Chủ Nhật, 2024-12-15, 2:39 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Mười Một » 11 » Ai là chủ nhân của đất nước?
2:47 PM
Ai là chủ nhân của đất nước?
Kami, X-Cafe
11.09.2009

Họ là ai, chủ hay đầy tớ của người Việt Nam chúng ta?
Có một câu hỏi dành cho mỗi người Việt Nam cần phải suy nghĩ và hãy tự tìm câu trả lời cho bản thân mình, dù rằng bạn đang làm nghề gì, ở đâu ở cương vị, chức vụ nào cũng vậy. Nếu các bạn là người Việt Nam xin bạn hãy dành một vài phút đồng hồ ngay bây giờ để suy nghĩ và để tìm câu trả lời cho mình câu hỏi "Việt Nam hôm nay-Ai là chủ nhân của đất nước?". Và tôi tin rằng khi các bạn đã có câu trả lời cho mình, chắc chắn bạn sẽ nghĩ bạn sẽ phải có hành động như thế nào cho phù hợp với quyền của mỗi chúng ta được luật pháp xác nhận.

Câu hỏi nói trên tưởng rất dễ ai cũng có thể trả lời ngay, nhưng thực tế không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Bởi vì toàn xã hội chúng ta hôm nay từ lãnh đạo các cấp đến dân thường hình như vẫn chưa thực sự hiểu rõ, chưa xác định trách nhiệm, vai trò và ý thức của mỗi cá nhân mình trong cuộc sống hàng ngày. Nghĩa là mỗi người chưa ý thức được mình là ai, có vai trò gì trong cộng đồng xã hội, là chủ nhân hay đầy tớ của đất nước Việt nam, đặc biệt là những người  ở vị trí người lãnh đạo đất nước.

Về mặt luật pháp, hãy bắt đầu từ Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 sửa đổi năm 2001, trong đó đã ghi rất rõ vai trò và vị trí của các đối tượng trong xã hội, ai là chủ nhân của đất nước. Trong bản Hiến pháp này đã khẳng định nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân (điều 2). Nhân dân là toàn thể các dân tộc cùng sinh sống hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam (điều 5). Nhân dân làm chủ nhà nước bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (điều 6).

Ngoài ra, Điều 8 của Hiến pháp cũng quy định rằng "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước có nghĩa vụ phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng"(1)

Hiện nay  việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt là một công tác trọng tâm, Đảng CSVN, chính quyền tốn kém rất nhiều kinh phí và thời gian để vận động và tổ chức việc học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tất cả mọi cấp, mọi cấp mọi ngành và cho mọi thành phần nhân dân trong và ngoài nước , kể cả trong các tôn giáo. Do vậy ở đây cần phải nhắc lại những ý kiến cơ bản của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về vai trò làm chủ của nhân dân và trách nhiệm làm công bộc của dân của đội ngũ cán bộ đảng viên lãnh đạo.

Trong thư gửi "Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.(2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có nhiệm vụ điều hành bộ máy nhà nước của nền cộng hòa non trẻ và nặng tàn dư phong kiến nên đã dùng khái niệm công bộc để hướng dẫn cán bộ công chức phục vụ nhân dân.

Chúng ta cần hiểu "công bộc” là gì? Theo từ điển Hán-Việt, công có nghĩa là của chung, bộc có nghĩa đầy tớ, cụm từ "công bộc của dân” có nghĩa là "người đầy tớ chung của dân” hay người đầy tớ công vụ.

Và Hồ Chủ Tịch còn nói "Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy đều là đầy tớ của nhân dân, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa."(3)

Về luật pháp là như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí minh là như thế, qua đó chúng ta đã có thể kết luận rằng những người cán bộ lãnh đạo, đảng viên đảng CSVN thực chất họ chỉ là những kẻ công bộc cho dân và đồng thời nhân dân Việt Nam hơn tám chục triệu người mới là những chủ nhân ông thực sự của đất nước. Nhưng thực tế, các cán bộ lãnh đạo các cấp ở Việt Nam hiện nay họ không thực hiện đúng như Hiến pháp và pháp luật quy định, kể cả những lời dạy của Hồ Chủ Tịch "Dân là chủ, cán bộ đảng viên là đầy tớ của nhân dân".

