Nguyễn Quang Duy
Với lịch
sử giai đọan 35 năm vừa qua (1975-2010) dù ngắn nhưng là một giai đọan
cực suy của dân tộc Việt Nam, một giai đọan mà người Việt phải đối
kháng với thể chế độc quyền tòan trị cộng sản, lúc theo Liên Sô lúc
theo Trung Quốc.
Tại sao lại không phải là đối lập?
Đối
lập chỉ tồn tại và phát triển dưới thể chế tự do. Cả người cầm quyền,
người đối lập và người dân đều phải dựa trên Hiến pháp để dòm chừng, để
lên tiếng, để kiểm sóat và cạnh tranh lẫn nhau. Có đối lập các chính
sách cũ sẽ được hòan chỉnh hơn, hay dựa trên nền tảng Hiến Pháp để đề
ra những chính sách mới ưu việt hơn. Nhờ đối lập những thành qủa của
thể chế dân chủ được tối ưu trong hòan cảnh và điều kiện của từng quốc
gia. Nói tóm lại đối lập đưa xã hội, dân tộc, đất nước ngày một thăng
tiến.
Thể
chế cộng sản ngược lại đề ra việc tiêu diệt cái cũ để xây dựng cái mới.
Mới và cũ bao gồm từ văn hóa, văn học, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, …
đến con ngừơi. Cái mới lẽ ra phải tốt đẹp hơn cái cũ, thực tế đã chứng
minh ngược lại và kết quả là sự sụp đổ của hầu hết các quốc gia bị cộng
sản chiếm đóng.
Dưới chế độ cộng sản mọi quyết định trọng đại
lại đều đến từ một cá nhân hay một nhóm cầm quyền. Không có đối lập,
không dân chủ, người dân bắt buộc phải tuân theo các nghị quyết các
quyết định do đảng đề ra. Thậm chí người dân còn phải tuân theo các lệ
làng do cán bộ địa phương đề ra. Không tuân theo sẽ bị khép vào thành
phần phản động, phản cách mạng và bị đẩy về phía đối kháng.
Dưới
thể chế cộng sản Việt Nam , cái mới gồm tư tưởng, phương cách suy nghĩ
và hành động lúc thì theo Trung Quốc lúc lại theo Liên Sô . 35 năm đối
kháng có thể được chia làm 2 giai đọan: giai đọan ĐCSVN theo Liên Sô
(1975-89) và giai đọan theo Trung Quốc (1989-2010).
Giai đoạn ĐCSVN theo Liên Sô (1975-89)
Trước
1975, Việt Nam Cộng Hòa là một chiến trường cho hai khối tự do và cộng
sản thử bom đạn. Trong khi Hoa Kỳ rút chạy thì Liên Sô, Trung Quốc cùng
tòan Khối Cộng sản lại quyết tâm tài trợ cộng sản Bắc Việt xâm lấn miền
Nam. Cộng sản Bắc Việt thì bất chấp mọi hiệp định quốc tế đã ký trước
đây vượt vĩ tuyến 17 thôn tính miền Nam. Dẫn đến ngày 30/4/1975.
Để
xây dựng một thể chế mới gồm những con người mới, dân miền Nam bị khép
là ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân. Các trại tù được dựng lên khắp nơi
nhằm "cải tạo” xã hội ngụy. Các khu kinh tế mới được dựng lên để đẩy
ngụy dân khỏi các thành phố, dành chỗ cho cán bộ từ Bắc vào. Các tà
sách ngăn sông cấm chợ, đánh tư sản mại bản, quốc doanh hóa, hợp tác
hóa công nông nghiệp nhằm biến miền Nam thành miền Bắc rập theo khuôn
khổ mô hình kinh tế và chính trị Liên Sô.
Về văn học, văn nghệ,
nghệ thuật và hình thức bề ngòai xã hội miền Bắc trước 1975 lại giống
như một xã hội Trung Hoa thu nhỏ. Chỉ cần xem lại sách báo, báo chí hay
phim ảnh trước đây bạn sẽ thấy ngay từ cách ăn mặc, cách hành xử, lời
ca, điệu nhạc, đến phong cách hành văn đều xuất phát từ hay bị ảnh
hưởng nặng nề của Trung Quốc . Do hai đảng cộng sản Việt Nam - Trung
Quốc sau 1975 đã trở thành kẻ thù không đội trời chung . ĐCSVN vì thế
muốn thóat khỏi ảnh hưởng của văn hóa cách mạng kiểu Trung cộng. Nhưng
vẫn mang tính chất cưỡng bức áp đặt nhằm phục vụ tuyên truyền cho đảng
cộng sản. Vì thế trong nước vẫn tồn tại nền văn học nghệ thuật đối
kháng chống lại sự áp đặt của ĐCSVN lên nền văn học nước nhà.
