Thứ Năm, 2024-12-26, 7:17 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 25 » Nhục và sống nhục
11:31 PM
Nhục và sống nhục

Đinh Từ Thức

Chiều tối 19 tháng 8, 2009, thời gian đông khán giả nhất trong ngày, nhiều kênh truyền hình quốc doanh Việt Nam đã cùng lúc, giống như phát động một chiến dịch quan trọng, chiếu đoạn phim dài khoảng 15 phút, về mấy nhà vận động dân chủ mới bị bắt, và còn đang bị giữ, như Nguyễn Tiến Trung, Lê Cộng Định… thú nhận mình đã phạm pháp, tội chống chính phủ, hối tiếc và xin được khoan hồng. Việc xin khoan hồng này đã bị có người nghiêm khắc lên án là “thích sống nhục”. Nhân chuyện này, thử xét xem, trong số trên tám chục triệu người mang dòng máu Việt, ai nhục, ai không, và ai sống nhục?

Đáng chú ý đầu tiên là thời điểm phát tán đoạn phim nhận tội và xin khoan hồng. Chiều 19 tháng 8. Tuy nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức công bố ngày 2 tháng 9, nhưng ngày 19 tháng 8 của Việt Nam có giá trị tương đương với Ngày Độc lập của Mỹ mùng 4 tháng 7, và Quốc khánh của Pháp 14 tháng 7. Ngày kỷ niệm Cách mạng, hay ngày Độc lập của một nước, là thời gian dành để nhớ lại thành tích trọng đại của dân tộc trong lịch sử quốc gia.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản đã cướp được thời cơ, giành lấy quyền lãnh đạo “cuộc cách mạng long trời lở đất”, với sứ mạng giải phóng dân tộc, đem lại tự do dân chủ cho toàn dân. Trong cuộc cách mạng 64 năm trước, hàng ngàn, hàng triệu thanh niên từ Bắc chí Nam đã có cơ hội trực tiếp tham gia vào việc thay đổi một thể chế, với hy vọng thiết lập một thể chế tốt đẹp hơn.

Vào đúng ngày kỷ niệm này 64 năm sau, những thanh niên ưu tú của đất nước, thay vì được an nhàn hưởng thụ những thành quả của cuộc cách mạng năm xưa, họ vẫn phải dấn thân đòi tự do dân chủ, như cha anh họ đã làm. Nhưng kém may mắn hơn. Cha anh họ thoát được cảnh đàn áp của người ngoài. Họ bị chính những người cầm quyền nước mình, nhân danh cách mạng, nhân danh chính quyền của nhân dân đàn áp, thô bạo và dã man hơn thực dân. Họ bị bắt chỉ vì quan tâm tới tiền đồ của đất nước, bị áp bức đến nỗi phải chối bỏ chính mình, hối hận về những điều đã nói, đã làm. Họ bị điệu lên truyền hình, nhận tội và xin khoan hồng về những việc làm đáng lẽ phải được đề cao trong ngày kỷ niệm Cách mạng.

Hãy thử tưởng tượng: Ngày 4 tháng 7, truyền hình Mỹ; hay ngày 14 tháng 7, truyền hình Pháp; thay vì chiếu cảnh an bình thịnh vượng, dân chúng đi nghe hòa nhạc, coi pháo bông, vui hưởng Ngày Quốc khánh, lại chiếu cảnh những thanh niên ưu tú của đất nước bị công an bắt, tiều tụy, đọc như rô-bốt lời thú tội đã chống chính phủ, hay bàn thảo kế hoạch vận động tự do dân chủ, và xin được khoan hồng. Nếu tưởng tượng này là sự thật, ai nhục?

Nhưng chuyện này đã thực sự xẩy ra tại Việt Nam, vào chiều ngày kỷ niệm Cách mạng 19 tháng 8. Tại sao 64 năm sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, giới trẻ vẫn còn phải vào tù vì đòi hỏi những gì cha anh họ không có trước đây? Sau thời gian dài như thế, người dân vẫn còn khao khát, và chịu đựng những gì như người dân 64 năm trước. Vậy, những hy sinh cho cách mạng bằng cái chết của hàng triệu người, bằng hạnh phúc của ba bốn thế hệ, để làm gì? Ai nhục?

Cuộc Cách mạng 19 tháng Tám 64 năm trước đã đưa tới việc thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với ba mục tiêu sáng ngời: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Hơn sáu mươi năm sau, độc lập ở đâu khi tầu Trung Quốc đàn áp ngư dân của mình, trong hải phận của mình, mà chỉ dám gọi là “tầu lạ”; tự do ở đâu khi những kẻ chỉ trích chính quyền bị bắt và buộc tội phản quốc; hạnh phúc ở đâu khi dân chúng hết lớp này lớp khác liều chết bỏ nước ra đi? Ai nhục?

Đó là nói chung về chế độ. Sau đây là mấy trường hợp trong hàng ngũ lãnh đạo.

