Ngô Nhân Dụng
Tôn
giáo chỉ tự do khi nào cả xã hội được sống tự do. Ðây là một sự thật mà
người ta hay quên khi nói đến vấn đề tôn giáo trong các nước độc tài. Ở
các nước còn sống dưới những đảng độc quyền, độc đoán, có những vụ xúc
phạm tới quyền sinh hoạt tín ngưỡng của người dân; mà không nhất thiết
vì những lãnh tụ độc tài muốn cấm cản một tôn giáo nào đó. Họ chỉ không
cho phép người dân được hưởng những quyền tự do căn bản để sống xứng
đáng làm người. Vì thế có những sinh hoạt tín ngưỡng bị cấm cản.
Khi
chính quyền Miến Ðiện tấn công các ngôi chùa, bắt giữ chư tăng, các
chính phủ Tây Phương lên tiếng phản đối đã nhấn mạnh đến tội xúc phạm
quyền tự do tôn giáo. Nhưng sự thật là các tăng sĩ và Phật tử Miến Ðiện
đã bị đàn áp vì họ tham gia vào một phong trào phản đối tăng thuế, đặc
biệt là tăng thuế nhiên liệu. Ðó là một phong trào bộc phát trong dân
chúng Miến Ðiện, dù có các nhà tu hành tham dự hay không. Các tăng sĩ
và chùa chiền đã trở thành giới lãnh đạo và trung tâm hoạt động của
phong trào này, vì dân Miến Ðiện tin tưởng nơi các tu sĩ và chùa chiền
là nơi có thể tụ họp và trốn tránh. Khi chính quyền Miến Ðiện đã bắt
giữ các tu sĩ lãnh đạo rồi, họ lại cho phép các nhà sư còn lại tiếp tục
ở trong chùa, các Phật tử được tự do đi lễ. Những người Tây phương
không thể kết tội nhóm quân phiệt Miến là xâm phạm tự do tôn giáo nữa.
Nhưng tất cả mọi người dân Miến Ðiện vẫn sống trong chế độ độc tài tăm
tối như cũ.
Một thí dụ hiển nhiên khác là chính sách cấm đoán và
đàn áp của Ðảng Cộng Sản Việt Nam đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất. Họ giam lỏng Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ trong Thanh Minh
Thiền Viện cũng như nhiều vị lãnh đạo khác trong giáo hội, họ không
được tới một tự viện nào khác để giảng Phật pháp. Họ không cho phép vị
trụ trì nào được đề tên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên tên
chùa, cấm các sinh hoạt từ thiện, giáo dục, văn hoá nhân danh giáo hội
Thống Nhất.
Tương tự như trường hợp Giáo Hội Thống Nhất là Phật
Giáo Hoà Hảo. Từ khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam, họ đã cấm
không cho các tín đồ Hoà Hảo được sinh hoạt tập thể ngoài phạm vi mà
nhà nước cho phép, các cơ sở truyền thống của giáo hội Phật Giáo Hoà
Hảo đã bị chiếm cứ, các tổ chức bị quốc doanh hoá, và các nhà lãnh đạo
bị bắt giam hoặc bị tàn sát.
Tất cả những hành động đàn áp và
cấm đoán trên vi phạm các quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội
họp và lập hội. Khi chính phủ Georges W. Bush bỏ chính quyền cộng sản
Việt Nam ra khỏi danh sách những nước phải chú ý đặc biệt vì xâm phạm
tự do tín ngưỡng, họ quên rằng con người không thể có tín ngưỡng tự do
nếu không được tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội họp và lập hội.
Một
điều trong đạo luật về tôn giáo ở Việt Nam cấm không cho sinh hoạt tôn
giáo tại tư gia đã xâm phạm quyền tự do hội họp, và đó là một điều luật
cấm tôn giáo hoạt động một cách trắng trợn không chối cãi được. Vì một
một vị tăng hay ni đến nhà cầu siêu cho một đám tang có thể bị coi là
sinh hoạt tôn giáo trong tư gia. Một cố vấn gia đình mục vụ tiếp những
cặp vợ chồng sắp cưới để cùng cầu nguyện với nhau cũng có thể bị ghép
vào tội đó. Không có luật nào cấm các đảng viên cộng sản họp chi bộ ở
nhà riêng, nhưng nếu một vị mục sư đến nhà nào giảng Kinh Thánh thì có
thể bị cấm nếu công an khu vực không được hối lộ.