Vừa
thóat ra khỏi chiến tranh, ĐCS lại tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng,
dùng chuyên chính vô sản để đàn áp mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói khác
biệt. Việt Nam từ Bắc xuống Nam trở thành một nhà tù. Một vài cán bộ
cấp dưới bất đồng phải lén núp "xé rào” nhà tù làm ngược lại các sách
lược của đảng. Xé rào là cụm từ do chính những đảng viên xé rào đặt ra.
Trong
giai đọan này, ĐCSVN nhận một nguồn viện trợ dồi dào từ Liên Sô để biến
Việt Nam thành một chư hầu thực hiện vai trò quốc tế tại Á Châu . Từ
1979 đến 1989, ĐCSVN đã đưa đất nước vào 2 cuộc chiến tranh nội bộ các
đảng cộng sản: xâm lấn Cam Bốt ở miền Nam và chiến tranh biên giới với
Trung Quốc tại miền Bắc. Hằng trăm ngàn thanh niên đã bỏ mình trong hai
cuộc chiến. Hằng trăm ngàn người khác đã trở thành những thương binh
tàn phế một phần cơ thể. Ảnh hương đến tinh thần hàng triệu gia đình
Việt Nam , ảnh hưởng này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều phần đất,
phần biển do ông cha để lại hiện nay vẫn còn bị Trung cộng chiếm đóng
và được ĐCSVN chính thức công nhận sự chiếm đóng.
Sự phản kháng
rõ nét nhất là hàng triệu người trên con thuyền nhỏ hay bằng mọi phương
tiện rời miền Bắc sau 1954 và sau 1975 đã bỏ nước ra đi. Đa số những
người bỏ nước ra đi vẫn tiếp tục đối kháng với ĐCS một cách mạnh mẽ
trên mảnh đất tái cư. Cũng có người từ hải ngọai trở về chiến đấu cho
tự do. Để đương đầu với chuyên chính, giai đọan này những người chống
cộng phải chọn gắn liền giữa đấu tranh chính trị và vũ trang. Vì
thể chế cộng sản đi ngược với chiều tiến hóa của nhân lọai và đi ngược
với lòng người, nên dân tộc các quốc gia Đông Âu và Liên Sô đã lần lượt
đứng lên giành lại quyền tự quyết dân tộc. Các lực lượng đối kháng Việt
Nam phần bị đàn áp, phần không tiên đóan trước sự sụp đổ của chế độ
cộng sản Âu châu, phần thiếu thông tin, thiếu liên kết nên gần như đứng
ngòai cuộc thay đổi tòan cầu, không thể hướng dẫn quần chúng đẩy mạnh
tiến trình dân chủ cho Việt Nam.
Giai đoạn ĐCSVN theo Trung Quốc (1989-2010)
Đứng
trứơc khủng hỏang và lo sợ sự sụp đổ, Đại Hội lần thứ VI ĐCS Việt Nam
đã phải chấp nhận đổi mới thay vì chết. ĐCS một mặt phải cởi trói kinh
tế, giao thương với các quốc gia tự do, mặt khác phải vội vàng thần
phục Trung Quốc lấy chỗ dựa tiếp tục đàn áp mọi nỗ lực đối kháng.
Nhờ
cởi trói kinh tế, một phần người Việt đã nhanh chóng thoát khỏi cảnh
đói nghèo. Nhưng để hướng đến một đời sống vật chất cũng như tinh thần
cao hơn thì giáo dục và huấn luyện kỹ năng là hai yếu tố quan trọng lại
không được ĐCS để ý tới. Đa số lao động Việt Nam vẫn chỉ dựa vào nông
nghiệp, vào kỹ nghệ đơn thuần, du lịch và vào việc tận dụng tài nguyên
thiên nhiên.
Trong thời gian gần đây do trình độ quản lý kinh tế
yếu kém, Việt Nam đang quay lại thời kỳ với mức lạm phát phi mã, nhiều
lần phải phá giá đồng tiền, đầu tư và xuất cảng sút giảm, nạn thất
nghiệp gia tăng, nợ quốc tế càng ngày càng chồng chất… đa phần dân
chúng đã nghèo lại nghèo thêm. Thiếu quyền lực chính trị, quyền lợi
kinh tế của dân chúng gần như không được quan tâm. Việc tận dụng tài
nguyên quốc gia và lệ thuộc vay mượn thế giới là một cách ăn cướp của
các thế hệ con cháu chúng ta.