Theo những tiết lộ nhiều người đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn lấy vợ mà không được lấy, có con không được nuôi, người tình bị hạ sát dã man. Vậy mà vẫn sống đóng vai “Cha già Dân tộc”. Sống như thế, sống vinh hay sống nhục?

Các Tổng thống thứ hai và thứ ba của Hoa Kỳ là John Adams, và Thomas Jefferson, cả hai cùng qua đời vào ngày kỷ niệm thứ 50 nền độc lập Hoa Kỳ (4-7-1826). Là những người lập quốc, hai ông được coi như có vinh dự qua đời vào ngày kỷ niệm Độc lập. Chủ tịch đầu tiên Hồ Chí Minh, cũng là người đã sáng lập ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua đời vào ngày kỷ niệm Độc lập lần thứ 24 (2-9-1969). Nhưng đã bị Bộ Chính trị hoãn lại ngày chết, và sửa cả chức thư. Cố Chủ tịch chẳng những sống, mà chết cũng không vinh.

Xác Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay vì đem thiêu như ý muốn của người quá cố, đã bị Bộ Chính trị quyết định giữ lại, ướp và trưng bầy như một thứ bùa hộ mệnh cho tập đoàn cai trị. Đảng Cộng sản Việt Nam, sau hơn 70 năm thành lập, phung phí bao sinh mạng và tài sản nhân dân, vẫn không thể tự đứng vững bằng hai chân của mình. Vẫn phải gian dối, dựa vào một cái xác khô để tồn tại. Ai nhục? Ai sống nhục?

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với tư cách đứng đầu chính phủ, tất nhiên phải biết rõ phần đất nào, hải đảo nào thuộc lãnh thổ Việt Nam, vậy mà ngày 14 tháng 9, 1958, ông đã ký công hàm thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Trách nhiệm như ông, biết như vậy mà làm như vậy. Ai nhục? Ai sống nhục?

Vị thế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Việt Nam, chẳng kém gì Thiếu tướng Charles de Gaulle đối với Pháp. Sau khi cầm quân giải phóng đất nước, Tướng de Gaulle được hai lần mời ra cầm quyền lãnh đạo nước Pháp qua cơn nguy biến. Tướng Giáp, sau khi cầm quân chiến thắng Điện Biên, được Đảng cho “cầm quần chị em”. Rồi, nhiều lần phải gửi thư, kiến nghị về các vấn đề trọng đại, như phá di tích cổ thành Thăng Long, và khai thác bauxite. Nhưng kiến nghị cũng không được cứu xét, báo đăng lại còn bị trừng phạt. Như vậy là sống vinh, hay sống nhục?

Đương kim Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết bị báo chí quốc doanh thay đổi cả lời tuyên bố với báo chí nước ngoài, và trước lời cố vấn của một vị thiền sư nên mở rộng tự do tôn giáo và ngôn luận, đã giẫy nẩy: “Làm vậy nó đập tui chết!”, không cần biết làm vậy là đúng hay sai. Ông cũng từng tuyên bố trước yêu cầu chính đáng bỏ điều 4 Hiến pháp: “Bỏ điều 4 là tự sát!” Ở địa vị như thế, mà tuyên bố như thế, sống vinh hay sống nhục?

Đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, long trọng tự nhận mình là người yêu nhất sự thật và ghét nhất sự giả dối, nhưng cùng lúc bịa đặt rằng cấm tư nhân ra báo là theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Bịa đặt trong khi đề cao sự thật, là hai lần nói dối. Sống như vậy là vinh hay nhục?

Lối sống của các nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, dù sao cũng là tự mình chọn lựa ở ngoài đời, không phải dưới những áp lực ghê gớm của người trong tù, như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…

Bây giờ xin nói tới cuộc sống của một vài thành phần quan yếu trong xã hội.

Về giáo dục: Ai cũng biết “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau”. Nhưng hãy khoan nói tới việc thiếu trường, thiếu thầy, thiếu học liệu và sách giáo khoa giá trị, cũng như thiếu học trình tiến bộ, trong khi học sinh bị bắt buộc học những môn “trò không muốn học và thầy không muốn dậy”. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc mới ghi lại trong blog của mình trên VOA một mẩu thống kê lấy từ kết quả một cuộc điều tra mới đây: “Chỉ có 18% số hộ gia đình, 12% số trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, gần 37% số trạm y tế xã có và đang sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.” Sau 64 năm cách mạng, đa số mầm non tương lai của Tổ quốc vẫn chưa được sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Thành phần này đang sống vinh hay sống nhục?

Về an ninh: Dưới khẩu hiệu “Công an là bạn dân”, chế độ có thừa công an đi làm tiền dân, quấy nhiễu dân, theo dõi dân ngày đêm, ném phân và mắm thối vào nhà dân, phá nhà thờ, dẹp chùa, đả thương giáo dân và tu sĩ, nhưng thiếu nhân viên bảo vệ an ninh, canh chừng trộm cắp và duy trì trật tự công cộng. Sống như thế là vinh hay nhục?

