Thứ Ba, 2024-11-05, 8:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 16 » Từ 31/CP đến đôi còng kép 88
9:00 PM
Từ 31/CP đến đôi còng kép 88

Vũ Thạch

Người Việt Nam có câu "cọp chết để da, người ta chết để tiếng", ngụ ý lúc con cọp còn sống, tuy dữ tợn và mạnh mẽ, nhưng khi chết đi thì cũng chẳng còn gì, ngoài bộ da màu sắc rực rỡ dùng để trang trí. Thêm vào đó, với những “ông cọp” đã từng gây tai họa cho xóm làng, thì bộ da cọp cũng khiến người ta gợi nhớ đến nỗi hoảng hốt, kinh hoàng, những khi nó về rình rập trong làng vồ người hay gia súc tha đi.... Còn câu: "Người ta chết để tiếng", thì “tiếng” ở đây là cả tiếng tốt và tiếng xấu. Xã hội nào cũng vậy, bên cạnh những người tốt, tiếng tăm đươc lưu danh muôn thưở, thì cũng có những người sau khi chết vẫn bị nguyền rủa muôn đời.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, khi nghe câu "người ta chết để tiếng", người ta nhớ đến những "ông cọp" đã liên tục gây kinh hoàng trên đất nước suốt mấy thập niên qua, với “tiếng tăm” của họ từ các thời Cải Cách Ruộng Đất, đến các chiến dịch truy diệt văn nghệ sĩ, tư sản, ngụy quân ngụy quyền, đến các chiến dịch quản chế hành chánh, truy lùng những người phản đối Trung Quốc hiện nay. Mỗi giai đoạn kinh hoàng của dân tộc trong 75 năm qua đều có một nhân vật điển hình – hay một "ông cọp" - mà chỉ cần nhắc đến tên là người ta hình dung ra được cả cảnh tượng, âm thanh, lẫn màu sắc và mùi của giai đoạn đó. Nhắc tới Trường Chinh là nhớ ngay đến các buổi đấu tố dưới ánh đuốc leo lét, vang động tiếng cán bộ gào thét xúi giục đám đông giết người. Nhắc tới Tố Hữu là người ta nhớ ngay đến những câu thơ vong bản như “Yêu biết mấy khi con vừa biết nói, tiếng đầu lòng con gọi Stalin”; cũng như hình dung ra ngay bầu không khí cực kỳ căng thẳng, nặng nề của văn nghệ sĩ canh chừng nhau, tố giác nhau, và tàn lụi trong lao tù khổ sai, v.v...

Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có một "ông cọp" bị mang tiếng oan. Chẳng hạn như tên tuổi cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng bị dính chặt với bức công hàm công nhận "lưỡi bò" hải phận Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Bức công hàm ngày 14/9/1958, mang chữ ký của ông Đồng và ngày nay được gọi tắt là công hàm Phạm Văn Đồng, không chỉ coi toàn vùng biển trong "bản đồ 9 vạch" thuộc về Trung Quốc mà còn thề hứa sẽ "triệt để tôn trọng" hải phận đó. Tuy nhiên, dù ký bản công hàm với tư cách thủ tướng nhà nước CSVN, nhưng đây chắc chắn không phải là quyết định riêng của ông Phạm Văn Đồng mà là ý định của Bộ Chính trị đảng CSVN với sự quyết định tối hậu của lãnh tụ tối cao vào lúc đó là ông Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, ông Hồ vẫn còn nắm mọi quyền sinh sát trong tay và chưa bị cánh Lê Duẫn và Lê Đức Thọ cô lập như từ đầu thập niên 60 trở đi.

Tuy nhiên, loại oan ức như vậy khá hiếm hoi. Hầu hết các “ông cọp” gây kinh hoàng trong xã hội Việt Nam sau này, đặc biệt những ông đứng đầu các chiến dịch khủng bố của chế độ trong 3 thập niên vừa qua thì chẳng oan chút nào. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến Nghị Định 31/CP ngày 14-4-1997, mang chữ ký của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bất kể lý lịch sự nghiệp của ông Kiệt thế nào đi nữa thì các nhà phân tích Việt Nam lẫn quốc tế ngày nay, và có lẽ cả các sử gia độc lập trong tương lai, đều khó có thể nhắc đến tên ông mà không đề cập đến Nghị Định 31/CP và khối nạn nhân của nó.