Những hành
động xâm phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam gần đây phần lớn đều bắt nguồn
từ những điều cấm đoán ngoài phạm vi tôn giáo. Sở dĩ các giáo dân Vinh
bị công an tấn công là vì họ muốn sử dụng khu đất của giáo phận mà bị
cấm cản. Lần đầu tiên Linh Mục Nguyễn Văn Lý vị chính quyền tấn công
cũng vì cộng sản muốn chiếm đất của địa phận giáo xứ. Khi Linh Mục Lý
phản đối, công an bắt đầu cấm đoán và ngăn cản các giáo dân không được
tới nhà thờ. Những người lên tiếng bênh vực giáo dân cũng bị ghép vào
tội chống nhà nước cộng sản.
Chính vì thấy tôn giáo không thể có
tự do nếu xã hội không được tự do, cho nên Linh Mục Nguyễn Văn Lý và
các nhà trí thức dân chủ đã cùng nhau lập Khối 8406 để tranh đấu cho
tất cả mọi người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do tối thiểu,
không phân biệt người theo đạo nào hoặc có tín ngưỡng hay không. Tôn
giáo sống trong xã hội loài người. Khi con người không được sống tự do
thì mọi tôn giáo đều có thể bị xúc phạm bất cứ lúc nào; giống như có
những dây thòng lọng buộc sẵn quanh cổ.
Ðiển hình nhất là vụ gần
400 tăng ni đang bị đàn áp tại tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Ðồng. Theo tin
AFP đăng trên báo Người Việt ngày hôm qua, phát ngôn viên chính quyền
cộng sản mới xác định rằng ngày 2 Tháng Chín này các tu sĩ trẻ tuổi này
sẽ bị trục xuất khỏi tu viện. Lý do ông ta nêu ra là Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam tỉnh Lâm Ðồng đuổi họ vì những buổi giảng Phật pháp của họ
không được giáo hội đó cho phép; do đó bị coi là bất hợp pháp. Như vậy
có phải là chính quyền cộng sản đã vi phạm tự do tín ngưỡng hay không?
Hiển nhiên là họ đã trà đạp trên quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, vì họ
đang sử dụng những điều cấm đoán khác mà luật pháp các nước cộng sản
luôn luôn áp dụng.
Từ khi có những tăng ni tu tập theo Pháp môn
Làng Mai, mỗi tháng họ đã thu hút hàng ngàn Phật tử từ khắp các tỉnh về
tu học những cuối tuần, sống trong chánh niệm, hành trì giới luật. Ðó
là truyền thống Thọ Bát Quan Trai trong Phật Giáo, Nam tông cũng như
Bắc tông đều theo. Bây giờ, chính quyền Cộng Sản Việt Nam tuyên bố đó
là những hoạt động bất hợp pháp, chẳng khác nào họ nói giáo lý của Ðức
Phật là bất hợp pháp! Mai mốt các vị tăng ni trở về quê quán tiếp tục
hành trì phép tu theo Phật của mình thì có bị coi là bất hợp pháp nữa
hay không?
Trong lịch sử nước ta, truyền thống Phật Giáo vẫn
công nhận có hàng muôn ngàn phương pháp tu tập - 84,000 pháp môn là một
con số làm thí dụ. Ngay dưới triều nhà Nguyễn, khi sắc phong chức tăng
thống thì vị tăng thống cũng chỉ là một người được coi là đạo cao đức
trọng để làm gương cho cả nước chứ không phải là người cai quản và
quyết định mọi hoạt động Phật giáo trong nước. Mọi người đều có quyền
cạo đầu đi tu, chọn nơi dựng thảo am hành trị đạo Phật, nhận các đệ tử
xuất gia hoặc tại gia.
