Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-02-17
Đúng 34 năm về trước, ngày 17 tháng Hai năm 1979 Trung Quốc xua
quân tấn công Việt Nam trên toàn biên giới phía Bắc và chiếm giữ các
tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và một số thị trấn dọc biên giới.
AFP PHOTO
Quân đội Việt Nam tại cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979, ảnh chụp hôm 23-02-1979.
Theo tướng Ngũ Tu Quyền của Trung Quốc thì Việt Nam thiệt hại 50 ngàn
bộ đội còn Trung Quốc chết tại chiến trường là 20 ngàn. Trong khi đó sự
thay đổi trầm trọng trong cách ứng xử của chính quyền VN đối với những
chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên thùy đang gây bức xúc cho
người trong cuộc và buộc họ phải lên tiếng.
Mặc Lâm phỏng vấn Thiếu tướng Lê Duy Mật nguyên Phó Tư lệnh - Tham
mưu trưởng Quân khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang để biết thêm
nguyện vọng của một tướng lĩnh trong vấn đề gay gắt này.
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng, chúng tôi được biết là ông cùng
với bốn vị nữa đã ký tên vào một kiến nghị có tên là "Kiến nghị 5 điểm”
nhằm đánh động việc cuộc chiến biên giới phía Bắc có thể bị bỏ quên, xin
ông cho biết kiến nghị đã được gửi tới đâu và có bất cứ phản hồi nào
hay không ạ?
TT Lê Duy Mật: Tôi đã có thơ cho ông Lê Hồng Anh, cho tất cả.
Thí dụ như Chủ tịch, rồi Quốc hội, Chính phủ, Ban bí thư, thường trực
Ban bí thư. Tôi có biên thư riêng cho Lê Hồng Anh. Tôi mới gửi đợt 2.
Cái thư mới gửi đợt 2, tháng 12 thôi.
Không hiểu ý đồ của nhà nước
Bốn chữ "Trung
Quốc xâm lược” đã bị đục bỏ trên tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu
cầu Khánh Khê - Ảnh: Trường Sơn/blog Quê Choa.
Mặc Lâm: Trong thời gian gần đây nhiều gia đình liệt sĩ
của cuộc chiến 1979 đã không biết hài cốt của con em mình nằm tại đâu vì
sau đợt cắm mốc biên giới thì phần đất Việt Nam chôn hài cốt liệt sĩ đã
thụt sâu về phía Trung Quốc. Thiếu Tướng có nghĩ rằng nhà nước phải làm
một điều gì đó để mang lại công bằng cho những người này hay không?
TT Lê Duy Mật: Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung
Quốc, nếu không phải bàn với ngoại giao Trung Quốc, quân đội Trung
Quốc, nhà nước Trung Quốc thì mới có thể giải quyết được.
Nói chung là có ba bốn việc phải làm. Một là liệt sĩ, hai là nhân dân
của mình bao nhiêu đời ở bên đây, bây giờ về đất họ. Thứ ba là cắm mốc
biên giới. Thứ tư là các chính sách. Thứ năm là viết sử cho cuộc chiến
đó vì đối tượng chiến tranh với Trung Quốc là đối tượng khác, đối tượng
đặc biệt không giống với thằng Pháp, thằng Mỹ đâu.
Cho nên nếu nhà nước không làm là không có quan điểm, thiếu trách nhiệm và chính sách không tốt, lòng người không tốt, đấy!
Mặc Lâm: Gần đây có những bức ảnh cho thấy bia kỷ niệm liệt
sĩ chống Trung Quốc đã bị chính quyền đục bỏ hai chữ Trung Quốc, tức là
gián tiếp không thừa nhận cuộc chiến tranh này là cuộc chiến xâm lược
do quân đội Trung Quốc tiến hành. Chính quyền cũng không cho phép tổ
chức những lễ kỷ niệm vào các ngày có cuộc chiến xảy ra. Theo ông thì
việc này xuất phát từ nguyên nhân nào ạ?
Ý đồ nhà nước thế nào thật ra tôi không rõ. Nhiều ngày lễ kỷ niệm nó cũng chẳng kỷ niệm cái gì. Sử sách không viết cái gì cả.
TT Lê Duy Mật
TT Lê Duy Mật: Đó là việc ngăn cấm mà tôi không hiểu ý đồ của
nhà nước là như thế nào. Ý đồ của nhà nước chứ không phải của đảng. Ý đồ
nhà nước thế nào thật ra tôi không rõ. Nhiều ngày lễ kỷ niệm nó cũng
chẳng kỷ niệm cái gì. Sử sách không viết cái gì cả. Người ta quên cả
việc đó cho nên người ta nói bậy. Thí dụ như tay Tổng Tham mưu trưởng
nói bậy. Kẻ thù thế nào chẳng rõ, rồi chiến lược sách lược thế nào không
rõ. Thế rồi ông Phùng Quang Thanh cũng nói chung chung dĩ hòa vi quý
thôi.