Về thông tin báo chí: Thời Cách mạng Pháp, báo chí là thế lực thứ tư sau giới quý tộc, tăng lữ và tư sản; thời bây giờ báo chí là quyền thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngày 16-6-04, tại Hà Nội, trong buổi giao ban báo chí hằng tuần ở Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 79 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6): “Hơn bao giờ hết, các nhà báo lúc này phải thể hiện sự nhất trí cao với những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối của Ðảng và Nhà nước…” Hơn chục ngàn nhà báo của 700 cơ sở thông tin báo chí, có bao nhiêu người được sống vinh, và bao nhiêu “thích sống nhục”?

Về văn học nghệ thuật: Đối với giới làm văn học nghệ thuật, tự do quan trọng như dưỡng khí. Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/T.Ư về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Có những điểm sau:

Mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Quan điểm lãnh đạo: Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hoàn thành cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Ðảng về văn học, nghệ thuật…

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì: Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học, nghệ thuật cho học viên trong hệ thống các trường chính trị.

Giới văn học nghệ thuật cúi đầu trước cuộc sống như vậy, là sống vinh hay sống nhục?

Về khoa học-công nghệ: Khoa học-công nghệ là lãnh vực chuyên môn, tưởng  được ở ngoài vòng cương tỏa của Đảng. Nhưng có lẽ bài học bauxite đã khiến nhà cầm quyền cộng sản quyết định bịt miệng cả giới khoa học. Quyết định 97/2009/QĐ-TTg được Thủ tướng Dũng ký hôm 24/07 và bắt đầu có hiệu lực ngày 15/09 quy định: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.

Với quyết định này, nếu giới khoa học công nghệ cam chịu bịt miệng, là lựa chọn sống vinh hay sống nhục?

Nói chung: Những ai mang trong người dòng máu Việt Nam, có thấy nhục không trước những nguồn tin trẻ em, thiếu nữ Việt bị bán ra nước ngoài cho các ổ điếm; những thanh niên phải chạy tiền ra nước ngoài làm cu li bị đầy đọa, bóc lột; những phụ nữ đi Đài Loan, Đại Hàn tiếng là lấy chồng ngoại để có cuộc sống khá hơn nhưng đã bị hành hạ đến chết, hay phải tự tìm cái chết để khỏi bị tiếp tục kiếp nô lệ tình dục; người Việt nhập lậu vào Anh, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển bị bắt về tội trồng cần sa; phi công và tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt ở Nhật, ở Đức, ở Úc, ở Thái vì buôn lậu và chở hàng ăn cắp; nhân viên ngoại giao cao cấp Việt Nam trao đổi hàng lậu ngay trước đại sứ quán mình tại Nam Phi; giới tiểu thương Việt bị chèn ép, khinh rẻ và hành hung tại Nga. Được biết những điều này mà không cảm thấy nhục, thì có còn là người Việt Nam? Thấy nhục mà không làm, không nói gì, tiếp tục sống như người vô cảm, có phải là thích sống nhục?

*

Thời gian gần mười năm sau Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản đã tạo được thành tích làm cho những người nông dân chất phác tự tố cáo mình về những tội tầy trời, và xin khoan hồng trước dân chúng trong làng. Năm nay, thành tích mới của Đảng là có khả năng làm cho những trí thức xuất sắc như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung tự thú tội và xin khoan hồng như những nông dân trong cuộc cải cách ruộng đất năm xưa, không phải chỉ trong lãnh vực nhỏ hẹp trước dân làng, mà trên nhiều kênh truyền hình cho cả nước và thế giới cùng xem. Đó là thành quả chính của Đảng, được nêu cao trong ngày kỷ nệm Cách mạng lần thứ 64.

Những người như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, nếu “thích sống nhục”, họ chỉ cần im lặng sống như mọi người khác. Họ là những người có khả năng, từng du học nước ngoài, có thể làm giầu ở Việt Nam hay ra ngoại quốc sống an nhàn. Chỉ vì cảm thấy nỗi nhục trước thời cuộc, chỉ vì không muốn sống nhục, họ đã phải dấn thân hoạt động. Dù trong tình huống nào, họ và những người cùng hội đồng thuyền không phải là những người không biết nhục và thích sống nhục. Chính cái chế độ, cái cơ chế, những kẻ đã nhân danh tự do dân chủ làm cách mạng rồi quay lại đàn áp họ, phải chịu sự nhục nhã và sống trong nhục nhã.

Bộ Chính trị và gần ba triệu Đảng viên cộng sản, nếu vẫn tiếp tục cuộc sống mà không tỏ dấu hiệu ray rứt, không phải họ được miễn trừ khỏi sự nhục nhã tập thể, mà họ thuộc thành phần đáng thương. Một là vì cơm áo phải ngậm miệng buông xuôi sống với nỗi nhục của mình, hai là quá u tối không nhận ra nhục nhã.

Với tám chục triệu dân còn lại, dù ở trong nước hay ngoài nước, thay vì chỉ mặt chê người khác sống nhục, nên cùng nhau tìm cách sớm thoát khỏi nỗi nhục chung.

© 2009 Đinh Từ Thức

Nguồn: talawas blog
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 727 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0