Trong khi ấy để kiểm sóat chính
trị, nhiều xí nghiệp quốc doanh được cổ phần hoá đã lọt vào tay của một
số đảng viên cao cấp hay gia đình, tạo nên một tầng lớp đại gia tư bản
đỏ. Tầng lớp này nắm cả độc quyền kinh tế lẫn chính trị nên càng ngày
càng trở nên giàu có và quyền thế. Hố ngăn cách giữa thiểu số này và đa
số dân chúng nghèo khổ đang ngày một sâu hơn. Chênh lệch giàu nghèo, sự
bất bình đẳng đang đào sâu các tiềm ẩn đối kháng, đến mức độ không kềm
hãm được sẽ là nguyên nhân cho mọi biến động xã hội - chính trị.
Thiếu
quyền lực chính trị dân Việt cũng trở thành nạn nhân của quốc nạn tham
nhũng. Thêm vào đó một cuộc khủng hỏang tòan diện đang càng ngày càng
lan rộng trên mọi lãnh vực đến mọi tầng lớp xã hội. Sự bất mãn càng
ngày càng bộc phát để đến một lúc nào sẽ phải bùng nổ.
Đảng cộng
sản còn luôn phải đối đầu với hàng loạt các cuộc đình công đòi tăng
lương đòi bảo đảm quyền lao động. Những cuộc biểu tình chống tham
nhũng, chống bất công trong việc qủan lý đất đai và một cao trào đòi
đất của giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác đã bị đảng cộng sản
cướp đi sau khi chiếm được chính quyền. Nhiều cuộc biểu tình đòi tự do
tôn giáo hay của đồng bào sắc tộc chống lại áp bức bất công. Dẹp được
cuộc biểu tình này thì xẩy ra cuộc biểu tình khác. Các cuộc biểu tình
thì càng ngày càng thu hút được nhiều người hơn, có tổ chức hơn và xẩy
ra gần thủ đô Hà Nội hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi người đồng tâm
đứng lên đòi lại quyền tự quyết dân tộc.
Khi mức độ đối kháng
của các tầng lớp dân chúng càng ngày càng nâng cao, ĐCS lại phải lộ rõ
bản chất buôn dân bán nước. Nhiều phần lãnh thổ, lãnh hải do ông cha ta
để lại đã được ĐCS chính thức trao cho Trung Quốc. Nhà cầm quyền Việt
Nam đã để mặc cho Quân Đội Trung Quốc bắn, bắt, cướp tàu, đòi tiền
chuộc khi các ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng lãnh hải Việt Nam.
Khi các anh chị sinh viên biểu tình xác định "Hòang Sa Trường Sa Biển
Đông là của Việt Nam ” lại bị công an cộng sản xuống tay đàn áp. Người
dân đã mất cả quyền được yêu nước được chống xâm lăng.
Đảng CS
còn chủ trương để Trung Quốc tiến hành khai thác bauxite Tây Nguyên dù
đã gặp phản đối mạnh mẽ cả trong lẫn ngoài đảng. Việc này đã tạo ra một
cao trào phản kháng từ tầng lớp trí thức trong nước. Lần đầu tiên hằng
ngàn trí thức đã công khai ký tên phản kháng một chủ trương đã được Bộ
Chính Trị ĐCS thông qua.
Gần đây lại đến việc các nhà cầm quyền
địa phương cho Trung Quốc mứơn rừng Việt Nam mà quên đi quyền lợi của
dân tộc luôn bị nước này nhòm ngó. Việc này tạo thêm một khoảng cách
giữa những người yêu nước chân chính và tập đòan lãnh đạo cộng sản buôn
dân bán nước.
Sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) tự gỉai
thể là thí dụ đối kháng mạnh mẽ nhất của tầng lớp trí thức Việt Nam .
Viện được xem là một bầu trí tuệ của Việt Nam . Đa số các thành viên
của Viện đã tích cực đóng góp trong quá trình đổi mới kinh tế sau Đại
Hội VI . Viện tập trung nghiên cứu về kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội…
khổ nỗi dưới sự cầm quyền của đảng Cộng sản, Việt Nam càng ngày càng
lâm vào khủng hoảng toàn diện, đời sống dân chúng thì mỗi ngày một tệ
hại hơn. Kết quả những công trình nghiên cứu thường phơi bày sự thật
rất trái ngược với luận điệu tuyên truyền của đảng. Để họ phải ra Quyết
Định 97 bịt miệng các thành viên trong Viện. Phản kháng lại các thành
viên Viện đã quyết định tự giải thể, nhưng tuyên bố cá nhân sẽ tiếp tục
phản biện các chính sách sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam.