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng, có lẽ bắt đầu từ những chính
sách hoàn hoãn vô giới hạn như thế cho nên nhiều người cho rằng, nếu có
một cuộc chiến khác xảy ra thì Quân Đội Nhân Dân Việt Nam sẽ không còn
sức đề kháng vì tâm lý lệ thuộc đã ăn sâu vào trong các sĩ quan từ dưới
lên trên. Là một tướng lãnh ông nghĩ gì về những lo lắng này ạ?
TT Lê Duy Mật: Vấn đề đó thì bây giờ thời bình cũng chẳng rõ
được, nhưng lúc chiến tranh thì dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng cho
nên lúc bấy giờ quên hết, bỏ hết tất cả quá khứ mà có lẽ phải tiến về
phía trước mới hiểu được bản chất của bộ đội cụ Hồ. Đồng thời chiến đấu
trước gian khổ và chịu đựng cái chết, cái khổ không phải là khó. Hai là
chiến tranh biên giới nó có khác cho nên vất vả lắm. Nhưng thực ra anh
em vẫn giữ tốt, vẫn giữ phòng ngự, giữ biên cương, và vẫn đánh địch, cho
nên địch có đến đấy cũng không làm gì được.
Mặc Lâm: Lịch sử ghi nhận rằng Trung Quốc đã lợi dụng yếu
tố bất ngờ trong cuộc chiến năm 1979, thưa Thiếu tướng, ông có nghĩ rằng
lúc ấy nhiều đơn vị đã mất cảnh giác khi tin rằng phía Bắc là bạn vàng,
và họ không bao giờ giở thủ đoạn tấn công Việt Nam hay không ạ?
TT Lê Duy Mật: Vấn đề cảnh giác thì không phải mất cảnh
giác mà do nhà nước ta. Rồi chiến lược, sách lược, rồi thì đường lối mọi
cái là rõ đấy. Vì thằng Trung Quốc nó đánh ở đây để nó giải quyết nhằm
thôn tính Campuchia. Người ta đánh Campuchia thì ở đây mình thôn tính.
Hai là nó gây hấn ở Biển Đông để rồi bây giờ tiếp tục xâm lấn và muốn
chiếm Biển Đông. Cũng do tình hình thực tế cụ thể trong bối cảnh lịch sử
rồi ta mới có sách lược về chiến lược, chiến thuật và cách đánh ta
nghiên cứu cho rõ. Vì đối tượng này là đối tượng người bạn láng giềng,
người đồng chí, và người anh em, cho nên khó hiểu đối tượng này. Nhưng
mà bây giờ thì ta cũng đã có hiểu cũng khá hơn đấy.
Mặc Lâm: Dưới cái nhìn của một người có kinh nghiệm chiến
tranh với Trung Quốc ông có nghĩ rằng đây là lúc mà Trung Quốc có thể
lập lại cuộc chiến của năm 1979, rồi họ sẽ rút quân chỉ sau vài tuần lễ
để đưa Việt Nam vào cái thế phải chấp nhận những gì họ đưa ra hay không,
thưa ông?
TT Lê Duy Mật: Chưa, nó chưa đủ điều kiện, chưa đủ thời cơ và
tình thế về chiến lược. Nó chưa thể đánh chiếm Hà Nội đâu. Khi xưa nó
đánh để nó bàn thảo với ta rằng ta phải nhượng bộ và rút khỏi Campuchia
để nó thôn tính Campuchia. Đây là vấn đề chiến tranh đã qua. Chiến tranh
sắp tới thì đối phương, là Tàu đấy, nó dùng phương thức khác, chứ không
phải là chiến tranh tiến qua biên giới đâu.
Đấu tranh cho gia đình liệt sĩ
Nghĩa trang liệt sĩ Vị
Xuyên hoang vắng, quạnh quẽ. Hình đăng trên bài báo của Huy Đức trên tờ
Sài Gòn Tiếp Thị (đã bị gỡ xuống). Photo by Lê Quang Nhật.
Mặc Lâm:Xin quay lại với câu hỏi đầu tiên. Thưa Thiếu
Tướng, đối với vấn đề mộ phần liệt sĩ trên đất Trung Quốc cũng như các
ngày lễ kỷ niệm và quan trọng hơn hết là sách giáo khoa ghi chép lịch sử
cuộc chiến Biên giới phía Bắc, ông và đồng đội cũng như gia đình họ sẽ
có những đấu tranh gì đối với các chính sách lạt lẻo hiện nay, nhất là
vần đề đãi ngộ gia đình liệt sĩ ạ?
TT Lê Duy Mật: Bây giờ thì đã và đang làm, còn nhà nước thế
nào, thái độ, quan điểm và chính sách thế nào thì hiện nay còn chờ nhà
nước. Còn người cấp dưới, là tướng chỉ huy thì chúng tôi phải đòi đến
cùng về vấn đề cá biệt phải đưa về nơi quê hương đất tổ, về gia đình
người ta. Hai là nhân dân trên đó, phải xem xét thế nào để cho nhân dân
khỏi khổ, biên giới có đúng hay không. Đấy, tôi thì tôi thấy như thế
thôi.
Mặc Lâm:Một lần nữa xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Duy Mật đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
|