Xin đơn cử một số sự việc các ông "đầy tớ" công bộc của nhân dân đã có những hành xử như thế này với những người chủ của họ trong thời gian gần đây:

Việc thứ nhất: Có tên đầy tớ của nhân dân đã phàn nàn trách cứ ông chủ bà chủ nhân dân còn hay ỷ lại vào đầy tớ. Đó là sự việc chiều 2/11/2008 từ Mỹ Đức - Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi với VietNamNet qua điện thoại, với câu hỏi"Sau thiệt hại từ trận mưa lũ này, thành phố đã rút ra những kinh nghiệm gì?". Ông Phạm Quang Nghị đã trả lời rằng "Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm".(4)

Việc thứ hai: Bọn đầy tớ khẳng định ông chủ của họ không có quyền khiếu kiện đầy tớ trước pháp luật, cho dù họ luôn kêu gọi mọi người bình đẳng trước pháp luật và sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đó là sự việc Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ gửi đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng do đã ban hành trái Hiến pháp và pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg, phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Nhưng ông TS luật Cù Hà Huy Vũ đã được mời TAND Tôi cao mới đến nhận lại đơn kiện với lý do giải thích rằng " pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định công dân được quyền kiện Thủ tướng Chính phủ nên tòa án không có thẩm quyền thụ lý, xét xử đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ."(5)

Việc thứ ba là đầy tớ khuyến cáo ông chủ và cho rằng sẽ xem xét và xử lý nghiêm với những phát biểu thiếu tinh thần góp ý và xây dựng của ông chủ. Sự việc này xảy ra gần đây khi Viện Nghiên cứu Phát triển IDS tự giải thể hôm 14/09, để biểu thị thái độ dứt khoát đối với 97/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 24/07, mà họ cho là đã "sai phạm nghiêm trọng" về mặt pháp luật và trong nhiều điểm về nội dung. Ngay sau sự việc này Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện Quyết định 97 và xử lý "thích hợp, đúng quy định" đối với việc Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) tự giải thể. Ông cũng yêu cầu xử lý " những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân" thuộc IDS.

Chỉ xin ví dụ ba sự việc gần đây nhất mang tính thời sự mà những người Việt Nam trong và ngoài nước theo dõi tin tức đều biết rõ, để mọi người thấy rõ những tên nhân danh "đầy tớ" của nhân dân đã lộng quyền với các ông chủ bà chủ của họ như thế nào. Và cũng là một minh chứng cho sự vi phạm pháp luật và chà đạp hiến pháp và coi thường những lời dạy của Hồ Chủ Tịch với các cán bộ đảng viên.

Trong xã hội con người, ở phạm vi hẹp là trong mỗi gia đình, việc một số người có khả năng về tiền bạc có thể thuê mướn người về giúp mình làm những việc cần thiết cho gia đình và hay doanh nghiệp của bản thân mình. Những người có tiền thuê gọi là người làm chủ, ông chủ, bà chủ..và những người được thuê gọi là người làm thuê, đầy tớ... thời buổi hội nhập bây giờ người ta gọi tên ngoại là Oshin. Thì ở phạm vi toàn xã hội hay của một quốc gia theo thể chế cộng hòa-dân chủ cũng vậy, những người lãnh đạo đất nước được hiểu rất đơn giản chỉ là những kẻ tự nguyện làm thuê cho nhân dân, mà tiền thuê là tiền lương bổng, các thu nhập và chế độ đãi ngộ khác đều được lấy từ tiền đóng thuế của nhân dân mà ra.

Chỉ có ở các chế độ độc tài thì quyền lãnh đạo đất nước là đặc quyền của một cá nhân hay của một nhóm người, còn ở các nước dân chủ tiến bộ những người lãnh đạo đất nước do nhân dân lựa chọn qua lá phiếu bầu người đại diện cho mình trong quốc hội. Hay nói ngắn gọn những người lãnh đạo dân cử thực chất là những người được nhân dân thuê ra làm việc lãnh đạo đất nước của mình.

