Bùi Tín
Dấu diếm mãi, rồi sự thật đầy đủ cũng lộ ra.
Trong Đại lễ Ngàn
năm Thăng Long được chuẩn bị 8 năm nay, sự kiện văn hóa - chính trị lớn
nhất là hoàn thành và trình chiếu khắp nước cũng như ra quốc tế bộ phim
sử thi mang tên "Đường đến Thăng Long". Phần lớn nhân dân ta nghĩ rằng
đây sẽ có thể là bộ phim lớn nhất, tiêu biểu nhất của ngành điện ảnh
Việt Nam trong thời đổi mới. Nhiều người Việt trong và ngoài nước từng
tự hào được biết ngành phim truyện Việt Nam ở trong nước khá trưởng
thành, thường dự những Đại hội liên hoan phim quốc tế, từng đoạt vài
giải thưởng trong những cuộc đọ sức nơi xứ người. Đối với họ, Đại lễ
Ngàn năm Thăng Long là dịp biểu dương tinh thần độc lập, tự chủ của dân
tộc Việt ta suốt hơn ba ngàn năm lịch sử. Họ hy vọng nhân dịp này ngành
điện ảnh dân tộc sẽ tỏ rõ tinh thần tự lập tự cường truyền thống của dân
tộc, và bộ phim sử thi về Lý Thái Tổ sẽ là cái đinh vàng của năm Đại lễ
này.
Đạo diễn Cận Đức Mậu (trái) và ông Trịnh Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty
Cổ phần Truyền thông Trường Thành - trong ngày ra mắt đoàn phim.
Ai cũng mong vậy mà oái oăm làm sao, sự thật không phải
vậy! Trước đây đã có "tin đồn" là bộ phim đang được quay tại Trung Quốc,
vì rằng muốn cho bộ phim được thật hoành tráng, phải có trường quay
rộng lớn, máy móc hiện đại, đạt chất lượng ở mức cao thì ta cần nhờ vả
nước láng giềng. Đã có nhiều ý kiến phản biện trong giới văn hóa - trí
thức cho rằng ta có sức đến đâu thì cố làm đến đó, tự lực tự cường là
điều quý nhất, cần thiết trong dịp "nghìn năm một thuở" này. Thế nhưng
lãnh đạo trên cao, các quan chức Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin
Truyền thông, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật phán xuống rằng trong
thời buổi hội nhập quốc tế, việc phối hợp, hợp tác quốc tế là chuyện
bình thường, có gì đâu mà phải ngại, huống gì đây là ta bỏ tiền ra thuê
trường quay kia mà! Thế rồi "chuyện thuê trường quay" tuy giữ kín vẫn bị
tiết lộ. Các báo trong nước không dám đưa tin hay bàn tán gì về câu
chuyện cực kỳ nhạy cảm này.
Phạm Tiến Lộc trong vai Lý Công Uẩn và Á hậu Thụy Vân đóng vai Hoàng hậu Thanh Liên
Nay được biết thêm nhiều chi tiết.
Bộ phim sử thi mang tên "Đường tới Thăng Long", dài 12 tập, mỗi tập
chừng 45 phút, vị chi là gần 10 tiếng đồng hồ. Phim được quay tại trường
quay Hoàng Điểm, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, do Công ty cổ phần
truyền thông Trường Thành của Hoa Nam, Trung Quốc, đảm nhiệm. Phim được
quay từ ngày 13-12-2009, dự kiến đến cuối tháng 3-2010 hoàn thành. Về
phía Việt Nam nghệ sỹ Phạm Tiến Lộc đóng vai Lý Thái Tổ, nghệ sỹ trẻ Lưu
Thành Đạt đóng vai Lý Công Uẩn khi còn bé. Vai Hoàng hậu Thanh Liên do
nghệ sỹ Thụy Vân (từng là á hậu trong một cuộc thi hoa hậu) đóng; vai
Thanh Liên khi còn nhỏ do Phùng Hoài Linh đóng. Hoàng hậu Dương Vân Nga
do nghệ sỹ Phan Hòa, vua Lê Hoàn do Hoàng Hải, vua Đinh Tiên Hoàng do
Nghệ sỹ Trung Hiếu và Quốc sư Vạn Hạnh do nghệ sỹ Phạm Anh Dũng đóng.
