Trong
thời gian gần đây, dư luận Việt Nam trong và ngoài nước đã xôn xao bàn
tán về vụ việc thường được gọi là 'nhận tội, xin khoan hồng' của một số
các nhân vật tranh đấu cho dân chủ mà giới hữu trách Hà Nội cho công bố
trên báo chí và đài truyền hình. Song song với việc bày tỏ sự bất mãn
đối với việc mà họ gọi là sự trấn áp ngày càng tăng của chính phủ Việt
Nam, một số nhà tranh đấu cho nhân quyền dân chủ cũng lên án việc Hà
Nội dựa vào vụ việc này để đả kích Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi thêm một
số các chi tiết sau đây với Duy Ái.
| Ðoạn video có tựa đề 'Những con rối chính trị ngông cuồng và ảo vọng' trên trang web của báo Nhân Dân
| Hôm
20 tháng 8 vừa qua, hai ngày sau khi Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng đến thăm
Tây Nguyên và tuyên bố xúc tiến dự án khai thác bô xít mà nhiều người
chống đối, nhật báo Nhân Dân của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã công bố một
đoạn phim video dài hơn 20 phút để nói về việc mà họ cho là các ông
Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, và Trần Anh Kim
'nhận tội và xin khoan hồng'.
Trong phần bình luận đi kèm, đoạn
video có tựa đề 'Những con rối chính trị ngông cuồng và ảo vọng', cho
biết Luật sư Lê Công Ðịnh 'nói rõ 8 phương thức mà chính phủ nước ngoài
vận dụng là nhằm thực hiện các chính sách tác động vào định hướng phát
triển của Việt Nam - đó là cổ vũ dân chủ nhân quyền theo kiểu phương
Tây và dân chủ hóa nền chính trị đa đảng tại Việt Nam'. Bài bình luận
viết thêm rằng 'rõ ràng chính sách cây gậy và củ cà rốt vẫn là phương
châm hành xử của các thế lực thù địch trong quan hệ quốc tế, cho dù nó
được thực thi bằng biện pháp nào -- bằng bom đạn, hay bằng sóng phát
thanh, internet; bằng học bổng hay bằng cấm vận; bằng xoa dịu hay gây
sức ép'.
Tuy bài bình luận không nêu đích danh Hoa Kỳ nhưng rõ
ràng lời đả kích này là nhắm vào Washington, và theo nhận xét của nhiều
người thì đây là lời chỉ trích Hoa Kỳ dữ dội nhất của Hà Nội trong hơn
10 năm qua, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Khi
được hỏi về lời đả kích này, một nhân vật kỳ cựu trong giới tranh đấu
cho dân chủ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho biết ý kiến như
sau.
Tiến sĩ Giang nói: "Việc đó phản ảnh một sự gay cấn, bối
rối ở bên trong nội bộ; và họ muốn che lấp những cái lủng củng đó, muốn
trấn áp lẫn nhau, bằng cách đẩy những cái đó ra bên ngoài. Trước mắt là
họ đẩy vào nhân dân Việt Nam, đẩy vào những người đối lập, những người
dân chủ để lu mờ hết. Lâu nay có còn thấy nói gì đến chuyện tham nhũng,
về chuyện nhân dân bất mãn vì chênh lệch giàu nghèo đâu. Các phương
tiện truyền thông báo chí mặc sức đổ tội lên những ngươi dân chủ là
hoạt động chống phá nhà nước. Ðấy là một cái cách. Nay, bài báo của tờ
Nhân Dân lại tệ hơn nữa là đẩy cái đó lên đầu của Hoa Kỳ. Tôi cho rằng
việc này là hoàn toàn không đúng thực tế."
Tiến sĩ Nguyễn Thanh
Giang đã cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt Ngữ
VOA hôm thứ ba, một ngày trước khi giới hữu trách Hoa Kỳ chính thức
than phiền về lời tố cáo mà phía Việt Nam đưa ra trong đoạn phim gọi là
'nhận tội' của những nhân vật bất đồng chính kiến. Trong cuộc họp ở Hà
Nội hôm thứ tư nhân dịp nhậm chức được 2 năm, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam
ông Michael Michalak nói rằng ông cảm thấy 'khó chịu' về điều mà ông
nói là 'sự mô tả tiêu cực của Việt Nam đối với những nỗ lực của Hoa Kỳ
tại Việt Nam'.
Cũng trong ngày thứ ba, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế,
một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở Sài Gòn, nói rằng lời đả kích
cho rằng các nhân vật tranh đấu cho dân chủ là tay sai của Hoa Kỳ nhằm
chống phá lật đổ nhà nước Việt Nam là một mưu toan của Đảng Cộng Sản
Việt Nam nhằm lợi dụng tinh thần dân tộc của người Việt để củng cố
quyền cai trị độc tài.
Bác sĩ Quế cho biết: "Theo tôi, Hà Nội
muốn dựng lại cái mâu thuẫn dân tộc-ngoại bang. Ðây là cái mâu thuẫn mà
Hà Nội đã khai thác thành công trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và
sau này giương chiêu bài 'chống Mỹ cứu nước'. Thế nhưng hôm nay cục
diện chíng trị thế giới đã hoàn toàn khác hẳn. Chiến tranh Lạnh không
còn nữa và Hoa Kỳ cũng như các nước khác trở lại Việt Nam thì hoàn toàn
khác trước. Chỉ có tính cách về kinh tế, thương mại, văn hóa, và phát
triển chứ không phải như trong hai cuộc chiến tranh nữa."
Giáo
sư Vũ Tường, một chuyên gia về chính trị Á Châu của Đại học Oregon, cho
biết ông thường đọc những lời đả kích nặng nề hơn trên các báo Công an
Nhân dân, Quân đội Nhân dân mỗi khi quốc hội Mỹ thông qua dự luật nhân
quyền cho Việt Nam hay khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoặc tổ chức Human
Rights Watch công bố báo cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền Việt
Nam. Tiến sĩ Vũ Tường cũng cho rằng lời đả kích của Hà Nội là 'một thủ
đoạn tuyên truyền quen thuộc để dân chúng coi thường những người chống
lại nhà nước'.
|