Việc thuê mướn các chính trị gia làm công việc lãnh đạo đất nước là một công việc thời vụ, có thời hạn là 4-5 năm, nghĩa là bằng thời gian giữa hai lần bầu cử mà Hiến pháp quy định. Các chính trị gia là những người có khả năng, có tâm huyết với đất nước với dân tộc họ tự nguyện gánh vác công việc làm đầy tớ cho nhân dân. Nếu ai từng được chứng kiến các buổi tuyên truyền vận động tranh cử của các đảng chính trị ở các nước tự do dân chủ sẽ thấy, các ứng cử viên họ đang vận động, xin người dân, các cử tri cho họ được làm việc phục vụ cho nhân dân không khác những người đang đi tìm kiếm công việc làm bình thường.Khi được đa số nhân dân tín nhiệm họ sẽ làm việc hết sức mình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, hy vọng họ sẽ được nhân dân tín nhiệm cho họ tiếp tục làm việc ở những nhiệm kỳ kế tiếp. Ngược lại nếu làm không tốt, không vừa lòng đa số cử tri thì họ cũng vui vẻ chấp nhận, chờ cơ hội tranh tài khác.

Mỗi cử tri là một người chủ đất nước sẽ làm vai trò của người giám khảo, tự tay mình lựa chọn những kẻ đầy tớ có tài có đức làm công việc lãnh đạo đất nước thông qua phiếu bầu của mình. Sự lựa chọn này là do tự bản thân mỗi cá nhân cử tri tự quyết định, thông qua các đường lối, chủ trương, sách lược.v.v..trong các cuộc vận động tranh cử của nhiều nhóm đầy tớ (đảng chính trị)giới thiệu, chúng ta lựa chọn trên cơ sở đánh giá đầy tớ nào sẽ mang lại lợi ích cho đất nước và cá nhân mình nhiều nhất. Nhóm đầy tớ nào nhận được đa số phiếu ủng hộ của nhân dân sẽ là được quyền thành lập chính phủ.

Sự chọn lựa của đa số nhân dân thông qua phiếu bầu không phải lúc nào cũng tuyệt đối đúng và chính xác, nhiều khi chúng ta dễ bị đánh lừa bởi những chính sách kinh tế xã hội phi thực tế, bởi những lời hứa xuông.. nhưng dẫu có nhầm thì chúng ta cũng có thể truất quyền làm việc của bọn họ bằng luật pháp quy định ngay trong nhiệm kỳ đó. Hoặc giả không truất quyền của bọn họ được thì cũng chỉ bị lừa khoảng 4-5 năm (một nhiệm kỳ)là nhiều nhất, sau đó sẽ có cơ hội lựa chọn lại và chắc chắn những kẻ nói một đằng làm một nẻo khó mà có chỗ đứng trong chính trường trong những cuộc bầu cử trong tương lai.

Vai trò của nhà nước CHXHCN Việt Nam được thể hiện rõ trong điều 3, đó là  khẳng định nhà nước bảo đảm và phát huy không ngừng trước hết là vai trò làm chủ của nhân dân sau là bảo vệ và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Hay nói một cách khác nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước dân chủ của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân tự quyết định.

Hiến pháp và pháp luật quy định cụ thể như vậy, tại sao thực tế hiện tại chính quyền nhà nước Việt Nam không phải là một chính quyền dân chủ nhân dân, không phải là một nhà nước của dân, do dân và vì dân như đã ghi trong Hiến pháp. Mà chính quyền hiện tại mang đậm bản chất của một chế độ độc tài chuyên chế.

Đó chính là lý do vì sao lãnh đạo nhà nước Việt Nam bất chấp pháp luật, bất chấp lẽ phải, họ sẵn sàng chà đạp lên sự thật và công lý. Để những kẻ đầy tớ càng ngày càng lộng quyền, càng lộng hành tùy tiện, tùy ý làm những gì họ thấy có lợi cho cá nhân họ và bè đảng của họ bất chấp những hành động đó cò phù hợp với luật pháp hay quyền lợi và chủ quyền của đất nước.  Từ đó dẫn tới quyền làm chủ của toàn thể nhân dân bị lạm dụng kéo dài quá lâu và một mặt do bị bưng bít, nhân dân chưa hiểu biết rõ và chưa có cơ hội phát huy quyền làm chủ của mình trong các cuộc bầu cử thực sự dân chủ.

