Chủ Nhật, 2024-11-24, 8:18 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tám » 29 » Dùng tiền dân củng cố đảng
8:19 AM
Dùng tiền dân củng cố đảng

Ngô Nhân Dụng

Marx và Engels đã lên án đồng tiền, coi đó chỉ là một khí cụ để giai cấp thống trị tư bản bóc lột giai cấp vô sản bị trị. Cho đến thập niên 1970, nhiều người cộng sản ở Âu Châu vẫn còn nuôi giấc mộng loài người sẽ tiến tới một xã hội không cần đến tiền tệ. Khi đó, mọi người đều làm việc cho guồng máy sản xuất chung mà không cần lãnh lương. Mỗi khi ai có nhu cầu nào thì cứ việc tới các cửa hàng chung, lấy về nhà sử dụng (Un Monde sans Argent: Le Communisme; Paris, 1975).



Các đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam hiện nay trên lý thuyết vẫn theo chủ nghĩa Marx-Engels, nhưng họ học ngược lý thuyết của hai ông thầy. Bài học mà hai nhà tiên tri này dạy cho họ là: Ðồng tiền là một khí cụ để giai cấp thống trị bóc lột đám dân bị trị. Họ áp dụng ngay phương pháp này, để củng cố quyền lực và quyền lợi của quý ngài lãnh tụ đảng đang ngồi giữ các chức vụ trong guồng máy hành chánh và kinh tế.

Năm ngoái khi kinh tế thế giới rơi vào cơn khủng hoảng, chính phủ Bắc Kinh đã dùng 4,000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 585 tỷ Mỹ kim, bằng 14% tổng sản lượng nội địa năm đó) gọi là để kích thích nhu cầu trong nền kinh tế, cũng giống như các kế hoạch kích thích ở các nước Âu Mỹ. Chương trình ở Trung Quốc bắt đầu từ Tháng Mười Một, năm 2008, đến nay đã đưa tới một hậu quả là nó làm trì hoãn việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế, có khi còn quay chiều đi ngược lại. Vì số tiền trên được dùng nuôi nấng các doanh nghiệp nhà nuớc, tiêu tiền vào những việc phí phạm trong khi chèn ép các xí nghiệp tư nhân cho họ bị khó khăn hơn. Ở Trung Quốc thế nào thì Việt Nam chắc cũng không khác, vì ít khi thấy Hà Nội có sáng kiến nào khác với đường lối của Bắc Kinh. Chính các chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc đã nêu lên nhưng hậu quả trên, chứ không phải do “các thế lực thù nghịch” nào cả.

Giáo Sư Vương Nhất Giang (Wang Yijiang) thuộc Viện Ðại Học Thương Mại Trường Giang (Cheung Kong), Bắc Kinh, nói rằng “Chương trình kích thích kinh tế đã khiến cho cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc càng mất cân bằng hơn.” Cảnh mất cân bằng trầm trọng hơn là số tiền kích thích được dồn cho các doanh nghiệp nhà nước, còn lãnh vực tư nhân bị bỏ rơi. Sau 30 năm cải cách kinh tế, đây là lần đầu tiên tỷ lệ hoạt động trong lãnh vực tư doanh giảm xuống thay vì tăng lên. Mà chính các xí nghiệp tư nhân cung cấp ba phần tư số công việc làm cho giới lao động Trung Quốc.

Ở các nước theo kinh tế thị trường, các ngân hàng chỉ cho vay khi thấy xí nghiệp xin vay có lời và dự án sử dụng tiền vay có triển vọng sinh lợi. Ở Trung Quốc thì ngược lại. Trong sáu tháng đầu năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã đem một số tiền khổng lồ cho các xí nghiệp vay qua các món nợ mới: 7370 tỷ nhân dân tệ, gấp ba lần số nợ mới trong nửa đầu năm 2008, vượt cao hơn mục tiêu của cả năm. Ngân hàng NBP Paribas tính số nợ mới này lớn bằng 45% tổng sản lượng nội địa và nhận xét chưa có một hệ thống ngân hàng nước nào đã bơm nhiều tiền vào nền kinh tế như vậy.

Theo Royal Bank of Scotland thì các xí nghiệp vay được tiền rồi không dùng hết, đã đem 20% mua cổ phiếu và 30% dùng vào việc mua hoặc xây dựng nhà cửa mới, và các vụ đầu tư không sản xuất. Hai thị trường cổ phần và thị trường địa ốc lên cơn sốt báo động chính quyền Bắc Kinh, họ phải ra lệnh các ngân hàng “tốp” lại. Nhưng các quan chức lãnh đạo từ xí nghiệp đến ngân hàng đều đã có dịp bỏ túi rồi. Từ Tháng Mười Một năm ngoái đến đầu Tháng Bảy, giá chứng khoán đã tăng 64% trước khi tụt xuống 14% trong ba tuần lễ đầu Tháng Tám sau khi nghe tin lệnh ngưng cho vay.

