Bộ Ngoại giao Anh (FCO) vừa ra phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền quốc tế, trong đó viết nhân quyền ở Việt Nam 'đi theo quỹ đạo tích cực'.
Phúc trình ra vào giữa tháng này viết: "Cho tới gần đây, những thay đổi trong vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đang đi theo quỹ đạo tích cực".
Văn bản mới ra cũng cho rằng tình hình tự do tôn giáo đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bộ này cảnh báo rằng "năm 2009 xuất hiện nhiều diễn biến đáng lo ngại và vẫn tồn tại những khu vực gây quan ngại, đáng chú ý nhất là vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí và án tử hình".
Anh quốc khen ngợi Việt Nam về các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội những năm vừa qua, nhưng cho rằng: "Để duy trì những thành tựu tích cực đã đạt được, điều cấp thiết cần làm là giải quyết vấn nạn tham nhũng tràn lan, cải tổ hệ thống quan liêu nặng nề, và người dân được phép chia sẻ ý kiến và thông tin một cách tự do".
Phúc trình này nhấn mạnh về việc "kiểm duyệt chặt chẽ ở trong nước đối với báo in và báo điện tử", đồng thời đề cập tới việc mạng kết nối xã hội Facebook bị ngăn chặn ở Việt Nam.
"Nhà chức trách Việt Nam sử dụng các phương tiện kiểm soát chặt chẽ để kiểm duyệt thông tin và tin tức trực tuyến, theo dõi việc sử dụng và truy cập internet."
Anh và EU đã bày tỏ mối quan ngại và tiếp tục gây sức ép để chính phủ dỡ bỏ nhưng rào cản đối với internet, ngăn cản dòng chảy tự do của thông tin, ý kiến và quan điểm.
Trích phúc trình của FCO
Trong lĩnh vực này, "Anh và EU đã bày tỏ mối quan ngại và tiếp tục gây sức ép để chính phủ dỡ bỏ nhưng rào cản đối với internet, ngăn cản dòng chảy tự do của thông tin, ý kiến và quan điểm".
Phúc trình của FCO nhận định rằng trong 12 tháng qua, "đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về việc Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động hòa bình".
Quan ngại
Đặc biệt, báo cáo này nhắc tới các trường hợp luật sư Lê Công Định, các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long; cùng 9 nhân vật bất đồng chính kiến khác bị bỏ tù trong năm 2009, cho đây là các dấu hiệu đáng lo ngại mà Anh cùng các nước thành viên EU đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc".
Anh hoan nghênh cam kết thành lập một cơ chế nhân quyền ở Đông Nam Á và hy vọng Việt Nam trong tư cách chủ tịch của Hiệp hội Asean sẽ "thể hiện năng lực lãnh đạo" Ủy ban liên chính phủ Asean về nhân quyền.
Cho tới nay, Việt Nam chưa đưa ra phản hồi chính thức về phúc trình của Bộ Ngoại giao Anh, nhưng ngày 12/03, phát biểu về phúc trình nhân quyền quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ ra một hôm trước đó, người phát ngôn Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã gọi các chỉ trích của Hoa Kỳ là "không khách quan" và "sai sự thật".
Bà Nga nói: "Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về những khác biệt, kể cả vấn đề quyền con người".