Bản tin thời sự 19 giờ tối qua 19/8/09 trên VTV chắc lại sắp ‘hâm nóng’
các diễn đàn mạng về đề tài “cúi đầu nhận tội xin đảng khoan hồng”.
Sau
khi bị bắt chỉ vài ngày Ls.Lê Công Định đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ” này. Còn tối qua là đến lượt các anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Lê
Huỳnh Thức và Cựu sĩ quan quân đội Trung tá Trần Anh Kim.
Vừa ăn
cơm tối vừa theo dõi thời sự ‘lề phải’ một cách lơ đãng (vì chẳng hứng
thú gì vì), bỗng sự lên giọng của cô xướng ngôn viên ra vẻ khoe thành
tích “sớm đưa vụ án xâm phạm an ninh quốc gia ra xét xử” đã khiến tôi
quên cả chén bát chăm chú vào màn hình.
Chắc lại có chuyện
‘chẳng lành’ sắp đổ ập xuống đầu ai đó? chẳng nhẽ là vị này vị kia… còn
đang suy nghĩ lung tung thì đã thấy Thạc sĩ Tin học Nguyễn Tiến Trung
xuất hiện trên màn ảnh truyền hình và sau đó là đến lượt các anh Trần
Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim.
Tưởng rằng thêm ba nhân vật
chính còn lại của đợt bắt bớ vừa qua như vậy đã là đủ ‘ê-kíp’ để bản
tin khép lại, nhưng thật bất ngờ một lần nữa Ls.Lê Công Định cũng lại…
‘tái hiện’.
Nhưng khác với lần ‘nhận tội’ trước, lần này anh
chỉ xuất trong chốc lát nói dăm ba câu. Có vẻ như ý đồ của các đạo diễn
là muốn dùng Ls.Định, nhân vật ‘sáng giá’ nhất của cả nhóm đứng ra kéo
màn vở kịch ‘nhận tội’, rằng “những gì quí vị vừa nghe ba đồng phạm của
tôi nói đều là đúng sự thật cả đấy!”
Chưa kịp nghĩ ngợi về những
lời nhận tội này thì bỗng dưng tất cả đã trở thành ‘chuyện nhỏ’ khi tai
tôi nghe Ls.Định nêu đích danh nhiều nhân vật ngoại giao Mỹ mà anh có
quan hệ và còn nói rõ họ ủng hộ việc làm của anh kể cả Thứ trưởng thứ
nhất John D.Negroponte. Chuyện gì đang xảy ra trong quan hệ Việt-Mỹ?
Không
còn nghi ngờ gì nữa, việc ‘tố cáo’ người Mỹ ‘giật dây’ vụ này đó mới
chính là chủ đích của bản tin tối qua chứ không còn là chuyện nhận tội
xin khoan hồng.
Dẫu sao thì so với những thước chiếu Ls.Đinh hồi
tháng 6 nay cũng đã có khác. Lần ấy, việc anh vừa cầm giấy vừa đọc đã
bị dư luận đặt câu hỏi cho rằng anh bị ép phải đọc những gì do người
khác viết? Còn tối qua, màn trình diễn của 3 ‘diễn viên’ Tiến Trung,
Duy Thức và Anh Kim đã tỏ ra… ‘chuyên nghiệp’ hơn!
Cả ba người
không ai cầm bất cứ mảnh giấy nào nhưng có để ý mới thấy các nội dung
đều có chung một ‘công thức’: sau thuật các hoạt động ‘phạm pháp’ theo
trình tự thời gian, tất cả đều kết thúc bằng một câu nghe rất… ‘có hậu’
“xin nhà nước khoan hồng để được trở về cùng gia đình …”.
Anh Trần Huỳnh Duy Thức là người trình bày dài nhất, chiếm khoảng 1/3 thời lượng dài cỡ 15 phút của bản tin này.
Nhưng
sự ăn nói ‘trơn tru’ như thể diễn viên đóng kịch biết đâu sẽ lại khiến
thiên hạ đặt câu hỏi liệu họ phải học thuộc lòng trước khi ‘trả bài’?
Khách
quan theo tôi cũng không loại trừ khả năng này, hoặc ít nhất cũng là họ
phải thuộc được cái sườn bài được duyệt trước khi xuất hiện trước ống
kính.
Bởi có một chi tiết rất đáng chú ý là trong lúc Nguyễn
Tiến Trung ‘nhận tội’, các nhà quay phim đã cố tình quay cận cảnh hai
bàn tay không anh đang xoa đan vào nhau vài giây để trình chiếu cho
chúng ta xem.
Bàn tay Trung có gì đặc biệt để khiến mấy ‘bác’
quay phim phải chú ý? hay họ cho rằng chi tiết này là biểu hiện của tâm
trạng bối rối, và vì thế họ chộp lấy đưa ra cho khán giả thấy để họ tin
rằng sự ‘hối lỗi’ của Nguyễn Tiến Trung là có thật?
Theo chúng tôi thì qua cách nói năng từ tốn và mạch lạc của Trung có thể phủ nhận giả thuyết này.
Dường
như ý đồ chèn cảnh này vào là để muốn thanh minh cho lần ‘sơ xuất’ cầm
giấy đọc trước đây với Ls.Định, rằng quí vị thấy đấy chúng tôi có ép ai
đọc đâu, các anh ấy nhận tội đấy chứ!?
Quả là đáng khâm phục sự chu đáo của các nhà đạo diễn với màn trình diễn ‘nhận tội’ mà VTV vừa chiếu tối qua.
“Những thước phim này biết đâu sẽ đi vào lịch sử” chú em tôi sau khi xem xong đã buột miệng!
Riêng
tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao Csvn lại tạo cơ hội cho cả nhóm
thoải mái quảng bá dân chủ bằng chính phương tiện truyền thông của
đảng. Như việc đoạn Ls.Định nói về sự cần phải có sự độc lập của tòa án trong xét xử
mà bất cứ ai nghe cũng thấy là anh nói quá đúng. Hoặc anh Trần Huỳnh
Duy Thức công khai nói về thời ‘mạt vận’ của chế độ đã đến vào năm suy
(2010) và năm tận (2020) như trong các bài viết trên blog Trần Đông
Chấn v.v… rõ ràng toàn là những chuyện chẳng lợi lộc gì cho chế độ !
‘Thấy
thế, nghe thế, biết thế và xin… chấm hết’ theo chúng tôi đó là cách ứng
xử tốt nhất lúc này. Bởi ngay cả khi chúng ta đang được chút thoải mái
ngoài xã hội, gặp bao điều chướng tai gai mắt mà còn chưa dám nói lên
sự thật những gì mình suy nghĩ, thì trách chi người đang bị ngồi trong
tù !
Hãy lấy kinh nghiệm vụ tám giáo dân Thái Hà từng bị vu oan trắng trợn “cúi đầu nhận tội” ra mà suy xét sự việc.
Sàigòn, 20/8/2009