Đoàn làm phim phía Việt Nam - gần 40 người - ở trường quay gần 4 tháng
nay, ăn Tết Canh Dần xa nhà, giữa mùa đông lạnh giá thường âm 5 đến 10
độ. Theo hợp đồng, phía Trung Quốc có đạo diễn Cận Đức Mậu, người Trung
Quốc một trăm phần trăm, không biết chữ Việt và tiếng Việt, đảm nhận
việc đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuât cho bộ phim này.
Êkíp làm phim gồm đạo diễn và các diễn viên
Có thể nói bộ phim
lịch sử này sẽ là công đầu của một ông Tàu. Các cảnh triều vua nhà Đinh,
nhà Tiền Lê và nhà Lý ở Hoa Lư, Thăng Long được tái hiện trong phim đều
là cảnh trong trường quay Trung Quốc. Các y phục của ba triều đại nước
Việt do các nghệ sỹ Việt Nam đóng đều mượn và may tại Trung Quốc. Hàng
nghìn quần chúng của bộ phim, từ thị vệ, hoạn quan, thái giám, lính hầu,
giám mã, quan lại, nhà nho, sĩ tử, thị dân, thương gia, nông dân, trẻ
chăn trâu… đều là người Trung Quốc, già trẻ lớn bé đều là dân Tàu đột
lốt Việt. Các đền chùa miếu mạo, lăng tẩm dinh thự ở vùng Hoa Lư, Thăng
Long và phong cảnh nước Việt ta đều mượn cảnh các kiến trúc và phông màn
của Trung Quốc. Cho nên đã có không ít người lo và các bloggers báo
động cho nhau rằng "Lý Thái Tổ đã bị bắt cóc ra khỏi nước ta!" và "bộ
phim lịch sử của Đại lễ Ngàn năm Thăng Long đã bị mất hồn". Hồn đây là
Hồn Nước, Hồn Dân tộc, Hồn Việt Nam. Dù cho bộ phim dài, cảnh hoành
tráng, sắc màu rực rỡ, cờ xí rợp trời, kèn trống inh ỏi, quần chúng đông
đúc, kỹ thuật quay, dựng rất hiện đại... nhưng mất hồn, mất linh hồn,
mất Hồn Thiêng Dân Tộc là mất hết, mất sạch. Còn là vết nhơ ngàn năm.
Hãy
đọc lại nghị quyết của Bộ Chính trị, 2 nghị quyết của Thành ủy Hà Nội
về Đại Lễ Ngàn năm Thăng Long. Qua bi kịch của bộ phim trên, có nên thay
đổi một loạt chữ trong các nghị quyết trên cho đúng với sự thật chăng?
Độc lập thành Bắc thuộc. Tự chủ thành tự sát. Tự cường thành bạc nhược.
Tự hào thành ô nhục. Cái Đinh vàng ư? hay là cái đinh rỉ đâm vào trái
tim của hơn 80 triệu con người Việt Nam luôn mang trong mình dòng máu
Việt, tấm lòng Việt, tâm hồn Việt mãi mãi trường tồn. Bộ phim ngoại tộc
trên đây nên mang tên "Lạc đường tới Thăng Long" vì từ Hoa Lư đến Thăng
Long chỉ hơn trăm kilômét, lại đi lạc vạn dặm sang Hoa Nam, rồi mới trở
về Thăng Long! Hãy để trình chiếu riêng cho Đại Hội XI của đảng CS VN
vào đầu năm 2011.
|