Dù ở phần cuối đời, ông Võ Văn Kiệt có lên tiếng kêu gọi "tha thứ hòa giải vì tương lai" cách mấy đi nữa, vẫn ít ai dám tin ông hoàn toàn. Người ta khó để mà phân định được “ông Kiệt nào” đang có những lời lẽ kêu gọi đầy tính nhân bản và tinh thần dân tộc đó; một ông Kiệt đã nghỉ hưu, hồi tâm và nhận ra những sai trái, tàn ác của chế độ để nói tiếng lương tâm chân thật của mình, hay vẫn chỉ là ông Kiệt của nghị định 31/CP đang đóng kịch đạo đức. Người ta khó phân định chính xác được hai con người trong ông Kiệt, vì ông đã từng có khả năng bịt miệng lương tâm của chính mình để ký bản Nghị định 31/CP, hợp thức hóa việc giam cầm vô số nạn nhân, kể cả người bạn nối khố của ông là Nguyễn Hộ, dưới cái tên hiền lành "quản chế hành chánh". Nói cách khác, vết bùn (nếu không nói là vết máu) 31/CP đã vĩnh viễn dính liền với tên tuổi ông Võ Văn Kiệt.

Ngày nay các lãnh tụ CSVN khôn ngoan hơn. Ít ai còn dại dột đứng tên ban hành cả một văn bản mang tính "ác ôn" cỡ 31/CP “Quản chế hành chánh” trước mắt thế giới. Các điều luật cho mục tiêu hợp pháp hóa các hành vi trấn áp được đẩy sang một tập thể bình phong lớn hơn, gọi là Quốc Hội, và được vùi vào giữa vài trăm điều luật vô tư khác, gọi là Bộ Luật Hình Sự. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những lệnh bắt người trong 3 năm qua không để lại những dấu ấn rõ rệt cho người đời đối với nhân vật ký những lệnh bắt đó. Trước mắt công luận, ông Nguyễn Tấn Dũng, tác giả của những lệnh bắt bớ vừa kể, đang càng lúc càng gắn chặt tên tuổi của mình với điều luật hình sự 88 (LHS 88); mà với hình dạng của 2 số 8, luật nay còn được gọi là bộ còng đôi cho cả 2 tay và 2 chân nạn nhân. Và khi các nguồn tin về món tiền hối lộ khổng lồ, mà hệ thống làm ăn của gia đình ông nhận từ Bắc Kinh ngày càng lan rộng, người ta càng nhận diện rõ hơn những động cơ phía sau khiến ông phải gấp rút bịt miệng cả những người biết chuyện và những người dám đưa tin, bằng vũ khí có tên LHS 88.

Không chỉ trong mắt người Việt, mà trong cả hồ sơ của các chính phủ tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế, hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ngày càng xấu đi so với thời điểm ông mới nhậm chức. Một trong những lý do chính là vì LHS 88 đang hiện nguyên hình là một vũ khí của chế độ, thay thế cho Nghị Định 31/CP, một văn bản mà thế giới quá nhờm tởm, lên án, khiến Hà Nội buộc phải hủy bỏ năm 2006.

Như vậy, LHS 88 giống và khác nghị định 31/CP ở chỗ nào?

Trước hết, một cách tóm tắt, Nghị Định 31/CP, dài 4 chương 28 điều, cho phép các quan chức cầm quyền từ cấp phường xã lập hồ sơ và cấp tỉnh có quyền giam giữ tại gia hay đưa đi vùng khác bất cứ ai mà nhà nước cho là có hại cho chế độ, mà không cần đi qua sự xét xử nào. Mỗi quyết định "quản chế hành chánh" có thể kéo dài tới 2 năm và có thể gia hạn vô số lần.

Trong khi đó, LHS 88 qui định về Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên văn như sau:

   1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
          * Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
          * Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
          * Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

