Nguyễn Hưng Quốc
Liên
quan đến vấn đề bản chất của chế độ tại Việt Nam hiện nay, thời gian
vừa qua, có hai sự kiện nổi bật và có thể được xem là tiêu biểu nhất.
Thứ nhất là vụ án mua dâm tại tỉnh Hà Giang vào ngày 10 tháng 3. Về vụ án này, nhà báo Bùi Tín đã phân tích sâu sắc trong bài "Khi đảng thực thi 'luật rừng' với 2 nữ sinh vị thành niên" đăng trên VOA blog.
Tôi
chỉ xin nhắc lại vài chi tiết chính để bạn đọc dễ theo dõi. Một, bị cáo
gồm có ba người, ông Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường Trung học
Phổ thông Việt Lâm với tội danh là mua dâm người chưa thành niên, và
hai cô nữ sinh trong trường của ông, Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị
Thanh Thúy, với tội danh làm môi giới mại dâm. Hai, cả hai cô Hằng
(sinh năm 1992) và Thúy (sinh năm 1991) đều chưa tới 18 tuổi khi xảy ra
vụ án. Ba, theo lời khai của hai cô, trong số khách mua dâm lúc hai cô
còn trong lứa tuổi vị thành niên, có nhiều người là quan chức trong
tỉnh, kể cả ông Nguyễn Trường Tô, nguyên chủ tịch tỉnh kiêm phó bí thư
tỉnh ủy Hà Giang. Bốn, phiên tòa được xử kín, các phóng viên báo chí
không được tham dự; thân nhân và cả luật sư do hai cô Hằng và Thúy đề
nghị cũng bị cấm cửa.
Thứ hai là quyết định miễn truy cứu trách
nhiệm của các cán bộ cao cấp trong vụ vỡ nợ của Tập đoàn Công nghiệp
tàu thủy Vinashin. Xin nhắc lại: Vinashin, một tập đoàn quốc doanh Việt
Nam, sau mười mấy năm làm ăn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đảng và
chính quyền trung ương, đã liên tiếp bị lỗ lã. Năm ngoái, số nợ lên đến
100.000 tỉ đồng, tương đương với gần 5 tỉ đô Mỹ, chiếm 1/20 tổng thu
nhập quốc dân. Trong cuộc họp Quốc Hội vào tháng 11 năm 2010, tất cả
các bộ trưởng liên hệ đều khăng khăng từ chối trách nhiệm. Chỉ có Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng là hứa sẽ kiểm điểm. Thế nhưng, trong cuộc họp
Quốc Hội vào sáng 21 tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
cho biết, Bộ Chính trị đã quyết định là không xử lý kỷ luật bất cứ cá
nhân hay tập thể nào cả. Lý do: tuy một số người có "thiếu sót và khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.” Xong.
Chung
quanh vụ án thứ nhất, dư luận chú ý một số vấn đề chính: Tại sao lại xử
kín? Tại sao lại cấm luật sư biện hộ cho hai bị cáo Hằng và Thúy? Tại
sao lại không xét xử các quan chức mua dâm các cô gái ấy lúc họ chỉ mới
16, 17 tuổi?
Trong ba câu hỏi vừa nêu, câu hỏi sau cùng là quan
trọng nhất: Trả lời câu hỏi ấy, người ta sẽ tìm được câu trả lời cho
hai câu hỏi trên. Mà thật ra, nó rất dễ trả lời. Lý do đơn giản: những
người mua dâm gái vị thành niên ấy là những cán bộ cao cấp của đảng và
chính quyền địa phương. Không những không truy tố họ, tòa án còn không
muốn ai nghe đến tên của họ cả: Nó giống như một thứ "bí mật quốc gia".
Cho nên phiên tòa mới được xử kín và luật sư cũng như thân nhân của bị
cáo mới bị cấm cửa.
Người ta thấy rõ sự bất công đến trắng trợn
của tòa án Việt Nam: cũng đều mua dâm trẻ em vị thành niên, nhưng ông
Sầm Đức Xương bị tuyên án 9 năm tù; còn những người khác, quyền chức
cao hơn ông, thì được miễn tố; hơn nữa, được bảo mật đến tối đa. Dường
như họ ở ngoài luật pháp, không chịu tác động gì của luật pháp.
