Một trang tin vừa có bài hướng dẫn cách "vượt tường lửa" để truy cập mạng kết nối xã hội Facebook, được nói là bị chặn ở Việt Nam.
Trang Xa lộ Thông tin Online của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông có bài viết "10 cách truy cập facebook khi bị chặn", hướng dẫn tỉ mỉ cách cách thức mà người sử dụng internet có thể dùng.
Trong đó, các cách Dùng Open DNS, Sử dụng DNS của Google và Sử dụng phần mềm DNS Jumper được cho là "tốt nhất để bạn truy cập vào Facebook lâu dài và hiệu quả".
Cho tới nay, chưa có xác nhận chính thức từ bất cứ cơ quan quản lý nào, rằng mạng xã hội với nhiều triệu thành viên khắp toàn cầu này bị cấm truy cập ở trong nước.
Tuy nhiên, một số nhân viên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ internet FPT từng nói với BBC rằng họ đã chặn Facebook theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Việc kiểm duyệt internet ở Việt Nam đã bị một số tổ chức theo dõi tự do báo chí chỉ trích. Tổ chức Phóng viên Không biên giới còn liệt Việt Nam vào danh sách 'Kẻ thù của internet'.
Nhà nước Việt Nam nói chủ trương ngăn chặn các "thông tin độc hại" là đúng đắn.
Tuy nhiên, trong số các trang mạng bị chặn có nhiều trang mang thông tin chính trị-xã hội thuộc diện trong nước gọi là "nhạy cảm".
Gần đây, nhiều độc giả của trang BBCVietnamese.com cũng gửi thư nói họ khó khăn trong việc truy cập trang mạng tiếng Việt của BBC.
Nhu cầu của giới trẻ
Trước khi có hiện tượng không truy cập được, Facebook đã có sự phát triển nhanh và mạnh ở Việt Nam, với khoảng một triệu thành viên.
Người Việt Nam chủ yếu dùng công cụ này để liên lạc với bạn bè và người thân, chia sẻ thông tin trên mạng, nhất là các thông tin không tìm thấy ở truyền thống trong nước.
Nhưng không chỉ vậy, ngày càng có nhiều người tìm cách gia tăng cơ hội kinh doanh, làm PR hay tiếp thị thông qua các mạng xã hội.
Mới đây, một công ty của Việt Nam cũng ra mắt mạng kết nối xã hội mà công ty này nói hoàn toàn "do Việt Nam thiết kế và quản lý", nhắm vào nhu cầu kết nối của người dân trong nước, nhất là giới trẻ.
Công ty VTC nói tham vọng là mạng Go.vn của họ sẽ chiếm 50% thị phần vào năm 2015.