi là người đứng giữa có thực nghiệm với tư cách nhà có một hố xí
hai ngăn và bây giờ trông nom hơn hai trăm cái hố xí hai ngăn của hàng
phố, tôi thấy không phải tội ở người nghĩ ra mà tại những đứa xây và
đứa cai quản với thói kẻ cắp bớt xén, thói lười biếng.”
“Lý
nhẽ và lề lối nghe ra thuận tai, vẫn cái hố xí mọi khi đem chia thành
hai ngăn. Đầy ngăn này, đậy nắp lại cho phân ngấu. Khi ngăn kia sắp ứ
lên thì ty vệ sinh đến hốt hố bên. Hàng tuần, đem tro và mùn đất rắc
vào hố phân, lại trát vôi cho khít nắp.”
[…]
“Cái tưởng
là sẽ tốt đẹp ấy đều đặn tử tế được vài tháng đầu. Các người ở ngoại
thành vào lấy trộm phân khốn khổ lắm. Công nhân vệ sinh bắt quang sọt,
công an phạt tiền. Nhưng vẫn có người đi chui, có các nhà cho vào múc
lậu.”
“Chỉ ít lâu, đến khi chểnh mảng chẳng thấy công nhân đưa
mùn đất, không đến trát nắp, lại những thùng xe cũng đỗ bất thường. Cả
hai hố đã phè ra, chủ nhà phải ngồi ở cửa hóng người hốt phân chui, lại
phải dúi tiền để các bác ấy làm phúc vào lấy cho.” (tr. 300-302).
Một lần, với tư cách tổ trưởng khu phố, Tô Hoài đi điều tra về tình hình nhà vệ sinh trong khu phố. Đây là ghi chép của ông:
“Bẩn
kinh khủng. Mùi hôi thối không trông thấy, nhưng có thể tưởng tượng như
một cái cống, một cái bễ đương ngùn ngụt tuôn hôi thối nồng nặc ngạt
thở. Hai bên tường, không quét vôi, lở lói dưới hàng gạch lâu đời đã vỡ
khấp khểnh xanh xám nhờn nhợt […]. Dưới rãnh, những con dòi trắng hếu
bò lổm ngổm. Nhưng không thấy nhặng xanh bay ngang mặt, có lẽ bí hơi
quá, nhặng cũng không dám vào.”
“Đến cuối hẻm, tôi quay ra. Cảm
tưởng vừa xuống âm ty. U ám, nhơn nhớt, nghẹt cổ. Ở Hà Nội, phố nào
cũng đằng trước mặt hoa da phấn, đằng sau là cái lối vào chuồng phân
như thế này, cả bao nhiêu năm nay thế.” (tr. 306-7).
Ở miền Bắc, trong các chuyến đi thực tế, các nhà văn nhà thơ làm gì?
Một
trong những công việc chính của họ là đào hố phân rồi hằng ngày đi nhặt
phân, từ phân người đến phân thú vật, về đổ vào các hố ấy, lại nhặt lá
cây bỏ vào, trộn đều, ủ lại cho chúng ngấu lên.
Cũng theo lời kể
của Tô Hoài, mỗi buổi sáng, nhà thơ Phùng Quán ở trong xóm đi ra, “gánh
đôi quang lồng một, hai thanh tre gánh phân đặt trên mặt sọt.” Một buổi
chiều, gánh phân về,
“Quán kể nông nỗi đi gắp phân như là đọc
một mẩu chuyện trên báo. Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng
đồng còn tối đất. Những con trâu con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự
nhiên, tới rệ cỏ ven hào nước thì đứng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, trẻ
con trong xóm mắt nhắm mắt mở lốc nhốc kéo ra ngồi bĩnh đấy. Hai thanh
tre của Quán mở ra gắp lên sọt tuốt cả phân trâu phân người. Tìm ra
những con đường phân này cũng chẳng phải tài giỏi riêng Quán, mà sáng
nào cũng có người nhặt phân từ các ngõ xóm ra cổng đồng, đi muộn có khi
hết.” (tr. 70).
Nhắc đến việc bắt giới văn nghệ sĩ đi nhặt phân,
hốt phân, ủ phân trong cái gọi là “đi thực tế” ở miền Bắc trước đây,
không thể không nhớ đến câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông: “Trí thức
là cục phân.”
Thời kháng chiến chống Pháp, nhất là từ cuối thập
niên 1940 đến đầu thập niên 1950, trong các buổi học tập chính trị,
giới trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam phải tụng đi tụng lại câu nói ấy.
Nhà văn Nguyễn Thành Long kể: “Chúng tôi phải tin theo điều này và tự
phủ nhận bản thân mình.” (In trong cuốn Cách mạng – Kháng chiến và đời
sống văn học, 1945-1954 do Phong Lê chủ biên, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà
Nội, 1995, tr. 527).
Tưởng chỉ có một mình Mao Trạch Đông nói
“trí thức là cục phân”. Gần đây, đọc báo, tôi nghe tường thuật chính Lê
Nin cũng từng nói thế. Năm 1922, ông bàn với Stalin về kế hoạch thanh
tẩy nước Nga, trong đó có việc cải tạo giới trí thức, những kẻ theo
ông, chỉ là đầy tớ cho bọn tư sản.
Ông nói về giới trí thức một cách hằn học: “Bọn chúng nghĩ bọn chúng là đầu óc của quốc gia. Thực sự bọn chúng không phải là đầu óc. Bọn chúng chỉ là cứt.”
Hồ Chí Minh có bao giờ nói câu tương tự hay không?
Thú thực, tôi không biết. Bạn đọc nào biết, xin chỉ giùm. Thành thực cảm tạ trước. Nguồn: VOA
|