Báo
chí một công cụ của đảng cộng sản, thế mà trong thời gian qua nhiều nhà
báo bị tạm giam, bị bắt hay mất việc, nhiều Tổng biên tập bị thay đổi,
nhiều tờ báo bị đóng cửa cũng chỉ vì thông tin trung thực khách quan và
toàn diện phản lại các tuyên truyền chính thống do ĐCS đề ra.
Trong
thời gian gần đây các cụm từ "diễn tiến hoà bình”, "tự diễn biến”, "tự
chuyển hoá” càng ngày càng được nhà cầm quyền cộng sản sử dụng một cách
thường xuyên hơn trên các Nghị Quyết, các cơ quan truyền thông báo chí.
Việc làm này tự nó cho thấy ĐCS đang lo sợ những thách thức độc quyền
cai trị từ bên trong hệ thống.
Trong khi các lực lượng đấu tranh
cho dân chủ đã công khai từ bỏ đấu tranh vũ trang thì ĐCS lại lo sợ
quân đội sẽ đứng về phiá người dân để giành lại các quyền tự do cho dân
tộc. ĐCS lo sợ vì đa số cán bộ trung và cao cấp trong quân đội đều
trưởng thành trong cuộc chiến tại Cam Bốt và cuộc chiến chống bá quyền
Trung Quốc. Trưởng thành trong chiến tranh họ có cách nhìn và suy nghĩ
rất khác với thiểu số cầm quyền cộng sản. Trong khi tập đòan lãnh đạo
lại càng ngày càng cấu kết với Trung Quốc đi ngược quyền lợi dân tộc.
Về
phong trào Cách Mạng, thêm vào các tổ chức đảng phái chính trị thành
lập từ trước, ngày 8-4-2006 Khối 8406 được thành lập. Khối là một tổ
chức quần chúng đấu tranh với "mục tiêu giải thể chế độ cộng sản độc
tài toàn trị, giành lại các quyền tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam
bằng đường lối bất bạo động". Từ chỉ gồm 118 thành viên ban đầu, nay đã
tăng lên hàng chục ngàn thành viên gồm đủ mọi tầng lớp, mọi tổ chức đấu
tranh ở khắp nơi trong và ngòai nước. Khối đã được nhiều quốc gia và tổ
chức quốc tế công nhận. Lo sợ trước sự phát triển của lực lượng đối
kháng nhiều thành viên trong Khối đã cộng sản bắt bớ, tù đày, cô lập. Trong
thời đại thông tin tòan cầu, mạng lưới thông tin hải ngọai không phải
chỉ thực hiện vai trò thông tin đại chúng, còn tạo một môi trường để
những cá nhân, những lực lượng đối kháng trong và ngòai nước tìm hiểu
và tôn trọng sự khác biệt nhằm hướng đến việc kết hợp đẩy mạnh cuộc đấu
tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.
35 năm là một giai đọan
đủ dài để các tổ chức đối kháng trửơng thành và chủ động hướng dẫn quần
chúng đấu tranh. Sắp tới Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu sẽ tổ
chức một Nghị Hội Người Việt Tự Do Trên Toàn Thế Giới. Mục đích của
Nghị Hội là để kết hợp các cá nhân, các hội đòan, đòan thể, các đảng
phái trong cộng đồng người Việt trên tòan thế giới, tạo thế liên kết,
đồng nhất phương cách đấu tranh và phân công tác. Để từ đó mọi người
Việt yêu chuộng tự do trên tòan thế giới chủ động dồn tổng lực tấn công
đánh đổ chế độ độc tài cộng sản.
Bài viết này sẽ được trình bày
trong "Đêm thắp nến tri ân các chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
30-4-2010” tại Victoria (Úc châu). 35 năm là một khỏang thời gian thật
dài trong một đời người. Nhiều người chào đời sau 1975 ngày nay đã trở
thành người đại diện cho Phong trào Dân chủ như luật sư Lê Thị Công
Nhân, hay đại diện cho Cộng đồng như ông Nguyễn văn Bon, chủ tịch Cộng
đồng tại Victoria, trưởng ban tổ chức đêm nay. Được biết "Đêm Thắp Nến”
sẽ có sự hiện diện của nhiều bạn trẻ và sinh viên tại Victoria, nhiều
bạn sau đó sẽ nhập đòan người hướng về Canberra cho "Đêm Tâm Tình Tuổi
Trẻ”. Tương lai cộng đồng và đất nước thuộc về các bạn.
Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 28/4/2010
|