   2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Về góc độ tùy tiện

Một lý do rất quái dị được viện dẫn để biện minh cho 31/CP là vì "các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc gia, đuợc quy định tại chương 1 phần các tội phạm của Bộ Luật Hình Sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Khó có ai giải thích được những hành động như thế nào là hành động đã bị liệt vào loại xâm phạm đến an ninh quốc gia, mà lại chưa đến mức nghiêm trọng đủ để đưa ra tòa. Và lại càng khó hiểu hơn, khi người vi phạm chưa đủ nghiêm trọng, lại bị giam vô hạn định theo 31/CP, thay vì đưa ra tòa để bị phạt có hạn định theo luật hình sự?! Điều này chẳng khác nào cách giải thích lấp liếm nhập nhằng “đi cải tạo là đi học tập chứ không phải là bị tù”, dù rằng trên thực tế thì cải tạo và tù có án cùng ở chung các phòng giam, cùng phải chịu đựng các chế độ của nhà tù; điều khác biệt là tù có án thì có thời hạn, còn “đi cải tạo” thì tha hồ gia hạn. Nhưng dù gì đi nữa thì đó vẫn là lý do để giao việc phát hiện, lập hồ sơ và quản chế cho các quan chức địa phương từ cấp thấp nhất là phường xã, và thế là cánh cửa khổng lồ mở ra cho cơn lũ của tùy tiện và lạm dụng bùng túa ra. Những đụng chạm cá nhân, tranh giành quyền lợi vì vậy mà dễ biến thành lý do mở hồ sơ “quản chế hành chánh”. Và những "hồ sơ quản chế" này cũng nhanh chóng trở thành những phong bì nhận tiền “chuộc tội” từ các nạn nhân. Trong suốt 10 năm từ 1997 đến 2006, vô số công dân vô tội đã trở thành nạn nhân của 31/CP. Phải nói là "vô số" vì không ai còn có thể đếm được khi mức lạm dụng đã xuống đến cấp phường xã trên cả nước.

Trong khi đó, LHS 88 tuy vẫn mở ra cho công an cấp phường xã quyền bắt bớ, nhưng phải đi qua hệ thống xét xử. Tuy nhiên, cánh cửa của tùy tiện và lạm dụng vẫn mở rộng từ 2 góc khác. Đó là hành vi thế nào thì đủ qui kết là “chống lại”, và hành vi đó đụng đến cấp quan chức hay ban ngành nào thì đủ để xem đó là “Nhà Nước CHXHCNVN”.

    * Khi giáo dân cùng nhau phản đối một quyết định cướp đất bất công của một quan chức chế độ thì họ đang thực thi quyền hiến định, hay đang “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN”?
    * Khi dân chúng truyền cho nhau những lời phê phán làng báo “công cụ” quá nhút nhát trong lề phải, không dám phanh phui nạn tham nhũng ở thượng tầng lãnh đạo Đảng, thì đó có phải là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
    * Tất cả mọi bài nhận xét, phân tích các bộ phận Nhà Nước không hoàn thành nhiệm vụ hoặc làm sai nhiệm vụ, như hải quân không được cho phép ra khơi bảo vệ ngư dân, công an đã không dẹp lại còn sử dụng băng đảng xã hội đen, thủ tướng lại đi ký công hàm xác nhận đảo Việt là đất Tàu, v.v… có bị xem là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
    * Khi người dân lên tiếng chỉ ra việc thủ tướng không tuân thủ chính luật lệ của chế độ và tạo tác hại lên hàng triệu người tại Tây Nguyên, chỉ ra việc ký hiệp ước biên giới với một nước khác mà lại không cho “những người chủ” của đất nước biết bản đồ ký kết, là phạm pháp, v.v… thì có phải là “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?
    * Ngay cả khi dân chúng lập lại các tuyên bố của lãnh đạo Đảng phê bình các ban ngành Nhà Nước phí phạm công quỹ, xuống cấp đạo đức, tham nhũng lan tràn, … thì họ có đang “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” không?

Chỉ cần duyệt lại cách hành sử của lãnh đạo Đảng và Nhà Nước trong 3 năm qua và các nạn nhân đã và sắp nằm tù, thì câu trả lời cho tất cả các câu hỏi nêu trên đều là “có tội”.

Do đó, tuy khác nhau chút ít về cách thức thực hiện, nhưng về bản chất và mục tiêu thì 31/CP và LHS 88 đều như nhau và đều cố tình mở ra các cửa ngõ cho sự tùy tiện và lạm dụng của một Nhà Nước Phi Pháp Quyền.

Về hiệu năng trấn áp

Đặc điểm của 31/CP là bắt và giữ ngay tại địa phương, nên thường ít ai hay biết số phận của các nạn nhân, và số “tư thất biến thành ngục thất” trên cả nước lên đến hàng trăm ngàn, khiến các tổ chức nhân quyền quốc tế khó lòng theo dõi. Đối với các tù nhân được thế giới theo dõi và lên tiếng khiếu nại, thì 31/CP vẫn cung cấp cho nhà cầm quyền lời chối không hề “bỏ tù” nạn nhân. Trường hợp điển hình và nổi tiếng nhất về kiểu chối trâng tráo này là việc “quản chế” đức đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Quảng Ngãi.