Nhưng với thời đại thông tin hiện nay, sự bưng bít thông tin và các chiêu bài lừa bịp đó đã bị vạch trần, người dân đã hiểu thực tế của cuộc sống, đã hiểu quyền của họ được Hiến pháp ghi nhận. Sẽ không thể để kéo dài tình trạng để cho những ông đầy tớ hống hách, tác oai tác quái, vô lễ với chủ nhân của đất nước như hiện nay.

Mỗi người dân hôm nay cần phải lên tiếng cho họ biết rằng, thời gian dài vừa qua họ đã ngang nhiên đánh cắp quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn những kẻ công bộc của dân.

Phải nói cho họ biết thực chất họ chỉ là đầy tớ, của 87 triệu người Việt nam, chứ họ không phải là những ông vua không ngai có mọi quyền sinh quyền sát như hôm nay.

Hãy có các hành động để cho họ biết rằng họ không có quyền hành nào hết ngoài quyền làm việc tận tụy vì nước vì dân trong vai trò của kẻ công bộc. Họ không được phép có những hành động chà đạp luật pháp, coi thường quyền tự do của công dân được luật pháp bảo hộ đang diễn như hiện tại, đó là vi phạm pháp luật, là vô đạo lý và bất lương.

Một xã hội dân chủ khi mà người dân thực sự làm chủ vận mệnh đất nước và bản thân mình, đó là một xã hội văn minh, nó đã trở thành trào lưu chung và là quy luật tất yếu của nhân loại. Ở trong xã hội đó những ai muốn trở thành những nhà lãnh đạo đất nước, những chính trị gia trước hết phải xác định cho mình rằng đó là một nghề tự nguyện đứng ra gánh vác công việc phục vụ đất nước và nhân dân theo sự lựa chọn của đa số cử tri. Sự lựa chọn đó được thông qua một cuộc cạnh tranh giữa các chính đảng chính trị và các cá nhân cùng có sở thích làm nghề chính trị gia. Không hề có sự ưu tiên, không ai có đặc quyền hơn người khác, nếu có đủ tài, có đủ đức và nhiều yếu tố khác thì xin mời cùng tham gia đua tài như biết bao những người đi xin việc làm bình thường khác.

Đất nước này không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào. Mọi công dân đều bình đẳng, mỗi người chúng ta hãy tỏ rõ lòng yêu nước, tình yêu thương đồng bào của mình bằng cách chấp nhận sự thi đua cạnh tranh bình đẳng trong chính trị. Đừng quên rằng nếu cá nhân mình và đảng của mình có tài, có đức  có khả năng hơn người khác và phù hợp với ý nguyện của đa số dân chúng chắc chắn là nhân dân, các cử tri họ sẽ lựa chọn mình.

Một người lựa chọn có thể nhầm, hai người hay một trăm người có thể lựa chọn nhầm lẫn thiếu sáng suốt, nhưng ý nguyện của hàng chục triệu của cử tri được thể hiện qua lá phiếu của cá nhân họ chọn lựa thì chắc chắn không thể có sai lầm được.

Ngay bây giờ những ai muốn làm chính trị gia, làm đầy tớ cho nhân dân thì phải hiểu được những điều đơn giản đó.

09/11/2009

-------------------------------
Theo:
(1)http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_x%C3%A3_h%E1%BB%99i_ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_Vi%E1%BB%87t_Nam
(2)http://diendankienthuc.net/diendan/archive/index.php?t-3784.html
(3)(Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 121)
(4)http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/811500/
(5)http://bauxitevietnam.info/c/10746.html
Nguồn: Kami's blog
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1014 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Calendar
«  Tháng Mười Một 2009  »
SuMoTuWeThFrSa
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0