UBND tỉnh Bình Định vừa ra quyết định đình chỉ phát hành sách về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vì "xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh".
Quyết định đình chỉ phát hành ngày 13/08 của UBND tỉnh Bình Định viết cuốn sách "Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng" có nội dung vi phạm Luật Xuất bản.
Đặc biệt, chương IV của cuốn sách với tựa đề "Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam" được nói "có những nội dung phản ánh không khách quan, xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh Việt Nam, xúc phạm những trí thức, nhạc sỹ khác và vi phạm quy định về xuất bản".
Sách "Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng" gần 500 trang của tác giả Ban Mai do Nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản cuối năm 2008.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị Cục Xuất bản xem xét xử lý vi phạm của Nhà xuất bản Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây về việc cho xuất bản cuốn sách.
Xuyên tạc lịch sử?
"Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng" là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Văn học Việt Nam, với đề tài "Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn" của Ban Mai, tức thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Thúy.
Chị đã bảo vệ thành công luận văn này năm 2006.
Tác giả cho rằng chị đã "hệ thống lại, đào sâu thêm, mở rộng hơn nữa, nhằm góp phần khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật ca từ Trịnh Công Sơn trong dòng văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn văn học".
Tuy nhiên chương IV, phần I, có tiêu đề: Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam của cuốn sách đã gây tranh cãi.
Chương này dành để nói về các sáng tác phản chiến của nhạc sỹ họ Trịnh.
Trong đó có những câu nhận định như : "Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi","Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt"...
Cuốn sách còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi: "Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua... Và chúng ta hãy tự hỏi: Thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?"
Quan điểm này đã bị nhiều người chỉ trích kịch liệt vì cho là "xuyên tạc" và "phi lịch sử".
Một bài báo đăng trên tờ Nhân dân khi công kích quan điểm lệch lạc của tác giả đã viết rằng cuốn sách "phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt".
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh năm 1963, hiện đang công tác tại Phòng Khoa học và Công nghệ, Đại học Quy Nhơn.
Chủ đề gây tranh cãi
Tuy qua đời từ năm 2001, tên tuổi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẫn thường được nhắc tới trong cuộc sống văn học-nghệ thuật ở Việt Nam.
Mới đây, một trong những người bạn của ông là họa sỹ Trịnh Cung đã gây nhiều tranh luận với bài viết rằng cố nhạc sỹ là người có "tham vọng chính trị".
Trong bài mang tựa "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị" ở trang mạng Damau.org hồi tháng Tư, ông Trịnh Cung cáo buộc "rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm Trịnh Công Sơn" thời kỳ sau 1975.
Theo ông Trịnh Cung, giai đoạn trước và sau 1975 chứng kiến hai con người khác nhau của nhạc sĩ.
"Không phải do anh muốn, mà do thời cuộc đã đẩy anh vào một cuộc sống không đẹp như trước 75. Dù là trước 75, anh đấu tranh cho ai, tôi vẫn thấy đó là thời gian sống rất đẹp, khác hoàn toàn giai đoạn sau này."
"Cuộc sống của anh sau 75 là của một người yếu đuối, chấp nhận để được vui."