Với vũ khí 31/CP, chế độ đã tấn công và bịt miệng hầu hết các tiếng nói công thẳng của thời đó: Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hộ, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, v.v…

Hiện nay, LHS 88 vẫn cung cấp cho các nhà lãnh đạo chế độ độc tài lời chối trâng tráo: “tại Việt Nam chỉ có tù hình sự chứ không có tù chính trị” khi bị thế giới hạch hỏi, tuy cả người hỏi lẫn kẻ trả lời đều biết sự vô giá trị của tuyên bố đó.

Nhưng dù sao đi nữa với vũ khí này, chế độ lại đang bịt miệng hàng loạt các nhà dân chủ thế hệ mới: Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Trần Quốc Hiền, Phạm Bá Hải, Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Nguyên Sang, v.v… và sắp tới đây các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn, và chị Phạm Thanh Nghiên.

Do đó, về mặt hiệu năng trấn áp, LHS 88 là vũ khí tương đương với 31/CP và cùng lúc cho chế độ tấm bình phong pháp quyền để ẩn núp.

Về mức khinh tởm của thế giới

Trước hết, kiểu nói dối “không có tù chính trị” không hề che mắt được ai. Nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế đã vạch trần những thực tế hiện nay. Nhà Nước đang đẻ ra đủ loại lực lượng "bảo vệ chính trị" trong mọi ban ngành, đoàn thể. Từ công an đến công xưởng, đến ngay cả các trường trung và đại học. Có người so sánh lực lượng này với loại cảnh sát tôn giáo trong mọi ngõ ngách xã hội và guồng máy cai trị của chế độ Taliban tại Afghanistan. Và khi những cán bộ bảo vệ chính trị đó bắt những người họ gọi là vi phạm, thì các nạn nhân không là tù chính trị thì là cái gì??? Nếu tại VN không có tù nhân chính trị thì đội ngũ bảo vệ chính trị dày đặc đó được dựng lên ngày một nhiều để làm gì?

Các nước từng tài trợ cho Nhà Nước CHXHCNVN cải sửa hệ thống luật pháp bao nhiêu năm nay, đặc biệt là 3 nước Bắc Âu, đã bày tỏ sự thất vọng là họ đã bị lừa, phí tiền vô ích. Họ phải đi đến kết luận không thể né tránh, đó là những người lãnh đạo CSVN không hề có thiện chí thực sự muốn có một Nhà Nước pháp quyền tại Việt Nam. Loại Nghị Định 31/CP chỉ đơn thuần được thay thế bởi những lỗ hổng cố ý như điều 79, điều 88, v.v. của Bộ Luật Hình Sự.

Nhưng có lẽ mức khinh tởm của thế giới lên đến cùng cực khi họ đọc các đoạn đạo đức giả và mâu thuẫn của chế độ trong cả 2 văn bản:

    * Nghị định 31/CP có điều khoản “Không áp dụng quản chế hành chính đối với người dưới 18 tuổi”, hay câu “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của ngưòi bị quản chế hành chính”. Thực tế cho thấy con em thơ dại của các nạn nhân quản chế hành chính đều chịu chung số phận với cha mẹ chúng. Và hiếm có nạn nhân nào được phép đi chữa bệnh.
    * Và ngay trong bản tuyên bố khai tử Nghị Định 31/CP, Bộ Ngoại Giao CSVN vẫn cố nói bất cần người nghe về “khía cạnh nhân đạo của nghị định 31/CP, là “nó ngăn chận những hành vi dẫn tới tội phạm” và “hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng”. Thế nhưng ở cuối bản tuyên bố lại cho biết, “nay hủy bỏ 31/CP “cho phù hợp với tình hình Việt Nam và chuẩn mực quốc tế”. Như thế nghĩa là Nhà Nước Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới cùng quyết định không còn nhân đạo như trước nữa chăng?
    * LHS 88 cũng không kém phần “đạo đức” khi mở đầu Bộ Luật Hình Sự người ta được biết mục tiêu của bộ luật này bao gồm cả các chủ đích “bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao.”, cũng như “bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội”. Thế giới khó hiểu tại sao “tính nhân văn” của các lãnh đạo CSVN lại khác thế giới đến vậy. Và lại càng không hiểu bồi dưỡng cho công dân “ý thức làm chủ xã hội” làm gì, để rồi trừng phạt, khi họ bày tỏ ý thức ấy. Các hình phạt được ghi rất rõ ràng, mà LHS 88 là một thí dụ.

