Trần Viết Hoài
Theo
một thông tin cho đến nay vẫn chỉ được phổ biến bởi báo chí Nhà Nước
Việt Nam, thì Đại Sứ của Việt Nam tại Ý Đại Lợi đã hội kiến hôm
22/8/2009, với một giám mục và đã trao đổi với nhau về diễn biến gần
đây nhất về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Việc tiết lộ tin tức này,
tuy rằng có hơi chậm trễ, đã xảy ra trong một khung cảnh khá đặc biệt
tại Việt Nam. Từ mấy ngày qua, chính quyền tìm mọi cách để đặt các linh
mục và giáo dân có liên quan đến các vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà ở Hà Nội
và gần đây nhất là vụ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, vào vị thế chống
lại những huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng như của Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau chuyến công du thị sát các công trình khai
thác quặng bô-xít tại Tây Nguyên, Thủ Tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng
đã dình dang tới thăm vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục tại Đà Lạt; ít ngày
sau, báo chí Nhà Nước đã tung ra một chiến dịch tấn công mạnh mẽ các
linh mục và tu sĩ dấn thân trong các phong trào đòi lại tài sản giáo
hội, tiếp nối những vụ việc xảy ra hồi năm ngoái và trong năm nay.
Tin
tức về cuộc gặp gỡ giữa đại diện Việt Nam và Vatican, cho đến nay, chưa
có sự xác nhận của Rôma. Nó đã được công bố qua một bản thông cáo của
Bộ Ngoại Giao Việt Nam (1). Bản tin tóm lược cũng được hãng thông tấn
Nhà Nước (Thông Tấn Xã Việt Nam) phổ biến bằng tiếng Việt, tiếng Anh và
tiếng Pháp (2). Một số lớn báo chí Nhà Nước trong hai ngày 27 và 28/8
cũng đăng tải (3). Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Rôma giữa Đại Sứ Việt Nam
tại Ý Đại lợi, Đặng Khánh Thoại, và Đức Cha Ettore Balestrero, thứ
trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, mới được chỉ định trước đó 5 hôm vào chức
vụ này. Theo bản thông cáo, Đại Sứ nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam đã
tạo thuận lợi cho các giám mục trong việc thăm viếng ad limina vừa qua
cũng như tổ chức năm thánh sắp tới. Ông ta còn tuyên bố với vị giám mục
Rôma rằng những huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI ban cho các
giám mục Việt Nam khi ngài tiếp kiến các vị hồi tháng 6 vừa qua đã nhận
được sự đồng tình của chính quyền Việt Nam. Vẫn theo bản tin trên,
người đối thoại của Rôma đã trả lời bằng cách nhắc lại sự mong muốn của
Vatican muốn mở rộng quan hệ với Nhà Nước Việt Nam.
Bốn ngày
trước cuộc gặp gỡ nói trên, ngày 18/8 vùa qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã thực hiện chuyến công du thị sát trên vùng Cao Nguyên miền
Trung. Ông phải xem xét tình trạng các công trình khai thác quặng
bô-xít đã bắt đầu khởi công mới đây bởi độc nhất các công ty Trung
Quốc. Các công trình này đã dấy lên một sự chống đối dữ dội của giới
trí thức, khoa học và tôn giáo trong quần chúng nhân dân. Sau cuộc thị
sát này và sau khi tung ra một thông cáo nói rằng ông ta rất hài lòng
về việc bảo vệ môi trường, người cầm đầu chính phủ đã tới thăm viếng
giám mục Đà Lạt, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục. Không một thông tin nào về
nội dung cuộc gặp gỡ được tiết lộ, nhưng, ngay từ chiều ngày 18/8, hình
ảnh của Thủ Tướng và của Giám Mục giữa các trẻ em người dân tộc tươi
cười đã được tung ra rộng khắp trên đài truyền hình Nhà Nước VTV1. Việc
quảng cáo không hợp thời cho cuộc viếng thăm đột xuất này đã gây ngạc
nhiên và lo lắng trong giới Công Giáo. Thêm vào đó, chỉ ít hôm sau,
ngày 24/8, những điều cáo buộc dữ dằn hiếm thấy đã được tung ra trên
các phương tiện truyền thông Nhà Nước chống lại người Công Giáo và đặc
biệt là các linh mục, tu sĩ đã dám bộc lộ công khai quan niệm của mình
trong các vụ việc mới đây tại Hà Nội và Vinh. Một bài báo đăng trên tờ
VietnamNet bắt đầu trích dẫn dài dòng và đảo lộn những huấn dụ mới đây
của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đọc trước các giám mục Việt Nam tới
thăm viếng Rôma. Bài báo nhấn mạnh rằng huấn dụ của Đức Giáo Hoàng hoàn
toàn phù hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam đối với tôn giáo.
Ngược lại, theo tờ báo, các vụ việc gần đây dẫn đến các linh mục và
giáo dân có những hành động đi ngược lại huấn dụ của Đức Giáo Hoàng và
hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục. Những lời cáo buộc do báo chí tung ra
mang tính chất trầm trọng. Họ tố cáo những người này đã xúi dục giáo
dân lật đổ chính quyền đương thời. Và họ đòi hỏi phải có những hình
phạt nghiêm khắc.
Cũng nên nhắc là, nếu báo chí Nhà Nước tự hào
đồng tình với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng và những hướng dẫn của các
Giám Mục Việt Nam, thì họ đã không hề đả động gì đến hai văn bản của
Hội Đồng Giám Mục về các vụ việc mới đây. Đó là "Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay"
được công bố hồi tháng 9/2008, và "Nghĩ về giải pháp cho những xung
đột" (5) mới được phổ biến. Hai văn bản này yêu cầu không nên coi những
cuộc phản đối như là phạm pháp mà phải coi như là sự bắt đầu của đối
thoại.
Chắc chắn trong những ngày tháng trước mặt, lãnh đạo đảng
và nhà nước CSVN sẽ tiếp tục tìm mọi cách tạo hỏa mù và gieo ấn tượng
như đang có sự bất đồng ý kiến giữa Vatican và các giám mục Việt Nam.
Đòn phép này được xử dụng để mong làm suy giảm làn sóng hậu thuẫn mạnh
mẽ của khối giáo dân hiện nay và để chuyển hướng dự luận ra khỏi cốt
lõi của vấn đề, đó là số tài sản đã cướp làm của riêng nay phải hoàn
lại cho giáo hội Công Giáo và các giáo hội khác trên đất nước Việt Nam.
Theo bản tin của Eglises d’Asie ngày 28.08.2009 của Đức Cha Jean Maïs
Trích dẫn: (1) http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns090827181850 (2) Xem Vietnam Net et Hanoi Moi ngày 24.8.2009. (3) Xem Vietnamplus, 28.8.2009. (4) Xem EDA 492 (5) Xem bài viết phổ biến ngày 24.8.2009 bởi Eglises d’Asie. Nguồn: Việt Tân
|