Khi ngân hàng của đảng đem tiền cho các doanh nghiệp nhà nước do đảng kiểm soát, không những khiến cho các xí nghiệp tư nhân không thể cạnh tranh với xí nghiệp nhà nước; mà còn giúp các cán bộ có dịp tấn công bỏ tiền ra mua các xí nghiệp tư bị yếu để đưa chúng vào trong vòng kiềm tỏa của họ. Một vụ “tấn công” đang được cả nước Trung Hoa và giới kinh doanh nước ngoài chú ý là công ty Sắt Thép của tỉnh Sơn Ðông đang hiến giá mua công ty sắt thép tư Rizhao (Nhật Chiếu), đẩy người làm chủ nhiều cổ phần nhất của công ty tư này xuống hàng cổ đông thứ yếu.

Năm ngoái công ty Rizhao được ước tính trị giá 30 tỷ nguyên. Trong 6 tháng đầu năm nay Rizhao khai có lời 1.8 tỷ nguyên trong khi Sơn Ðông khai lỗ 1.3 tỷ. Nhưng nay Sơn Ðông đang đề nghị trả 16 tỷ nguyên để làm chủ 2 phần ba cổ phần trong Rizhao, phần còn lại để cho ông Ðỗ Song Hoa là chủ nhân đa số cũ, là người đã từng được xếp hạng giầu thứ nhì ở Trung Quốc. Ông Hoa đã tính kế “thoát xác” bằng cách chia một nửa quyền sở hữu cho một công ty ở Hồng Kông, do một thân nhân của ông Hồ Cẩm Ðào làm chủ; nhưng việc không xong.

Nếu cuộc tấn công này thành công, nội trong tuần tới sẽ biết, thì ông Ðỗ Song Hoa (Du ShuangHua) vẫn có thể coi là may mắn. Vì năm ngoái, người được mô tả là giầu nhất Trung Quốc đã biến mất một cách bí mật khiến các cổ phiếu của công ty Gome trên thị trường Hồng Kông phải ngưng mua bán, trước khi có tin của cảnh sát nói ông ta bị bắt về tội gian lận chứng khoán. Chủ nhân công ty Gome về điện khí và khí cụ điện tử là Hoàng Quang Dục (Huang GuangYu) có tội lớn nhất là đã làm ăn khá giả ngoài vòng kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Hiện tượng các doanh nghiệp nhà nước lấn bước và mua chiếm các xí nghiệp tư nhân được báo chí Trung Quốc gọi là “quốc tiến dân thoái,” (guo jin min tui). Chính phủ Bắc Kinh vẫn nói họ không hề có một chính sách bành trướng lãnh việc quốc doanh để lấn áp lãnh vực tư doanh. Nhưng nhân cơ hội kinh tế thế giới khủng hoảng và dùng các món tiền “kích thích” của nhà nước cộng sản, các xí nghiệp quốc doanh đang lấn chiếm quay ngược kim đồng hồ của chương trình tư nhân hóa đã thi hành từ thời Ðặng Tiểu Bình. Với số tiền khổng lồ mà các ngân hàng của đảng có thể đưa cho các xí nghiệp của đảng vay, các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nuớc được cơ hội “vùng lên.” Những nhà tư doanh, là “lực lượng sản xuất tiên tiến” theo lối nói của đảng Cộng Sản, đã được mời gia nhập hàng ngũ đảng viên sau khi họ sửa cương lĩnh; nhưng vẫn chưa làm hài lòng giai cấp thống trị. Vì đại đa số các cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhà nuớc nằm trong nhưng “đại gia đình” của các lãnh tụ, họ chia nhau địa vị trong các xí nghiệp công lớn. Và họ biết chắc là họ không thể cạnh tranh với các xí nghiệp tư trên một sân banh bằng phẳng, dù các chủ nhân xí nghiệp tư đó có gia nhập đảng cộng sản cũng chẳng có lợi gì cho họ. Cho nên, nếu có dịp là họ dùng tiền của nhà nước, dùng quyền hành nhà nước trao cho, để làm nghiêng sân chơi về phía có lợi cho họ! Chương trình kích thích kinh tế là một cơ hội bằng vàng để “quốc tiến dân thoái.”

Nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục con đường này, nền kinh tế cả nước sẽ bị níu kéo trở lại tình trạng kém hiệu năng; vì trong 30 năm qua các xí nghiệp tư là khu vực hoạt động mạnh nhất, tạo nên nhiều công việc làm cho dân nhất.

Một chuyên gia kinh tế cao cấp trong chính quyền Bắc Kinh cũng lên tiếng cảnh cáo việc sử dụng tiền kích thích kinh tế không đúng. Ông Dư Vĩnh Ðịnh (Yu YongDing), từng làm trong Ủy Ban Tiền Tệ của Ngân Hàng Nhân Dân (tức ngân hàng trung ương Trung Quốc) viết trên nhật báo Financial Times trong tuần này, báo động rằng chương trình kích thích kinh tế đang kéo dài tình trạng thiếu cân bằng trong cơ cấu kinh tế quốc gia. Sự phát triển trong các năm qua dựa quá nhiều trên số gia tăng đầu tư vào cơ sở sản xuất tạo nên cảnh dư thừa không dùng tới, nay chuyển sang hạ tầng cơ sở mà vẫn không được đưa vào lãnh vực tiêu thụ. Có 89% số tiền kích thích đem dùng trong các dự án hạ tầng cơ sở (xa lộ, thiết lộ, phi trường) mà chỉ có 8% được dùng kích thích tiêu thụ. Trong khi đó, số tiêu thụ ở Trung Quốc đã quá thấp so với các hoạt động kinh tế khác. Người dân tiêu thụ bị hy sinh cho các doanh nghiệp nhà nước dùng tiền đi vay vào các dự án không chắc có lời, mà không biết trong tương lai có thể trả nợ được hay không.

Ông Dư Vĩnh Ðịnh viết, “Tiền kích thích đã làm cho tình trạng dư thừa khả năng sản xuất đã nghiêm trọng càng trầm trọng hơn, trong khi tiền đem cho lại được dùng để thổi cho quả bong bóng chứng khoán phồng lên nguy hiểm.” Ông cho biết số tiền đầu tư vào cơ sở và thiết bị đã tăng 36% so với năm ngoái, và đưa tỷ lệ của hoạt động đầu tư lên 50% tổng số GDP. Trong khi đó, người dân Trung Hoa tạo ra được 100 đồng của cải thì chỉ được tiêu thụ 35 đồng, tỷ lệ thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, so với ở Mỹ là 70 đồng hay ở Ðức là 60 đồng.

Ở nước Mỹ, khi chính quyền Obama đưa ra chương trình kích thích kinh tế gần 800 tỷ Mỹ kim, nhiều đại biểu Quốc Hội đối lập đã chỉ trích rằng nhiều món tiền trong số đó được đem vào những hoạt động kích thích dân tiêu thụ mà chỉ nhắm thực hiện nhưng chính sách của đảng Dân Chủ, thí dụ như nghiên cứu nguồn năng lượng mới và bảo vệ môi trường. Nhưng có một chính phủ Mỹ nào dám dùng tiền của dân đóng thuế để kích thích riêng cho các cán bộ kinh tế của mình có thể làm giầu thêm. Vì một nước có báo chí tự do và Quốc Hội độc lập không cho phép chính quyền làm như vậy.

Ở Trung Quốc thì rõ ràng nhưng số tiền do chính phủ đem kích thích kinh tế chỉ nhắm làm giầu cho các cán bộ quốc doanh. Ở Trung Quốc không ai đặt câu hỏi tại sao lại dùng tiền đóng thuế của dân như vậy. Vì không ai dám nói đó là tiền của dân. Nhiều người nghĩ đó là tiền của đảng Cộng Sản, họ muốn làm gì thì làm! Phải có các nhà kinh tế phân tích cho người dân thấy tiền đóng thuế của họ được đem dùng cho ai hưởng!

Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm đúng việc mà Marx và Engels kết tội giai cấp tư bản khi xưa. Là dùng tiền bóc lột của dân lao động để củng cố địa vị và quyền lợi giai cấp thống trị! Cộng Sản Việt Nam cũng đang theo từng bước chính sách của đảng đàn anh, nhưng chưa thấy trong nước có tờ báo nào dám nói lên nhưng lời cảnh cáo như các ông Dư Vĩnh Ðịnh và Vương Nhất Giang đã làm! Nếu Marx và Engels sống trong thời này chắc hẳn họ phải viết một bộ sách “Tư Bản Nhà Nước Ðộc Quyền” để hô hào người dân lao động đứng lên làm cách mạng!
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1077 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Tám 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
      1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0