Không
thể không liên tưởng đến một phiên tòa khác đang diễn ra tại Ý trong đó
bị cáo là Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi, người bị tố giác là trả
tiền để ăn nằm với cô Karima El Mahroug, một vũ nữ người Marốc, lúc ấy
mới 17 tuổi. Dù cả hai người, ông Berlusconi và cô Mahroug, đều bác bỏ
lời cáo buộc ấy và dù ông Berlusconi là đương kim Thủ tướng, tòa án Ý
vẫn lôi ông ra xét xử một cách công khai.
Về vụ thứ hai, liên
quan đến trách nhiệm của Thủ tướng và các bộ trưởng liên hệ đến việc vỡ
nợ đến gần 5 tỉ đô la của tập đoàn đóng tàu Vinashin, người ta cũng
thấy vô số bất thường. Tại sao một cán bộ bình thường, cấp phường cấp
xã, làm thất thoát vài triệu bạc thì bị truy tố và bị bắt bỏ tù, còn
Thủ tướng và các bộ trưởng, sau khi đã làm thất thoát cả mấy tỉ đô la,
khiến cả nước phải ngập trong nợ nần, thì lại bình an vô sự? Lỗ lã đến
5 tỉ đô la mà "chưa đến mức thi hành kỷ luật” thì phá hoại tài sản quốc
gia đến bao nhiêu mới bị kỷ luật? Tại sao một vụ án kinh tế lớn như vậy
mà chỉ được một nhúm người trong Bộ Chính trị giải quyết một cách gọn
bâng? Còn vai trò của Quốc Hội và tòa án ở đâu?
Cả hai sự kiện trên cho thấy ba điều quan trọng liên quan đến bản chất của chế độ hiện nay:
Một,
ở Việt Nam hiện nay, luật lệ (rule) chỉ dựa trên quyền lực chứ không
phải là luật pháp (law). Người nào có quyền lực, người đó quyết định
luật lệ. Luật pháp, với những văn bản dài dằng dặc đầy những điều này
khoản nọ chỉ là những tờ giấy vô nghĩa khi đụng đến quyền lợi của những
kẻ có quyền lực.
Hai, hệ thống tư pháp nhắm đến việc bảo vệ
quyền lợi của giai cấp cầm quyền chứ không phải để bảo vệ công lý. Chủ
tịch tỉnh mua dâm trẻ vị thành niên ư? Luật pháp ngoảnh mặt đi chỗ
khác. Thủ tướng và các bộ trưởng làm thất thoát công quỹ ư? Thì kiểm
điểm nội bộ!
Ba, với hai đặc điểm vừa nêu, rõ ràng là đảng Cộng
sản tự cho mình đứng ngoài và đứng trên luật pháp. Luật pháp được viết
ra là để cho người khác, cho những kẻ thấp cổ bé miệng chứ không phải
dành cho họ.
Việt Nam hay nói đến dân chủ và cố biện minh với
thế giới là mình có dân chủ. Nhưng không thể có dân chủ, tuyệt đối
không thể có dân chủ, khi có những kẻ đứng ngoài và đứng trên luật pháp
như vậy; khi tòa án và cả ngành tư pháp đều là công cụ để trấn áp
thường dân như vậy.
Một chế độ dân chủ cần nhiều điều kiện, từ
quyền ứng cử và bầu cử đến quyền đối lập và quyền tự do thông tin. Tất
cả những quyền này chỉ có thể thành hiện thực với một điều kiện: nền
pháp trị (rule of law) phải nghiêm minh. Trong sinh hoạt chính trị hiện
nay, pháp trị được hiểu theo ít nhất ba nghĩa chính: 1) chính phủ phải
hoạt động theo luật; 2) mọi người, bất kể là ai, cũng đều bình đẳng
trước luật; 3) và ngành tư pháp phải rõ ràng, hiệu quả và khả đoán (vì
chỉ dựa trên luật).
Không có pháp trị, chỉ có "luật rừng” như
lời luật sư Ngô Bá Thành vừa rồi, đừng nói đến chuyện dân chủ và càng
không nên nói đến tính hợp pháp (legitimacy) của chế độ.
http://www.voanews.com/
|