Từ hai thế kỷ trước, tại Việt Nam đã nổi
lên những nhà tu độc lập nổi tiếng như Ðức Phật Thầy Tây An. Một người
đạo hạnh được nhân dân suy tôn vừa là Thầy, vừa là Phật, mà không cần
có giấy phép của một chính quyền nào hay một giáo hội nào. Chính trong
truyền thống đó chúng ta có những ông sư Vãi Bán Khoai, và sang thế kỷ
20 có Ðức Thầy Huỳnh Giáo Chủ. Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đã
có những vị tu sĩ độc lập như vậy, cho nên chúng ta có ông Ðạo Dừa được
bao nhiêu người ngưỡng mộ và giúp cho bao nhiêu người hướng về điều
thiện. Ông Ðạo Dừa phản đối chiến tranh, kêu gọi hoà bình, nhưng không
một chính phủ nào ở miền Nam khép ông vào tội chủ hòa làm ngã lòng binh
sĩ để gây phiền phức cho ông; mỗi ngày vẫn có những người đến chiêm bái
ông trên chiếc thuyền đậu ở Cồn Phụng mà khong ai bị công an theo dõi.
Truyền
thống tự do đó đã bị dập tắt dưới chế độ Cộng Sản. Ðảng Cộng Sản không
cần làm một điều luật nào cấm tôn giáo. Họ chỉ cần thi hành những điều
cấm đoán đối với các quyền tự do căn bản của con người là đủ xúc phạm
tất cả các tôn giáo, bất cứ luc nào họ muốn. Trước đây các vị tu sĩ trẻ
này được yên tâm tu học, nay chỉ vì ông thầy họ chống Trung Cộng chiếm
đóng Tây Tạng nên họ bị đuổi!
Hành động trục xuất các tăng ni
trẻ ra khỏi Tu Viện Bát Nhã sẽ khiến tất cả mọi người Việt Nam khác ý
thức được rằng khi một người dân bị tước bỏ những quyền tự do đi lại,
tự do cư trú, tự do hội họp và lập hội thì mọi người đều có thể bị đàn
áp bất cứ lúc nào. Bốn trăm vị tăng ni trẻ tuổi này đã chứng tỏ đạo
hạnh nghiêm trang trong suốt thời gian qua, họ được mọi người dân trong
vùng kính trọng, kể cả nhiều tăng ni trong giới lãnh đạo hội Phật Giáo
được nhà nước kiểm soát. Chính các vị tăng ni này sẽ nhìn ra rằng khi
cái thòng lọng xiết lại trên cổ 400 tu sĩ trẻ tuổi ở Bát Nhã thì chính
họ, những người vẫn tuân phục đảng và nhà nước Cộng Sản, chính họ cũng
đang bị buộc những thòng lọng giống như vậy. Ngày xưa thân phụ cố văn
sĩ Phùng Quang Lộc hỏi con: Bọn nhà văn chúng mày là giống gì mà lúc
người ta cởi trói, lúc người ta trói lại vậy? Bây giờ sẽ có người hỏi
các vị tăng ni trong giáo hội nhà nước như vậy!
Nhìn
tấm gương Bát Nhã, tất cả mọi người dân Việt Nam, nhất là giới trí thức
trẻ, cũng phải thấy họ đang bị những sợ dây thòng lọng tròng vào cổ. Ðó
là một nỗi nhục mà người dân Việt phải chịu đựng từ bao nhiêu năm nay.
Bây giờ, các tu sĩ ở Bát Nhã sẽ là minh chứng cho ai cũng ý thức được
mối nhục đó. Mọi người Việt Nam sẽ hiểu ra rằng vấn đề ở tu viện Bát
Nhã không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề tự do. Mà đó là những
quyền tự do tối thiểu của công dân những nước độc lập. Tại sao các tu
sĩ ở tu viện Bát Nhã bị đuổi đi vì không có hộ khẩu, còn những công
nhân Trung Quốc đang sang Việt Nam làm việc, những thương gia Trung
Quốc đang xâm nhập qua biên giới, không ai bị xét hộ khẩu bao giờ cả?
Khi nào toàn thể mọi người Việt Nam ý thức được những nỗi nhục này, đó
là do vụ đàn áp ở tu viện Bát Nhã.
Nếu khôn ngoan, đảng Cộng Sản
Việt Nam sẽ không đàn áp quá đáng nữa. Vì 400 vị tăng ni này khi bị
đuổi về quê quán là 400 vị sứ giả của lối sống Phật Giáo có thể giúp
bao nhiêu người bớt khổ đau, nhưng họ cũng là những nạn nhân biểu tựơng
của một chế độ khống chế mọi quyền tự do căn bản mà mọi công dân Việt
Nam có quyền nhưng không được hưởng! Khi mọi người dân đã nhìn thấy như
vậy thì đất nước sẽ thay đổi!
|