Lê Chinh Vũ (Danlambao) - Lại thêm một người Việt bị kết tội chống đối chính quyền nhân dân. Lần này một sinh viên chỉ mới có hai mươi tuổi,
Nguyễn Phương Uyên,
sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm TP Hồ Chí Minh. Theo
nguồn tin này Phương Uyên sẽ bị kết tội theo điều 88 của Bộ Hình Luật
Việt Nam (1999, sửa đổi năm 2009).
Điều 88 của Bộ Hình Luật Việt Nam quy định về "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như sau:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến
mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Như vậy nếu bị kết án Phương Uyên có thể ngồi tù 12 năm.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao một nữ sinh viên, tuổi đời còn
nhỏ, tương lai còn dài lại phải rước lấy tai họa cho mình như thế này?
Tất cả mọi thứ trên cuộc đời này xảy ra đều phải có lý do của nó!
Nhưng trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta thử tìm hiểu thế nào là chính quyền nhân dân?
Một chính quyền chỉ được coi là một chính quyền nhân dân khi họ là
những người đại diện chân chính do nhân dân bầu ra, lấy lợi ích của nhân
dân và quyền lợi đất nước làm chỉ nam cho mọi chính sách của mình. Một
chính quyền nhân dân phải thực sự là những công bộc của nhân dân. Không
những thế cần phải biết lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui
của nhân dân. Biết tôn trọng mạng sống của nhân dân, biết đặt quyền lợi
của tồ quốc và nhân dân lên trên quyền lợi của cá nhân và đảng phải của
mình. Một chính quyền không mang những đặc tính này không thể được coi
và dĩ nhiên càng không thể tự xưng mình là chính quyền nhân dân được.
Đây là chưa nói đến sự việc một chính quyền sẵn sàng sử dụng bạo lực,
bắt bớ và tù đày để trấn áp nhân dân nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhóm
lợi ích và đảng phái của mình như hiện nay thì càng chắc chắn không thể
được coi là chính quyền nhân dân! Một chính quyền nhân dân cũng không
bao giờ úp mở, che đậy tội lỗi của nhau như tuồng hát vụng về "
Chúng ta tha cho chúng mình” tại Hội Nghị Trung Ương 6 vừa qua.
Thực tế mà nói là đến ngày hôm nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN)
và cái gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không còn một
chút gì nể trọng trong lòng nhân dân chứ đừng nói là chính quyền nhân
dân. Một chính quyền nhân dân mà nhìn đâu củng chỉ thấy "các thế lực thù
địch”! Tại sao?
Câu hỏi kế tiếp cần phải được trả lời là "tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” (nếu thật sự có) có nặng tội bằng cái tội phản quốc hay không?
Điều 78 Hình Luật quy định tội phản bội Tổ quốc như sau:
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy
hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm,
tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Căn cứ vào điều khoản này thì các Bộ Chính Trị của ĐCSVN từ Hội
Nghị Thành Đô lần thứ nhất (1990) sẽ phải trả lời trước tòa án trong
tương lai một loạt các tội phạm được liệt vào loại này: cắt đất (1999),
nhượng biển (2000), cho Trung Quốc thuê hằng chục nghìn mẫu rừng đầu
nguồn dài hạn, cho Trung Quốc vào khai thác bauxite tại Tây Nguyên, cho
in cờ Trung Quốc sáu sao để tiếp Tập Cẩm Bình (2011). Ai ra lệnh đục
khoét bia tưởng niệm các bộ đội hy sinh trong cuộc chiến với Trung Quốc
năm 1979? Thêm vào đấy, ai đang tạo ra đại nạn tham nhũng đục khoét một
cách không thương tiếc tài nguyên đất nước hiện nay? Tất cả những việc
làm này, trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể liệt vào tội phản quốc căn
cứ vào điều luật nói trên,.
Đây là những việc làm đã tạo bức xúc cho toàn thể nhân dân Việt
Nam. Nếu một chính quyền đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, một chính
quyền đi ngược lại quyền lợi dân tộc, thì tại sao nhân dân lại không có
quyền lên tiếng? Do đó việc Phương Uyên chống Trung Quốc để bày tỏ tinh
thần yêu nước là chuyện tự nhiên, một biểu hiện của tinh thần yêu nước
đáng được trân quý và khâm phục, không thể nào quy việc làm của Phương
Uyên vào tội danh nào cả.
Như vậy cũng đã rõ ai là kẻ có tội với non sông đất nước!
Chúng ta cần mạnh dạn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình một cách bất
bạo động nhưng quyết không khoan nhượng cho đến ngày đất nước được thực
sự độc lập tự do.
Chúng ta cũng cần nói thẳng với ĐCSVN, các điều luật 79 và 88 là
những điều luật đặt ra để trấn áp những người đấu tranh cho công chính,
đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và độc lập thực sự. một nước Việt
Nam nơi mà nhân phẩm được tôn trọng, một nước Việt Nam nơi mà đạo đức
làm người và tình thương giữa người và người được gìn giữ và vun đúc.
Tự do không ai ban phát cho mình cả, nếu những người Việt chúng ta
chịu ảnh hưởng trực tiếp những bất công và áp bức đối với chính mình mà
không dũng cảm tranh đấu thì không ai có thể giúp mình được.