Tương lai của LHS 88

Hiển nhiên, những người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CHXHCNVN dư biết sự khinh tởm của thế giới và mức độ lạc hậu của bình phong luật lệ mà họ đang ẩn núp. Cụ thể là trong tuyên bố hủy bỏ Nghị Định 31/CP năm 2006, chính họ biết mình đang đứng dưới chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, vào gần cuối năm 2006, 31/CP chỉ được công bố hủy bỏ vì nó là điều kiện để Quốc Hội Mỹ phê chuẩn qui chế Thương Mãi Vĩnh Viễn (PNTR) cho Việt Nam, để tổng thống Mỹ chịu đến dự Hội Nghị APEC tại Hà Nội, và để Việt Nam được vào Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (WTO). Chính vì thế mà tuyên bố hủy bỏ 31/CP không do Bộ Công An hay Văn Phòng Chính Phủ công bố, nhưng lại do Bộ Ngoại Giao Việt Nam tung ra. Và phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ được thông báo về sự việc này trước ngày công bố chính thức 2 tuần.

Nói cách khác, chỉ khi có hứa hẹn “tiền vào”, lãnh đạo Đảng mới đủ hứng thú leo lên chuẩn mực quốc tế. Còn không thì cả dân tộc cứ đứng dưới mức loài người văn minh, không sao cả!

Liệu dân tộc ta có kiên nhẫn chờ đợt “tiền vào” kế tiếp để hy vọng lãnh đạo Đảng sẽ bỏ LHS 88, xí xóa huề với các nạn nhân, và thay vào đó một lỗ hổng với tên khác không? Hay chính chúng ta sẽ lật ngược LHS 88 để tạo tối đa vấn đề cho lãnh đạo Đảng bằng các phương cách Đấu Tranh Bất Bạo Động, để tạo đủ áp suất buộc họ phải rút lại điều luật này. Một vài việc cụ thể như:

    * Dùng chính LHS 88 để kiện các quan chức Đảng và Nhà Nước về các phát biểu, hành động “chống lại Nhà Nước CHXHCNVN” của họ. Thí dụ mọi phát biểu chung chung về tham nhũng đều có thể được xem là “xuyên tạc” và “phỉ báng chính quyền nhân dân”, “gây hoang mang trong nhân dân”. Thí dụ quan chức cho phép in cuốn Ma Chiến Hữu cũng bị kiện theo LHS 88 vì đã “làm ra văn hóa phẩm chống Nhà Nước CHXHCNVN”.
    * Đòi các đại biểu quốc hội phải định nghĩa từng từ ngữ: “xuyên tạc”, “chiến tranh tâm lý”, “hoang mang”, v.v… và định rõ loại tài liệu nào thuộc loại “có nội dung chống Nhà Nước XHCNVN”. Đây là trách nhiệm làm luật của cơ quan Lập Pháp.
    * Khởi động phong trào thảo luận tự phát ngoài luồng để góp ý với Quốc Hội khai triển LHS 88, và cùng lúc để giúp toàn dân thấy rõ sự vô lý, lạc hậu, và gian ý phía sau điều luật này.

Và sau hết, không thể để các quan chức chế độ cứ làm ác rồi lại huề cả làng. Để chấm dứt hẳn tình trạng sản xuất hết thế hệ nạn nhân này đến đời nạn nhân khác, toàn dân Việt cần bắt đầu lập hồ sơ các tội ác và ghi thật rõ từng bàn tay bạo hành, từ kẻ ký lệnh bắt đến kẻ vung roi điện vào các nạn nhân.

Nhìn tiến trình vượt thoát độc tài của các nước cùng cảnh ngộ với chúng ta trong 15 năm qua trên khắp thế giới, và nhìn lại truyền thống của dân tộc Việt cũng như mức mục nát trong lòng chế độ độc tài tại Việt Nam hôm nay, chúng ta càng cần ra sức đẩy nhanh hơn nữa đến ngày chấm dứt các văn bản làm ô nhục quốc gia như 31/CP, LHS 88 và vĩnh viễn không để cho một “ông cọp” nào khác gây kinh hoàng trên đất nước. Các “ông cọp” trước đây chỉ còn trong ký ức dân tộc với sự nguyền rủa muôn đời.
Nguồn: Việt Tân
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 776 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0